BỆNH ĐÀN ÔNG : SỢ



Từ xưa cho đến rày, gã vốn bị mang tiếng là thiên tư, thiên vị, chỉ biết bốc thơm phe ta, tức là cánh đờn ông con giai hay cánh húi của, mà lại bốc thối phe mình, tức là cánh đờn bà con gái hay cánh kẹp tóc, mặc dù theo “mo den” bây giờ, nhiều cô chẳng còn cái tóc để mà kẹp.
Thậm chí cô em gái của gã, cũng đã nhiều lần trề môi mà bảo :
- Anh chỉ khéo bôi bác người ta mà thôi, liệu hồn đấy, không thì có ngày sứt tai, phù mỏ và vỡ mặt ra ấy chứ.
Mặc dù đã dại dột nghe theo ý kiến ý cò của cụ chủ nhiệm, cố gắng tạo lấy cái thế cân bằng, nghĩa là một khi đã lỡ “chêu chọc” phe đờn bà con gái, thì lập tức phải có một mẩu khác “châm chích” phe đờn ông con giai.
Thế nhưng mà tự thâm tâm, mỗi khi được dịp nói xấu cánh kẹp tóc, gã luôn cảm thấy khoái tỉ, chữ nghĩa tuôn ra rong rỏng. Nói thật đấy, bởi vì như các cụ ta ngày xưa đã phán :
- Dấu bàn dân thiên hạ thì được chứ làm sao dấu nổi Thiên Chúa.
Thành thử gã đành phải thú nhận như Nguyễn Du :
- Rằng hư quen thói đi rồi.
Cũng trong chiều hướng tạo lấy cái thế cân bằng mà hôm nay gã xin bàn đến một vài chứng bệnh của phe đờn ông con giai.
Trong số báo trước, gã vừa mới sờ tới chứng bệnh “sợ vợ” của các đức ông chồng, bỗng giật nảy mình và tỉnh hẳn cơn mơ, vội coi lại số trang và đếm lại số chữ đã viết, thì thấy rằng mình đã “vượt chỉ tiêu trên giao”, đành phải “xì tốp” và hẹn…hạ hồi phân giải.
Bởi vì nếu viết thêm, thì sẽ lấn sân, chiếm dụng phần đất của người khác. Vừa tốn sức lao động, lại vừa bị những kẻ thối mồm kê tủ đứng :
- Học ở đâu cái thói nói dài, nói dẻo, nói dai y như …đờn bà vậy.
Và đúng hẹn lại lên, hôm nay gã xin bàn tiếp về chứng bệnh sợ vợ.
Chuyện rằng :
Thôn làng nọ, không hiểu vì giếng nước có chất gì, hay vì ông tổ xì hơi bảy mươi đời không được táng vào địa thế hàm rồng mà vào địa thế đuôi lươn, nên từ thế hệ này qua thế hệ khác, đều lâm vào cảnh âm thịnh dương suy, hầu hết cánh đờn ông con giai ở đây đều có giòng máu sợ vợ trong huyết quản. Lớn lên, anh nào anh nấy đều râu quặp.
Mỗi khi có việc phải giao lưu với dân làng khác, thì họ đều bị bàn dân thiên hạ coi thường và diễu cợt :
- Làm trai rửa bát, quét nhà,
  Vợ gọi thì dạ : bẩm bà em đây.
Tức khí vì bị chạm nọc, các ông chồng trong làng từ già cho đến trẻ, nhất là cánh xồn xồn, bèn tổ chức một cuộc đại hội với bảng hiệu :
- Đờn ông đòi quyền sống.
Họ đã bầu được một vị bí thư kiêm chủ tịch. Vị này đã đưa ra nghị quyết và kêu goi :
- Kể từ nay, tất cả phe đờn ông con giai chúng ta phải đoàn kết lại, dứt khoát phải vùng lên, phá tan sự kìm kẹp và bẻ gẫy cái cồng của phe đờn bà con gái. Chúng ta phải đòi hỏi cho được sự bình đẳng giữa nữ và nam. Để đạt tới mục tiêu đã đề ra, chúng ta sẽ dùng chiến thuật bất bạo động : không cày ruộng, không gặt hái, không thổi cơm, không quét nhà, không tắm heo, không cọ chuồng lợn và cả không….
