ĐỒNG ĐÔ LA NHÂN NGHĨA


Chuyện phiếm của Gã Siêu.

Mấy bữa nay ở Việt Nam bàu trời thật là ảm đạm. Hết “áp thấp nhiệt đới” thì liền quay sang bão, thành thử mưa gió cứ sập xùi triền miên. Mà hễ cứ mưa to và gió lớn, thì y như rằng thế nào cũng cúp điện. Đây chính là một căn bệnh mãn tính của ông điện lực phe ta.
Giá như ở nước ngoài, có lẽ thiên hạ đã lôi ông ta ra ba tòa quan lớn mà đòi bồi thường thiệt hại, còn ở đây, thà rằng vạch đầu gối lên mà than vắn thở dài còn hơn. Có vác đơn đi kiện thì cũng chỉ như “con kiến mà kiện củ khoai” mà thôi.
Ngày xưa khi còn xử dụng chiếc máy chữ cà rịch cà tàng, thì bất kể thời tiết nắng mưa, ngày và đêm, lúc nào cũng có thể ngồi vào bàn mà gõ lóc cóc.
Còn bây giờ, ti toe bắt chước thiên hạ, đèo bồng chiếc vi tính, thành thử hễ cúp điện là thất ngiệp, ngồi chơi xơi nước, hay ngáp vặt chờ cơm.
Vì thế, để điền vào những khoảng trống cho hợp nghĩa, gã bèn lôi hết các thứ sách vở, báo chí cũ ra đọc, để cho chúng khỏi mốc meo…đọc cho đến lúc mờ cả mắt mới thôi. Và đoạn sách hôm nay gã ghiền gẫm nói về lịch sử dân Do thái, đại khái như thế  này :
Vào năm 66, nhóm “Zélotes” đã phát động một cuộc nổi dậy, chống lại sự thống trị tàn bạo của các viên chức La mã. Vì thế, vào năm 70, tướng Titus đã đem quân chiếm đóng Giêrusalem, thiêu hủy đền thờ, hàng ngàn người Do thái đã bị giết, còn phần đông đã bị bắt đi làm nô lệ. Đất nước Do thái tan hoang từ đó.
Trong nhiều thế kỷ, người Do thái lưu vong đã bị dân Âu châu nhìn bằng một cặp mắt khinh bỉ về phương diện dân sự vì họ chỉ là những kẻ ngoại lai, coi thường về phương diện tinh thần vì họ chẳng có một nền văn hóa nào cả, cũng như về phương diện tôn giáo vì họ là quân “Giu dêu” đã giết Chúa.
Trong khi đó, giải đất Palestine lần lượt bị những người Ả rập và Thổ nhỉ kỳ thống trị.
Mãi cho đến năm 1879, cuộc cách mạng Pháp mới công nhận quyền tự do của người Do thái. Rồi sau đó, nhiều chính phủ khác cũng đã chấp nhận lập trường ấy. Và người Do thái đã liên tục phát triển một cách rất đặc biệt. Họ trở nên những ông chủ của ngành tài chánh và báo chí thế giới.
Sau khi cuộc đại chiến lần thứ hai kết thúc, Liên hiệp quốc, vào năm 1947, đã phân chia giải đất Palestine thành hai miền riêng biệt , rồi ngày 15 tháng 8 năm 1948, nhà nước Israel được chính thức thiết lập và những người Do thái từ khắp nơi trên thế giới lục tục kéo nhau về để xây dựng lại quê hương đất nước.
So sánh sự kiện năm 70 của dân Do thái với sự kiện năm 1975 của người Việt Nam, gã nhận thấy mình hơn hẳn họ ở nhiều điểm.
Trước hết, nhờ biến cố này mà hôm nay người Việt Nam mình đã có mặt trên toàn cõi địa cầu, không riêng gì bên châu Âu hay châu Mỹ như  dân Do thái, mà còn ở khắp mọi nơi, từ nam chí bắc, từ đông chí tây.
Nếu ngày xưa cha ông chúng ta đã bảo : đi một ngày đàng, học một sàng khôn, thì không hiểu đồng bào ta ở nước ngoài đã thâu lượn được biết bao nhiêu “xe tải chất đầy sự khôn ngoan” của cả và thiên hạ.
