truyện cười dân gian 4


Cũng Một Môn
Ông kia có ba người con rể. Người rể lớn làm thợ bạc, người giữa làm thợ may còn thằng rể út không biết làm chi hết, tối ngày ăn chơi.

Ông bố vợ trách rể út:

- Người ta làm thợ bạc, muốn ăn bớt mấy phân, có mấy phân, làm thợ may muốn có mấ thước thì có mấy thước, chứ đâu có như mày chỉ được cái tài du hí, ăn nhậu mà thôi.

Rể út trả lời:

- Bố yên tâm! Để con rèn một cái mác rồi đến nhà mấy thằng thợ bạc, thợ may cướp về bạc trăm bạc ngàn chứ thèm thứ một phân hai phân, một thước hai thước như mấy ảnh.

Bố vợ giận tím mặt:

- Nếu như vậy là mày ăn trộm ăn cướp của người ta rồi chứ gì?

Rể út cũng không chịu thua, nói:

- Vậy chớ hai ảnh bớt của người ta, hai ảnh là cái giống gì vậy?




Cho Nó Một Chút
Có một anh học trò nghèo mà thông minh, thuê một căn phòng ở trọ trong phố. Đối diện nhà anh là nhà một bà cụ quay tơ, có cô con út nết na thùy mị, chăm chỉ việc nhà cửa bếp núc. Bà cụ thường đe bọn thanh niên hàng xóm:

- Có bà ở đây, tụi bay đừng hòng lúng phúng với con Út.

Một ngày kia, lúc cụ đang quay tơ, cô Út nấu ăn dưới bếp, anh trò cầm một cái chén nhỏ xíu sang nhà bà cụ:

- Thưa bác, hôm nay cháu quên mua nước mắm, bác cho cháu xin một muỗng.

Thấy anh học trò ăn nói dễ thương nên bà cụ cũng dễ dãi:

- Ừ, con cứ xuống bếp nói con Út đưa cho.

Anh học trò đi xuống bếp, giấu cái chén nói tỉnh bơ:

- Cô Út, bác nói cô cho tôi ... nắm tay cô một chút.

Cô Út sợ quá la toáng lên:

- Má ơi, anh này ảnh xin...

- Thì mày cho nó xin một chút. Có gì đâu mà kêu quá vậy.

Cô Út đ
ành đứng im cho anh ta nắm tay. Mấy hôm sau anh học trò lại sang:

- Thưa bác cho cháu xin mấy cọng hành nhỏ.

- Con cứ xuống bếp nói con Út đưa cho.

Anh học trò lại xuống bếp:

- Cô Út, bác nói cô cho tôi hôn một cái.

Cô Út la lớn:

- Má ơi anh này đòi...

- Thì mày cứ cho nó một chút...

Cô Út ngoan ngoãn vâng lời...để cho anh ta hôn. Cứ như thế, khi thì hạt tiêu trái ớt, khi thì muỗng muối hạt đường, cô Út đ
ành phải "cho một chút".

Một thời gian sau anh được ở rể nhà bà cụ khó tánh.






Nói Chuyện Thiên Văn
Hai ông thông thái rởm ngồi nói chuyện thiên văn. Ông thì bảo, trời cách ta mấy chục vạn dặm, ông thì bảo trời cách ta một vạn dặm là cùng. Không biết phân phải trái thế nào, có người đứng kế bên nghe được mới xen vào:

- Hai ông nói sai cả, làm gì xa đến vậy! Từ đây lên trời chỉ chừng bốn trăm dặm thôi. Đi mau ba ngày đi chậm thì bốn ngày tới nơi, vừa đi vừa về chừng sáu bảy này chi đó.

Hai ông thông thái hỏi vặn lại:

- Bằng chứng đâu mà ông nói chắc như vậy?

Người kia thản nhiên đáp:

- Cứ theo lệ thường thì 23 ông táo về trời, đến 30 thì đón ông ấy về. Hai ông tính thử xem.






Thế Thì Không Mất
Cô chủ và người ở đi đò, người ở lén ăn trầu, vụng tay làm rơi ống vôi xuống sông. Sợ chủ mắng nó mới lập mưu nói:

- Thưa cô, cái gì mình biết nó ở đâu thì có cho là mất không ạ?

