KHÔN MÀ KHÔNG NGOAN


Chuyện phiếm của Gã Siêu.

Mục “Sổ tay Văn hóa” trên báo “Tuổi trẻ Chủ nhật” số ra ngày 06.12.1998, có một bài viết ngăn ngắn của Nguyễn ngọc Bích, với tựa đề : “Món hàng từ siêu thị Cora”.
Gã xin phép tác giả được trích dẫn nguyên con, kẻo bị mang tiếng là “thuổng văn” thiên hạ. Rồi bị lôi ra ba tòa quan lớn với tội danh được thành lập là xâm phạm tác quyền thì thật  nguy to.
Cora ở Đồng Nai là một siêu thị lớn nhất và hiện đại nhất nước, do doanh nhân Pháp đầu tư. Ở đó người ta không phải đối phó với chuyện buôn bán ế ẩm, nhưng với việc hàng hóa bị mất cắp. Sự kiện mất cắp hàng hóa tại đây đặt ra cho chúng ta vấn đề đạo đức và phát triển.
Đối với mỗi cá nhân, đạo đức dễ làm cho người ta cảm thấy thiệt thòi và có những khi muốn vứt bỏ nó. Tuy nhiên đối với xã hội, đạo đức của mỗi cá nhân lại cần thiết cho sự phát triển.
Sự việc mất cắp ở siêu thị Cora cho chúng ta thấy ít ra năm điều :
. Không chỉ là chuyện ăn cắp vặt mà là ăn cắp có tổ chức.
. Một cụ già 60 tuổi ăn cắp bị bắt còn chửi người bảo vệ rằng : “lấy đồ của Tây chứ đâu có ăn cắp của Nhà nước“.
. Điều mà chủ nhân siêu thị lo ngại không phải là ở chỗ mất cắp mà là không có người nào muốn bắt cắp, và là sẽ phải đóng cửa vào ngày chủ nhật vì số tiền bỏ ra cho chi phí bảo vệ sẽ cao hơn số tiền kiếm được.
. Đối phó, siêu thị đã phải thêm người bảo vệ, thêm quầy tính tiền.
. Giới chức có trách nhiệm tại trung ương và địa phương khi được hỏi đã cho biết đại ý là cần làm nhanh, nếu có báo cáo và được chỉ đạo sẽ họp với các ngành để làm rốt ráo.
Đó là một hiện tượng xã hội. Và chúng ta rút ra được gì khi nhìn vụ Cora trong bối cảnh của đạo đức ?
. Nếu siêu thị đóng cửa một ngày, hay đóng cửa luôn thì có nghĩa là khi thiếu đạo đức bên trong, chúng ta sẽ không được hưởng những tiện nghi bên ngoài.
Như thế,  để cho xã hội phát triển về kinh tế thì không chỉ trong giao tiếp giữa con người, chúng ta mới phải xứng đáng với nhau;  mà ngay cả với vật chất, nó cũng đòi hỏi như thế. Người sử dụng nó phải xứng đáng với nó về mặt đạo đức. Thấy Cora nó to, hàng nhiều, nhưng chớ táy máy.
. Nếu hưởng được, thì giá trả sẽ đắt hơn so với những nước khác. Tiền thuê thêm bảo vệ hay phải mở nhiều quầy thu tiền thì cũng sẽ được tính vào giá hàng.
Ấy là tại sao giá thành ở chúng ta cao, và sức cạnh tranh của chúng ta thấp. Ấy là tại sao vào siêu thị, phải gửi túi, bỏ cặp…Chúng ta có thể được nhìn, được kể nhiều về văn minh thế giới, nhưng chẳng bao giờ những thứ đó đến tay ta.
. Trong tâm lý của chủ nhân và của những nhân viên siêu thị, trước kia họ vui vẻ đón chờ thì nay sẽ là cảnh giác đề phòng. Khách hàng vào đó sẽ ít tìm thấy ở họ những nụ cười của vui tươi.
Một môi trường của sự lương thiện không thể tồn tại khi nó không được một nền tảng đạo đức hỗ trợ.
. Chính quyền sẽ không còn nhiều thì giờ để nghĩ và làm những việc tốt cho dân, mà sẽ bị bận rộn vì giải quyết cái xấu của kẻ cắp.
. Tình trạng có thể kéo dài mãi nếu như  “ không người nào muốn bắt cắp”, hay còn nghĩ  “ ăn cắp của Tây”! Sao mà hội nhập kinh tế ?
Cha mẹ thương con, mua tủ sắm giường. Vậy là khi chúng ta làm cho người khác thì xã hội có thêm của cải.