Hơn thế nữa, khả năng “tiêu hóa” của người Việt Nam mình lại thuộc vào hằng siêu đẳng, bằng chứng là ngày xưa Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo đã được cha ông chúng ta “cập nhật hóa” thành cái vốn riêng của nền văn hóa dân tộc.
Hay như Kitô giáo với nền văn minh phương tây đặt chân tới miền đất khỉ ho cò gáy này, thì cha ông chúng ta đã mượn tạm bản mẫu tự La tinh mà chế biến thành chữ quốc ngữ ngày hôm nay.
Và như thế, đồng bào chúng ta ở nước ngoài đã, đang và sẽ còn gạn lọc được những tinh hoa, những cốt lõi của muôn dân, muôn nước trên thế giới. Gã mong rằng họ sẽ là những con tằm sẽ nhả ra được những sợi tơ vàng óng ánh.
Tiếp đến, trừ một vài nơi có nạn kỳ thị chủng tộc, dân địa phương sợ “nạn da vàng” như sợ một chứng bệnh dịch nguy hiển. Hay vì ghen tức với những thành công của phe ta mà đem lòng thù oán, còn phần đông người Việt nam mình đều được vị nể, chứ không bị khinh bỉ như dân Do thái ở Âu châu. Bằng chứng là trong lịch sử, mỗi khi có những biến loạn, người Âu châu cứ nhè dân Do thái mà…xơi tái.
Và sau cùng, người Việt Nam mình dù sinh sống ở nước ngoài, thì vẫn còn một quê hương, một đất nước để hướng về, chứ không tan bày xẻ nghé như dân Do thái sau khi Giêrusalem bị hủy diệt.
Cũng vì ý thức đồng bào ở nước ngoài là một phần tử trong đại gia đình dân tộc, nên nhà nước ta mới thay đổi hẳn lập trường, từ thái độ coi họ là những kẻ phản quốc đến thái độ coi họ là những người yêu nước. Từ thái độ nghi kỵ thù oán đến thái độ mở rộng vòng tay chờ đón.
Phải chăng chuyển biến và đổi thay đã là một quy luật muôn đời. Vì nếu không chuyển biến, không đổi thay, lúc nào cũng dậm chân tại chỗ, thì chắc chắn con người sẽ rơi vào chỗ…tụt hậu, lẽo đẽo theo sau người ta mà vẫn chẳng kịp.
Qua những tin tức về sinh hoạt của các cộng đồng người Việt, gã rất mừng vì những thành công mà người mình đã gặt hái được nơi đất lạ quê người.
Thứ nhất là những thành công trên con đường học vấn.
Gã rất mừng vì có những bà già trầu, nếu như ở Việt Nam, thì chỉ biết cái xó bếp nhà mình, cả đời chẳng hiểu có được một lần ra thành phố hay không, thế mà giờ đây cũng ti toe dăm ba câu tiếng Mỹ, tiếng Ăng lê, nào là con cá này nặng mấy “pao”, nào là chiếc đò này dài mấy “phít”, rồi cũng “hai” giơ tay bắt khi gặp nhau và “bai” vẫy tay chào khi rời nhau, khiến cho gã vô cùng cảm phục.
Gã rất mừng vì có những thằng bạn, nếu như ở Việt Nam, thì cũng chỉ là dân “cu trâu” suốt ngày chỉ biết đến thửa ruộng và ca bản “con trâu đi trước cái cày theo sau”, có bửa đầu ra cũng chẳng thấy được một nửa tiếng OK hay Yes. Nếu ông trời có đãi ngộ và số phận có mỉm cười, chui lên được thành phố, thì cũng chỉ là dân cu li cu leo. Thế mà bây giờ chúng nghiễm nhiên trở thành kỹ sư điện tử, chuyên viên máy móc. Thận chí có anh, khi công ti của mình giảm biên chế, rút bớt nhân viên, thì anh không những chẳng bị loại trừ để ăn lương thất nghiệp, mà còn được tăng lương, tăng cổ phần vì công ti sợ anh đi làm chỗ khác.
