Ðã suýt soát mười giờ tối. Linh mục tuyên bố đóng cửa vào lúc mười giờ ba mươi. Nhưng mới quá tám giờ thì đã hết người. Giáo đường lặng im như tờ. Ai cũng vội vã về với những buổi tối riêng của họ. Linh mục thầm nghĩ: Sẽ khóa cửa vào lúc mười giờ.
Trời tháng tư ở đây thì cũng như mọi tháng, khác xa ở quê nhà. Linh mục ngồi một mình ở tháp chuông nhớ lại những ngày tháng cũ. Kỉ niệm êm đềm hiện về. Tháng tư ở quê nhà thì đã qua những trận mưa đầu mùa. Linh mục nhớ lại mùi thơm của mãng cầu. Những con đò tam bản dưới hàng dừa. Tiếng hát cải lương oang oang vào những trưa êm ả mùa hạ của Ông Sáu Ba bên vườn mận đỏ rực trái. Cả cái mùi ẩm mốc của rạ, cái mùi nồng nồng của đất nóng gặp cơn mưa lạ. Cuộc đời một linh mục tuổi đã ngoài ngũ tuần như ngài trên vùng đất không cùng ngôn ngữ là cuộc đời cũng mang nhiều xót xa. Những mùa lễ lớn là những ngày ngài lại bám vào cái quá khứ không thể quên được để nhớ một thủa trầm hương, nến cháy. Chẳng hạn như tối nay.
Linh mục bùi ngùi hình dung lại căn nhà thờ gỗ và những con chiên quê mùa thật thà. Bây giờ, ở đấy ra sao? Linh mục thở dài. Một làn gió nhẹ đi qua. Ngài ngồi im lặng.
Ðã mười giờ. Người đàn ông vẫn đứng đấy, bên hông nhà thờ. Linh mục vẫn chưa khóa cửa. Ngài lấy xâu chuỗi và bắt đầu đọc kinh. Chừng mười phút sau, lúc linh mục sắp lần sang chục thứ ba thì người đàn ông ra khỏi bóng tối, mở cửa nhà thờ, bước vào. Không lanh lẹn vội vàng, có một chút ngượng ngập chen giữa cố gắng. Dáng điệu hắn na ná một tên ăn trộm. Sự việc xẩy ra ngoài điều dự đoán. Giữa lúc khuya thế này ai lại đến đây? Linh mục ngạc nhiên tự hỏi.
Chờ cho người đàn ông bước hẳn vào, cánh cửa khép lại rồi, bấy giờ linh mục đi vòng ra tháp chuông, đến nhìn qua khe cửa gỗ. Người đàn ông đứng cách đó không đầy năm thước, ngay ở đầu hàng ghế sau cùng.
Linh mục quan sát. Hắn chưa đến tuổi để gọi là ông. Một gã thanh niên. Dường như linh mục chưa hề gặp hắn trong các gia đình Công Giáo Việt Nam ở thị trấn này. Nhưng ít nhất có hai điều linh mục cảm thấy gần gũi, một: Hắn là đồng hương? Hai: Hắn có đạo? Giáo xứ nơi linh mục trú ngụ là một thị trấn miền trung Mĩ. Ngài về đây với một nhóm người đồng hương vài trăm hộ khẩu. Cuộc đổi đời từ ngày bỏ nước đi, linh mục cũng đã dừng chân đây đó nhiều lần. Chọn lựa nơi này cũng không hẳn là lựa chọn mãn nguyện. Nhìn kĩ những giao động thương nhớ quê hương, và đoàn chiên của mình, linh mục thấy ở đâu cũng là bất ổn. Nó là một giao động bứng rễ. Cái khủng hoảng căn tính ấy không thể giải quyết bằng di chuyển chỗ ở mà tự trong tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, trong bản tính sinh tồn thể lí của con người, tìm một tình thân, một hình ảnh quen thuộc với quá khứ vẫn là vô cùng cần thiết. Ngài chọn ở lại đây cũng vì lí do đó. Bên li trà với mấy người đồng hương rồi kể lại chuyện xưa ở quê cũ là những giây phút ngài thấy sống một thủa êm đềm. Nhưng vào những đêm khuya, chỉ có tiếng kinh cầu, xâu chuỗi lần hạt là linh mục có thể tìm về gần gũi với đoàn chiên mà giờ đây ngài đã ngàn trùng cách biệt. Cũng trong đêm nay, vì lẽ đó mà ngài vẫn gần gũi trên sân giáo đường.
