TẤP TỂNH NGƯỜI ĐI


Chuyện phiếm của Gã Siêu

Sáng hôm ấy, sau khi đã uống một ly cà phê đen và “bắn” một phát thuốc…lào, gã đang ngồi vểnh cằm lên trần nhà mà vặt mấy sợi râu mọc vô tổ chức và để cho hồn mình “mơ theo trăng mà vơ vẩn cùng mây”, bỗng có tiếng chuông điện thoại.
Bốc máy lên, mới vỡ nhẽ :
- À thì ra đó là cụ chủ nhiệm.
Chưa kịp mở mồm mở miệng, thì đã nghe cụ ấy làm một màn “đắc nhân tâm” :
- Chuyện phiến của chú mày khá là được chiếu cố đấy nhé.
Nghe vậy, gã bèn kê tủ đứng :
- Xin cụ hãy nhớ cho rằng kẻ nào bốc thơm mà bốc phải ấy là bạn ta, còn kẻ nào bốc thối mà bốc phải ấy là thày ta. Cụ muốn điều gì thì xin cứ nói mẹ nó ra, bởi vì tôi tớ cụ đang lắng tai nghe, cần gì phải vòng vo tam quốc.
Hình như có tiếng hắng giọng kèm theo một nụ cười ruồi. Cụ bảo :
- Sinh ta ra là cha mẹ ta, còn hiểu được lòng ta chính là chú mày đấy. Sao chú mày lại đi guốc trong bụng ta vậy. Thôi, chú mày hãy chịu khó viết nhăng viết cuội, tán hươu tán vượn cho ta tí tẳng về đề tài việt…kều được không ?
Chẳng kịp suy nghĩ, gã đã buột miệng nói :
- Chuyện nhỏ, dễ ợt mà.
Thế là cụ bèn cúp máy cái rụp, chẳng kịp để cho gã lấy thêm mấy cái ý kiến ý cò chỉ đạo. Thôi đành chịu vậy, biết sao được.
Thiên hạ thường bảo :
- Lao động thì vinh quang,
  Lang thang thì chết đói,
  Hay nói thì ở tù,
  Lù khù thì sống lâu.
- Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy. Có nghĩa là một lời nói tuột  ra khỏi miệng, thì bốn ngựa đuổi theo cũng chẳng kịp.
- Chẳng cái dại nào bằng cái dại miệng.
Vì thế, bây giờ gã mới ân hận, bởi vì gã chưa bao giờ để tâm để trí vào lãnh vực này, hay bới lông tìm vết mà khám phá ra những cái sở trường và sở đoản, những cái hay và dở, những cái tốt lành và lôm côm của…phe ta, khi trở về thăm lại quê hương.
Giá mà gã cứ chối phắt ngay từ đầu, thì có phải là khỏe re, như con bò kéo xe hay không. Nhưng hối bất cập, “bi giờ” thì đã quá muộn, đành phải vò đầu bứt tai làm tròn điều đã lỡ hứa với cụ chủ nhiệm vậy.
Đối với dân Việt nam ta, phàm cái gì cũng có thể trở nên một phong trào, một hiện tượng.
Nếu trí nhớ của gã không tồi thì trước ngày giải phóng, ở miền Nam đã có những phong trào, những hiện tượng. Chẳng hạn như phong trào nuôi chim cút, hiện tượng đọc chuyện kiếm hiệp của Kim Dung, hay đọc chuyện tình cảm ẩm ướt của Quỳnh Dao.
Còn trong những ngày gần đây, thì trên cả nước có hiện tượng sì ke ma túy, hiện tượng học trò đánh đấm thày cô, phong trào dật hụi, phong trào thi cử gian lận…Và nếu không lầm, thì thời gian từ năm 1978 đến năm 1981 chính là cao điểm của phong trào…vượt biên.
Hồi ấy, gã đã từng nơm nớp lo sợ :
- Có một buổi sáng sám xịt nào đó, khi thức giấc tỉnh dậy sau giấc ngủ mệt mỏi đầy ác mộng, thì ngó tới ngó lui, chẳng còn ai ở chung quanh mình, bởi vì tất cả đều đã khăn gói quả mướp…ra đi.