Chỉ phiền một nỗi là khi trở về Việt Nam, anh đã quên béng mất cái thói quen xơi…thịt chó mắm tôm, rồi lại còn sợ muỗi, sợ ruồi, sợ nước dơ… có đi đâu thì cũng phải kè kè mấy chai nước khoáng bên mình, có tắm gội thì mấy đứa em phải chịu khó đi xin vài gánh nước mưa từ nhà hàng xóm về cho anh dùng và nếu đứa nhỏ của anh có đòi uống sữa thì phải dùng sữa thứ thiệc, “made in USA” chính hiệu con nai vàng, mới bảo đảm chất lượng cho cái bao tử của đứa nhỏ.
Dường như anh cũng đã quên béng mất cái gốc gác của mình, không còn nhớ mình cũng đã xuất thân từ vùng đồng chua nước…phèn này. Thấy thế, gã cũng cảm thấy một thoáng tủi hờn. Nhưng thôi hãy biết bằng lòng với số phận của mình.
Gã rất mừng vì có những sinh viên học sinh Việt Nam ở nước ngoài đạt thành tích cao trong những cuộc thi quốc tế, thậm chí có những sinh viên học sinh được chính tổng thống nước Mỹ khen tặng. Phải chăng đây cũng là một niềm vinh hạnh cho đất nước.
Biết đâu trong một thời gian gần đây, những sinh viên học sinh này sẽ trở về để phục vụ cho quê hương. Biết đâu mấy chục năm nữa, những sinh viên học sinh này sẽ trở thành dân biểu, nghị sĩ và cũng biết đâu chừng là tổng thống của một đất nước hùng mạnh, như Kennedy, tổng thống Hoa kỳ, vốn là dân Mỹ gốc Ái nhĩ lan, như Fugimoto, tổng thống Ba tây, vốn là dân Brasil gốc Nhật
Phải, biết đâu cũng sẽ có một tổng thống Hoa kỳ, là dân Mỹ gốc Việt. Nghĩ tới đây, gã cảm thấy vô cùng hồ hởi và niềm kiêu hãnh của dân tộc nổi lên đùng đùng.
Tuy nhiên cho đến bây giờ gã vẫn còn nhớ lời phát biểu của một ông giáo sư ngoại quốc về những sinh viên Việt Nam ở Saigon trước ngày giải phóng. Lời phát biểu ấy như thế này :
- Sinh viên Việt Nam rất thông minh. Nếu một sinh viên Việt Nam chọi với một sinh viên ngoại quốc, dù là nước Nhật, nước Mỹ, nước Đức hay nước Pháp…thì sinh viên Việt Nam cũng chẳng hề phải kiêng nể. Những nếu một nhóm sinh viên Việt Nam chọi với một nhóm sinh viên ngoại quốc thì họ sẽ thua xa. Sở dĩ như vậy vì họ không biết cộng tác, không biết làm việc chung với nhau.
Phải chăng sự chia rẽ là một căn bệnh trầm trọng trong những cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài.
Những chuyên viên Việt Nam ở nước ngoài. Quả thực đây là một kho tàng “chất sám” vô giá, nếu như nhà nước ta biết lợi dụng, thì sẽ đem lại cho quê hương một tương lai tươi sáng.
Gã thử làm một phép tính : Gửi một thanh niên du học, từ lúc bước chân ra đi cho đến lúc thành tài, nhà nước và gia đình phải tốn biết bao nhiêu công sức và tiền của, thế mà cái “kho tàng chất xám” này như một quà tặng từ trên trời rơi xuống, có nằm mơ cũng chẳng thấy được. Bỏ qua, không tạo điều kiện cho họ trở về phục vụ thì quả là một lãng phí to lớn.
Thứ hai là những thành công trong công việc làm ăn.
Gã rất mừng vì đa số người Việt Nam đã ăn nên làm ra ở nước ngoài. Khởi đầu từ một con số không khi đặt chân tới miền đất lạ, thế mà giờ đây họ đã có được một cơ ngơi bề thế. Nào là con cái được học hành đến  nơi đến chốn, nào là nhà riêng, nào là xe riêng…sở dĩ như vậy vì họ là những người cần cù siêng năng lại lắm sáng kiến.