Người thanh niên giơ tay làm dấu, rồi ra giữa nhà thờ, đi lên cung thánh.
Trong bầu khí linh thiêng của đêm vắng nhà thờ, hình bóng hắn trở nên u mặc. Không hiểu tâm tư linh mục bấy giờ ra sao mà ngài cũng tự động giơ tay làm dấu. Người thanh niên đi lên chậm rãi như một tội nhân bị gọi án, nhưng đôi mắt ngước nhìn về phía trước như chiên con đang dâng mình làm hi tế.
Gian cung thánh được nối với những gian cuối bằng ba bậc tam cấp. Người thanh niên đến gần tam cấp thì dừng lại. Chính lối giữa lên thẳng bàn thờ, ở bậc trên cùng là cây thánh giá lớn để nằm gác đầu lên chiếc gối bông. Hoa huệ và hoa hồng cắm rực rỡ chung quanh. Mỗi bên cánh tay thánh giá là hai cây nến lớn đang cháy. Chiếc bình hương đã hết than hồng, nhưng vẫn phảng phất mùi thơm của nhựa thông.
Người thanh niên đứng nhìn rồi chậm rãi cúi hôn thánh giá. Cái hôn kéo dài. Lửa của bốn cây nến vẫn cháy. Những bông hồng đỏ rực lên màu máu. Nhà thờ trầm lặng. Sau khi hôn xong, người thanh niên đứng dậy, cũng một cách chậm rãi như trước khi cúi hôn, hắn lùi bước đi ra. Lại đứng nhìn tượng chịu nạn. Ðưa tay làm dấu một lần nữa. Lần cuối hắn nhìn đốm lửa trên đầu bốn cây nến, rồi lững thững đi xuống. Im lặng vẫn im lặng.
Trời đã vào khuya. Sương bắt đầu lạnh. Một vài cơn gió nhỏ ở mạn bắc đi qua. Linh mục vội vàng đi về phía tháp chuông, trả lại cho người thanh niên sự im lặng nhiệm mầu.
Người thanh niên khép lại cửa nhà thờ. Ðứng nhìn bầu trời đen vô định. Bóng hắn gầy nghiêng đổ trên nền xi măng. Làn gió đêm làm mái tóc biếng chải lòa xòa thêm. Ðút hai tay vào túi áo khoác ngang đầu gối. Dường như hắn không biết đi về hướng nào, không có quyết định dứt khoát. Khi bàn tay nằm gọn trong túi áo, bấy giờ hắn có vẻ như vừa gặp vật gì thất lạc lâu ngày mà nay vô tình tìm thấy. Hắn lấy ra rồi đưa lên nhìn. Ðó là mảnh giấy nhỏ bằng cỡ chiếc thẻ bài của người lính trận. Hắn nhìn mảnh giấy một chút rồi đưa tay vuốt mặt. Hắn khóc?
Mảnh giấy rơi xuống nằm yên dưới chân.
Nhà thờ trầm ngâm trong đêm vắng. Con đường nhỏ không bóng người qua lại. Trên nóc cao, bóng néon vẫn sáng vô tư của một cuộc đời tẻ lạnh. Ðêm vẫn đêm như mọi đêm. Hình bóng hắn như người lính trận lạc loài, trở về nhìn hoang phế không còn thấy tình thân nào sống sót. Hắn nhìn dáo dác trong đêm lẻ bóng. Tất cả xã hội chung quanh là vùng đất xa lạ lạc lõng. Cái lạc loài không giống như một cánh bèo trôi bập bềnh trên nước đục. Nhưng là bóng một con cò lạc hướng.