Mọi người tham dự đều vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Bàu khí thật ồn ào, ai nấy đều hung hăng như con bọ sít, khua chân múa tay. Và đại hội chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp.
Thế nhưng, trong đám đờn ông con giai ấy có một tên Giuđa phản phé, lẻn vào phòng vệ sinh, dùng điện thoại di động, báo cáo với bà xã của mình về diễn biến đấu tranh của cánh đờn ông, để mà…lấy điểm.
Và thế là….Alêhấp. Chỉ năm phút sau, giữa lúc các ông chồng đang say men chiến thắng, mắt lim dim nâng cốc chúc mừng, thì các bà vợ liền ập tới. Mặt bà nào bà nấy đùng đùng sát khi. Tay cầm chổi cùn rế rách và phang túi phang bụi. Còn miệng thì ngoác lên tới tận mang tai, vừa la lại vừa   hét :
- Này nhé, đòi sướng thì bà cho sướng…Này nhé, đòi sướng thì bà cho sướng.
Bọn đờn ông bèn :
- Dĩ đào vi thượng sách,  Phương kế hay hơn cả, đó là chạy trốn.
- Thần thấy nguy thần tẩu”, có nghĩa là gặp nguy thì em xin…biến.
Tất cả bọn đờn ông con giai đều ba chân bốn cẳng trốn tiệt đi đằng nào không biết, mất cả tăm lẫn tích. Chỉ còn lại mỗi mình cụ chủ tịch kiêm bí thư vẫn ngang nhiên bám trụ.
Bỏ của chạy lấy người, nhưng ngoái cổ lại phía sau,  nhìn thấy vậy, anh chồng nào cũng mừng thầm vì đã chọn đúng người, không hổ danh cho…phe ta.
Nào ngờ cụ chủ tịch kiêm bí thư nhà ta đã chết đứng từ lâu. Vì quá sợ, cụ liền bị nhồi máu cơ tim, đi đoong luôn, chẳng kịp ngáp và cũng chẳng kịp bước chân tháo chạy như các…đồng chí đồng rận của mình.
Chuyện khác kể lại rằng :
Một trận mưa đám mây bất ngờ đổ xuống làm cho anh chồng kia không kịp chạy ra sân thu gom quần áo đang phơi. Và thế là anh chồng kia liền bị bà vợ thuộc vào hạng sư tử Hà đông tích cho một trận tơi bời hoa lá cành.
Thấy vậy anh chồng này, là người hàng xóm, bèn mở miệng chê bai,  phóng thanh qua dậu mồng tơi mà rằng :
- Sao ông hèn quá vậy, sao ông nhát quá vậy…được đằng chân lân đằng đầu, để cho bà ấy làm tới hoài mãi sao ? Phải tay tui thì…
Vừa nói đến đây, bỗng bà vợ xuất hiện. Bà đứng chống nạnh, trừng mắt và phán :
- Phải tay tui thì sao ?
Và thế là anh chồng này bèn cúi mặt xuống như muông chim, miệng thì ấp a ấp úng :
- Dạ, phải tay em, thì em xin thu gom từ trước lúc trời mưa ạ.
Mencken có nói một câu đang cho gã suy nghĩ :
- Khi một người đờn ông và một người đờn bà lấy nhau, thì họ chỉ còn là một người. Tuy nhiên, cái khó đầu tiên là phải quyết định xem đó là người nào ?
Trong trường hợp sợ vợ, thì người đờn bà đã lấn trọn phần sân của người đờn ông. Và như vậy, khi người chồng đánh mất bản lãnh của mình, trở nên “người vợ của vợ mình”, thì đó là một sự thất sủng, một sự mất giá của người đờn ông.
