Hắn ra khỏi quán rượu, say khướt, lảo đảo đi dọc bờ sông về phía nhà thờ. Con sông đang mùa nước lũ chảy cuồn cuộn. Rác rưởi trôi lềnh bềnh đổ xuống đồng bằng. Xác súc vật chết chương phềnh trôi theo trên những mảng rác lớn. Vào những ngày oi bức, mùi hôi ở dòng sông đưa lên nồng nặc. Ðối với hắn chiều nay dòng sông chỉ là con nước chảy, hắn không ngửi
thấy mùi gì cả.
Người ta bảo hắn ngoài hai mươi là cùng. Tuổi thật của hắn mới mười bẩy nhưng tóc tai bù xù, đôi mắt đỏ nhừ, với hơi rượu cay xè làm hắn già thêm tuổi đời. Ngực áo đứt cúc để hở một mảng ngực cháy sém vì bong da. Vết da đỏ ửng. Hắn đeo một túi vải xanh rêu. Sợi dây đeo to bằng hai ngón tay, vắt tréo qua cổ. Hắn cặp chiếc túi ở cạnh sườn đi lảo đảo giữa trưa nắng gay gắt. Mấy con chó xô ra cắn. Hắn lượm cục đá lớn bằng nắm tay, ngật ngưỡng ném đàn chó. Nếu con khoang đen đứng yên một chỗ thì hắn đã ném trật, nhưng vì nó cuống quít chạy nên đã lãnh trọn cục đá vào đầu, kêu oang oẳng. Ðàn chó chạy cụp đuôi. Tiếp tục sủa vang xóm mà chẳng con nào dám xô tới cắn. Hắn mệt đừ khi tới cổng nhà thờ. Dưới gốc phượng, hắn lăn ra ngủ lúc nào không hay.
Nhưng lí do nó bỏ nhà đi không chỉ đơn giản vì trận đòn bữa đó. Ðâu là nguyên nhân sâu nhất chắc chỉ cuộc đời nó biết. Nhưng nhìn bên ngoài thì lối xóm thấy nó không thể ở chung được với bà dì ghẻ. Sợi giây giữ chân nó ở lại nhà là tình thương của người cha nhưng từ khi ông Năm Keo đi vào con đường cờ bạc, rơi vào hố thẳm hút sách thì nó chỉ là khối thịt thừa trong căn nhà ấy. Nó bỏ học từ hồi lớp Tư. Cũng thời gian này nó đã bỏ nhà đi mấy lần. Tuy nhiên, sau khi tỉnh cơn say, ông Năm lại tìm nó về. Hàng xóm gọi nó là đứa mất dậy. Cái mất dậy và lếu láo của nó theo tỉ lệ thuận với cuộc sống say sưa của ông Năm. Từ ngày ông Năm Keo chỉ la cà ở quán rượu, bỏ bê đứa con mất mẹ quá sớm, đời nó bắt đầu hư hỏng rồi trở thành đứa bé trộm cắp.
Mối thù hằn xã hội người lớn tăng theo tuổi đời trong trái tim của một cậu bé đang tuổi lớn. Ðể tìm một điểm mốc đánh dấu mối thù đời cay nghiệt, nó có thể nói ngay rằng từ ngày bị ông thầy thuốc bắc ở đầu làng, ông lang Ðốc, đổ tội cho nó ăn cắp khế và đánh nó bằng chiếc đòn gánh ngang sống lưng, mà nó tưởng là đã ngã gục. Hôm đó, đang ngồi và bát cơm nguội ở đầu nhà thì ông lang Ðốc sồng sộc đi vào. Ông hằm hằm chỉ chiếc đòn gánh vào mặt nó quát:
- Nói mau, những thằng nào làm gẫy cành khế nhà tao!
Nó riu ríu chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao mà nó lại mang họa.
- Dạ...cháu...đâu có biết gì!
- Cha tiên sư mày! lại còn chối bai bải hả!
Ông Ðốc đưa đòn gánh lên. Nhìn theo chiếc đòn gánh nó sợ hãi co rúm lại, lắp bắp thưa:
- Dạ cháu đâu có làm gì!
Ông Ðốc giáng thẳng chiếc đòn gánh xuống lưng. Vừa đánh ông vừa quát:
- Này thì mày không làm gì với ông này!
- Nó oằn lưng kêu la, bỏ chạy về phía đống rơm đứng nhìn ông lang hằn học. Con chó vàng sợ hãi lúc thấy ông Ðốc đánh thằng bé nhưng khi chén cơm đổ vãi tung tóe thì nó lấm lét nhìn ông rồi liều thân chạy lại liếm thật lẹ, sợ mất cơ hội may.
Mấy bà đi chợ về ngang qua thấy ông Ðốc lớn tiếng, dừng lại xem chuyện gì. Ông lại giơ chiếc đòn gánh về phía thằng bé tức tối, chửi rủa:
- Quân mất dậy, đồ ăn cắp!
Nó nhìn ông Ðốc căm thù. Không phải vì lời ông Ðốc chửi nhưng vì cú đánh oằn lưng lúc nãy, nó ứ lên ngực mà không làm gì được, liền vạch quần, nhử về phía ông Ðốc:
- Ăn "cái này" của ông này!
Không ngờ thằng bé dám xử với ông như thế. Mấy bà đi chợ ôm mặt cười làm cơn giận ông thêm sôi máu nóng. Ông rút ngay hai chiếc guốc gỗ, chạy lao về phía nó. Vừa ném vừa chửi:
- Cha tiên sư con nhà mất dậy!
Nó lẹ chân, quanh ra sau đống rơm, chạy qua bờ ao, chui qua hàng rào phóng ra ngoài. Từ ngày đó nó thù ông Ðốc tím gan ruột. Không biết ai xấu mồm, đã đổ oan cho nó chứ nó có bao giờ lấy khế nhà ông đâu. Nhưng làm sao minh oan được khi nó chỉ là đứa bé thấp cổ bé miệng. Một đứa bé bị kết tội là "mất dạy". Người ta nhìn nó như con chó ghẻ dơ bẩn. Những gì xấu xa đều trút lên đầu nó. Nhà nào mất của gì, nó cũng là kẻ bị hồ nghi số một.
Mối thù đối với ông Ðốc đã đến ngày được rửa hận. Một thằng trong bọn đề nghị phá dừa nhà ông, nó hí hửng như một sáng kiến tuyệt vời. Công việc xếp đặt cẩn thận. Một đứa đứng ở cổng nhà ông Ðốc giả vờ bắt chuồn chuồn, nếu có ai đi ra phải làm bộ hỏi chuyện để nó náu yên trên cây. Còn thằng nữa đứng phía cuối đường bên kia canh chừng, nếu có ai đi ngược lên, hắng tiếng ra hiệu. Nó biết sứ mạng trèo lên cây là nguy hiểm nhất nhưng vì mối thù với ông Ðốc quá lớn làm nó liều chấp nhận sứ mạng hiểm nghèo ấy. Ðang ra sức bẻ dừa, bất chợt có tiếng la:
- Ông lang ơi có đứa ăn cắp!