Thêm vào đó, ngày nào cũng có những tin tức về những “kẻ ngồi thuyền vượt biển” được rêu rao trên các đài phát thanh BBC, VOA…Thậm chí có kẻ đã trả lời phỏng vấn như sau :
- Nếu cái cột đèn biết đi thì nó cũng…đi.
Thành thử, những người bám trụ, còn ở lại cũng cảm thấy chao đảo và nếu lập trường không vững, thì cũng rất dễ sa vào “cơn cám dỗ cuối cùng” này, theo kiểu :
- Tấp tểnh người đi tớ cũng đi,
  Cũng thuyền, cũng bến cũng…ra khơi.
Ra đi lúc bấy giờ quả thật là một hành động liều lĩnh và  mạo hiểm, một được hai thua, được thì vẻ vang, còn thua thì nắm chắc cái chết trong tay, hay ít nữa thì cũng tù tội. Thế mà thiên hạ vẫn cứ ào ào ra đi, bất chấp mọi khó khăn.
Nơi gã ở lúc bấy giờ đang trong cao điểm ấy, không ngày nào mà không có một vài người, hay một vài gia đình…biến. Thậm chí có những người đã từng bị bắt đôi ba lần, thế mà khi được thả ra, liền lập tức âm mưu, tính toán cho một chuyến đi khác.
Làm sao kể cho hết những khó khăn và gian khổ của những người ra đi. Ở đây, gã chỉ xin “kê đơn hoàn tán” một vài khó khăn gian khổ chính yếu mà thôi.
Cái khó khăn thứ nhất là phải làm thế nào thoát khỏi sự dòm ngó và lùng bắt của công an.
Gã có một thằng bạn, nhà liền vách với trạm công an, thế mà hắn đã đưa được cả gia đình xuống tàu một cách êm ru bà rù. Quả là tâm phục, khẩu phục. Sau này gã mới khám phá ra mưu chước của hắn.
Số là hắn có một thửa ruộng cách xa nhà. Và thế là ngày nào hắn cùng vợ con đi lao động, chăm sóc thửa ruộng ấy. Cho đến một ngày, khi mọi sự đã sẵn sàng…và thế là hắn đã biến cùng với những người thân yêu của hắn.
Nhiều người muốn được bảo đảm an toàn đã mua đứt bến bãi, bằng cách đút tiền cho công an, nhưng nếu chẳng may vớ phải mánh dổm, thì tiền mất tật mang, trọn ổ bị hốt về trại giam, hay bỏ của chạy lấy người, mạnh ai người ấy trốn, mỗi người một ngả, may thì thoát.
Cái khó khăn thứ hai là phương tiện di chuyển.
Đối với những người sống ở ven biển, có sẵn tàu thuyền thì không mấy khó khăn. Còn đối với những người sống sâu trong đất liền, có khi chưa một lần đặt chân tới  vùng biển, thì cách thức đơn giản nhất là đi theo mánh. Phó mặc toàn bộ công việc cho những kẻ tổ chức. Tới thời điểm đã định, chỉ việc đến điểm hẹn để được…ém quân, rồi sau đó được chở bằng thuyền nhỏ, gọi là “tắc xi” để được bốc lên thuyền lớn. Thế nhưng rất nhiều người đã méo mặt vì  vớ phải mánh dổm, đụng phải những kẻ lừa gạt chuyên nghiệp.
Bọn này cũng cho đi xem ghe thuyền đàng hoàng, cũng ấn định điểm hẹn và còn bảo đảm cả bến bãi đã được mua đứt…Những rồi khi tay xách nách mang tới điểm hẹn, thì chẳng thấy ma nào hết.
Ở lại thì sợ bị công an thộp cổ, nên chỉ còn cách “dĩ đào vi thượng sách”, chạy trốn là kế sách hay hơn cả, bằng mọi cách phải cao chạy xa bay khỏi điểm hẹn chết tiệt ấy.
Giá cả lúc bấy giờ cũng thật là chóng mặt. Mỗi đầu người là mười đồng, tức là mười cây vàng, chứ nào có phải là ít. Vì thế, có những gia đình chỉ sau một đêm mà mất toi sản nghiệp được chắt chiu gầy dựng suốt bao nhiêu năm trời, đúng là “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”, hay :
- Ra đi trong hy vọng khấp khởi,
  Trở về trong rầu rĩ hoang mang.