Nhiều người sẵn sàng “kéo cày” ngoài giờ lao động để được hưởng tiền lương cao. Cộng thêm vào đó là tính tiết kiệm trong chi tiêu…nên họ phất lên trông thấy và mỗi ngày một thêm khấm khớ khiến cho thiên hạ phát thèm rỏ dãi.
Gã cũng rất mừng vì những người ngoài nước đã không quên mà còn nghĩ tới những người trong nước bằng cách gửi quà hay tiền về để giúp đỡ, như cha ông chúng ta ngày trước đã dạy :
- Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
  Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Thực vậy, cho đến bây giờ người ta vẫn không thể làm được một thống kê đầy đủ cho biết mỗi năm đã có bao nhiêu triệu đồng đô la được các Việt kiều gửi hay đem về giúp đỡ cho thân nhân tại quê nhà, bởi vì có rất nhiều cách thức gửi : gửi qua ngân hàng như Vietcombank, ngân hàng ngoại thương…gửi qua những cơ quan chính thức được nhà nước cho phép, như Vina…gửi qua những Việt kiều về nước, gửi chui qua những tổ chức tư nhân…Những cách thức sau này thì làm sao nhà nước có thể nắm vững được mà lên bản thống kê.
Thế nhưng, dù gửi bằng cách nào chăng nữa, thì những đồng đô la ấy vẫn có thể được gọi là những đồng đô la nhân nghĩa, vì chúng đã được rót vào đất nước Việt Nam, giúp đỡ những  gia đình Việt Nam  và được chính những người Việt Nam tiêu dùng để cải thiện và nâng cao đời sống.
Đây cũng lại là một thứ quà tặng từ trên trời rơi xuống, chẳng phải lao động mệt mỏi, chẳng phải vật vả đầu tư mà cũng có được một số vốn bằng ngoại tệ kha khá để làm giàu và làm đẹp cho xứ sở.
Thời gian đầu, thiên hạ thường gửi về những thùng hàng. Mỗi khi đi lãnh hàng hay mỗi khi nhận được hàng thì cả ấp đều biết, kéo đến chia vui và hỏi thăm. Tuy nhiên việc nhận hàng và lãnh hàng đôi khi cũng có những vui buồn của nó. Gã xin phô ra những chuyện riêng tư  của bản thân mình.
Có lần thằng bạn gã vửi về cho gã một gói hàng nho nhỏ, trong đó gồm một chai rượu tây, một gói Pall Mall, một mớ trà Lipton và hai cục xà bông. Trong bức thư báo trước hắn viết :
- Gửi về cho mi một chai rượu tây để mi nhâm nhi cho quên chuyện buồn. Gửi về cho mi một bao thuốc lá để mi ngồi hút rồi thả hồn theo khói mà mơ đến ta. Gửi về cho mi mấy gói trà để mi uống mà sớm làm ông cụ non. Gửi về cho mi hai cục xà bông để mi tắm gội cho sạch bụi trần
Thì ra hắn đã nhái một bài hát thịnh hành ở nước ngoài lúc bấy giờ, mà thỉnh thoảng đài VOA vẫn phát đi, thế nhưng bây giờ gã không còn nhớ lời lẽ như thế nào, hình như có câu :
-Gửi về cho em dăm ba thước vải để em đem may làm chiếc áo cưới…
Thế nhưng, khi đến lãnh, thì nhân viên bưu điện đã phán với  gã :
- Chai rượu tây và bao Pall Mall bị tịch thu vì bị liệt vào hàng…quốc cấm.
Thế là mặt mũi gã ỉu xìu như chiếc bánh bao chiều.
Lần khác, gã phải lặn lội lên tới tận thành phố, lãnh được một thùng hàng khá lớn. Trên đường về, gã những khấp khởi mừng thầm :
- Phen này ắt hẳn vớ ăn to.
Đến khi khui thùng hàng ra thì mới vỡ nhẽ : Trong đó được chia làm hai mươi mốt phần đều nhau. Hai mươi phần được người gửi nhờ gã chuyển cho xấp bạn của nó. Còn gã thì cũng chỉ được một phần như mọi người. Nếu cộng tiền chi phí với tiền đóng thuế rồi đem chia đồng đều, bắt mỗi người phải chịu một ít thì cũng kỳ, còn để một mình gánh lấy tất cả thì cũng…đau.