Cora cho thấy khi lấy của người khác thì cái hiện có trong xã hội cũng sẽ mất đi. Cora là một minh chứng về vai trò của đạo đức đối với phát triển. Ý nghĩa về nó là thước đo cho thấy khả năng hội nhập kinh tế của chúng ta. Siêu thị cho chúng ta một món hàng, một bài học cụ thể cho một đề tài trừu tượng.
Tác giả đã nhìn sự kiện Cora trong phạm vi kinh tế và đã đi tới một kết luận :
- Đạo đức rất cần thiết và là nền tảng cho phát triển.
Còn gã, mỗi khi nhớ hay đọc lại sự kiện trên, gã liền cảm nhận một nỗi buồn tê tái, vừa xót lại vừa thương.
Phải, gã cảm thấy xót xa như chính mình bị bôi tro trát trấu, hay như chính mình bị một ai đó tát vào mặt. Tự ái dân tộc nơi gã nổi lên đùng đùng, nhưng đành phải “ngậm đắng nuốt cay” thế nào. Gã băn khoăn tự hỏi :
- Không hiểu mấy ông tây bà đầm ấy sẽ nghĩ gì về người Việt Nam. Rồi khi về nước, chắc hẳn họ sẽ xì xầm bàn tán với bà con lối xóm rằng : người Việt Nam thế này, người Việt Nam thế nọ…Và cuối cùng họ sẽ đi tới một thái độ cụ thể, đó là hãy đề cao cảnh giác, tránh cho xa cái bản mặt người Việt Nam.
Có kẻ đã kể cho gã nghe rằng : ở một vài vùng bên Mỹ, tại những nơi công cộng hay trên xe buýt, người da trắng mang nặng đầu óc kỳ thị, đã bạo phổi viết những hàng chữ bậy bạ như sau :
- Coi chừng người Việt Nam ăn cắp.
Gã không tin rằng câu chuyện này là có thực, bởi vì người Mỹ vốn đã vỗ ngực khoe khoang mình là dân tộc văn minh, hiện đại và tự do nhất hành tinh này. Thế nhưng khi nghe qua, Gã đã tức suýt nữa thì bể phổi và hộc máu ra mà chết.
Buồn ơi là buồn và đau ơi là đau. Nhưng nghĩ đi thì cũng phải nghĩ  lại. Và khi nghĩ  lại, Gã cảm thấy thương cho những người Việt anh dũng ấy, đã có can đảm đi ăn cắp và đã có can đảm phát ngôn thật hách xì xằng :
- Lấy đồ của Tây, chứ đâu có ăn cắp của nhà nước.
Bình thường, những người Việt anh dũng này đang lâm vào một hoàn cảnh kinh tế không mấy sáng sủa, nếu không muốn nói là còn đen hơn cả mõm chó, bởi vì như cha ông chúng ta thưở trước đã dạy :
- Bần cùng sinh đạo tặc.
- Đói ăn vụng, túng làm liều.
- Bụng đói thì đầu gối phải bò.
Thế nhưng, bò đâu không bò, lại bò ngay vào cái siêu thị của mấy ông chủ Tây mà chôm chỉa, nên mới rách việc.
Gã còn nhớ hồi trước giải phóng, gã có một bà bác cắm dùi tại giáo xứ Bắc hà, quận Củ chi. Giáo xứ này nằm sát một căn cứ của quân đội Mỹ.
Và thế là đang từ một giáo xứ nghèo rớt mùng tơi, dân chúng lục đục bỏ đi nơi khác để tìm đường sống, bỗng dưng hồi sinh cái một. Đờn ông cũng như đờn bà, già cũng như trẻ, người người đều đi làm sở Mỹ, nhà nhà đều đi làm sở Mỹ. Bọn nhóc con thì lang thang bán kẹo cao su và thuốc lá. Ấy là chưa kể đến đội quân “gà móng đỏ” kéo về, khiến những quán “bar” mọc lên như nấm sau cơn mưa.
Bà bác tôi,  lúc bấy giờ dù đã có tí tuổi, nhưng cũng vẫn hăng hái hưởng ứng phong trào đi làm…sở Mỹ. Kể từ đó, trong nhà rủng rỉnh những cam và táo. Mỗi buổi chiều, khi tan sở về, thế nào bà cũng moi trong cạp quần ra được một hay hai trái.
Bà kể lể sự thật như sau :
- Bọn Mỹ chúng nó rất thương các bà già, chúng gọi các bà già là “má mì san” và thường cho các bà già trái cây. Thế nhưng các bà già không ăn, để dành đem về cho con cho cháu. Lỡ hôm nào chúng không cho, thì nhanh tay lẹ con mắt, chớp vội vài trái mà dắt đại vào cạp quần chứ sao.
