Thứ Sáu sau Chúa Nhật 32 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 13, 1-9
"Nếu họ đã có thể truy tầm càn khôn, sao họ lại không nhận thấy Chúa tể Càn khôn".
Trích sách Khôn Ngoan.
Khờ dại thay tất cả những người không chịu nhận biết Chúa, và cả những người không biết căn cứ vào các sự vật hữu hình để tìm hiểu Ðấng Tự Hữu, và không chú ý đến các công trình để biết ai là Ðấng Hoá công. Nhưng họ kể lửa, gió, khí thiêng, bầu trời đầy tinh tú, nước lũ, mặt trời, mặt trăng là những thần minh bá chủ hoàn cầu. Nếu họ say mê vẻ đẹp của các vật đó mà kể chúng là chúa tể, thì phải biết rằng: Ðấng quản trị các vật đó còn tốt đẹp hơn bội phần, vì chính Ðấng tác sinh thiện mỹ, đã tạo thành mọi vật đó. Hoặc nếu họ ngạc nhiên về năng lực và kỳ công của những tạo vật đó, thì do đó họ phải hiểu rằng Ðấng đã tạo thành các vật đó, còn có quyền lực hơn nhiều, vì do sự cao sang tốt đẹp của tạo vật mà người ta có thể nhìn biết Ðấng tạo dựng mọi loài.

Thứ Năm sau Chúa Nhật 32 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 7, 22 - 8, 1
"Sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của uy quyền Thiên Chúa".
Trích sách Khôn Ngoan.
Trong sự khôn ngoan có tinh thần sáng suốt, thánh thiện, duy nhất, đa diện, tinh vi, lợi khẩu, linh động, tinh tuyền, chắc chắn, dịu dàng, phục thiện, sâu sắc, bất khuất, hào hiệp, nhân đạo, đại lượng, vững tâm, bền chí, vững chắc, bình thản, làm được mọi sự, kiểm soát hết thảy, thấu suốt mọi thần trí, những kẻ thông minh, những người thanh sạch và những người tế nhị. Sự khôn ngoan linh hoạt hơn mọi chuyển động, và vì trong sạch, nên thấu nhập mọi nơi.
Sự khôn ngoan là hơi thở của quyền năng Thiên Chúa, và là sự phát xuất tinh tuyền của vinh quang Thiên Chúa toàn năng; bởi thế không vật ô uế nào đụng tới được; sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của Uy quyền Thiên Chúa, và là hình ảnh lòng từ nhân của Người.
Tuy duy nhất, nhưng sự khôn ngoan có thể làm mọi sự, và dù bất biến, nhưng có thể canh tân mọi loài. Qua các thế hệ, sự khôn ngoan lan tràn trên các tâm hồn thánh thiện, làm cho các tâm hồn trở nên bạn hữu và tiên tri của Thiên Chúa.
Vì Chúa không yêu mến ai nếu không phải là kẻ ở với sự khôn ngoan. Khôn ngoan xinh đẹp hơn mặt trời, trổi vượt mọi tinh tú, và so với ánh sáng, nó còn trổi vượt hơn, vì ánh sáng có lúc phải nhường chỗ cho bóng tối, nhưng ngay cả gian ác cũng không thắng nổi sự khôn ngoan.
Vậy sự khôn ngoan đã lan tràn mạnh mẽ từ bờ cõi này đến bờ cõi kia, và hướng dẫn mọi loài cách khôn khéo.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 89. 90. 91. 130. 135. 175
Ðáp: Thân lạy Chúa, cho tới đời đời, lời Chúa vẫn còn đó (c. 89a).
Xướng: 1) Thân lạy Chúa, cho tới đời đời kiếp kiếp, lời Chúa vẫn còn đó như cõi trời cao. - Ðáp.
2) Ðời nọ sang đời kia, còn mãi lòng trung thành của Chúa, Ngài đã kiến tạo địa cầu, nó còn đứng vững trơ trơ. - Ðáp.
3) Theo chỉ dụ Chúa, vũ trụ luôn luôn tồn tại, vì hết thảy vạn vật đều phải phục vụ Ngài. - Ðáp.
4) Sự mạc khải lời Ngài soi sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. - Ðáp.
5) Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
6) Nguyện cho hồn con được sống để khen ngợi Chúa, và xin các sắc dụ của Chúa phù trợ cho con. - Ðáp.