Thế nhưng gã thầm nghĩ :
- Đau một tí cũng chẳng sao, biết đâu lần này mình thả con săn sắt, lần sau mình bắt con cá rô.
Và thế là đành phải vén môi cười trừ cho vui vẻ cả làng. Mặc dù lúc bấy giờ nụ cười có phần méo mó và héo hắt.
Lần khác nữa, một thằng bạn mở tiệm thuốc tây ở bên Mỹ gửi cho gã một thùng. Trong thư hắn còn căn dặn :
- Ngoại trừ một số thuốc cảm cúm thông thường, còn toàn thuốc mới nhất và mắc nhất đấy, mi liệu mà nhớ cho kỹ.
Sau khi nhận được, gã cũng chỉ giữ lại mấy loại thuốc cảm cúm thông thường, còn những thuốc mới nhất và mắc nhất kia đành phải đem đi bán vì không biết nó trị bệnh gì và liều lượng xử dụng ra làm sao. Chẳng lẽ bây giờ mình lại cầu cho mình mắc phải những chứng bệnh ấy để rồi được xử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ…Thậm chí có những thứ thuốc bác sĩ cũng vẫy tay chào thua vì chưa biết mặt mũi chúng như thế nào.
Cũng vì chúng mới quá nên chẳng tiệm nào dám mua. Thôi thì đành phải bán tống bán tháo, được tí nào hay tí ấy. Và thế là tiền bán thùng thuốc chẳng được bao nhiêu, lỗ chỏng gọng, lỗ chỏng vó so với giá tiền mà thằng bạn đã ghi trong thư. Đau ơi là đau.
Gửi hàng về vừa cồng kềnh, lại vừa phức tạp, nên dần dần thiên hạ bắt đầu chuyển hệ, gửi tiền về vừa gọn nhẹ, vừa kín đáo lại vừa có thể xử dụng được ở mọi nơi và trong mọi lúc.
Thực vậy, nhiều lần mấy thằng bạn đã viết thư cho gã và bảo :
- Mi cần gì thì cho biết, ta sẽ gửi về cho.
Và gã đã phải mỉm cười, rủa thầm trong bụng chứ không dám viết thành chữ hay nói thành lời thành tiếng mà rằng :
- Ngu chi ngu lạ, đô la ai mà chẳng cần. Mi cứ thử gửi cho ta mấy chục bạc lẻ xem ta có nỡ lòng nào mà từ chối hay không ?
Lại nữa, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới, đi tới đâu chúng ta cũng đều nghe thấy vang vọng một điệp khúc :
- Em chỉ thích bản nhạc có hai nốt đô và la mà thôi.
Bàn về chuyện nhận đô la của những người thân gửi về, gã đã ky cóp tích lũy được những mẩu chuyện vui vui.
Thỉnh thoảng vào những buổi trưa hè oi ả, đang mơ mơ màng với giấc ngủ nặng nề, mồ hôi mồ kê vãi ra nhễ nhại, thì bỗng một kẻ lạ hoắc bước chân vào nhà. Kẻ lạ ấy có thề là đờn ông mà cũng có thể là đờn bà, có thể là thanh niên mà cũng có thể là thiếu nữ. Kẻ lạ ấy mắt trước mắt sau, vội vã hỏi một vài câu vắn gọn :
- Ông có ai quen ở bên Mỹ hay không ? Tên gì ? Bang nào ? Vui lòng cho mượn chứng minh nhân dân.
Rồi kẻ lạ đưa một mẩu giấy chỉ to bằng hai đầu ngón tay và  nói :
- Phiền ông hãy ghi là mình đã nhận đủ số tiền bằng này. Rồi ký tên. Nếu có nhắn gửi gì cho người bên đó thì cứ việc ghi thêm vào.
Sau đó, kẻ lạ mặt trao tiền, rồi vội vã ra đi như khi đã đến, không dám uống cả một ly nước, hay một ly cà phê…vì sợ bị bỏ thuốc mê và bị trấn lột.