Thật tội nghiệp cho những nhà gà mái thì gáy, còn gà trống thì lại câm lặng…
Mặc dù biết như vậy, nhưng không hiểu tại sao cánh đờn ông phần lớn đều sợ vợ ?
Có thể lúc ban đầu, do “galăng vốn sẵn tính trời”, hơn nữa lại  muốn cho bàu khí gia đình được trong ấm ngoài êm mà anh chồng nể chị vợ. Nào ngờ, được đằng chân lân đằng đầu, chị vợ thừa thắng xông lên, dành dân chiếm đất, để rồi cuối cùng anh chồng rơi tõm vào cái tình trạng sợ vợ lúc nào cũng không hay, thậm chí còn hãnh diện về thành tích của mình nữa, như nhiều anh chồng đã phát biểu :
- Mình sợ vợ mình chứ có sợ vợ thiên hạ đâu mà lo. Nào có mất mát chi.
- Ta sợ vợ ta, vì vợ ta có công sinh ra con ta…
Cũng lại chuyện rằng :
Có một anh chồng, sau khi nhìn vào gương, bỗng thấy mình thuộc nòi râu quặp, đã tâm sự với bè bạn bằng ngôn ngữ bóng đá như sau :
- Tôi đã đánh giá nhầm cô ấy trước khi cưới. Hồi đó tôi nghĩ rằng mình cần một thủ môn để giữ khung thành.
- Còn bây giờ thì thế nào ?
Anh chồng thở dài, lắc đầu và nói :
- Ai dè tôi đã vớ phải một trọng tài nghiêm khắc, lúc nào cũng sẵn sàng thổi phạt và lăm le rút thẻ vàng, thẻ đỏ, lại còn tính đuổi tôi ra khỏi sân nữa.
Từ lời tâm sự cay đắng của anh chồng trên, gã nhận thấy một lý do khác nữa khiến cánh đờn ông luôn sợ vợ, đó là ngán ngẩm trước sự chế tài và cấm vận của phe đờn bà, nên đành sợ vợ đi cho nó xong chuyện.
Một anh chồng khác cũng đã tâm sự trên báo Phụ nữ Chủ nhật như sau :
“Chẳng biết ai như thế nào, chứ riêng tôi thì sợ vợ một phép. Vợ tôi chẳng phải bự con hay miệng hùm gan cọp gì, mà ngược lại bé tí tẹo. Tôi thì béo to béo tốt, nhờ vợ nuôi mà tròn trèm có 80 ký hà. Còn bà nhà tôi thì phì nhiêu với 42 ký nhờ đã sanh cho tôi cả công chúa lẫn hoàng tử, chứ lúc trước nàng chỉ cò 38 ký thôi. Ấy thế mà chẳng hiểu sao tôi vẫn cứ sợ nàng mới chết chứ. Thật xấu hổ khi kể chuyện mình sợ vợ cho quí ông chồng khác cùng biết, nhưng tôi nghĩ tôi cũng chẳng phải “đặc biệt” gì.
Tiền lương của tôi tháng nào cũng nộp đầy đủ, thiếu một xu nàng cũng biết. Nàng rất khéo tính toán, mỗi tháng chỉ chừa cho tôi 150.000 đồng để ăn sáng. Tướng ta như tôi mỗi buổi sáng 5.000 đồng thì ăn được  gì ? Nhưng tháng nào nàng cũng bỏ ống heo tới 200.000 đồng tiền cà phê và thuốc lá, chỉ vì tôi không biết uống cà phê, lại không biết hút thuốc lá, nhờ thế mà nàng tiết kiệm được bằng ấy tiền.
Bất cứ chuyện gì từ chuyện ăn uống đến chuyện dạy con học, nói chung là từ A đến Z một tay nàng lo toan, tôi không phải động tay vào, tôi chỉ có việc tháng tháng đưa tiền lương về cho nàng một cách đầy đủ.