* * *

Bài Ðọc I: (Năm II) Plm 7-20
"Xin anh tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Philêmon.
Anh thân mến, tôi rất đỗi vui mừng và an ủi, vì lòng bác ái của anh, vì hỡi anh, nhờ anh mà tâm hồn các thánh được hài lòng.
Bởi đó, dầu trong Ðức Giêsu Kitô, tôi có đủ quyền để truyền cho anh điều phải lẽ, nhưng tôi thà nại vào đức bác ái mà nài xin anh thì hơn, vì anh cũng như tôi. Phaolô già nua, và hiện đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh cho Ônêsimô, đứa con tôi đã sinh ra trong xiềng xích. Xưa kia nó là người vô ích cho anh, nhưng hiện nay, nó lại hữu ích cho cả anh và tôi nữa, tôi trao lại cho anh. Phần anh, anh hãy đón nhận nó như ruột thịt của tôi.
Tôi cũng muốn giữ nó lại để thay anh mà giúp đỡ tôi trong lúc tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng vì chưa biết ý anh, nên tôi không muốn làm gì, để việc nghĩa anh làm là một việc tự ý, chứ không vì ép buộc. Vì biết đâu nó xa anh một thời gian để rồi anh sẽ tiếp nhận nó muôn đời, không phải như một người nô lệ, nhưng thay vì nô lệ, thì như một người anh em rất thân mến, đặc biệt đối với tôi, huống chi là đối với anh, về phần xác cũng như trong Chúa.
Vậy nếu anh nhận tôi là bạn hữu, thì xin anh hãy đón nhận nó như chính mình tôi vậy. Nếu nó đã làm thiệt hại cho anh điều gì, hay mắc nợ anh, xin anh hãy tính vào sổ của tôi. Chính tôi là Phaolô đây, tôi tự tay viết là tôi sẽ thanh toán, trừ phi tôi kể ra cho anh hay rằng chính anh mắc món nợ với tôi. Hỡi anh, thật thế. Nhờ anh tôi sẽ được hân hoan trong Chúa: anh hãy làm cho tôi được thoả lòng trong Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10
Ðáp: Phúc thay con người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ (c. 5a).
Xướng: 1) Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. - Ðáp.
2) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù, Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. - Ðáp.
3) Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của người sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. - Ðáp.

* * *

Alleluia: 2 Tx 2, 14
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 20-25
"Nước Thiên Chúa ở giữa các ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia". Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông". Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu nói với người Do Thái "Triều Ðại Thiên Chúa đang ở giữa các ông". Ngài muốn nói tới triều đại Thiên Chúa chính là sự hiện diện của Ngài.
Ðể nhận ra Nước Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của Ðức Giêsu, chúng ta không thể dùng giác quan tự nhiên, mà phải nhìn với con mắt đức tin. Chúng ta tin rằng Nước Trời hiện diện ngay trong cuộc sống trần gian này, ngay trong tâm hồn chúng ta. Vì thế cuộc sống trần gian này, ngay trong tâm hồn chúng ta. Vì thế cuộc sống của chúng ta sẽ là bằng chứng sống động cho sự hiện diện của Nước Trời.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa luôn hướng dẫn chúng con. Xin cho chúng con biết nhìn ra Chúa hiện diện và đồng hành với chúng con trên đường đời. Dù có gặp khó khăn trở ngại, chúng con không sợ, vì có sức mạnh của Chúa. Ðể cuộc sống của chúng là lời loan báo Tin Mừng Nước Chúa cho anh em. Amen.