Thấy kiểu này vừa hao tốn, vừa bấp bênh, nên về sau nhiều người đã tự tổ chức lấy, đứng ra sắm ghe thuyền, hải bàn, bản đồ… mua lương thực, săng dầu…rồi thuê tài công, thợ máy…nghĩa là lo từ A đến Z cho chuyến đi định mệnh ấy.
Tuy nhiên, đứng ra tổ chức không phải là không có những trục trặc và rủi ro. Chẳng hạn người tài công hay thợ máy vào phút chót thì giở quẻ, đòi cho vợ con hay tình nhân của mình đi theo.
Chẳng hạn để bù lỗ phần nào những chi phí, thường phải nhờ kẻ dắt mối bắt khách ăn chia, thế những khi thuyền sắp rời bến, kẻ dắt mối lại đòi phải nhồi nhét thêm cho một vài khuôn mặt ăn có khác nữa làm cho con thuyền bị…quá tải.
Người xưa đã từng diễn tả :
- Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
  Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
Ở đây thì những người ra đi phải trốn chui, trốn nhủi, làm gì có cảnh đưa tiễn rầm rộ, nhưng nước mắt đổ ra khi rời bỏ nơi quê cha đất tổ và những người thân yêu chắc chắn không phải là ít.
Thế nhưng bước chân được xuống thuyền đã là điều mừng, để rồi từ đó phó mặc cho số phận dun dủi :
- Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
  Mà xem con tạo xoay vần tới đâu.
Thực vậy, ghe thuyền nhiều khi chỉ là một chiếc “cà dom” ọp ẹp, dài hơn chục mét mà phải chất chứa đến mấy chục mạng người. Thêm vào đó, máy móc lại quá “đát”, có lúc chỉ là một chiếc máy xăng BS9…tất cả chẳng khác chi một chiếc vỏ trứng tròng trành trên sóng nước, nhưng mà :
- Một liều ba bảy cũng liều.
Còn tài công lắm khi cũng chỉ là những kẻ “ấm ớ hội tề”, mang tý nhãn hiệu trình tòa hay cái mác của hải quân mà chẳng biết đã có lần nào chui xuống tàu hay đi ra biển chưa là nghiễm nhiên có quyền gật đầu, ừ đại để được đi…chùa, khỏi tốn tiền hao bạc, mà lại còn được cõng thêm một vài người khác gọi là chút đỉnh thù lao đền bù. Vì thế đôi khi đã xảy ra những chuyện cười làm vãi cả nước mắt.
Có một nhóm bè bạn liên kết với nhau để tổ chức bằng cách tự mua sắm thuyền và thuê mướn tài công. Lúc xuất phát từ Nha trang, họ đã xin lễ cầu bằng an. Lúc xuống thuyền, mặc dầu không hát thành lời, nhưng hầu như ai nấy đều thầm thĩ kêu xin :
- Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển….
Con thuyền thuận buồm xuôi gió, luớt sóng được mấy ngày thì thấy một hải đảo hiện ra. Mọi người đều tin rằng miền đất hứa đang mở rộng vòng tay chào đón.
Và thế là họ lớn tiếng dâng lời cám ơn Thiên Chúa :
- Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa…
Tuy nhiên, khi bước chân lên bờ, họ bỗng rụng rời khiếp hãi khi nhìn thấy cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Thì ra nơi họ tưởng là miền đất hứa chính là đảo Phú quốc. Rồi chuyện gì phải đến ắt sẽ đến. Tất cả mọi người, nam phụ cũng như lão ấu, liền ông cũng như liền bà, không trừ một ai, đều được thưởng thức món cơm hẩm nhà tù một thời gian.
Và như trên gã đã viết :
- Đây là chuyến đi định mệnh, một được hai thua.
Về cái chuyện được thua ấy, thiên hạ đã diễn tả như sau :
- Được làm vua, thua chui vô hàm cá mập.
Hay :
- Được làm vua, thua làm mồi cho cướp.