Chỉ đợi có thế. Kế hoạch đã sắp xếp sẵn sàng. Cả nhà ông Ðốc chạy ra. Ông cầm con dao phay và sợi giây thừng dắt trâu. Nó bủn rủn chân tay muốn té xuống. Mặt xanh như bị trúng gió, trông không còn hạt máu. Nó đứng mềm như con chó chết. Thằng con trai lớn của ông Ðốc tát nó một cái trời giáng. Gia đình ông đứng vây quanh nó như một tù binh bại trận. Nó biết không còn đường nào thoát thân. Im lặng nghe từng lời ông ra lệnh. Hai tay đưa ra trước. Sợi giây thừng xiết lại. Nó nhăn mặt, cắn răng chịu đựng khi sợi giây siết chặt như muốn nghẽn đường máu chảy. Hai thằng bạn hoan hỉ vì đã chu toàn sứ mạng ông Ðốc thuê. Mỗi đứa nhận mấy đồng và gói táo tầu do ông tưởng thưởng. Chúng khoan khoái vì đã khéo lừa được nó. Dưới gốc mận, hai cánh tay bị trói nhô lên. Sau trận đánh ấy nó mang vết sẹo mà mười mấy năm sau người ta hạch sách nó đủ điều. Vết sẹo như chứng tích nhắc nhở nó về ý nghĩa cuộc sống: Sống là lừa gạt và hận thù!
Sau khi ông Ðốc tha về, mấy tuần lễ sau nó vẫn khập khiễng vì vết thương ở bụng chân. Chán ngán quá, chung quanh chỉ là khinh dể đổ lên đầu. Bài học nó học là cái âm mưu thâm độc của ông đốc đã thuê hai thằng "nhãi ranh". Nó cũng cảm thấy cô đơn cùng cực vì chẳng còn ai để sống. Chính lũ bạn cũng nhìn nó như một thằng bé ngoại lệ. Bài học nó đã học được là lừa gạt, sập bẫy. Cũng từ ngày ấy, nó lớn lên trong những ý nghĩ phải biết đề phòng, phải biết mưu mô, phải biết lừa gạt thêm. Mười bốn tuổi đời, tuổi có giấc mơ của bà tiên áo trắng, có công chúa Bạch Tuyết bẩy chú lùn, tuổi của suối mát róc rách, của vườn bông có bướm bay. Nhưng tuổi mười bốn của nó khác xa, không nằm trong cái mẫu số chung đó. Nó thấy cuộc sống chỉ là đau khổ, bi thương như một bản án. Xã hội người lớn là hình ảnh của cha nó, của bà dì ghẻ, của ông lang Ðốc. Xã hội tuổi thơ là những đứa lừa bạn vì mấy trái táo. Nó cảm thấy tủi thân trong cái giá lạnh, lẻ bóng. Nhiều đêm nó khóc thút thít một mình.
Trước ngày bị ông bố trói vào gốc xoài đánh, nó đã phải trốn chui trốn lủi vì bị người ta lùng bắt. Bà Tám Son nhất quyết là nó đã chặt mất hai luống mía. Từ sau vụ lấy dừa nhà ông Ðốc, nó bị nghi ngờ hơn nữa. Bất cứ ai mất gì cũng tìm nó. Nó như cuốn tự điển của mọi thứ tội trộm cắp. Vụ bà Tám Son bị chặt hai luống mía nào nó có biết gì. Nó không thể biện hộ được cho chính mình. Nó không thể sống được nữa trong cái làng nhỏ mà mọi người luôn luôn rình rập để đổ lên đầu những gánh quá nặng. Một buổi sáng, nó lặng lẽ lên đường bỏ lại tất cả.
- Việc đền tội của con là đổ đầy nước vào chiếc lọ này!
Hắn bước chậm rãi khỏi tòa giải tội, lụ khụ đi xuống. Người ta thấy hắn đút chiếc lọ nhỏ vào túi vải vẫn đeo ngang cạnh sườn.
Ông già đầu râu bạc phơ cầm chiếc rổ đi về phía hắn. Thỉnh thoảng ông lại vuốt chòm râu bay vì gió. Ông đã để hắn trú trọ và làm công cho ông từ mấy tháng nay. Nhưng chỉ mới cách đây mấy bữa hắn mới thú thật tất cả quá khứ của hắn cho ông nghe. Hắn cho ông biết là hắn đang bị cảnh sát lùng bắt vì liên can đến những sòng bài và bán thuốc phiện trên thành phố. Tuy nhiên, sau khi thổ lộ cho ông già, ông vẫn để cho hắn ở lại như thường. Ông không hề thay đổi sắc mặt cũng như cách đối xử sau khi đã biết rõ quá khứ bụi đời, giang hồ của hắn. Ðiều ấy làm hắn kính nể ông. Ông đặt chiếc rổ xuống bãi cỏ, hỏi người thanh niên:
- Con có dự tính đi nơi khác không?
Hắn lưỡng lự rồi thay vì trả lời, lại hỏi ông già:
- Cụ có sợ liên lụy không nếu họ tìm thấy con ở đây?
Ông già lắc đầu không nói. Cái lắc đầu thản nhiên, coi thường tất cả những khó khăn nếu có xẩy ra làm hắn nhìn ông như một ân nhân lớn. Bao năm hắn tưởng như tình cảm trong hồn đã chết khô. Tình người chỉ là những lời nói rỗng không. Ðời là tranh giành, dối trá. Cách đối xử của ông già là một ngọn gió nhẹ, lách vào hồn hắn, khua động cái khả năng yêu thương, cái tình thương từ thủa ban đầu trong cõi lòng hắn. Những cọng cỏ yêu thương ấy đã miền miệt nằm im, đã chết cứng, hôm nay, rung rung nhẹ. Ông già nhìn vào mắt hắn hỏi một câu đột ngột:
- Con hãy nói cho ta, gia đình là gì? Sao con lại bỏ đi?
- Con không thể sống được trong gia đình ấy. Vì nơi ấy không có tình thương!
- Thế con có gặp tình thương ở ngoài gia đình?
Hắn trầm ngâm im lặng. Ông già nói thêm:
- Gia đình là tổ ấm con ạ. Kẻ không có gia đình là kẻ cô đơn, lạc loài. Người ta phải tung cánh bay khi đến tuổi lớn nhưng gia đình vẫn là nơi người ta bay về để sưởi ấm cõi hồn. Chỉ có tình gia đình thì cũng không đủ, người ta không thể sống trong gia đình mãi mãi. Người ta phải đi, phải bay, người ta cần tình bạn trong xã hội để sống. Nhưng không có gia đình để bay về người ta vẫn chỉ là một cánh chim mồ côi. Dù bay có xa, dù lên có cao, cánh chim vẫn thiếu thốn, vẫn không trọn vẹn.
- Nhưng gia đình con không là tổ ấm!