Hắn trở lại mở cửa nhà thờ lần nữa. Mảnh giấy kia là gì? Hắn đánh rơi? Hắn vứt? Sao hắn lại có vẻ như khóc khi nhìn mảnh giấy? Linh mục thắc mắc nhưng không thể chẩn đoán dù cho một định nghĩa dưới điểm trung bình. Vị linh mục đến tìm mảnh giấy nhỏ. Mảnh giấy nằm trên tay, nhưng linh mục không tìm được câu trả lời. Ngài trở lại tháp chuông có ý chờ người thanh niên. Không ngồi trong bóng tối nữa, mục đích cho người thanh niên nhìn thấy, nên ngài đi đi, lại lại trong vùng sáng nhạt của ngọn đèn mờ. Một người thanh niên lạ đến nhà thờ lúc này làm gì. Ðiều làm linh mục thấy xôn xao trong lòng là có thể hắn ta cũng là đồng hương. Có lẽ không hẳn chỉ là người đồng hương mà linh mục muốn gặp. Nhưng chính cái bóng lẻ loi trong một đêm cô tịch. Cái lẻ loi của một người xa quê hương giống như cái lẻ loi trong chính tâm hồn ngài. Trong một thứ đồng cảm từ vùng sâu của tiềm thức, những hình ảnh một mình là hình ảnh có chất ngọt mà kẻ xa quê hương nào cũng muốn ngậm cho thấm thía thêm.
Sau cùng người thanh niên đã trở ra. Nhưng chàng rẽ về phía hông nhà thờ rồi đi chứ không để ý đến vị linh mục, cho dù từ cửa nhà thờ đến tháp chuông chỉ cách khoảng hơn chục mét. Mà cũng có thể chàng nhìn thấy nhưng chàng không muốn bắt chuyện. Ðiều ấy chỉ riêng chàng biết.
Linh mục vội vã đi theo và gọi bằng tiếng người bản xứ:
- Sir...
Người thanh niên quay lại nhìn. Gương mặt buồn. Hắn có vẻ hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc collar trên cổ áo linh mục, và hơn nữa vào giờ này, khuya quá rồi. Nhưng cái bối rối của hắn có lẽ hắn tự nghĩ sao linh mục lại gọi. Có việc gì liên quan tới hắn? Ông ta đã biết hết câu chuyện của chàng từ nãy đến giờ trong nhà thờ rồi chăng?
Vị linh mục nói luôn bằng tiếng đồng hương của hắn mà không nghĩ rằng rất có thể hắn chỉ cùng màu da nhưng là một tên Ðại Hàn hay Taiwanese nào đó.
- Anh làm rơi chiếc vé?
Người thanh niên nhìn chiếc vé như sực nhớ ra một biến cố vừa mới chợt quên. Nhìn chiếc vé trong tay linh mục đang chìa trước mặt, hắn lúng túng, không giữ được vẻ bình tĩnh lúc ban đầu mới ở nhà thờ ra. Người thanh niên không xác nhận tấm vé là của mình, cũng không chối từ. Cả hai im lặng.
Ðể bớt trống trải, linh mục tiếp ngay câu chuyện:
- Tôi thấy anh đánh rơi ở sân nhà thờ.
Chiếc vé vẫn chìa trước mặt. Hắn lưỡng lự, rồi tự nhiên khóc. Linh mục đặt tay lên vai hắn. Một khoảng thời gian im lặng trôi. Bằng một giọng ôn tồn vị linh mục hỏi:
- Con có chuyện buồn? Cha có thể giúp được gì cho con không?
Ðêm vẫn đêm. Gió thổi đều đều. Không ai ra đường. Trên lối đi hai bóng người nghiêng đổ lên nền đất.
- Con từ đâu đến? Hình như con không ở city này? Chắc con tới thăm người quen?
