Ðức Giêsu Kitô Tỏ Mình Trong Tiệc Cưới Cana
(Isaia 62,1-5; 1Côrintô 12,4-11; Gioan 2,1-12)
Phúc Âm: Ga 2, 1-12
"Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa".
Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". Chúa Giêsu nói với mẹ: "Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến". Mẹ Người nói với những người giúp việc: "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo". Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy đổ nước đầy các chum". Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: "Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!" Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: "Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này". Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.
{Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.}
Suy Niệm:
Sau lễ Hiển linh nói lên mầu nhiệm Ðức Giêsu tỏ mình cho chư dân, phụng vụ bắt đầu mùa Thường niên. Và những Chúa nhật mở đầu trong mùa này sẽ thuật lại những công việc đầu tiên mà Ðức Giêsu làm để xây dựng Nước Trời trong kế hoạch đã khiến Người nhập thể giáng sinh cứu đời. Ðó là những việc đã từng được Cựu Ước loan báo và hứa hẹn. Ðức Giêsu đã thực hiện khi Người ra đi giảng đạo, nhưng với mục đích những việc ấy còn kéo dài ảnh hưởng cứu độ cho đến tận cùng lịch sử. Như vậy, các việc Ðức Giêsu đã làm đang còn có liên hệ đến chúng ta; khiến chúng ta phải để tâm quan sát và tìm hiểu. Chúng ta có thể cứ theo thứ tự thời gian: đọc lại những lời loan báo của Cựu Ước về ý chỉ cứu độ của Chúa; rồi xem Người thực hiện thế nào qua hành động của Ðức Giêsu nhưng nhất là cần xem những hành động này để lại ảnh hưởng cứu độ thế nào trong cuộc đời hiện nay của chúng ta.
1. Thiên Chúa Hứa Kết Hôn Với Dân Người
Bài sách Isaia hôm nay là một lời tiên tri rất an ủi. Khó có thể xác định Chúa đã tuyên bố những lời hứa này vào lúc nào. Tiên thiên, người ta có thể bảo đây là những lời an ủi Israen khi họ đang lưu đày. Họ thấy mình đã bị bỏ rơi. Vì thực ra còn gì có thể gọi là dân Chúa? Ðất nước bị ngoại bang xâm chiếm, Ðền thờ cũng chẳng còn; mà các phần tử ưu tú trong dân cũng đã bị phát lưu sang tận Babylonia. Ở đây, người ta chỉ thấy sức mạnh của đế quốc. Và tà giáo ở những nơi này thịnh đạt vô cùng. Làm sao Israen có thể hồi sinh được? Và Chúa của Abraham, Isaac và Giacob chắc chẳng mong gì có lại được một ngôi đền thờ sở dĩ coi được. Ngài đã bỏ Israen rồi, vì chính họ đã chẳng chịu quay mặt về lại với Người. Lưu đày là mồ chôn mọi lời giao ước...
Ðó là ý nghĩa của Israen. Mọi kẻ biết họ cũng chỉ có thể nghĩ như thế thôi. Nhưng đó lại không phải là ý nghĩ của Thiên Chúa. Người sai Isaia và các ngôn sứ đến. Họ khẳng định tương lai sẽ không như vậy. Ở đây Isaia có vẻ như sẽ chẳng chịu ngồi yên cho đến khi nào ánh sáng của Chúa lại tỏa trên Sion. Giêrusalem sẽ lại bừng sáng trước sự ngưỡng mộ của chư dân. Chẳng ai sẽ còn bảo Israen là kẻ bị bỏ rơi nữa; ngược lại rõ ràng nó sẽ trở nên người hôn thê lý tưởng của Thiên Chúa tình yêu.
Và tất cả sẽ xảy ra như thế chỉ vì Giavê là Ðấng tín thành. Người không bỏ rơi người bạn mà Người đã đính ước. Người lại toàn năng đến nỗi tự mình thay đổi hẳn được vận mạng của bạn Người hiện nay. Từ thân phận như của một vùng đất tan hoang, Người sẽ biến nó nên thiên đàng trù mật; và từ hình thức một thiếu phụ tàn tạ, Người sẽ đổi mới thành một hiền thê khả ái. Chương trình của Người đáng tin cậy sao? Ðó là những lời tiên tri đầy an ủi. Niềm tin này trở thành lẽ sống duy nhất của dân lưu đày.