Cô chủ vô tình trả lời:

- Sao lại hỏi lẩn thẩn thế! Đã biết nó ở đâu rồi lại còn gọi là mất thế nào được!

Người ở nhanh nhảu thưa:

- Thế thì cái ống vôi của cô không mất, con biết nó nằm ở dưới đáy sông, con vừa đánh rơi xuống đấy.






Quan Sợ Ai
Ông quan nọ hống hách hay đánh người, cứ tưởng như không ai to hơn mình. Một hôm trời mưa, rỗi việc, quan bắt chuyện với anh lính hầu cho qua thời gian. Anh lính hầu xuống giọng thưa:

- Bẩm! Từ khi ra làm việc, quan có sợ ai không?

Quan vuốt râu nói:

- Ta làm quan sợ đấng minh quân mà thôi!

- Bẩm! thế ông vua ngày nay có minh quân không ạ?

- Không phải là minh quân thì làm sao làm được vua.

- Bẩm thế vua có sợ ai không ạ?

- Vua là thiên tử còn sợ ai nữa!

Anh lính ra bộ ngẫm nghĩ một lúc rồi thưa:

- Bẩm, con tưởng con trời thì phải sợ trời chứ ạ?

- Ừ thì trời! Nhưng trời còn sợ ai!

- Bẩm con tưởng trời thì phải sợ mây, mây che kín trời.

Nghe nó nói có lý, quan bèn hỏi gặng lại:

- Thế mày bảo mây có sợ ai không?

- Bẩm mây sợ gió, gió thổi bạt mây.

- Thế gió sợ ai?

- Bẩm, gió sợ bức tường, tường cản gió lại.

- Thế bức tường sợ ai?

- Bức tường sợ chuột cống, chuột cống khoét lỗ tường.

- Chuột cống sợ ai?

- Chuột cống sợ mèo.

- Mèo sợ ai?

- Mèo sợ chó.

- Chó sợ ai?

- Bẩm, chó thì hay cắn bậy thì có ngày con vác gậy đập chết.






Làm Thơ Chia Gà
Đêm 30 tết gia đình bác Tám thật là xôm tụ, ngoài cặp bánh tét, hai quả dưa to còn có một con gà trống thiến béo ngậy đặt trang trọng trên bàn thờ.

Nhà bác Tám có bốn người: Vợ chồng bác, chị con dâu và cậu con Út mới có ...10 tuổi. Để tạo bầu không khí vui tươi đầu năm, bác Tám có dự định sau khi cúng ông bà xong, con gà sẽ được "xé phay" mừng xuân mới. Bác cho gọi cả nhà lại và nói:

- Nhân dịp đầu năm, nhà ta sẽ làm mỗi người một câu lục bát, ai làm trúng chữ nào có liên quan đến các bộ phận của con gà thì sẽ được chia phần đó.

Cả nhà hoan nghênh ý kiến của bác và náo nức chờ đợi. Ngoài đường tiếng pháo nổ vang rền, báo hiệu giờ giao thừa đã điểm. Phần nghi thức cúng kiến đã xong, bác Tám trịnh trọng bưng mâm cỗ đặt xuống chiếc bàn giữa nhà, bên cạnh có một con dao và xị rượu. Đưa xị rượu lên miệng tu một hao, bác nói:

- Tôi là trụ cột trong nhà nên tôi "đề pa" trước - bác đọc luôn - Trai thời trung hiếu làm đầu.

Cả nhà vỗ tay hoan hô trong khi bác cầm dao sấn lấy cái đầu con gà, đưa lên miệng nhai ngon lành...

Đến lượt bác gái chậm rãi hơn, đọc:

- Gái thời tiết hạnh phao câu, cánh, đ
ùi.

Bác trai cười đắc ý trong khi bác gái cầm dao cắt cái phao câu, cặp cánh, cặp đ
ùi và miếng tiết về phía mình. Đến lượt nàng dâu rụt rè e thẹn, được mọi người khích lệ cũng liều đọc luôn:

- Phận dâu một dạ một lòng.