Nếu có vậy thì tôi cũng không tức đến nỗi phải viết ra đây. Đằng này cả…chuyện ấy. Chẳng là nhà tôi không mấy rộng rãi nên cả bốn người : vợ chồng con cái đều nhét vô một phòng, mà giường ngủ thì cũng chỉ có một cái.
Khi xưa lúc chưa có con thì còn tương đối thỏa mái. Giờ sinh ra hai con “kỳ đà”, nên tôi phải xuống đất mà nằm. Nhiều đêm chuyện gì xảy ra phải xảy ra, nhưng với tôi thì không. Mỗi khi tôi khều nàng là nàng trừng mắt nhìn tôi rồi nhìn xấp nhỏ và chẳng hiểu vì sao lúc đó tôi chỉ nín khe chứ không “phụ nam vùng lên” cho nàng biết tay….”
Các cụ ta ngày xưa đã dạy :
- Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Có nghĩa là từ những cái nhỏ mọn và tầm thường đến những cái nhiêu khê và phức tạp, chúng ta đều phải học tất tật, huống hồ để trở nên “chồng giỏi chồng ngoan”. Đây quả là một nghệ thuật vừa tế nhị lại vừa rối rắm.
Cũng trên báo Phụ nữ Chủ nhật, gã đọc được một bài trích từ tạp chí “Reader’s Digest” số tháng 5 năm 2000, viết về bí quyết để trở nên “chồng giỏi chồng ngoan”, gã chỉ xin lẩy ra một vài điểm hay ho mà thôi :
- Trong bữa ăn với khách khứa, nhớ cười cò mồi một cách thú vị cho mọi người cười theo, mỗi khi vợ mình kể chuyện, cho dù câu chuyện đã nghe qua hàng trăm lần trước đó và chỉ muốn hét toáng lên rằng : biết rồi, khổ lắm, nói mãi.
- Phải dành cho vợ độc quyền sử dụng “rờ mót” TV mỗi tối.
- Phải lắng nghe, cấm không được than phiền mỗi khi vợ cao hứng gào lên một bài hát nào đó với giọng rè rè như ống bơ dỉ.
- Cuối tháng, không bao giờ được tính riêng số tiền điện thoại những cuộc gọi đường dài của vợ là bao nhiêu.
- Chấp nhận để vợ sử dụng từ “vợ chồng chúng tôi” mỗi khi kể với ai đó về công việc mà mình đã vắt kiệt sức làm một mình. Chẳng hạn như “vợ chồng chúng tôi” mới sơn lại nhà, sửa lại hàng rào vào ngày chủ nhật vừa rồi…
- Mỗi tối nhớ hỏi thăm về công việc của vợ và nhẫn nại lắng nghe hết những kể lể, than phiền dài lê thê như mưa dầm tháng bảy.
- Khi chơi trò gì với vợ, đô-mi-nô chẳng hạn, đừng dại dột nói cô ấy chơi dở hay sai luật, cho dù đấy là sự thật “chăm phần chăm”.
- Trong những cuộc cãi lộn, cho dù là lúc tức giận nhất, cũng đừng bào giờ phán rằng : càng ngày cô càng giống…bà ngoại. Và khi hòa bình trở lại, phải tuyệt đối xin lỗi một cách vô điều kiện.
- Phải chăm chú nhìn mỗi khi vợ mặc thử năm hay sáu chiếc áo chẳng khác gì nhau, trước khi gật gù tâm đắc : em mặc cái thứ nhì là tuyệt nhất.
- Mỗi khi vợ đi làm đầu về, phải trầm trồ xuýt xoa như thể đây là kiểu tóc tuyệt vời, một sự sáng tạo đầy ấn tượng, cực kỳ mốt…hết ý!!!
- Cuối cùng, phải cố tìm thấy sự quyến rũ và gợi tình của vợ, thậm chí cả khi cô ta đầu bù tóc rối, quần áo nhàu nát và rộng lùng bùng như  một đống vải quấn quanh con lạc đà.