Chúng ta biết các ngôn sứ đã có lý. Chúa đã đưa dân lưu lạc về. Giêrusalem được tái thiết. Nhưng ánh sáng như vừa lóe lên ở Sion, thì bỗng dưng chân trời lại như muốn tối sầm lại. Việc xây dựng đền thờ gặp nhiều khó khăn do đám dân đến ở Giêrusalem trong thời gian lưu đày. Dân Chúa lại nao núng niềm tin. Có lẽ vào lúc ấy Isaia mới tuyên bố những lời trong bài đọc hôm nay. Vị trí của những lời này trong sách của ông khiến chúng ta phải nghĩ như vậy. Ðây là sấm ngôn trong phần III (cũng gọi là sách III) trong tác phẩm mang tên Isaia. Xét về thời gian đó là những lời tiên tri sau lưu đày. Nhưng xét về nội dung đó cũng là những lời có giá trị an ủi Israen như trong phần II (hoặc sách II) của Isaia, tuyên bố trong thời gian dân Chúa bị thử thách.
Ðàng nào thì dân Chúa cũng đang gặp khó khăn và nặng mặc cảm bị Chúa bỏ rơi. Không như vậy thì vì sao công việc tái thiết đền thờ lại gặp khó khăn như thế này. Tựa vào niềm tin, Isaia can đảm nói lên lời trông cậy. Ông khuyến khích những cánh tay đang tái thiết đền thờ đừng rã rời vì nản chí. Chúa sẽ chiếu sáng trên Sion mà! Người sẽ đặt triều thiên trên đầu dân Người. Họ sẽ là hôn thê của Người như Hôsê cũng đã từng loan báo. Chúng ta chưa thấy những công việc ấy hoàn toàn xảy ra sau lưu đày. Nhưng sau này chắc chắn sẽ như vậy. Và những gì đáng xảy ra sau lưu đày, ít nhất cũng là những dấu hiệu bảo chứng để chúng ta tin tưởng hướng về tương lai.
Như vậy việc đặt các lời tiên tri hôm nay vào thời gian sau lưu đày, lại càng ý nghĩa đối với chúng ta. Chúng không cho phép chúng ta dừng lại nơi Cựu Ước, tưởng rằng lời tiên tri đã thực hiện cho dân sau lưu đày. Không, mọi lời tiên tri chỉ thể hiện đầy đủ trong Tân Ước, khởi sự nơi Ðức Giêsu Kitô nhưng cũng chỉ hoàn tất khi Người vươn tới tầm vóc viên mãn, tức là lúc thế mạt. Cũng như thay vì hiểu những lời tiên tri hôm nay như là những lời của Isaia nói với Israen, chúng ta có thể coi đó là những lời của chính Thiên Chúa trực tiếp nói với dân Người. Họ bảo Người bỏ rơi họ ư? Này, Người sẽ không ngồi yên cho đến khi ánh sáng lại bừng lên trên Giêrusalem và Sion trở thành hiền thê của Người. Hiểu như vậy, bản văn sẽ trữ tình hơn, cũng như hiểu đây là những lời tiên tri sau lưu đày sẽ trở nên gần gũi với chúng ta hơn. Dù sao đoạn tiên tri hôm nay cũng cho chúng ta thấy tình yêu trung kiên nồng nàn của Thiên Chúa đang nóng lòng muốn kết hôn với dân Người. Người đã thực hiện được việc ấy chưa, hay còn trong thời gian chờ đợi? Chúng ta hãy tìm câu trả lời trong bài Tin Mừng và bài Thánh thư.
2. Ðức Giêsu Kitô Tỏ Mình Trong Một Cuộc Hôn Nhân
Rất tiếc, phụng vụ đã không giữ lại những chữ đầu tiên mở đầu cho bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Gioan đã không viết rằng: bấy giờ có một tiệc cưới ở Cana; nhưng ghi rõ "ngày thứ ba" có tiệc cưới ở Cana". Những chữ "ngày thứ ba" rất có giá trị. Trong các sách Tin Mừng, những chữ ấy loan báo việc Chúa Giêsu sống lại ngày thứ ba sau khi tử nạn... Và như vậy thánh Gioan muốn kể câu chuyện tiệc cưới Cana trong ánh sáng và bầu khí Phục Sinh. Chúng ta phải dùng mầu nhiệm Chúa sống lại để hiểu sự việc sắp xảy ra.