Nói xong chị dâu gắp nguyên bộ lòng đặt vào chén, đĩa chỉ còn trơ trọi cái mình con gà. Bác Tám trai liếc qua thằng Út, thấy nó đang gãi đầu ra chiều suy nghĩ. Bác lẩm bẩm: "Chắc nó bí quá rồi, tội nghiệp thằng nhỏ...".

Bất ngờ thằng nhỏ đứng dậy vỗ tay rồi xướng luôn:

- Công cha nghĩa mẹ hết mình vì con.

Đọc xong nó bợ hết cái mình con gà dong tuốt xuống bếp.




Trời Sinh Ra Thế
Xưa có một ông nhà giàu sinh được hai người con gái, cô chị gả cho người làm ruộng, cô em gả cho một người học trò.

Một hôm thong thả, bố vợ cùng hai con rể đi chơi. Ông bố vợ nghe ngỗng kêu mới hỏi:

- Làm sao tiếng nó to thế?

Người học trò nói chữ:

- Trường cổ tắc đại thanh (Cổ dài tất to tiếng).

Người làm ruộng nói:

- Trời sinh ra thế!

Đi được một khoảng thấy mấy con vịt trời đang bơi dưới ao, ông bố lại hỏ:

- Tại sao nó nổi?

Anh học trò lại nói chữ:

Đa mao thiểu nhục tắc phù (nhiều lông ít thịt tất nổi).

Người làm ruộng trả lời: - Trời sinh ra thế!

Đi được khoảng nữa thấy hòn đá nứt đôi, ông bố lại hỏi:

- Sao đá bị nứt thế?

Người học trò lại nói:

Phi nhân đã tắc thiên đã (Chẳng người đập cũng trời đánh).

Người làm ruộng vẫn nói:

- Trời sinh ra thế!

Đến lúc về nhà ba bố con ngồi uống rượu. Ông bố khen anh rể học trò hay chữ và chê con rể làm ruộng dốt. Người con rể làm ruộng mới tức mình hỏi người học trò:

- Tôi thì dốt thật, nhờ chú cắt nghĩa "trường cổ tắc đại thanh" lại nghe coi.

Người học trò đáp:

- Cổ dài thì to tiếng.

Người làm ruộng bẻ lại:

- Thế con ếch, con ễnh ương cổ đâu dài mà tiếng cũng to?

Người nông dân nói tiếp:

- Chú nói "đa mao thiểu nhục tất phù" (nhiều lông ít thịt thì nổi). Thế con thuyền lông đâu thịt đâu mà cũng nổi?

Lúc đó ông bố mời gật gù nói:

- Ừ, dốt đặc còn hơn là chữ lỏng.






Chữ Nghĩa
Nhân lúc trà dư tửu hậu, mấy thầy trong bàn tiệc thi nhau kể chuyện kim cổ đông tây. Một thầy cao hứng kể:

-Tương truyền ông Trạng Hiền đời Trần mới lên tám tuổi mà
đã đối đáp được với sứ Tàu. Sứ Tàu đọc bài thơ thử tài người nước ta như sau:

Lưỡng nhật bình đầu nhật,

Tứ sơn điên đảo sơn.

Lưỡng vương tranh nhất quốc,

Tứ khẩu tung hoành gian.

Nghĩa là:

Hai mặt trời ngang hàng nhau,

Bốn ngọn núi ngược xuôi nghiêng ngửa.

Hai ông vua tranh nhau một nước,

Bốn cái miệng tung hoành ở giữa...

Trong đám có người nghe định đứng dậy ngắt lời người giảng giải thuyết trình. Đang hăng, ông ta không cho và ông ta tiếp tục nói:

- Không ai đoán ra chữ gì. Thế mà ông Trạng Hiền nhà ta nói ngay đó là chữ Điền. Sứ Tàu phục lăn.

Một anh đầy tớ đứng hầu nghe xin nói:

- Các thầy hay chữ thế, vậy tôi xin hỏi các thầy:"Hai cọc hai bên, khuyển trên hỏa dưới" là chữ gì?

Các thầy trố mắt nhìn nhau lắc đầu...

Anh đầy tớ nói gọn lỏn:

-Đó là chữ:"chó thui!''

-??!!






Mừng Đám Cưới
Một đám cưới nọ tổ chức rất linh đình, hơn nữa số lễ vật của khách đến chúc mừng cũng để bù đắp vào các khoản chi phí, đó là chưa nói đến trường hợp gia chủ được lãi, nếu có chủ tâm tính toán trước.