Hắn lắc đầu nhưng không có ý trả lời. Ðột nhiên hắn nói: "Xin cha tha tội cho con. Con muốn xưng tội". Linh mục vòng tay trên vai hắn. Hắn khóc. Trời đen vẫn đen. Hắn tựa đầu bên vai linh mục, trong nước mắt lẩm bẩm những lời vô nghĩa... Giuđa... Giuđa... Linh mục không hiểu, ngài kính trọng giây phút thiêng liêng để hắn qua cơn xúc động. Thời gian êm đềm trôi.
Vị linh mục ôn tồn:
- Cha nghĩ con có chuyện buồn, sao con lại khóc? Cha có thể giúp con được gì không? Cha sẽ cầu nguyện cho con, và con cũng cầu nguyện cho cha nữa. Ðêm nay Chúa không cô đơn. Con đã cho Chúa nụ hôn đẹp nhất. Con có thể ở lại dự lễ Phục sinh với cha vào đêm mai?
Khi người thanh niên giã từ rồi thì linh mục trở lại tháp chuông với trái tim bùi ngùi chen lẫn hạnh phúc. Một cái gì như ngộp thở chen lẫn nhẹ nhàng bâng khuâng.
Hai người em gái mà mẹ gởi gấm chàng đã biệt tăm trong chuyến tầu vượt biên gặp hải tặc. Hình ảnh kinh hoàng của một đêm âm u nhất đời. Trên sàn ghe, óc người bắn trắng tung tóe. Những chiếc răng vàng bị vặn gẫy dàn dụa máu tươi. Những mặt người hốc hác kinh hoàng quỳ mọp xuống sàn chắp tay lậy xin. Chồng nhìn vợ, con nhìn mẹ trần truồng trên vùng biển đêm dập dờn loài quỷ yêu ma hãm hiếp. Trong những xác chết ném xuống biển, có xác của chàng. Nhưng hồn người có những linh thiêng phù trì mà không ai cắt nghĩa được. Ai đã phù trì cho chàng? Dòng dã lênh đênh trên biển nhờ mấy nút áo mắc vào sợi lưới mà xác chàng không trôi ra biển rộng. Chàng được cứu sống nhờ những chiếc nút áo mà hồn ai nhập vào?
Mẹ ở xa quá cho con nói sự thật. Chàng vẫn giấu mẹ về nỗi oan kiên khốn cùng. Chàng vẫn còn một hi vọng ngày nào đó hội Hồng Thập Tự báo tin tìm thấy em chàng. Có thể từ một trại tị nạn, một nhà chứa ở Bangkok, một căn hầm nô lệ ở đâu đó trên mặt địa cầu. Nuôi một hi vọng mà không dám hi vọng. Lấy nỗi đau khổ của mình làm cánh thư báo hiếu giấu tin mẹ. Lòng căm thù mỗi ngày như lửa đốt trong đời chàng. Một con giao găm. Một chai át xít. Chàng không tránh được những cơn ác mộng đổ về từng đêm. Trên phố đường xứ lạ mà lòng chàng không tắt đi được những hình ảnh kinh hoàng của ngày cũ. Ðêm về một mình là chảy mồ hôi với những tiếng thất thanh tru tréo trên chiếc ghe định mệnh. Bốn khoảng tường trống của một căn phòng mà ngày độc thoại với chính mình, đêm rưng rưng với nỗi nhớ.Làm sao chàng có thể thổi cho vụt tắt hết những bóng hình ấy. Kí ức của chàng nặng hơn tương lai. Lối đi đóng ngõ mà lối về rộng mở. Làm sao chàng tẩy sạch được bóng đen của những đêm hãi hùng. Nó như những con trùng chui vào thần kinh của chàng, rồi rúc rỉa ăn dần. Những tháng ngày gần đây trí nhớ chàng sa sút khủng hoảng. Người ta thấy chàng hay thẫn thờ trên những chuyến xe buýt chạy vòng từ đầu phố rồi trở lại cuối phố mà chàng không chịu xuống.
(Hai tháng sau)
Theo định luật thời gian, bóng người thanh niên cũng quên dần trong tâm trí linh mục. Mãi cho đến một hôm không ngờ xét đoán, bóng chàng trở về, gõ cửa tâm tưởng vị linh mục.