Hơn nữa theo sách Tin Mừng của Gioan, ngày thứ ba hôm đó là ba ngày sau khi Ðức Giêsu hứa cho Nathanaen còn được xem thấy những việc lớn lao hơn việc Người biết rõ hành động của ông. Và tức cũng là ngày thứ năm sau khi Ðức Giêsu nhận các môn đệ đầu tiên; và là bảy ngày sau khi Gioan giới thiệu Người với dân chúng. Như vậy tiệc cưới Cana xảy ra vào ngày thứ tám, tức là ngày Chúa nhật của đạo mới. Gioan vốn có óc phụng vụ, đặt câu chuyện xảy ra vào ngày Chúa nhật để hàm ý nói rằng nó có hệ đến sinh hoạt của Hội Thánh hiện nay. Chúng ta không những phải dùng ánh sáng phục sinh để tìm hiểu, mà cũng phải liên hệ với phụng vụ Chúa nhật, tức là sinh hoạt của Hội Thánh hiện nay nữa. Những chữ "ngày thứ ba" mở đầu câu chuyện tiệc cưới Cana có ý nghĩa như thế.
Cũng như rất có ý nghĩa sự hiện diện của Ðức Maria, Mẹ Ðức Giêsu trong câu chuyện này. Người đã có mặt ở đó trước khi Ðức Giêsu đến với các môn đệ. Như vậy mẹ con đã sống xa nhau rồi. Ðức Giêsu đã đi vào cuộc đời công khai, xã hội. Người sống với các môn đệ chứ không còn ở với mẹ trong gia đình.
Tuy nhiên sách Tin Mừng Gioan sẽ lại nói đến Ðức Maria một lần nữa và chỉ một lần nữa thôi, khi ở dưới chân thập giá. Ðầu và cuối cuộc đời cứu thế của Ðức Giêsu đều có sự hiện diện của Mẹ Người, khiến chúng ta thấy Gioan có hàm ý rằng Ðức Maria theo dõi tham gia mật thiết vào công cuộc cứu thế. Và chúng ta nên nhìn khuôn mặt Người ở đây như khi Người sẽ đứng dưới chân thánh giá... Ðiều này giúp chúng ta hiểu hơn câu chuyện tiệc cưới, đặc biệt những lời đối thoại giữa Ðức Giêsu và Mẹ Người.
Vậy Ðức Maria đã có mặt tại tiệc cưới khi Ðức Giêsu đến với các môn đệ. Mẹ Người ở giữa xã hội loài người để đón tiếp ơn Chúa viếng thăm. "Họ hết rượu rồi", đó là lời Ðức Maria nói với Con Người khi Người vừa đến. Ai xúi Ðức Maria nói như vậy? làm sao Người biết việc đó? Hành động này nói lên sự hiểu biết thông cảm và tình thương cứu độ của Ðức Maria. Người là Ðấng cầu bầu cho loài người khốn khổ. Người thưa với Thiên Chúa về mọi nhu cầu của chúng ta, cả khi chúng ta không biết việc Người làm, chúng ta có tôn kính yêu mến Người mấy cũng chưa bù được tình thương săn sóc của Người đối với chúng ta. Một mặt Người là Ðấng cầu bầu cho chúng ta nhưng mặt khác, Người luôn luôn quay mặt nói với chúng ta như nói với những người giúp tiệc hôm đó "Ngài có bảo gì thì cứ làm theo". Gioan lấy lại lời Pharaon nói với dân Ai Cập trong nạn đói khổ: "Giuse bảo gì thì cứ làm theo" (Kn 41,55). Ðặt những lời này trên môi miệng Ðức Maria, Gioan muốn Mẹ Maria đóng vai trò giới thiệu Chúa Cứu Thế.