Bài này kèm theo một tái bút đầy ngậm ngùi như sau :
- Ôi, ngồi dịch những hàng chữ này mà muốn…rơi cả nước mắt. Đàn ông xứ Tây cũng không khác đờn ông xứ ta là mấy!
Từ những điều trên, gã xin đúc kết lại thành một kinh nghiệm để   đời :
- Muốn trở nên “chồng giỏi chồng ngoan” thì đừng bao giờ quên  rằng : lấy vợ là phải bắt đầu yên lặng, chấp nhận và chịu đựng.
Hay như Tú Xương, muốn trở thành “chồng giỏi chồng ngoan” thì chỉ cần mỗi một việc phải làm ngay, đó là :
- Vuốt râu nịnh vợ con bu nó.
Thấy chuyện làm “chồng giỏi chồng ngoan” nhiêu khê và rắc rối như vậy, nên có một anh chàng nhiều lúc đã thầm mơ và ước được làm ông Adong, bởi những lẽ sau đây :
- Adong là người đàn ông duy nhất, nên không bị Eva so sánh và móc lò : sao anh đoảng thế, chẳng được như người ta.
- Adong là người không có cái được gọi là gia đình bên vợ.
- Thời Adong chưa có các cửa hiệu, các siêu thị và thời trang.
- Adong không lo cảnh thất nghiệp, phải đi kiếm việc làm, cũng chẳng lo cảnh Eva ngồi lê la đôi mách với…hàng xóm.
Đã bàn đến những anh chồng sợ vợ, thì không thể bỏ qua những anh chồng hảo hớn, lúc nào cũng sẵn sàng nổi máu kẻ cả đối với chị vợ. Thái độ của những anh chồng này, gã xin tóm tắt vào mấy chữ “Đ” như sau :
- Độc đoán, đày đọa và đánh đập…vợ mình.
Thái độ trên xuất phát từ những tư tưởng chỉ đạo của Nho giáo. Bởi vì Khổng Mạnh vốn chủ trương trọng nam khinh nữ, một khi đã mang thân phận đờn bà con gái thì cần phải sống cái đạo “tam tòng” :
- Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Có nghĩa là ở nhà thì phục tùng bố. Khi lập gia đình thì phục tùng chồng. Còn khi chồng ngỏm thì phục tùng con.
Từ đó mà luôn luôn phải :
- Phu xướng phụ tùy. Có nghĩa là chồng phán thì vợ phải vâng theo.
Ôm mớ lý thuyết này mà đi vào thực hành, các ông chồng luôn nắm giữ vai trò “gia trưởng”, coi vợ như đầy tớ, có bổn phận phải phục dịch cho bản thân mình, đúng với tiêu chuẩn :
- Chồng chúa vợ tôi.
Quan niệm này ngày nay đã bị đảy lui trước những phong trào nổi lên như : phụ nữ đòi quyền sống, nam nữ bình quyền…Dầu vậy, đôi lúc nó vẫn còn tái xuất giang hồ ở chỗ này hay chỗ khác, dưới hình thức nọ hay hình thức kia.
Trước hết, về phương diện tư tưởng, các ông chồng này luôn tỏ ra độc đoán, cho ý nghĩ của mình là đúng và bắt mọi người phải tuân theo. Tác phong của họ là “ cả vú lấp miệng em”. Dù bộ ngực của nhiều người trong bọn họ lép kẹp vì là dân “hít tô phe” nghĩa là nghiện thuốc phiện, hay xì ke ma túy.
Tiếp đến, về phương diện lời nói, các ông chồng này luôn tỏ ra gắt gỏng, cộc cằn và thô lỗ, theo kiểu “dùi đục chấm mắm tôm”. Mở mồm ra là :
- Cái con mẹ mày…cái con mụ kia.
Trong khi đó, môi miệng của họ lại dẻo quẹo đối với bồ nhí hay đối với người dưng nước lã, thôi thì :
- Anh anh, em em…mình ơi, mình à…
Cứ ngọt xớt như đường cát và mát như đường phèn ấy chứ lị!