Có một ông chồng đã dặn dò người vợ yêu dấu trước khi bước chân xuống thuyền như thế này :
- Nếu sau một thời gian mà không nhận được tin tức gì của anh cả thì : “giỗ tết từ đấy nhớ đến ngày”. Coi như anh đã đi đứt, đang phiêu diêu miền cực lạc, hay đang tắm mát dưới suối vàng.
Còn biết bao nhiêu gian truân và hiểm nguy trên mặt đại dương. Còn biết bao nhiêu tủi nhục và cay đắng khi sa vào tay bọn hải tặc. Còn biết bao nhiêu hãi hùng và nước mắt khi thuyền chìm giữa biển khơi. Còn biết bao nhiêu ê chề khi ở trại tị nạn. Và không biết bao nhiêu người đã chết mất xác
Có lần gã đã hỏi một người bạn ở Mỹ về như thế này :
- Liệu bây giờ mi có dám làm một chuyến vượt biển như hồi đó hay không ?
Hắn đã lắc đầu quầy quậy mà trả lời :
- Có các vàng thì em cũng…chả dám đâu.
Nhiều người tin rằng vượt biên cũng có cái số của nó. Có kẻ đi mãi đi hoài, vào tù ra khám, tiêu tan sản nghiệp, mà vẫn không xong. Có kẻ đi một cú là liền tới bến. Có kẻ vượt biên bất đắc dĩ, không muốn đi nhưng bị ép phải đi thế mà cũng êm ru bà rù.
Những người ra đi lúc bấy giờ, theo gã nghĩ, gồm có ba thành phần.
Thành phần thứ nhất là những người muốn đi tìm một cuộc sống tự do vì họ nghĩ rằng :
- Nếu ở lại, họ sẽ bị trù dập, bị tù tội vì đã tham gia vào guồng máy cai trị của chế độ cũ, hay sẽ không được thực sự sống niềm tin của mình.
Thành phần thứ hai là những người muốn đi tìm một cuộc sống giàu sang, thỏa mái vì họ nghĩ rằng :
- Nếu ở lại, kinh tế gia đình họ sẽ gặp khó khăn và tương lai con cái họ không được sáng sủa.
Thành phần thứ ba là những người chẳng có ý định nào suốt, thấy người ta bồng bế nhau đi thì mình cũng đi.
Họ có thể là những người ra đi “bất đắc dĩ”. Chẳng hạn như cha mẹ bắt con cái phải đi để có được một ngày mai tươi sáng hơn. Chẳng hạn một anh chàng nào đó dạo chơi phất phơ gần chỗ thiên hạ”bốc hàng”, và thế là để bảo đảm an toàn, thiên hạ bèn dùng áp lực bắt anh ta xuống thuyền và cho dông luôn.
Ngoài  ra còn có một hạng người được gọi là dân “can me”.
Họ là những kẻ không có một đồng xu dính túi để đóng góp, nên đành phải đi chùa của thiên hạ bằng cách nhờ tình cảm của tài công, thợ máy, kẻ dắt mối giới thiệu cho đi ké mà chẳng phải mất một cắc bạc… hay do hoàn cảnh dun dủi, gặp được thời cơ thuận lợi, họ cứ nhảy đại xuống thuyền theo kế sách : nhất lý, nhì lì, tam ì, tứ ẩu…rồi thì đến một lúc nào đó con thuyền cũng sẽ cặp bến mà chớ.
Ra đi lúc bấy giờ không phải chỉ  là “chết trong lòng một tí”, mà hơn thế nữa, còn được coi như là chia lìa vĩnh viễn, đôi ngả ngăn cách ngàn đời, như cõi âm và cõi dương, người sống và kẻ chết, “bước chân đi cấm kỳ trở lại”.
Gã còn nhớ hồi năm 1954, những người di cư vào miền Nam, lúc đầu còn được liên hệ với những thân nhân tại miền Bắc bằng cách viết vào một tấm giấy bìa màu vàng, tựa như tấm “cạc pót tan”, rồi nhờ “Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến” chuyển giao.
Viết thì cứ viết, nhưng liệu tấm thư bỏ ngỏ ấy có đến được tay người thân hay không, thì hãy bắc thang lên hỏi ông trời vì chỉ có một mình ông mới biết mà thôi.