Hơn nữa, dường như Người muốn nói với tất cả những ai ở mọi thế hệ chạy đến cầu bầu Người rằng: hãy cứ thi hành lệnh Chúa truyền dạy. Trước mặt Chúa, Người là Ðấng chuyển cầu cho chúng ta"... Còn đối với chúng ta, Người luôn luôn nhắn nhủ hãy sống theo ý Chúa. Hai vai trò ấy cho chúng ta thấy Ðức Maria trong mầu nhiệm Cứu Thế và khiến chúng ta phải biết tôn sùng Người thế nào cho hợp ý Người. Ở đây, trong tiệc cưới Cana, Người đã trình bày thân phận thiếu thốn của loài người tội lỗi trong câu: "Họ hết rượu rồi". Ðó là dân Cựu Ước thường dùng để mô tả thời buổi đói khổ dân Chúa, biểu lộ hoàn cảnh đáng thương đang chờ ơn Cứu độ.
Như vậy Ðức Maria xin ơn cứu độ cho loài người. Ít ra, Ðức Giêsu hiểu như vậy và muốn nâng lòng Mẹ Người phải hiểu như thế. Do đó Người gọi mẹ bằng từ ngữ rất thông thường chẳng phải bất kính gì, nhưng muốn đặt mẹ vào trong kế hoạch cứu độ. Trong kế hoạch này, tình máu mủ thế gian không ăn thua gì. Tất cả giá trị tùy thuộc ở niềm tin.
Sau này, khi ở trên thập giá, Ðức Giêsu cũng gọi mẹ bằng từ ngữ: "này bà", để Người ngửng đầu lên nhận lấy trách nhiệm và vinh dự làm mẹ cả loài người.
Giờ ấy hôm nay chưa đến, Ðức Giêsu ý thức như vậy. Nhưng nó cũng đã khởi sự từ hôm nay. Hoặc ít ra Ðức Giêsu cũng muốn bắt đầu khi có lời thỉnh nguyện của Ðức Maria. Người chưa biến chén rượu thành máu, vì đó là việc của "giờ" Cứu độ sẽ được thi hành trong mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Nhưng tiếp xúc với một nhân loại thống khổ, như Ðức Maria vừa trình bày cho Người thấy, Ðức Giêsu đã khởi sự cứu vớt. Người biến nước thành rượu để báo trước sẽ đến giờ biến rượu thành máu... Người biến cả 6 chum nước lớn để tỏ ra ơn cứu độ sẽ vô cùng dồi dào phong phú.
Và sự kiện này không thể không tạo nên một niềm hân hoan lớn. Tất cả những câu nói của người chủ tiệc chỉ có mục đích nói lên lòng cảm mến hân hoan đó. Rượu mới mà Ðức Giêsu mang đến vượt xa thứ rượu cũ của Cựu Ước khiến thật sự chúng ta được chiêm ngưỡng vinh quang hiển linh của Chúa nơi Ðức Giêsu Kitô.
Hiểu bài Tin Mừng hôm nay như vậy, chúng ta thấy rõ câu chuyện tiệc cưới Cana gắn liền với mầu nhiệm Cứu thế và với phụng vụ Thánh Thể mà Hội Thánh cử hành mỗi ngày thứ 8, tức là ngày Chúa nhật. Thánh Gioan cho chúng ta thấy một cuộc hội họp, hình ảnh của xã hội loài người nói chung và cộng đồng dân Chúa nói riêng.
Ðức Maria đã ở đó như là Người trung gian các ơn trong thái độ chuyển cầu và khuyên bảo. Cuộc hôn nhân mà loài người đang cử hành, tức là đời sống con người ở diện hạnh phúc nhất, đang lâm vào tình trạng nguy ngập; Ðức Kitô đến; Ðức Mẹ thỉnh cầu; loài người làm theo ý Chúa; hôn lễ được hồi sinh; nhưng người ta sẽ không còn để ý đến đám hôn nhân hôm ấy nữa cho bằng đang nhìn theo đám người đang đi xuống Capharnaum: Ðó là đi với Mẹ và anh em Người, và với các môn đồ của Người. Ðó là cộng đồng dân Chúa mới, là Hội Thánh Ðức Kitô, là hôn nhân mới và vĩnh cửu nhờ chén rượu đã trở thành máu trong giao ước mới, mà hôm nay việc nước biến nên rượu là bước đầu.