- Gia đình không còn tình thương là lúc họ ngưng đối thoại với nhau. Một đêm đông lạnh thì cây củi rất cần thiết nhưng nếu củi không đốt thành lửa thì củi cũng lạnh như gió tuyết mà thôi. Cởi mỡ cõi lòng cho nhau sẽ khơi lên ngọn lửa đó để đốt cháy cành củi. Giá trị của lò sưởi là lửa. Khi những cành củi tự rút khỏi bếp than thì lửa sẽ yếu đi, nhưng cành củi nào vẫn trung thành đặt mình trong bếp lửa thì cành củi vẫn cháy, vẫn ấm, nó vẫn là giá trị mà đêm lạnh đang cần thiết. Nếu nó thấy những cành củi khác đã bỏ lò lửa, nó cũng rút lui theo thì nó đã đánh mất đi sứ mạng nó phải chu toàn, nó cũng sẽ rơi vào đêm lạnh, hoang vu.
Hắn buồn trầm nét mặt. Trong cái tịnh mịch của buổi chiều, hắn thấy cánh rừng mang màu tang tóc li biệt. Hồn hắn chùng xuống như một tơ đàn ẩm mốc. Có mất mát về trong hồn hồi tưởng. Ông già im lặng một chút rồi lại nói với hắn:
- Những người không biết xây dựng tình yêu trong gia đình thì họ cũng chẳng biết đến tình yêu ngoài xã hội. Họ không thể hi sinh được cho nhau trong cùng một tổ ấm thì làm sao họ có thể chịu thiệt thòi ở ngoài cánh đồng?
Những kẻ đã bỏ gia đình, chối từ xây đắp yêu thương trong gia đình, khi họ gặp nhau ngoài xã hội, họ sẽ đem đến cho nhau những sứt mẻ. Tàn bạo là con đường chiến thắng.
Con đã kể cho ta nghe chuyện đời con. Xã hội là cái thâm độc của ông lang Ðốc, là khuôn mặt nghi ngờ của bà Tám Son, là phản bội vì lợi lộc của lũ bạn. Là người cha say khướt, người mẹ ghẻ không trách nhiệm.
Lằn roi của ông lang Ðốc là niềm vui thỏa mãn của mối trả thù. Nó diễn tả một hố vắng nào đó trong hồn ông. Cái nghi ngờ của bà Tám Son không có xót thương cũng chỉ là lời phiên dịch một nội tâm không có đất sống. Tình bằng hữu của mấy đứa bạn không lớn hơn trái táo tầu là kết quả của một mùa giáo dục bị sâu phá. Tất cả là hình thức một khoảng trống trong tâm hồn. Bằng ấy năm trôi giạt con vẫn chưa nhận ra là chính họ cũng đã lớn lên trong gia đình thiếu bóng nhân ái sao? Họ đã qua tuổi thơ mà yêu thương chỉ là bóng mây bay ngang trời. Họ đã qua một khoảng trống.
Ông già đặt tay lên vai hắn tiếp tục:
- Cuộc đời bất hạnh vì những khoảng trống con ạ. Thí dụ như con đang ngồi đây. Vợ chồng cô đơn vì những cách biệt. Tội nhân cô đơn vì bị ruồng bắt. Kẻ yếu đuối cô đơn vì bị miệt thị. Nghệ sĩ cô đơn vì phải sáng tác theo thị hiếu của khách hàng. Con ạ, tất cả các trạng thái bất hạnh trong cuộc đời là hình thức của những khoảng trống trong tâm hồn.
Hắn nhìn lên ông già hỏi:
- Như vậy con phải làm gì?
- Con phải biết rõ mình, rõ đời. Con phải quên đời, quên mình.
Hắn chẳng hiểu ông già nói gì, nhưng ngần ngại không dám hỏi. Ông già biết tâm trạng ấy, nhìn gã, ông nói thêm:
- Con phải biết rõ mình để hòa đồng với đời. Con phải biết rõ đời để khỏi bị đời đồng hóa. Không biết mình và biết đời con sẽ rơi vào khoảng trống. Từ khoảng trống ấy cô đơn sẽ nẩy sinh. Nó là trạng thái con người đánh mất đi cái bản ngã đích thực của mình. Họ muốn trở nên cái mà họ không có thể, họ xao xuyến bất an. Họ để xã hội biến con người của họ trở thành cái mà họ không được phép trở thành, vì thế, họ khắc khoải ưu tư. Cả hai, muốn trở nên điều ngoài tầm mình với và đánh mất cái mình phải trở nên đều đưa con người đến những mảnh đời hụt hẫng. Cái hụt hẫng ấy là nỗi cô đơn tàn phá lớn nhất, con ạ. Và tàn ác nẩy sinh.
Con cũng phải quên đời và quên mình. Ðời không luôn luôn gọi con đến những chân trời hạnh phúc. Chính con cũng lừa dối con ngày ngày. Trước những tiếng gọi mà nhiều khi vô cùng mãnh liệt ấy con phải có can đảm chối từ. Quên mình và quên đời chỉ là một hình thức của biết mình và biết đời mà thôi. Ðơn giản, nhưng tất cả hạnh phúc cũng như thương đau trong thảm kịch cuộc sống hệ tại có thế.
Mấy chú bê nhỏ đã vào chuồng với mẹ. Hình ảnh ấy làm chàng nhớ đến một mái ấm thương yêu mà chàng đã mất. Con bò mẹ lấy mõm hẩy hẩy trên lưng chú bê nhỏ gợi lên trong hồn chàng một tình cảm nhẹ nhàng, êm đềm mà chàng ngỡ rằng chàng không bao giờ có thể có được rung cảm ấy. Ông già cúi xuống lượm chiếc rổ với mớ rau cải còn xanh. Hắn ngồi trầm tư vì những lời nói của ông, thao thức như cánh buồm vải đi trên biển lặng của nhớ nhung hồi cảm. Ông già cầm mớ rau cải giũ đất rồi bảo hắn vào ăn cơm chiều. Mặt trời vừa mới le lói mà giờ đã lặn xuống sâu dưới chân đồi. Trời đang sửa soạn vào đêm. Vừa đi, ông già vừa nói cho hắn nghe.
- Tất cả hệ tại con tim. Gia đình ở trong tim ta. Mất tình yêu ấy thì dù ở trong gia đình cũng chẳng gặp gia đình. Còn tình yêu đó thì dù cách trở núi sông ta vẫn còn gia đình bên cạnh.
Ông đốt cây đèn bão. Hai người ngồi trước chiếc bàn gỗ bắt đầu bữa cơm tối.