Còn về phương diện việc làm thì phải diễn tả cho đúng mức bằng hai động tác :
- Đày đọa và đánh đập.
Đày đọa bằng cách bắt chị vợ phải làm hết mọi công việc nặng nhọc, từ buôn bán ngoài đường đến bếp núc trong nhà. Còn họ thì lúc nào cũng phải thuốc lào ngon, trà tàu đặc…để mà bàn chuyện chính chị chính em, chuyện trên trời dưới đất với mấy ông bạn già, rồi ngước mặt nhìn đời bằng nửa con mắt. Tác phong của họ đã được diễn tả như sau :
- Bố tôi hay tửu hay tăm,
  Hay nghiện chè tàu, hay nằm ngủ trưa.
  Ngày thì ước những ngày mưa,
  Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.
Tới bữa thì phải cơm bưng nước rót. Lắm khi nhà nghèo không đủ tiền mua gạo, thế mà vẫn phải có tí thịt…cho ông chồng nhắm rượu. Có gia đình còn phải dành riêng cho anh chồng một mâm riêng, khi anh ta xơi xong thì mới tới lượt vợ con và những  người trong nhà. Thiếu điều chị vợ còn phải đứng mà quạt theo kiểu :
- Em hầu quạt…mo.
 Đày đọa như thế chưa đủ, đến khi tẩu hỏa nhập ma, cơn giận nổi lên đùng đùng, thì liền ném nồi niêu. xoong chảo, bát đũa…ra ngoài sân. Nếu chưa hả cơn nóng, thì bèn thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh đập chị vợ một cách không thương tiếc.
Nghĩ về thái độ “vũ phu chi cục mịch này”, gã thấy làm như vậy quả là vô cùng dại dột. Bởi vì khi tỉnh cơn mê, nếu nồi niêu bát đũa bị bể vỡ, lại phải bỏ tiền ra mà mua sắm. Nếu chị vợ đánh bị phun máu đầu, lại phải bỏ tiền bạc và thời giờ ra mà chạy chữa. Còn nếu chẳng may chị vợ…bị đi tàu suốt sang thế giới bên kai, thì chắc chắn ông chồng này sẽ được luật pháp sờ vào gáy, cho ngồi nhà đá mà đếm lịch. Rồi tương lai gia đình và con cái sẽ như thế nào ?
Một anh chồng đã thề quyết với bè bạn như sau :
- Tớ hứa từ nay sẽ không bao giờ đánh vợ nữa. Tốn kém lắm.
Mọi người đều ngạc nhiên :
- Sao lại tốn kém ?
Anh chồng buồn sầu trả lời :
- Vợ tớ thích làm đẹp, tớ hoàn toàn đồng ý. Nhưng càng ngày cô ấy càng quá đáng. Hôm trước cô ấy hỏi ý kiến để đi xâm môi, tớ không đồng ý vì từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ môi vợ tớ đã thật dễ thương rồi. Mua son gì tớ cũng chịu, chứ đi xăm nó hâm hâm tái tái, như miếng thịt trâu ôi, nhìn thấy mà ghê. Tớ cương quyết : Em mà xâm môi, anh nhất quyết sẽ không bao giờ hôn em nữa. Đồ thật còn chẳng ăn, ai lại ăn đồ giả. Yên lặng được một thời gian, lần này cô ấy chẳng thèm hỏi han gì, qua mặt tớ luôn. Các cậu thấy đấy, cái mũi vợ tớ trước giờ vốn hênh hếch nhìn có duyên đáo để. Thế mà hôm nay cô ấy đem về trình diện tớ một cái mũi dọc dừa thẳng tưng, chóp mũi còn cao hơn cả cái trán. Tớ mở tủ xem ngân quĩ  thì thấy thiếu mất một triệu rưỡi. Khổ quá! Đang dành tiền tính đổi cái xe đạp cà tàng cổ lỗ sắp thành sắt phế thải rồi. Cũng phải lên đời, chuyển hệ thành xe máy chứ. Tức quá, tới gọi cô ấy lại, xáng cho nguyên một bạt tai. Của đáng tội, tớ đánh nhẹ thôi chứ đâu có mạnh tay. Lần đầu tiên kể từ khi cưới nhau, tớ đánh vợ tớ. Các cậu biết chuyện gì xảy ra không ? Cái mũi “mỹ viện” của cô ấy lệch sang một bên, nhìn giống như cục thịt thừa. Cô ấy soi vào gương mà cứ khóc thút thít khiến tớ ân hận quá. Nắn mãi cũng không làm sao cho mũi ngay ngắn lại được. Đành phải chở vợ tớ tới mỹ viện, tốn thêm một triệu rưỡi nữa để họ chỉnh cái mũi lại như cũ. Tớ chỉ đánh vợ một lần duy nhất mà thôi, tởm tới già. Giận quá mất khôn. Tốn một lần chưa đủ hay sao mà lại muốn tốn thêm một lần nữa.