Hôm ấy, một chiều thứ bảy đầu tháng, linh mục trở về sau khi dâng lễ cho mấy gia đình đồng hương. Xe vào thành phố giữa trời đêm rực đèn. Một ngã tư. Ðèn đỏ. Hè phố tấp nập người, son phấn và khói thuốc, nhạc và bọt bia.
Trong lúc nhìn lên vỉa hè thì một sa điện đánh thức linh mục nhớ về câu chuyện đã xảy ra ở sân nhà thờ vào đêm Thứ Sáu Tuần Thánh khi linh mục nhìn lên chữ Riz của rạp ciné. Bên kia ngã tư, một rạp chiếu bóng lớn với hàng chữ đỏ chói: Ritz adult movie với những hình ảnh lõa thể của thân xác khêu gợi. Chính chữ Ritz với cái đuôi dài cong véo của chữ Z đã dọi sáng vào tâm trí linh mục. Ðèn xanh. Linh mục nhấn ga vọt qua.
Ðấy chính là chữ Ritz in trên vé ciné của người thanh niên cô đơn đã để rơi trên sân giáo đường cách đây hai tháng. Một khúc mắc bất ngờ được khám phá. Có lẽ người thanh niên muốn đến những hộp đêm ở khu phố, rạp hát ciné tội lỗi này để lãng quên đời trong đêm thứ Sáu Tuần Thánh.
Linh mục nhớ đến người thanh niên. Giờ này người thanh niên ấy ở đâu. Buổi tối thứ sáu lại hiện về với từng chi tiết trong tấm gương dĩ vãng của linh mục. Những bông hồng đỏ rực màu máu. Tượng chịu nạn. Bàn tay làm dấu. Ánh nến cháy kiên nhẫn. Nỗi niềm tâm sự. Giuđa...Giuda...
Ừ, còn hai tiếng ấy. Sao người thanh niên lại nức nở lẩm bẩm tên gọi đó. Giuđa đã hôn Chúa. Người thanh niên cũng đã hôn tượng chịu nan. Chàng thấy mỉa mai trong nụ hôn của mình, hay nụ hôn đã thức tỉnh đời hắn? Linh mục thầm nghĩ: Không cần thiết để tìm câu trả lời. Một điều chắc chắn là hai tiếng ấy đã đến từ trái tim mang hai chủ đề mầu nhiệm nhất của con người: Ðau khổ và yêu thương.
Nước mắt đã chảy. Vị linh mục không ngờ đấy là những dòng nước mắt duy nhất đã rơi xuống trên cung thánh, trong nhà thờ của ngài vào đêm Chúa chịu nạn.
Lời cuối
- * Lậy Chúa, cuộc đời có nhiều bất ngờ. Ngày Chúa chết, có ai ngờ kẻ về Nước Trời với Chúa lại là người ăm trộm bị đóng đinh. Ðường thập giá vác đi tưởng rằng các môn đệ thân cận sẽ đi cùng, có ai ngờ lại là Simon người Kirênê, một kẻ ngoại. Có ai ngờ Chúa dừng lại, gọi Giakêu xuống và tự dưng xin vào nhà ông. Có ai ngờ ở lại thêm với Chúa dăm ba phút mà linh mục gặp dòng nước mắt duy nhất của đêm tử nạn. Có ai ngờ ở lại thêm với Chúa dăm ba phút mà cửa nhà thờ đã mở cho dòng nước mắt rất hiếm hoi rơi vào những giây phút muộn nhất của một ngày. Những bất ngờ xẩy ra giản dị, bình thường. Ðời sống bình thường thôi, giản dị lắm, nhưng nếu con nhìn kĩ trong thinh lặng, chắc con sẽ còn gặp nhiều bất ngờ.
Trích Tập Truyện Ngắn "ÐƯỜNG VỀ THƯỠNG TRÍ" của tác giả Nguyễn Tầm Thường.