- Bộ khi ra cổng, MP tức là quân cảnh chúng không khám không xét ư ?
- Đối với các “má mì san”, chúng đều cho ra mà chẳng khám xét chi cả.
Chuyện rằng có một cô gái được làm ở khâu nhà bếp, thấy đứa con ở nhà mỗi ngày một ròm và còm cõi vì suy dinh dưỡng, nên chiều hôm ấy cô quyết tâm khi về sẽ lấy một ký thịt bò đông lạnh, rồi quấn kỹ quanh bụng.
Thế nhưng, khi ra đến cổng, do sức nóng của cơ thể, miếng thịt bò đông lạnh bắt đầu chảy nước và nhỏ xuống đất những giọt đo đỏ. Bọn quân cảnh Mỹ thấy vậy tưởng cô gái đã tới…tháng  hay mắc phải chứng bệnh đờn bà con gái gì đó, nên vội kêu xe cứu thương, chở gấp tới bệnh xá.
Tại đây, người ta mới khám phá ra và cười ồ lên :
- À, té ra là thế.
Cái khó ló cái khôn. Hôm nay, cái khó thì vẫn còn đó, nhưng liệu sẽ ló ra được bao nhiêu cái khôn siêu đẳng thuộc loại này ? Vậy đâu là nguyên nhân phát sinh ra tệ trạng trên?
Các cụ đồ nho, học trò Đức Khổng Tử, thì cho rằng :
- Nhân chi sơ tính bản thiện.
Bổn tính con người khi sinh ra vốn dĩ tốt lành. Nhưng rồi do hoàn cảnh xã hội, cái tính bản thiện ấy  mỗi ngày một tuột dốc và xấu dần, xấu dần thêm mãi.
Còn các nhà thần thọc thì phán rằng :
- Xuất phát từ lòng bàn tay Thiên Chúa, con người tốt lành như các thiên thần, thế nhưng do ảnh hưởng của tội nguyên tổ, con người bắt đầu xuống cấp. Trí khôn trở nên mờ tối. Ý muốn bị dục vọng khống chế. Và lòng tham thì như một vực thẳm không đáy.
Chính vì lòng tham không đáy này, người ta luôn hướng chiều tới “việc vơ vét về”. Và người ta đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế để thực hiện ý đồ đen tối ấy.
Riêng với người Việt Nam, theo gã nghĩ, còn có một nguyên nhân lịch sử khác nữa.
Số là như chúng ta đã biết cha ông chúng ta đã từng sống một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, rồi một trăm năm nô lệ giặc Tây và hai mươi năm nội chiến từng ngày. Trong kiếp nô lệ đằng đẵng này, muốn được sống phây phây và phè phỡn, người ta cần phải khéo luồn và  khéo lách…Tất cả nghệ thuật luồn và lách này được kết tinh thành những cái khôn, như :
- Khôn quỉ hay khôn xảo, nghĩa là hiểu biết và thu lợi nhiều cho mình một cách quỉ quyệt và xảo trá.
- Khôn ranh, khôn lỏi hay khôn vặt, nghĩa là hơn người trong những việc vặt vãnh, nhỏ mọn chẳng đáng.
Những cái khôn này, tự bản chất : rằng khôn thì thật là khôn nhưng lại chẳng ngoan tí nào, bởi vì chẳng biết phân biệt phải trái. Cứ thấy tiền của, lợi lộc và chức tước là húc đầu vào như con thiêu thân lao mình vào lửa hay như con bò rừng nhào tới tấm vải màu đỏ trong đấu trường Tây ban nha.
Những cái khôn này đều có hai điểm chung.
Điểm chung thứ nhất đó là luôn đặt cái lợi của mình lên trên hết và sẵn sàng dùng mọi phương tiện để đạt cho được mục đích, dù đó chỉ là những phương tiện xấu xa và  hèn hạ.
Điểm chung thứ hai đó là  những cái khôn này luôn mang tính cách lươn lẹo, gian dối và thiếu thành thật. Nhiều khi miệng thì nam mô, nhưng trong bụng lại chất đầy một bồ dao găm. Hay như tục ngữ cũng đã diễn tả :
- Miệng thì thơn thớt nói cười,
  Mà trong nham hiểm giết người không gươm.
Với một bề dày lịch sử nổi cộm như thế, những cái khôn ranh và khôn vặt này đã bén rễ sâu trong tâm hồn và luôn lưu thông trong máu huyết của người Việt Nam, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn chưa thể đánh bật được nó ra ngoài.
Chính vì thế mà cho đến hôm nay, nó vẫn còn để lại những hệ lụy, những hậu quả giây chuyền thật thê lương và thảm thiết.