Kinh nghiệm sống sượng trên đây đáng cho mọi anh chồng vũ phu suy gẫm trong cung cách cư xử với chị vợ của mình.
Làm thân đờn ông đã khó, còn làm anh “chồng giỏi chồng ngoan” lại càng khó hơn.
Và để kết luận, gã xin kể lại một mẩu chuyện như sau :
Hôm đó, một nhóm các cô gái đi tới câu lạc bộ “tìm bạn”, nơi mà người ta quảng cáo có rất nhiều chàng trai để các cô làm quen. Khi họ đến, người hướng dẫn nói :
- Chúng tôi có năm tầng. Các cô cứ đi theo thứ tự từ tầng một và có thể dừng lại bất cứ chỗ nào các cô thấy thích hợp.
Họ đi vào tầng một, thấy tấm biển với hàng chữ :
- Ở đây có những chàng trai thấp và chất phác.
Họ liền cười ồ và tiếp tục lên tầng hai. Tại tầng hai, họ thấy tấm biển với hàng chữ :
- Ở đây có những chàng trai thấp và đẹp.
Các cô thấy chưa đủ tiêu chuẩn, nên tiếp tục lên tầng ba. Tại tầng ba, họ thấy tấm biển với hàng chữ :
- Ở đây có những chàng trai cao và chất phác.
Các cô muốn các chàng trai tốt hơn nên đi tiếp. Tại tầng bốn, họ thấy tấm biển với hàng chữ :
- Ở đây có những chàng trai cao và đẹp.
Các cô rất hào hứng vì thấy càng lên cao, tiêu chuẩn càng tăng và chất lượng càng bảo đảm. Các cô thầm nghĩ :
- Còn một tầng nữa, tội gì mà không lên.
Vì thế, các cô tiếp tục leo lên tầng năm. Tại tầng năm, họ thấy tấm biển với hàng chữ :
- Ở đây chẳng có chàng trai nào cả. Tầng này được xây chỉ để chứng minh rằng :  ở trên đời, không có cách nào làm cho phe đờn bà con gái được vừa ý.
Đọc xong mẩu chuyện trên, gã đã phải mất trọn một đêm không ngủ, nằm vắt chân lên trán mà suy gẫm. Rồi sau đó, lồm cồm bò dậy, bắn một phát thuốc lào, tớp một ngụm trà nóng, rồi vỗ bụng cười…hề hề.
Đờn ông con giai còn những chứng bệnh nan y nào nữa ?
Xin các bạn cứ vô tư và mặc sức kể ra bằng cách viết và gửi về tòa soạn. Bảo đảm cụ chủ nhiệm sẽ trả tiền thù lao.
Riêng gã thì xin hỏi :
- Các bạn có biết chứng bệnh “nổ “ là gì không ?
Nếu không, thì xin vui lòng xem số sau, sẽ rõ.