RA ÐI - MỘT NĂM SAU
Ngồi một mình trong quán rượu. Quán hết khách. Hắn đếm đốt ngón tay nhẩm lại quãng đời đã qua. Không ngờ thế mà đã hơn một năm trời từ giã ông già và khu vườn rồi. Ðời sống với âm mưu cuốn hắn chảy xiết như như dòng sông nước lũ. Ðôi khi nhớ lại lời nói của ông già, hắn cho là không thực tế, nhưng hắn cũng không phản đối. Có điều lời ấy đã làm hắn trằn trọc vào những đêm buồn bã, trống vắng. Vào những ngày thinh lặng, lời nói ấy mơ hồ gõ trên cánh cửa gỗ tâm hồn đầy đặc bụi mốc, chai lì. Giữa phố chợ bốc khói cay xè của rượu bia, phấn hương đàn bà, của cảnh sát, thì lời của ông già thành lạc lõng trơ trọi.Từ chiều đền giờ, hắn đã quay quắt suy tư nhưng không thể nguôi ngoai một câu hỏi: Giết hay không? Rồi dằn vặt với bóng hình: Tiền? Tử hình? Vượt ngục? Tất cả dụng cụ đã sẵn sàng. Giản gọn, chỉ cần chiếc bao vải và cây gậy nhọn bọc sắt ở đầu. Hắn nâng li rượu, nốc cạn như một phát thuốc an thần rồi đi về phía ngõ hẻm.
Ðêm nay không phải là đêm thứ nhất hắn rình ở đây. Hắn đã vất vả theo dõi từ nửa tháng nay, tìm đường đề phòng, tính toán kế hoạch. Hắn đã có trong đầu một kế hoạch rất chi tiết, tỉ mỉ. Hắn đã học thuộc lòng như một cậu bé trước giờ thi. Hắn đứng đó ôn lại toàn thể kế hoạch. Trong giai đoạn một, nếu mọi sự xẩy ra theo như dự tính của kế hoạch A thì sẽ tiến sang giai đoạn hai. Nếu vì trục trặc mà rơi vào kế hoạch B thì phải làm như thế nào. Hắn nhớ lại từng chi tiết. Nếu giai đoạn đầu trôi qua thì giai đoạn hai sẽ vào theo lối cửa nào. Ưu tiên một là lục lọi nơi đâu. Tất cả đã rõ ràng, có lớp lang thứ tự. Sau khi ôn lại tổng kết tất cả kế hoạch, hắn ném viên đá bằng đầu ngón chân về phía chuồng gà. Bầy gà kêu nhớn nhác. Hai tay hắn nắm chặt chiếc đòn xóc nhọn đầu. Chờ đợi. Dự tính đã không xẩy ra như kế hoạch A. Có thể phải dùng kế hoạch B chăng? Nhưng hắn kiên nhẫn đợi chờ. Một quãng trống im lặng trôi qua. Một lần nữa, hắn lại ném viên sỏi về phía chuồng gà. Bầy gà kêu nhớn nhác. Hai tay nắm chặt cây gậy để sẵn sàng đối phó. Im lặng. Không có dấu hiệu nào xẩy ra theo kế hoạch A. Hắn bực bội vì mới khởi đầu giai đoạn một đã bị trục trặc. Hắn định bước tới cửa sổ như kế hoạch B nhưng hắn lại ngần ngừ vì kế hoạch A gọn gàng hơn. Tiếc nuối, hắn đứng tần ngần. Lần này hắn lượm một nửa hòn gạch ném hết sức về phía chuồng gà. Miếng gạch bay trên mái tôn làm bầy gà hoảng hốt kêu oang oác, bay tứ tung tìm đường chạy. Có bóng người ở cửa sổ. Hắn đứng đợi. Một thoáng trôi qua. Người đàn bà xách chiếc đèn bão. Hắn đứng sát vào góc nhà vệ sinh. Giai đoạn một của kế hoạch A bắt đầu vén màn. Hắn đã biết rõ, bà luôn luôn soi gà bằng cây đèn bão. Hắn đã thử nghiệm nhiều lần và biết chắc rằng khi giơ cây đèn bão lên cao trước mặt thì ánh đèn sẽ hắt lại làm người xách đèn chỉ nhìn thấy một khoảng rộng ngay trước mặt mà thôi, không thể nhìn xa. Chuồng gà. Trời tối đen, chỉ có khoảng nhỏ của cây đèn bão dập dờn. Gió thổi làm ánh đèn lao chao, càng thuận tiện cho hắn. Hắn nhún người xuống để tìm một thế đứng vững chắc. Ðầu tựa sát vào bờ tường. Tay nắm chặt chiếc gậy nhọn đưa về phía sau để lấy trớn phóng tới. Người đàn bà không hề nghi ngờ gì. Dáng điệu thản nhiên bà giơ cao chiếc đèn hơn nữa để nhìn cho rõ trên khúc đường gồ ghề những đá mới trải. Thỉnh thoảng bà phải nheo mắt, dừng lại cho ngọn đèn sáng rõ để nhìn kĩ lối đi. Giây phút định mệnh đã điểm. Trời tối âm ấm nóng. Cái nóng ngột ngạt của khu hẻm thành phố với khói xe. Mồ hôi trên trán đã rịn. Người hắn nóng bừng. Tay run run ngượng ngập. Hắn không ngờ để giết một người cũng không phải là dễ. Người đàn bà càng đến gần thì hắn càng bối rối, kế hoạch như mù mờ phai nhạt mất rồi. Hắn không hoàn toàn làm chủ được tất cả. Khi ánh đèn đã có thể soi tới chỗ hắn đứng thì mồ hôi chảy ướt thành giọt lăn trên mặt. Hắn run rẩy lấy hết sức phóng tới, bước chân rối rít. Khi người đàn bà có thể nhìn thấy hắn và hắn đã bắt gặp đôi mắt người đàn bà nhìn mình thì hắn không còn tâm trí gì nữa. Tất cả chỉ còn chiếc gậy nhọn. Cây gậy lao vút đi như một mũi tên xé gió. chiếc đèn bảo văng xuống đất, tắt ngúm. Người đàn bà không kịp kêu một tiếng ú ớ. Chỉ có một khối thịt ngã xuống. Mũi cây nhọn đã đâm xước từ bụng ngược lên. Nhanh như cắt, hắn dùng tay phải bẻ vật ngược chuôi cán về phía kia. Ðầu nhọn rút ra khỏi ngực, máu vọt như một vòi nước. Khi người đàn bà vừa ngã xuống thì chiếc gậy cũng vừa đưa nằm ngang cuống họng. Hắn đè cây gậy tàn bạo không xót thương. Không tiếng kêu. Người đàn bà trợn mắt, lè lưỡi dài. Run run. Im.
Nửa tiếng đồng hồ sau, người ta nhìn thấy một gã đàn ông xách chiếc túi vải nặng đi về phía cuối hẻm.
- Kim cương của ông là loại hảo hạng, rất hiếm!