Có lần gã gặp một nhỏ em, đang tập tễnh bước vào nghề này, nghề chuyển đô la cho thiên hạ. Gã bèn nói :
- Xin chào cô em, sứ giả đem tin vui đến cho mọi người.
Nghe lời chào này, nhỏ em liền….”chu mỏ chuột” lên mà phát ngôn :
- Ghét anh ghê, chỉ chọc quê người ta hoài. Chỉ có mình anh mới phong cho em làm sứ giả mang tin vui. Nghe qua thì oách lắm, nhưng nghề này cũng thật lắm cái long đong. Thức lâu mới biết đêm dài, có ở trong chăn mới biết chăn có rận.
Trước cặp mắt tròn xoe vì ngạc nhiên của gã, nhỏ em thương tình liền cắt nghĩa :
- Này nhé, anh thử nghĩ coi, thân gái dặm trường như em, trong mình ôm một bó tiền, đi đến những nơi xa lắc xa lơ, gặp những người lạ hoắc lạ huơ. Có những địa chỉ nằm ở tận trong hóc bà tó, đường xe không có, đường đò cũng không. Đi bộ băng đồng mấy cây số, vừa đi vừa hỏi thăm, tới nơi trao vội trao vàng, đánh mau rút lẹ, ở lâu chỉ sợ nguy hiểm. Nếu chẳng may bị kẻ gian giở trò thì không khéo mất cả chì lẫn chài, cả vốn lẫn lãi. Tiền mất đã đành mà không chừng mạng sống của mình cũng đi đoong luôn. Rất may là chưa gặp phải tình huống nào như thế. Trừ chi phí đi lại, ăn uống rồi cũng chả được bao nhiêu, chỉ mấy mụ chủ ở thành phố là…xơi được miếng to, mới ra nghề có mấy năm mà đã phất lên hẳn ra, mua nhà mua đất.
Thuở bấy giờ, ở những nơi khỉ ho cò gáy như nơi gã cắm dùi, thì làm gì được ông bưu điện ghé mắt nhìn tới. Để liên hệ, gã đành phải mượn địa chỉ của một người ở trên tỉnh. Ngày kia gã được người ấy nhắn lên để lĩnh tiền. Người ấy bảo :
- Số tiền này từ bên Úc gửi về, mà mình chẳng có ai thân ở bên đó cả, nên chắc là của chú mày đấy. Thôi, cứ cầm về xài đỡ.
Nhận xấp tiền mà cứ băn khoăn thắc thỏm :
- Sao mấy đứa bên Úc gửi mà chẳng báo. Thôi, kệ bà nó, tới đâu hay tới đó. Tiền đến tay ta, ta cứ việc…thoải mái.
Và thế là mùa xuân năm ấy, gã đã có được một cái tết tưng bừng khói lửa. Tiền lì xì cho bọn nhóc cũng được tăng lên gấp đôi, gấp ba…Nhưng rồi ngày vui qua mau, sau tết, người ấy bèn triệu gã lên mà phán :
- Xin lỗi chú mày nhé, số tiền hôm trước chẳng phải của chú mày đâu mà là của thiên hạ. Bây giờ mình mới nhận được thư báo. Vậy cảm phiền chú mày hãy mau mau hoàn trả lại số tiền ấy để rồi mình còn trao cho họ nhé.
Ké nhờ địa chỉ của người khác cũng lắm cái nhiêu khê và phức tạp. Vì thế, khi bàu không khí đã thoáng đãng, không còn ngột ngạt nữa, gã bèn đăng ký một hộp thư ngoài huyện. Có hộp thư riêng, gã liền được thiên hạ chiếu cố nhờ vả. Và khi cho mượn địa chỉ đôi lúc cũng xảy ra những chuyện…phiền.
Có lần vào ngày hai mươi chín tết, gã nhận được điện tín với nội dụng :
- Mời ông lên địa chỉ số….để lãnh tiền.
Nhận được bức điện này, gã vội vã khăn gói quả mướp đi ngày đi đêm để lên thành phố vì đã cận tết lắm rồi. Thế nhưng lúc nhận tiền thì mới vỡ lẽ tiền không phải là của mình, nhưng là của người này người nọ mà thiên hạ nhờ mình chuyển hộ.