Như vậy, kết thúc bài Tin Mừng, thánh Gioan mời chúng ta nhìn sang Giáo Hội. Ở đây bài Thánh thư sẽ soi sáng thêm cho chúng ta.
3. Hội Thánh Và Thánh Thần
Nhìn vào Ðức Giêsu vừa làm phép lạ biến nước thành rượu giữa các tông đồ, con mắt đức tin của Gioan đã nhận ra vinh quang của Thiên Chúa đã đến ở giữa loài người. Thiên Chúa và dân Người đã mật thiết với nhau như thầy với trò.
Hơn nữa, bản tính Thiên Chúa đã mặc lấy xác thể loài người khi Ngôi Lời hóa thành nhục thể. Ðó không phải là cuộc hôn nhân giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và dân Người sao? Lời tiên tri đã được thực hiện nơi Ðức Giêsu. Nhưng Ðức Giêsu đi giữa các môn đệ chưa hoàn toàn là Ðức Giêsu vinh quang. Ánh sáng của Người chỉ lóe lên chốc lát trong phép lạ nước hóa thành rượu. Ði giữa các môn đệ chưa được đầy Thánh Thần, vinh quang của Người còn bị xác thịt che dấu.
Nay Người đã trở về trời và sai Thánh Thần xuống, thì kìa Hội Thánh của Người đang đầy sức mạnh của Thánh Thần. Tông đồ Phaolô nhìn thấy sự sống hiện nay của Hội Thánh là một vườn hoa muôn sắc. Không thiếu ơn nào của Hội Thánh là một vườn hoa muôn sắc. Không thiếu ơn nào. Khôn ngoan có; trí tri có; có những phần tử đầy lòng tin lại có những anh em được tài chữa bệnh. Các ơn tiên tri cũng nhiều, mà các ơn biện phân mầu nhiệm cũng lắm. Một Hội Thánh như vậy không phải là một tổ chức loài người. Ðó không phải là xã hội sống bằng sự sống nhân loại. Nhưng rõ ràng đó là cơ thể đầy thần khí. Thánh Thần đang làm việc trong cơ thể như đã từng làm việc trong con người Ðức Giêsu Kitô ngày trước. Nói cách khác, xưa Thiên tính đã ở với Ðức Giêsu thành Nadarét để cứu thế, thì bây giờ Thần khí Thiên Chúa đang ở trong Hội Thánh để tiếp tục sứ mạng của Ðức Giêsu. Hội Thánh là thân thể nối dài của Người. Và như vậy, cuộc hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân Người, xưa thực hiện nơi Ðức Giêsu, thì nay cũng đang tiếp tục trong Hội Thánh. Hội Thánh là Israen mà Isaia đã nhìn thấy trong niềm tin vào lời hứa. Hội Thánh thực hiện mọi lời tiên tri đã từng là lẽ sống cho tiền nhân. Và sở dĩ như vậy là nhờ Ðức Giêsu Cứu Thế, đã biến đổi rượu thành máu trong cuộc khổ nạn của Người, hoàn tất phép lạ hóa nước thành rượu trong tiệc cưới ở Cana. Chủ đám ngày xưa đã thốt ra những lời ngưỡng mộ kinh ngạc khi được nếm chút rượu mới, thì chúng ta phải hân hoan cảm tạ biết bao khi chạm vào chén máu của Ðức Kitô trong thánh lễ này.
Phải, chính trong Hội Thánh và nơi Thánh Thể mà chúng ta thấy kết tinh kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ở đây rõ ràng có tiệc cưới Chiên Con. Rượu sẽ hóa thành máu và máu sẽ ban Thánh Thần cho những ai lãnh nhận để một thần khí Thiên Chúa sinh hoạt nơi mọi phần tử trong Hội Thánh. Tham dự thánh lễ này, vì thế, chúng ta phải kết hiệp với thánh linh; và rồi phải sống như mình chỉ là một chi thể trong một thân thể. Phải đem khả năng thi hành nhiệm vụ riêng để phục vụ đoàn thể. Lúc ấy Hội Thánh mới tỏ ra thực là một cơ thể, cơ thể có Thần Khí, làm chứng Thiên Chúa đang kết hiệp với dân Người, thể hiện mọi lời tiên tri về hôn nhân như chúng ta đã nghe đọc trong thánh lễ hôm nay.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)