Người khách hàng tỏ ý hài lòng. Ông chủ tiệm đưa sợi giây chuyền dưới chiếc kính hiển vi tìm những con số rồi ghi vào mảnh giấy. Gã khách hàng rút ra một lọ thủy tinh trắng. Chiếc lọ không quá nhỏ, cũng không lớn, thật tiện cho hắn đựng những thứ vặt vãnh như đá lửa, thuốc cảm. Hôm nay hắn đựng sợi giây chuyền. Hắn đổ từ trong lọ ra, một chiếc nhẫn và cặp hoa tai. Người chủ tiệm lại cặm cụi làm như lúc nãy, thử nghiệm bằng các chất nước hóa học. Ông ta vào nói nhỏ với người con trai lớn. Gã con trai đem ra một gói thuốc mời khách. Người khách hàng vừa hút thuốc vừa nói chuyện. Hai người có vẻ như đã quen nhau. Gã chủ tiệm gợi đủ thứ chuyện để giết thì giờ trong lúc thử nghiệm xem kim cương thuộc loại nào. Ông lại ghi chép những con số nhỏ li ti trên chiếc nhẫn có hạt kim cương lấp lánh. Không đầy mười lăm phút sau người con trai mở cửa tiệm bước vào. Ông chủ tiệm bằng lòng trả hắn sáu chục ngàn chứ không phải năm mươi lăm ngàn như ông đã kí kèo lúc ban nãy. Người khách hớn hở nhận tiền. Khi hắn vừa ra đến cửa thì thấy bóng cảnh sát. Giật mình định bỏ chạy về ngõ sau, nhưng hắn thấy làm như thế chỉ là tự tố giác. Hắn vuốt tóc rồi sửa lại cổ áo ra vẻ mỉm cười chào viên cảnh sát. Người cảnh sát chào lại bằng tối chào xã giao rồi hỏi giấy tờ hắn.
Trên đường về nhà giam, hắn thấy hắn ngu dại. Ðáng lẽ hắn phải bỏ tiệm vàng đi ngay lúc ông chủ nói nhỏ với người con trai. Ðáng lẽ hắn phải nhìn ra mục đích của những điếu thuốc, lối nói chuyện câu giờ của gã chủ tiệm. Nghĩ đến thái độ niềm nở sẵn sàng trả hắn sáu mươi ngàn thay vì năm mươi lăm ngàn, hắn thấy đau đớn vì bị lừa. Hắn nhớ đến lời của ông già. Có bao giờ con buôn lại rộng lượng với khách hàng? Hắn đã cẩn thận chờ hơn bốn tháng trời sau vụ giết người đàn bà rồi mới đem bán số nữ trang. Câu chuyện người đàn bà bị giết đã theo những tiếng xe ầm ĩ, tiếng guốc rộn ràng của hè phố rơi vào quên lãng. Chỉ sau vài ngày lối xóm đã coi như không có chuyện gì xẩy ra. Còn hắn, hắn đã kiên nhẫn đợi hơn bốn tháng nay. Khi bị bắt hắn mới hối hận là đã không trung thành theo kế hoạch vạch định. Trong kế hoạch, có một dự định sau cùng là hắn sẽ rời thành phố đi về một quận lị khá xa. Hắn đã hứa với mình là không bao giờ đem bán cho một tiệm kim hoàn vì sự thường cảnh sát bao giờ cũng liên lạc với họ trước hết khi có vụ mất cắp xẩy ra. Hắn biết điều nguy hiểm ấy nhưng cái tin đăng báo ngày hôm sau vụ sát nhân đã làm hỏng kế hoạch của hắn. Kết thúc bài báo viết: "Tên sát nhân đã không để lại dấu vết, cảnh sát đã nói với báo chí là không có hi vọng gì để điều tra thêm". Hắn đã ở lại ngay thành phố vì cái kết luận có vẻ lạc quan cho hắn. Hôm nay, cũng tờ báo đó đăng tải một bài báo khác, kết luận như sau: "Tên sát nhân đang đợi hầu tòa. Nếu hắn không bị tử hình thì cũng khổ sai chung thân".
30 NĂM SAU
Tiếng đạn bay vèo vèo trên đầu. Những cành cây trúng đạn gẫy răng rắc, văng gỗ bay tứ tung. Lúc hắn vướng sợi giây rừng té ngã, cũng là điều may cho hắn. Hắn té xuống ngay một mương nước cạn. Nằm xuống lòng mương tránh đạn rồi cứ dọc theo lòng mương, hắn chạy về hướng Nam. Người lính canh trên chòi gác quay đèn pha, nổ thêm một tràng đạn nữa. Nghe tiếng đạn đi, hắn biết là tên lính chỉ bắn bâng quơ chứ không biết hắn chạy về phương nào. Sau một hồi chạy bộ, tiếng đạn đã im. Hắn leo lên bờ mương, băng qua cánh đồng, chạy vào rừng sâu.Ba mươi năm lao tù. Hôm nay tên tù được đặt chân vào cõi đời tự do. Hắn nhìn lại cuộc đời như cơn ác mộng, thực thực, hư hư, mờ ảo. Thời gian là một giòng sông làm tan tác tất cả. Bây giờ, nếu tên tử tù có về quê cũ cũng chẳng còn ai nhận ra hắn nữa. Mái tóc cắt ngắn của tuổi mười ba đã mất tự thủa nào. Mặt mày râu tua tủa. Tóc kín mang tai ngả sang màu muối tiêu, bạc một góc đầu. Dáng điệu một chàng thanh niên suốt đêm với rượu và đàn bà của thành phố đèn đêm cũng hết rồi. Gã không còn sức để đâm cây gậy nhọn thúc vào người đàn bà như thủa xưa, ba mươi năm về trước. Chậm chạp. Mệt mỏi. Già nua. Hắn biết hắn đã qua một đoạn đời dài. Có nghĩa hắn cũng đang gần cõi chết hơn.
Ðến bìa rừng, hắn ngồi thở hắt ra. Miệng khô ran. Vết đạn nơi chân ra nhiều máu. Khát nước, mệt lả. Cạnh rừng, thỉnh thoảng có những tiếng sóc nhỏ chạy đuổi nhau xào xạc. Nhà tù đã xa tít mù ở phía trước mặt. Cánh đồng bắp ngô cao đến thắt lưng, trúng mùa, đang dập dờn theo sóng gió đưa. Hắn xé khúc vải quần, bó vết thương chặt lại. Nhủ thầm rằng với bất cứ giá nào cũng phải đi trọn đêm nay vì chắc chắn ngày mai tin tên tử tù vượt ngục sẽ làm huyên náo trại tù và khu dân cư chung quanh đây.
Ði được hai ngày, hắn mừng thầm sẽ thoát thân trong cuộc vượt ngục gian khổ này. Nhưng đi về đâu? Hắn không có câu trả lời. Làm sao để ẩn mặt mà sống? Nghẽn lối. Hắn bắt đầu đặt những câu hỏi tương tự liên quan đến tự do. Thoát khỏi vòng kẽm gai cũng chưa là có tự do. Hắn thấy cái tự do mà hắn đang tìm kiếm không dễ gì đạt được. Hai ngày đường, nhà tù đã xa rồi. Hắn quyết định dừng lại, tìm một nơi kín đáo để nghỉ ngơi hầu lấy sức tiếp tục. Hắn biết dừng lại ở những cánh đồng là nguy hiểm nhưng đấy là con đường duy nhất để kiếm đồ ăn. Ðợi đêm khuya hắn lần xuống ruộng khoai. Trái cà chua chín đỏ mà đã từ ba mươi năm nay hắn không nhìn thấy. Tay run run xúc động sờ lên trái cà chua mọng. Mỗi miếng răng cắn vào trái cà chua là như cắn vào miếng hạnh phúc. Hắn thấy sức lực đang hồi sinh. Một bữa ăn no làm gân cốt hắn thêm dẻo dai, căng lên một sinh lực đang bắt đầu dẹp xuống.