Và như thế, khi đi thì vui mừng hồ hởi vẽ ra trong đầu óc một cái tết huy hoàng, còn khi về thì tiu nghỉu, ai hỏi cũng chẳng buồn thưa. Tới nhà thì mệt phờ râu cá chốt. Tắm rửa qua quít rồi giao hàng. Chủ nhân có lẽ vì bận rộn với những công việc dọn dẹp nhà cửa vào chiều ba mươi tết, nên rất vui vẻ cám ơn mà quên béng mất những sự rất…đời thường còn lại.
Và thế là gã cũng phải tự an ủi :
- Việc đâu còn đó, cứ để cho thiên hạ vui vẻ cái đã. Sau tết mình sẽ tính toán lại cũng chưa muộn cơ mà.
Có khi phải đi vài ba lần mới lĩnh được tiền, nhưng rốt cuộc tiền lại không phải là của mình, chỉ nhờ mình chuyển mà thôi. Kể cũng hơi đau. Nhưng thôi rán làm việc lành để đức lại cho con cho cháu.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn mà công nhận rằng : nhờ những đồng đô la được rót về, nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo túng khố rách áo ôm.
Thực vậy, nhờ những đồng đô la nhân nghĩa này, nhà cửa được xây dựng lại cho mới. Nhờ những đồng đô la nhân nghĩa này, cha mẹ già được chăm sóc hẳn hoi, những người thân yêu được ăn mặc tươm tất và xấp nhỏ được học hành đến nơi đến chốn. Nhờ những đồng đô la nhân nghĩa này, cuộc sống được cải thiện.
Có mấy cán bộ gặp một linh mục và hỏi :
- Tại sao xứ của linh mục không được phát triển như những xứ khác vì con số nhà xây lại còn ít.
Và linh mục này đã thẳng thừng trả lời :
- Hiện nay tại Việt Nam, xứ nào có nhiều việt kiều, thì xứ ấy giàu và liên tục phát triển. Hồi năm 1978, tôi đã nghe các ông, không ngừng khuyên nhủ giáo dân hãy ở lại để xây dựng quê hương đất nước. Bây giờ nghĩ  lại, tôi thấy mình đã dại. Giá như hồi đó, tôi cứ nhắm mắt làm ngơ cho họ vượt biên, thì bây giờ xứ tôi đâu có còn những mái nhà tranh vách đất xiêu vẹo.
Gã xin khẩu phục tâm phục vị linh mục đã bạo mồm bạo miệng dám nói thẳng và nói thực.
Gã cũng xin khẩu phục tâm phục khi đọc thấy trên những tờ báo công giáo ở nước ngoài như Mục vụ, Dân Chúa, Đức Mẹ hằng cứu giúp… có khoản kêu gọi yểm trợ cho những giáo xứ nghèo, hay những tổ chức từ thiện tại quê nhà.
Và gã càng xin khẩu phục tâm phục hơn nữa khi thấy có những việt kiều lúc về nước, mặc dầu thời gian ít ỏi, cũng đã cất công lặn lội đến những trại cùi để trao tận tay số tiền của mình hay của một số người chắt chiu dành dụm mà giúp đỡ. Xin đa tạ và bái phục.
Đồng đô la hiện thời rất có giá, nên khi cầm đô la về nước, những việt kiều không phải chỉ giúp đỡ cho thân nhân của mình, mà hơn thế nữa, chính bản thân họ cũng được nhiều lợi ích.
Thực vậy, giá cả sinh hoạt ở Việt Nam tương đối rẻ, nên tha hồ tiêu xài rủng rỉnh. Có những việt kiều đã về nước để sửa lại sắc đẹp, để may sắm áo quần…Có những việt kiều đã về nước để cưới vợ, để hưu dưỡng và không chừng để chết trên vùng đất thân yêu. Vì tất cả đều rẻ hơn so với bên đó.
Đồng tiền thì có mặt phải mặt trái. Hôm nay gã đã bàn đến những đồng đô la nhân nghĩa. Còn những đồng đô la bất hạnh thì sao ?  Gã xin hẹn gặp lại ở lần sau sẽ phân giải.