Giòng sông Bến Hải nào có rộng rãi chi, thế mà người từ bên ấy muốn qua bên này cũng chẳng được và ngược lại, người từ bên này muốn qua bên ấy cũng đành bất nhóc nhách, huống lọ là hai bờ Thái Bình Dương cách xa ngàn trùng, thì làm sao mà có thể trở về thăm lại quê hương.
Người ra đi thì hiểm nguy khiếp hãi, còn kẻ ở lại thì cũng không kém phần long đong khốn khó…Nhưng thôi, chả dám viết nữa, kẻo có người lại thở dài mà than :
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.
Thế nhưng sự đời vốn thường thiên biến vạn hóa, thay đổi không ngừng, như người xưa đã bảo :
- Thương hải biến vi tang điền. Nghĩa là biển cả biến thành ruộng dâu.
Hay như một bài hát quen thuộc :
- Than ôi trái đất vẫn tròn,
  Chúng mình hai đứa vẫn còn gặp nhau.
Đúng thế, một luồng gió mới đã thổi vào Việt nam với chính sách đổi mới. Nhà nước mở cửa, kêu gọi nước ngoài đầu tư, nới rộng kinh doanh, phát triển du lịch, một loại kỹ nghệ không có khói nhưng đem lại nhiều lợi nhuận
Gã không thông thạo lắm về chuyện này, nhưng có lẽ vấn đề cấp bách là phải vực cái nền kinh tế vốn dĩ đã èo uột và lạc lậu lên vì lợi tức đầu người hàng năm lúc bấy giờ của mình thuộc vào hạng thấp nhất thế giới.
Thôi thì như Đặng Tiểu Bình đã nói, nếu như gã không lầm, rằng :
- Mèo trắng, mèo đen không sao cả, miễn là bắt chuột.
Song song với đó, nhà nước cũng kêu gọi những người Việt nam đang sinh sống ở nước ngoài góp phần xây dựng đất nước, sẵn sàng mời họ trở về thăm lại quê hương xứ sở. Và thế là các Việt kiều bắt đầu lục tục kéo nhau về.
Lúc đầu các Việt kiều còn e dè vì sợ rằng đây chỉ là một cái bẫy do Nhà nước giăng ra. Một khi đã về thì bẫy liền sập, nhất là  đối với  những người đã từng cộng tác với chế độ cũ. Vì có tội thì phải đền tội. Hoặc còn ngại ngùng vì sợ tư thù cá nhân, không được luật pháp bảo vệ, sẽ bị đối xử theo luật rừng, hay theo kiểu giang hồ, mắt đền mắt, răng thế răng
Nhưng rồi những  cái “sợ rằng” ấy không phải là sự thật. Khi đặt chân xuống mảnh đất quê hương, họ được ân cần tiếp đón như những người thân yêu đi vắng xa nay đã trở về, như những người con đã lạc mất nay lại tìm thấy.
Sở dĩ như vậy vì có lẽ chính sách, đường lối và lập trường của Nhà nước đã thay đổi, nếu không muốn nói là chiếc bản lề đã quay hẳn một góc 180o.
Trước kia, nếu những người vượt biên bị coi là phản quốc, thì nay được coi là yêu nước, được cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa…
Và sở dĩ có bước ngoặt này vì có lẽ Nhà nước đã ý thức được rằng Việt kiều cũng là những người con của Mẹ Việt nam, cũng là những thành phần trong lòng dân tộc, khả dĩ  có thể đóng góp khả năng và chất xám, vật chất và tiền của để xây dựng và phát triển đất nước. Cụ thể là những đồng đô la do các Việt kiều gửi hay đem về giúp đỡ thân nhân.
Tuy nhiên, đồng đô la thì cũng có mặt phải và mặt trái. Việt kiều thì cũng có người tốt và kẻ xấu.
Có những đồng đô la hữu ích đem lại vui mừng và hy vọng, nhưng cũng có những đồng đô la bất hạnh gây đổ vỡ tan hoang. Có những Việt kiều trở về đã sưởi ấm tình yêu thương trong gia đình hay khu xóm, nhưng cũng có những Việt kiều trở về chỉ để hưởng thụ, lường gạt  hay toan tính những việc làm ăn mờ ám.
Muốn biết được những sự việc tốt lành và lôm côm này, xin mời bạn đọc đón xem những bài sau ắt sẽ rõ.