Chỉ việc đi nửa tiếng nữa, nhẹ nhàng đẩy cánh cửa bếp là hắn có thể có một nồi cơm, một tô cá kho, hay một niêu tôm thơm mùi tiêu ớt cay cay. Chỉ cần một bữa cơm như thế là hắn có thể lấy lại sức, tỉnh táo ngay. Nghĩ tới đó hắn nuốt nước dãi ừng ực. Nhưng hắn không dại gì mà mò về làng, dù đã nhìn thấy những mái lá thấp thoáng ở xa xa. Ba mươi năm trong tù, giờ đây hắn phải cẩn thận từng đường tơ, kẽ tóc. Nhìn về phía ngôi làng nhỏ, nhưng hắn đi ngược theo bìa rừng, tìm đường lên núi. Ðây chưa là chỗ an ninh cho một tên tù nhưng dù sao thì cũng đã hai ngày đường cách xa trại giam. Hắn đã phần nào bớt lo âu về việc săn đuổi của cảnh sát.
Sau đêm ngủ. Hắn leo lên núi tìm gò đá cao đứng quan sát xuống cánh đồng. Vào cuối tháng mười vẫn còn những trận mưa lớn, bất chợt. Một miếng vải ni lông là điều cần thiết cho tên tù để che mưa, chống lại muỗi rừng. Hắn ngồi quan sát cánh đồng, hi vọng có thể tìm thấy miếng ni lông vì người ta hay che những luống rau đang nẩy mầm để tránh những trận mưa lớn. Trên sườn núi nhìn xuống, hắn thấy cảnh sinh hoạt bình yên của vùng dân cư nhỏ. Bầy trâu thong thả gặm cỏ. Bóng người nhấp nhô trên nương khoai. Xa hơn cánh đồng là con đường rải đá đỏ, bụi mù theo vết bánh xe khi chiếc xe lam chạy qua. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe bò nặng nhọc chở đầy củi lăn chậm theo con đường về xuôi. Vài người đàn bà quẩy gánh đi bộ. Tên tử tù thấy xã hội gần gũi quá mà sao cũng lại xa xôi diệu vợi. Dưới kia, chỉ nửa tiếng đi bộ là thế giới bình thản, êm đềm, gần gũi quá đỗi mà sao vẫn thấy cách ngăn. Mấy con trâu hiền từ làm hắn nhớ về thủa bốn mươi năm trước ở ngôi làng nhỏ tương tự thế này. Hắn lùa trâu xuống ao tắm để đi đá dế, đánh đáo ăn từng xu bạc cắc. Thằng Long, thằng Huy, con Mẫn, con Soan, chúng nó bây giờ ở đâu? Còn sống? Hay chết? Chắc hẳn đã có cháu nội, cháu ngoại. Tên tử tù ngồi nhớ về quê cũ rồi bùi ngùi thấy mình là một cánh bèo đang dạt trôi về nẻo kí ức xa mờ.
Trời ngang chiều. Lúc hắn vừa chợt thức giấc thì có tiếng người gọi nhau:
- Ði về phía này!
- Có lẽ nó chạy về phía kia.
Người thanh niên nói:
- Không thấy vết chân gì cả.
Người kia quả quyết bằng giọng nói chắc nịch:
- Nó chỉ lẩn quẩn ở đâu đây!
Tên tù vượt ngục cúi đầu sâu hơn vào bụi gai, ôm ngực như giữ con tim dừng đập mạnh. Một người đi gần về phía hắn quát gay gắt:
- Ðã bảo đem chó theo, dặn dò như thế mà không được việc gì!
Ði gần đến chỗ hắn núp, người đàn ông đứng quay lại phía người kia ra lệnh:
- Tìm kĩ mấy bụi sậy, nó chỉ quanh quẩn đâu đây.
Tên tù sợ hãi. Nếu bị bắt lần nữa chắc là hắn sẽ chết rũ trong tù, không còn hi vọng vượt thoát. Mồ hôi chảy ướt thái dương. Hắn run như một con chó đói đang chảy nước mắt trước tên đồ tể với con dao sắc bén. Trong cơn khốn cùng bất giác hắn cắn môi thưa thầm lặng:
- Lạy Chúa xin cứu con!
Có tiếng người trẻ hơn đáp lại:
- Con không tin là nó ở đây, nó có lẽ chạy về phía kia.
Tên tử tù lắng nghe. Lời đối đáp của hai người cho thấy liên hệ của họ. Có lẽ người kia là ông bố, nếu vậy thì không phải là cảnh sát đang lùng hắn mà là hai cha con đi săn. Tên tù vẫn bàng hoàng sợ hãi, sẽ vén cành cây nhỏ cố nhìn xem họ là ai. Người đàn ông đeo một chiếc túi đan bằng tre. Tay trái xách con thỏ. Tên tù bớt boàng hoàng, hắn mừng vì vừa thoát cơn đại họa. Hắn lẩm bẩm chửi thầm con thỏ khốn nạn sao không chạy đi lối khác mà lại chạy về phía hắn đang náu làm chi!
Ngay tối đó, hắn lần xuống sườn đồi, nương theo bờ khoai đi tiếp, bỏ lại khu rừng và cũng chẳng còn định kiếm miếng ni lông nữa.
Ðã hơn bốn mươi năm. Lời cầu Chúa vô tình hồi chiều trong lúc gian nan gợi cho hắn cảm giác mơ hồ rằng hắn là người có đạo. Bốn mươi năm gặp biết bao hiểm nghèo mà hắn có bao giờ cầu nguyện đâu. Thượng Ðế đã trôi dạt, đã đi xa trong lòng hắn rồi. Vì sao trong cơn khốn quẫn chiều nay hắn lại kêu Ngài. Hắn không hiểu vì sao. Cố gắng ngoi ngược thời gian đi về tuổi thơ, hắn nói một mình, có lẽ phải năm mươi năm về trước, hắn không còn nhớ ở tuổi nào, hắn cũng đã được ăn tấm bánh trắng nho nhỏ. Hắn cũng đã xưng tội. Trí nhớ hắn lù mù, hỗn độn. Càng nghĩ về tuổi thơ hắn càng thêm tin là hắn có đạo, có cầu kinh. Có Chúa. Tên tử tù cố gắng mò ngược dòng đời mù đặc khói đen tìm về kí ức xa xăm. Hơn ba mươi năm tù đầy với những trận roi, những cú đá làm hộc máu, những khúc gỗ đập xuống đầu như đập xuống quả dừa khô không xót thương làm hắn chết lịm nhiều lần. Tiếng kêu tru tréo. Những tên tù thắt cổ tự tử. Tất cả đã làm trí nhớ hắn cùn đi, đần độn lại. Ðã nhiều lúc hắn mê sảng, mất trí. Lần trở về với quá khứ cả là thách đố khó khăn.