CHÚA NHẬT 31 TN B


Một cha tuyên úy của một nhà tù thời trước kể chuyện: Cha quy tụ các tù nhân có đạo lại; Cha thường xuyên giúp đỡ họ chia sẻ lời Chúa và cầu nguyện theo Tin Mừng, thay vì đọc kinh hay giảng đạo. Họ thường chọn những đoạn Tin Mừng, Lời Chúa nói về lòng yêu thương nhân hậu của Chúa. Như đoạn Tin Mừng nói về người Samaritanô thương người, cứu giúp kẻ bị cướp đánh bỏ nửa sống nửa chết bên đường, hoặc dụ ngôn đứa con hoang đàng bụi đời trở về với người cha già khoan dung, hay những đoạn Tin Mừng tương tự về tình yêu của Thiên Chúa và lòng bác ái thương người. Sau đó họ im lặng suy gẫm Kính Thánh, rồi chia sẻ với nhau về cách thực hành Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày của mỗi người.
            Tối hôm ấy, trời đông giá lạnh như cắt da cắt thịt, có một tù nhân lần đầu tiên tham dự buổi cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa. Trong đám bạn tù ở phía đối diện có một anh tù chỉ mặc có chiếc áo mỏng dánh đang run lập cập, các anh tù khác hầu hết có áo ấm và quấn thêm cái mền. Trong lúc mọi người bàn luận giới luật yêu thương: Yêu Chúa và Yêu Người.
“Thương người như Chúa thương ta
Thương người cho xứng con Cha trên trời
Thương người như thể thương thân
Một mai rồi sẽ đến lần ta đây”.
            Người tù mới dự lần đầu, vừa có áo ấm, vừa có mền khoát. Anh ta đứng lên, tiến đến gần bạn tù đang lạnh run kia, và choàng chiếc mền của mình cho anh ta.
            Cử chỉ không lời của người tù sống và thực hành Lời Chúa làm cho mọi người để ý và gieo một ấn tượng cụ thể cho cả nhóm tù có đạo, hơn tất cả những lý thuyết đang chia sẻ, và từ hôm ấy, trại giam lần lần được cải hóa: lương thiện, yêu thương và đùm bọc nâng đỡ nhau hơn.
            Thưa ACE, cử chỉ của người tù ấy làm sáng tỏ điểm quan trọng mà chính Chúa Giêsu đã đề cập trong bài phúc âm hôm nay: Yêu Chúa và yêu người là giới răn trọng nhất.
            Mến Chúa và yêu người phải luôn luôn đi đôi với nhau như một tờ bạc có hai mặt. tờ bạc mà chỉ có một mặt thì chẳng mua được gì. Muốn mua lấy nước Thiên đàng mà chỉ yêu Chúa thôi thì cũng không được. Không chỉ đọc kinh, cầu nguyện, nhà thờ lễ nghĩa mà được lên Thiêng đàng, không biết hành động yêu thương với những người sống bên cạnh mình là một thiếu sót nặng. Thánh Jn Tông đồ đã nhấn mạnh điều nầy: “Nếu ai nói mình mến Chúa (Lạy Chúa con kính mến Chúa) mà lại đi thù ghét ACE mình, kẻ ấy là một tên nói láo. Bỡi vì nó không thể yêu mến Chúa mà nó không thấy, đang khi anh chị em nó thấy được, thì nó lại không thể yêu thương.” Chính Chúa Giê su đã truyền cho chúng ta lệnh nầy: “Ai yêu mến Thầy thì cũng phải yêu mến anh chị em mình”(1Jn.4,20)
            Thưa anh chị em, các bậc hướng dẫn đường thiêng liêng, tu đức nói rằng: “Lệnh truyền của Chúa Giê su buộc ta yêu Chúa và yêu người đồng thời. Nếu không yêu người, thì dầu có sốt sắng, đạo đức bên ngoài , không bao lâu họ cũng chẳng yêu mến Chúa được, chẳng bao lâu họ cũng sẽ lẩn tránh việc tiếp xúc với Thiên Chúa và với linh hồn bất tử của họ. Có một câu châm ngôn rất phổ biến để diễn tả chân lý này: Tôi tìm linh hồn tôi, tôi đâu thấy được. Tôi đi tìm Chúa, thì Chúa ẩn mặt, nhưng khi đi tìm tha nhân, thì tôi lại gặp được cả ba.