Thủ Thiệm (một nhân vật khôi hài nổi tiếng ở Đà Nẵng) ghét cay ghét đắng cái thói này. Tương truyền có một chuyện như vầy:

Đi dự đám cưới Thủ Thiệm mua một tấm lụa, viết lên đó ba chữ Hán thật to:"Miêu Bất Tọa" làm quà tặng đám cưới. Trong tiệc rượu, nhiều người nhờ Thủ Thiệm giải thích mấy chữ đó. Thủ Thiệm chép miệng:

- Chà có rứa mà mấy ông cũng hỏi! "Miêu" là mèo, "Bất" là không, "Tọa" là ngồi. "Miêu Bất Tọa" là mèo không ngồi, mà mèo không ngồi tức là mèo đứng. Các ông các bà mừng "Bách niên giai lão", "Bách niên hạnh phúc", còn tui thì "Mèo Đứng" cũng vậy mà thôi chứ có khác gì đâu.

Nhìn thấy tấm lụa có chữ "Miêu Bất Tọa" treo trang trọng giữa phòng chính, ai cũng bấm bụng cười thầm.



Đừng Nói Nữa Tao Thèm
Có một con chó bị người ta giết thịt, xuống âm phủ chầu Diêm Vương. Diêm Vương hỏi:

- Ở trần gian mày mắc tội gì mà bị người ta giết thịt?

- Dạ, không biết, chỉ nhớ là con đang đứng bổng bị người ta dùng búa đập vào đầu con đến chết.

- Thế rồi sao?

- Rồi người ta đưa con vào nồi, dùng nước nóng làm lông trắng phiếu.

- Rồi sao nữa?

Người ta cho con thuôn vào cái trui dài rồi thui vàng, mổ bụng lấy lòng con súc rửa trắng phau đem đi làm dồi rồi nướng lên thơm phưng phức. Thịt con họ nướng chả thơm điếc mũi, xương sườn bắp vế nấu dựa mận đặc quánh, cho thêm răm hành... gan con họ đem bọc mỡ...

Nghe đến đây, Diêm Vương xua tay bảo:

- Thôi thôi! Đủ rồi... đừng nói nữa tao thèm...






Bằng Hai Mày
Làng kia có một lý trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi. Một hôm thằng Cải đánh nhau với thằng Ngô không phân thắng bại, uất khí mang nhau đi kiện. Thằng Cải sợ yếu thế nên lót trước cho thầy lý năm đồng. Ngô biết mánh nhờ người lòn cửa sau dâng thầy lý mười đồng.

Khi xử kiện, thầy lý nói:

- Thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn phạt một chục roi.

Cải điếng người vội xòe năm ngón tay, ngẩng lên nhìn thầy lý khẽ bẩm:

- Xin xét lại lẽ phải thuộc về con mà!

Thầy lý cũng xòe năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay mặt nói:

- Tao biết! tao biết mày phải... nhưng nó còn phải bằng hai mày.






Giàn Hoa Lý Sắp Đổ
Một thầy đề sợ vợ, một lần bị vợ cào cấu cho rách cả mặt. Thầy đến công đường, quan huyện thấy mới hỏi:

- Sao mặt thầy lại xây xác ra thế?

Thầy đề thưa:

- Chiều hôm qua con đang ngồi hóng mát, cái giàn hoa lý nó đổ xuống, suýt nữa thì khốn.

Quan huyện không tin, hỏi lại:

- Thầy giấu tôi, chắc hôm qua bị vợ cào cho rách mặt chứ gì? Thầy cứ nói thật ra, tôi sẽ cho mấy tên lính ra lôi cổ vào đây trị cho một trận, cái giống đ
àn bà phải trị thẳng tay, nếu nhân nhượng đằng chân nó lân đằng đầu đấy.

Không ngờ quan bà
đứng trong tư thất nãy đến giờ nghe hết đầu đuôi, mặt hầm hầm bước ra. Quan trông thấy quan bà, líu cả lưỡi lại, bảo thầy đề:

- Thôi thầy... tạm lui... giàn hoa lý nhà tôi cũng sắp đổ.