Dòng dã từ ngày thoát ngục, đã gần hai tuần lễ, hắn vẫn chưa thấy tự do ở đâu, chưa biết hương vị tự do là gì. Xã hội vẫn vây khốn, đang ruồng bắt hắn. Ðôi lúc dừng chân, hắn nhớ đến lời ông già thủa xưa mà hắn đã gặp hơn ba mươi năm về trước. Ông nói cái gì? Gia đình? Xã hội? Tình thương?
Mất ngủ làm tên tù giảm sút cả tinh thần lẫn sức khỏe. Hắn đã già, không còn sức lực như năm mười tám tuổi nữa. Bây giờ biết đi về đâu? Tìm được một chỗ trú thân không phải đơn giản. Ði tới đâu người ta cũng sẽ soi mói đến quá khứ của hắn. Làm sao tránh khỏi? Những hi vọng hào hùng lúc chuẩn bị vượt ngục đã đem phấn khởi cho hắn, bây giờ như cọng cỏ rũ xuống, hết sinh lực. Ðường tìm đến tự do từ từ khép lại. Cánh cửa cuộc đời vẫn mở nhưng hắn không được phép bước vào. Ði đâu bây giờ? Ðiệp khúc ấy dần dần trở thành câu hỏi ám ảnh. Hắn không thể tiếp tục lần mò trên nương khoai như thế suốt đời. Hai tuần lễ mà sao dài như mười năm. Hắn bắt đầu kiệt lực. Muỗi cắn. Thiếu ăn. Mất ngủ. Ðau nhức. Sức chịu đựng của hắn bắt đầu rã xuống như miếng hồ trên tường vôi không đủ chất keo. Ðôi lúc hắn đã có ý khùng điên là tự kết liễu cuộc đời.
Nỗi dầy vò cao dần. Ði về đâu? Câu hỏi trở thành bản án cho chính hắn. Nhưng bản án cay nghiệt nhất là ngày nhớ đến chiếc lọ thủy tinh nhỏ, ngày đó mới chính là tai ương. Vào một buổi trưa hanh nắng, hắn đã lấy chiếc lọ nhỏ múc nước. Nhưng lạ lùng, hắn trơ mắt nhìn, cho dù múc thế nào đi nữa chiếc lọ vẫn cạn khô. Hắn đã mang theo chiếc lọ nhỏ từ ngày linh mục trao cho hắn trong buổi chiều say túy lúy, sau lúc xưng tội. Hắn dùng lọ ấy đựng những thứ tiện dụng, mấy viên đá lửa, mũi dao, năm ba viên thuốc. Ðây là lần đầu tiên hắn múc nước vào chiếc lọ. Chiếc lọ tiện dụng nên hắn đã mang theo nó suốt mấy chục năm trời. Từ buổi chiều đổ nước mãi mà không đầy, gã lần theo thời gian đi về gốc gác lịch sử của nó. Sau cùng hắn đã nhớ lại đó là việc đền tội cha già bảo hắn làm. Suýt soát đã bốn mươi năm về trước.
NGÀY MỒNG 2 THÁNG 11
Chiếc lọ nhỏ nhưng đã trở thành gánh nặng trên vai gã. Hắn đã mấy lần ném đi nhưng rồi phải nhặt lại. Hắn không thể rời chiếc lọ được nữa. Nó trở thành tiếng nói quyền phép mà hắn không thể coi thường. Chiếc lọ không sứt mẻ, sao nước đổ không đầy. "Việc đền tội của con là đổ đầy nước vào chiếc lọ này." Lời của vị cha già năm cũ bắt đầu theo trí nhớ vọng về mù mờ nhưng không sai sót. Hắn tự nhủ, như vậy hắn có tội sao? Như vậy tội hắn không được tha sao? Tại sao cái lọ không đầy? Không tìm được câu trả lời. Cái lọ nhỏ bé mà trở nên quyền uy. Hắn đã giang hồ khắp bốn phương trời. Vào tù ra khám, không kiêng nể một ai. Cuộc đời phải khuất phục hắn. Hắn không khuất phục ai. Nhưng bây giờ hắn bất lực trước chiếc lọ nhỏ im lặng. Từ ngày phải chịu đựng quyền uy của chiếc lọ, hắn bắt đầu nghĩ đến sức mạnh của Thượng Ðế. Chiếc lọ nhắc nhở đến buổi ở trong nhà thờ, dẫn hắn tới trước mặt Thượng Ðế mà hắn đã coi như không có trên đời. Hắn không thể chối từ kẻ ấy được nữa. Sau mấy chục năm lương tâm chai lì, bây giờ chỗi dậy, gay gắt, cứng rắn. Hắn đã nhiều lúc đàn áp tiếng nói vô âm thanh trong hồn nhưng càng đè nén nó càng sắc buốt. Máu của người đàn bà đỏ thẵm trong từng cơn ngủ. Những lừa gạt, những tối truy hoan, tất cả bắt đầu dần dần hồi sinh, mọc ra những gai nhọn đâm vào hồn. Khởi đầu từ chiếc lọ thủy tinh, từ ngày mà hắn không thể đổ nước được vào chiếc lọ nhỏ ấy. Hắn căm thù chiếc lọ. Chiếc lọ trở thành bản án hắn phải mang theo. Chỉ có linh mục già tai ác đó mới có thể giải thích được về chiếc lọ. Nhưng đã mấy chục năm rồi, chắc chắn linh mục đó đã chết. Vậy ai là người có phép mầu cắt nghĩa cho hắn? Tên tử tù bị chiếc lọ ám ảnh lo âu thâm cuồng vòng mắt.Trời đã về tối. Hắn ngồi bên nghĩa trang hoang lạnh. Xa xa là làng mạc dân cư. Bóng giáo đường trồi cao khỏi những mái nhà lá thấp. Tên tù vượt ngục mệt rã rời. Bản án của chiếc lọ còn nặng hơn cả án tù. Lương tâm hắn thức dậy đay nghiến, cắn rứt. Cuộc nổi loạn bây giờ là chính hắn, trong con tim chứ không ở ngoài. Không ai ra hình phạt nhưng hắn tự đay nghiến mình. Bây giờ hắn mới bừng tỉnh, cảm nghiệm rằng hình phạt lớn nhất là hình phạt của chính hồn mình phản loạn với mình. Cái tự do mà hắn đang tìm không là tự do khỏi vòng kẽm gai nhưng là tự do không bị cắn rứt của lương tâm.
Giờ đây, nếu người ta có ân xá thì hắn cũng chẳng sao trả lời về chiếc lọ, hắn cũng chẳng sao bình yên thoát trói buộc của lương tâm dầy vò về việc đền tội thủa xưa.