Thực vậy, vì thiếu thành thật, nên người Việt Nam chúng ta rất khó cộng tác với nhau. Người ngoại quốc đã nhận xét về các sinh viên Việt Nam như sau :
- Sinh viên Việt Nam rất giỏi, chỉ số thông minh của họ rất cao. Nếu một chọi một, nghĩa là một sinh viên Việt Nam địch với một sinh viên ngoại quốc, họ dễ dàng nắm phần thắng. Thế nhưng một nhóm sinh viên Việt Nam đấu trí với một nhóm sinh viên ngoại quốc, thì họ sẽ thua xa. Sở dĩ như vậy là vì họ không biết hay không thể cộng tác với nhau.
Đây cũng là kinh nghiệm gã đã từng trải qua. Thưở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, cứ mỗi lần thảo luận theo nhóm là thấy khỏe re con bò kéo xe, bởi vì chỉ cần bàu lên một tên trưởng nhóm, rồi sau đó ngồi tán gẫu, cà kê dê ngỗng cho đến hết giờ, phó mặc tên trưởng nhóm tha hồ ba hoa chích chòe, vẽ rồng vẽ rắn, thêm râu thêm ria khi lên trình bày hay báo cáo cùng bàn dân thiên hạ.
Cũng chính vì sự thiếu cộng tác này mà cho đến ngày hôm nay dân tộc mình không để lại được cho đời một công trình nghệ thuật tầm cỡ nào.
Chẳng hạn về kiến trúc, các lăng tẩm ở Huế còn quá nhỏ nhoi so với khu đền Ăng ko của người anh em Campuchia. Về văn học, hiện giờ chúng ta chưa có được một bộ bách khoa tự điển đầy đủ…Mạnh ai, người ấy viết. Mạnh ai người ấy làm. Mà sức làm, sức viết của mỗi cá nhân thì thật hạn hẹp. Một cái đầu làm sao bằng hai cái đầu.
Một bộ tự điển “Larousse” của Pháp mà thôi cũng đã có biết bao nhiêu người cộng tác, rồi từ năm này qua năm khác, họ vẫn luôn duy trì sự cộng tác chặt chẽ ấy, để có những bổ túc cập nhật hóa, khỏi bị lỗi thời. Thấy mà thèm.
Rồi vì lòng tham, thấy cái lợi liền bị tối tăm mặt mũi như kẻ phải gió, nên mới nảy sinh ra những hành động làm nghèo cho đất nước.
Thực vậy, có người đã quan niệm : của nhà nước là của chùa, cứ mặc sức mà vơ vét, tuy nhiên phải khôn ranh một tí để khỏi bị tóm cổ. Nếu lỡ bị tóm cổ, thì hãy liệu mà chạy thuốc, lo lót càng sớm càng tốt, vì :
- Đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn.
- Nén bạc đâm toạc tờ giấy.
Có một độ, nhà nước thu thuế bằng hiện vật. Chẳng hạn anh nông dân thì phải đóng thuế bằng lúa. Và thế là anh ta không ngần ngại trộn cát hay dội nước vào lúa cho nặng ký, khiến cho cả núi lúa thuế bị hư hỏng hay không thể xài được. Đây rõ ràng là tham cái lợi trước mắt mà quên cái hại sau lưng.
Cũng vì tham cái lợi mà biết bao xí nghiệp, công ti đã lỗ chổng vó, đã thua sặc gạch hay đã biến thành một thứ “công ti năng tan” chỉ vì ngài giám đốc hay cô thư ký biển thủ.
Biết bao đường giây hụi bị bể vì người cầm trịch ẵm tiền bỏ trốn đi mất. Ấy là gã chưa nói đến những thứ “giả” được sản xuất để trục lợi.
Chẳng hạn làm hàng giả để kiếm lời. Hôn nhân giả để được xuất cảnh. Ly hôn giả để được cấp đất, cấp nhà. Bằng cấp giả để lòe thiên hạ hay để được ngồi vào chiếc ghế này, chiếc ghế kia. Mang thai giả để tống tiền. Đạo đức giả để lấy điểm hay để được thương…chỉ còn thiếu mỗi cái hàm răng giả để cho khỏi móm mà thôi. Hy vọng khi có dịp, gã sẽ mổ xẻ về những thứ giả này.
Càng viết, gã lại càng thương và càng xót, càng tủi và càng hận. Rốt cuộc, yếu tố quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Chẳng thế mà cha ông chúng ta ngày xưa đã bảo :
- Phải tu thân, rồi sau đó mới tề gia, trị quốc và bình thiên hạ.
Ngày nay, muốn phát triển và nâng cấp nền kinh tế, thì tiên vàn, phải phát triển và nâng cấp chính con người trước mình đã.