            Cho nên bí quyết để gặp Chúa và gặp được chính mình là tìm đến và yêu thương người thân cận. Mà thực tế bi đát thay, người thân cận trước hết lại ở ngay trong gia đình, thì nhiều người lại không yêu thương được. Gặp chuyện bực mình đâu ở ngoài đường, về nhà trút hết bực nhọc, giận dữ trên đầu vợ con, chồng con. Người trong nhà mà không yêu thương được, thì không thể yêu thương người ngoài được. Ngược lại, nếu biết yêu thương nhau trong gia đình, thì mới yêu thương được người khác nữa. Trong nhà mà thù hận nhau, giành giật cấu xé, đánh đạp chửi rủa, thì chắc chắn bên ngoài người ta chỉ có thủ thế, khi chưa có cơ hội bùng nổ.
            Như vậy, bài Phúc âm hôm nay mời gọi anh chị em mỗi người hãy tự hỏi: “Mình đã dành tình thương cho những người trong gia đình như thế nào? Nếu anh chị em tự trả lời: “Chưa mặn mà lắm”, là chắc chắn chưa có lòng yêu người, với láng giềng, bà con hàng xóm. Mà nếu chúng ta không thể yêu người mặn nồng, thì thưa anh chị em, chắc chắn chưa yêu mến Chúa thật sự. Ngược lại, trong gia đình, mọi người biết yêu quý nhau , thì dễ dàng yêu người lân cận, láng giềng và dễ dàng yêu mến Chúa.
            Cách đây không lâu, tại Texas, tờ báo Dallas Tin Sáng (Dallas Morning News) có đăng một lá thư của một thiếu phụ, nhân cái chết của bà mẹ đẻ, nội dung như sau: “Mẹ tôi sống gần chỗ tôi. Việc tôi giành chút thời gian để chăm sóc mẹ già như: pha một bình trà, một tách sữa, lẽ ra là việc dễ dàng và tự nhiên. Thế nhưng, tôi thường lấy làm nặng nề và cằn nhằn…Khi nói chuyện với mẹ, tôi thường lạnh nhạt, vội vã. Bây giờ mẹ tôi chết, tôi mới thấy thẹn lương tâm và xấu hổ. Thế giới nầy đầy những đứa con giống tôi. Tôi hy vọng viết lên điều nầy để những người con như tôi, rút ra bài học sớm”
            Tội nghiệp các cha mẹ già bên Tây bên Mỹ, nhưng  bên “ta”, giáo xứ mình liệu con cái, cha mẹ sống với nhau có khá hơn không? Nhất là sau khi cha mẹ chết, người ta còn thấy thẹn lượng tâm, xấu hổ và hối tiếc không? Còn chúng ta, những người trong gia đình chết, chúng ta có còn nhớ thương cầu hồn xin lễ, nhất là trong tháng các đẳng, cho ông bà cha mẹ đã qua đời không? Không cầu hồn xin lễ cho người nhà đã qua đời, thì làm gì cầu hồn xin lễ cho người ngoài, vì yêu Chúa và yêu người được.
            Thưa  anh chị em, Mến Chúa và Yêu Người còn phải thể hiện lo lắng và yêu thương phần hồn của người ta nữa. Vì phần linh hồn mới vĩnh cửu, còn phần xác chỉ là đời tạm. Hội thánh lập ra tháng các đẳng là để thúc giục chúng ta cứu vớt các linh hồn; cứu vớt ông bà cha mẹ đã qua đời đang đau khổ, quằn quại trong luyện ngục; cứu vớt linh hồn con cái, anh chị em, thân bằng quyến thuộc.
            “ Thương người như thể thương thân. Một mai rồi sẽ đến ngày ta đây”
            Chúa Giê su đã phán: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy,  và Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23)
                                                                                    Linh mục J.M Nguyễn Hoàng Trí