Ðương đầu với chiếc lọ nhiệm mầu, hắn gầy rạc hẳn đi. Mắt trũng sâu như kẻ sắp chết. Chiều nay, bên nghĩa trang, mắt hắn hoa lên không nhìn rõ những ngôi mộ, mơ hồ như những xác người đang bò lổm ngổm. Trong nỗi tuyệt vọng, hắn ôm mặt khóc. Hắn không thể đi về lối xóm. Phải trốn bị bắt. Ðau khổ của lương tâm. Bất an vì chiếc lọ. Thao thức về lời của cha già: "Việc đền tội của ngươi là đổ nước đầy chiếc lọ." Hắn không thể coi thường cái lọ nhỏ được nữa. Ðây không phải là lời nói lẩm cẩm của một ông cha già, nó đã trở nên thách đố siêu bạo giữa sức của hắn và một quyền phép linh thiêng. Sức sống đang dần dần rút khỏi, hắn đuối sức như thấy nỗi chết cận kề. Bước chân ríu vào nhau, không đi vững nữa. Hai cánh tay đầy ghét cáu bẩn, gầy đét ôm mặt.
Nghĩa trang cô độc, lặng lẽ không có dấu vết sự sống. Ðầu óc hắn quay cuồng, hắn thấy trước mặt từng trăm người đang bị treo giang tay. Tên tù rùng mình sợ hãi. Hắn trơ trọi một mình giữa tang tóc li biệt, đầy tiếng kêu than. Mắt gã cứ hoa lên, hắn thấy hàng trăm người đang bị treo trên thập giá đều nhìn hắn. Những con mắt nhìn hắn chằm chằm. Kinh dị. Gã tử tù sợ hãi trước hàng trăm con mắt ấy. Nhìn trời ngả về tối, hắn thấy đời hắn tối sầm lại. Nhìn lên trời cao, hắn thấy đời hắn thắt chặt lại quắt queo. Tất cả lối đi là nghẽn thở. Tuyệt vọng về mênh mông. Cô đơn. Trống trải. Lạnh lùng. Hắn nhớ về câu chuyện đã nghe từ lâu lắm, không biết ai kể, ở đâu. Chuyện kể về một người cha có đứa con đi hoang nhưng suốt đời chẳng tiến thân được, sau cùng nó lần mò về nhà cha thú nhận tội lỗi và sự bất lực của nó. Và cha nó đã ôm nó vào lòng. Hình ảnh tình thương ấy làm tên tù dưng lệ.
Tên tù ngước lên cây thập tự lớn trên ngôi mộ. Chẳng còn ai để nói một lời ngoài hình tượng trên thánh giá. Hắn thấy mình nhỏ bé, yếu đuối và trần trụi. Bấy giờ hắn cũng nhận ra hắn không thể làm chủ và không thể giải quyết được chính cuộc đời của hắn. Trong cơn đau khổ cùng cực, hắn nhìn lên thập giá khóc, cầu cứu. Vô tình, giọt nước mắt rơi vào miệng lọ rồi từ từ nước dâng đầy. Tên tù không hay biết gì, cứ ôm lấy thập giá như một người có sức cho hắn an ủi. Khóc nhiều hơn, càng khóc thì tên tù càng thấy vơi đi những đay nghiến. Hắn nhìn lên tượng Chúa dâng một lời nguyện, lời nguyện đầu tiên sau mấy chục năm sống trong tội ác. Lời nguyện như có sức nhiệm mầu cho hắn hơi thở dễ dàng. Hắn không hiểu rõ những gì xẩy ra trong hồn, nhưng hắn biết có sự thay đổi, có điều khác lạ. Hắn muốn đem câu chuyện về chiếc lọ để nói với thập giá. Khi hắn đưa chiếc lọ lên trước tượng chịu nạn thì hắn ngạc nhiên kinh hoàng. Nước đã đầy. Hắn cho tay vào lọ để thử, đúng là nước. Nước dàn ra bên ngoài. Gã tù nhân không tin ở mắt mình, hắn dốc ngược chiếc lọ nhỏ, nước trong lọ chảy xuống thấm vào lòng cát khô. Gã tù nghe xôn sao trong hồn. Vừa đưa miệng lọ quay lên, giọt nước mắt vô tình rơi vào lòng chai, nước lại từ từ dâng đầy. Hắn sửng sốt vì hiện tượng lạ lùng. Nhưng chính lúc ấy trí khôn hắn trở nên minh mẫn. Hắn hiểu vì sao lọ đã đầy. Chỉ có nước mắt mới làm chiếc lọ đầy. Nhưng điều quan trọng hơn là tại sao chỉ có nước mắt mới có sức mạnh hóa giải? Ngay trong thắc mắc ấy, hình ảnh câu chuyện người con hoang đường trở về sống động trong linh hồn hắn. Rơi vào giây phút huyền nhiệm là một bừng tỉnh lạ lùng, hắn hiểu tại sao chỉ có nước mắt mới làm đầy cái lọ, chỉ có lòng xám hối và cầu cứu sự xót thương của Chúa. Lời cha già năm xưa trong tòa giải tội lại âm vọng rõ nét. "Tội của con được tha khi con đổ nước đầy cái lọ này!" Hắn nhìn lọ nước sóng sánh đầy nước. Một cảm xúc mãnh liệt dâng trào ứ ngập hồn. Hắn chạy đến ôm lấy tượng chịu nạn không nói được lời nào, xúc động cùng tột vỡ trên bờ mắt sâu hõm vì thương đau. Hắn khóc như đứa con nít:
- Lạy Cha, xin xót thương con!
Hồn hắn đã có mùa xuân đi về. Một màn sương mát đang làm mảnh đời khô héo tươi lại. Bấy giờ hắn nhìn kĩ dưới chân các ngôi mộ, trên những thánh giá và thấy có rất nhiều hoa. Hắn không biết vì sao có nhiều hoa như thế. Làm sao hắn có thể biết được hôm đó là ngày mồng hai tháng mười một, ngày người ta đem hoa ra nghĩa trang làm lễ cầu nguyện cho các linh hồn. Ngày Chúa đã hứa là bóng tối không còn quyền lực trên con người vĩnh viễn vì Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết.
Ở các thành phố lân cận, người ta treo hình hắn khắp cả, họ đang lùng bắt một tên tù vượt ngục.
Lời cuối
- * Trong danh sách tội nhân, tại sao Evà không khóc? Ađam không khóc? Yuđa không khóc? Cain không khóc? Dường như khóc không phải là điều dễ. Nước mắt rất thường mà dường như cũng rất hiếm?
* Mùa xuân đã về trong hồn gã tù nhân. Nhưng niềm vui sẽ không trọn vẹn nếu người ta bắt được tên tù, cuộc đời gã tù nhân lại khốn khổ. Tại sao người viết không cho một cái kết vui hơn có phải là hợp lí hơn không?
* Hay là dòng nước mắt hiếm hoi mà mất mấy mươi năm gã tù nhân mới gặp thì đấy là niềm vui rồi, chẳng cần niềm vui nào khác? Và, cứ nên kết thúc chuyện ở đây?
Trích Tập Truyện Ngắn "ÐƯỜNG VỀ THƯỠNG TRÍ" của tác giả Nguyễn Tầm Thường.