Người ta nói đàn bà con gái, nhất là các bà các cô có chồng hay ghen tương lắm. Có khi ghen mãnh liệt, lồng lộn lên ! Có câu thơ vui "không ghen sao gọi đàn bà, có còn sợ vợ mới là đàn ông'! Vậy giới đàn ông có ghen tương không? (lưu ý ghen tương khác ghen ghét)
Chúa Giêsu có ghen tương không? Có. Chúa Giêsu có máu ghen cực kỳ. Giống Chúa Cha mà. Kinh thánh Cựu ước cho biết Thiên Chúa hay ghen tương với các thần minh khác. Ngài không châp nhận cho con người bỏ Ngài mà đi thờ lạy những tượng thần, thụ tạo khác. Ngài đã dạy điều răn quan trọng nhất là : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng hết dạ hết sức anh em"(Đnl 6, 4 -7). Bây giờ đến lượt Chúa Giêsu đến trần gian tiếp tục rao giảng và nhắc lại cho dân chúng biết giới răn thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất. Ngài giảng dạy một cách chi tiết, rõ ràng hơn khi đưa ra những đòi hỏi, tiêu chuẩn, điều kiện dứt khoát để thờ phượng và yêu mến Thiên Chúa như sau :"ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá...." (x. Mt 16, 21-28).
Đòi hỏi của Chúa Giêsu thật là gay gắt, khó thực hiện. Nhưng chỉ có Thiên Chúa mới dám yêu cầu bắt buộc như thế. Ngài không chấp nhận cho ai đến với Ngài, tin theo Ngài và làm môn đệ Ngài mà lại yêu mến người khác, vật khác hơn là yêu Ngài. Ngài nghen tương về việc này vô cùng vô tận.
Ngay cả tình cảm thân thương, gần gũi nhất như cha mẹ, vợ con, anh chị em cũng phải đặt bên dưới tình yêu đối với Chúa. Thậm chí ngay cả mạng sống mình nữa; huống chi là từ bỏ vật chất, của cải, danh vọng, thú vui. Nói như vậy không có nghĩa là Chúa dạy ta ghét bỏ, coi thường cha mẹ, anh chị em. Ngược lại, Chúa còn dạy ta phải có lòng thảo hiếu nữa qua giới răn thứ t. Và đến kẻ thù mà Chúa còn dạy phải yêu thương họ cơ mà.
Rồi Chúa đòi thêm : "Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình đang có thì không thể làm môn đệ tôi được". Điều ấy không có nghĩa là Chúa hạ thấp phẩm giá con người, coi thường nhân quyền, quyền sở hữu. Vì Chúa vẫn dạy ta rằng phải biết sử dụng của cải theo ý Chúa muốn. Qua những đòi hỏi như thế, Chuá Giêsu muốn chúng ta yêu thương trong trật tự rõ ràng là: yêu Chúa hơn mọi người, mọi loài, mọi vật. Nếu mọi thứ khác cản trở chúng ta yêu mến Chúa thì phải sẵn sàng dứt ngay không thương tiếc, không chần chừ, không ngần ngại.
Lời Chúa luôn đòi hỏi chúng ta dấn thân triệt để, không nửa chừng, không nửa vời để đạt được Tình yêu Tuyệt đối là Thiên Chúa. Muốn thế phải chấp nhận dứt bỏ tình yêu bình thường của nhân loại trước đã. Như thế không có nghĩa là tất cả mọi người công giáo theo Chúa là những người khô khan, không có tình yêu bình thường ở trần gian, chỉ yêu một cách thiêng liêng trên mây trên gió với Chúa, ngược lại là khác. Khi chúng ta biết yêu Chúa trên hết thì mọi tương quan tình yêu khác mới có giá trị, mới được biến đổi, được thăng hoa và đặt đúng vị trí của nó.
Cuộc sống con người là một sự chọn lựa và từ bỏ hằng ngày. Muốn chọn cái này phải bỏ cái kia. Muốn chọn một người bạn để kết hôn phải bỏ những mối tình khác. ĐTC Bênêđíctô XVI trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, Ngài nói : "đạo kitô giáo không phải là một sưu tập những điều cấm kỵ nhưng là những chọn lựa tích cực". Tin theo Chúa, từ bỏ mình vác thập giá có nghĩa là loại trừ những cái xấu, cái tiêu cực để chọn lựa điều hay, điều tốt nhất để đạt được ơn cứu độ.
Có những điều xấu phải từ bỏ như : rượu chè, cờ bạc, ma tuý,...cũng có những điều tốt phải từ bỏ để chọn lựa điều tốt hơn. Từ bỏ thường làm người ta ngại ngùng, tiếc nuối. Như bỏ một giấc ngủ để đi lễ, bỏ một bộ phim hay để đọc kinh cầu nguyện, bỏ đi chơi bỏ công việc khác để theo học một lớp giáo lý. Nếu bỏ vì tình yêu thì sự từ bỏ ấy sẽ nhẹ nhàng, dễ dàng hơn.
Chúng ta hãy nhớ lại ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, đã ba lần nói 'thưa từ bỏ' tội lỗi, ma quỷ và những quyến rũ bất chính để làm môn đệ của Chúa. Sự từ bỏ ở đây không phải chỉ cần làm một lần là đủ, nhưng để trở thành môn đệ đích thực của Chúa, đòi chúng ta phải từ bỏ không ngừng. Đây là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ mà Chúa Giêsu sánh ví 'phải vác thập giá hàng ngày mà theo Ta' và 'ngày nào có cái khổ của ngày đó'. Đức hồng y Px. Nguyễn Văn Thuận viết: "Quyết định của con theo Chúa không phải chỉ là một chữ ký, không phải chỉ là một lời tuyên thệ mà thôi nhưng là một sự dâng hiến liên lỉ thực hiện trong cả cuộc sống".
Tin theo Chúa không phải là đứng ngoài làm khán giả. Vì có rất đông người đi theo Chúa nhưng chỉ có số ít chấp nhận làm môn đệ ngài. Họ chỉ theo để xem cho vui mắt gặp chăng hay chớ; mát mẻ vui vẻ thì theo 'hay thì ở dở thì đi'. Cũng như trong nhà thờ, mọi người đều là kitô hữu cả, đều theo đạo nhưng chưa chắc đã theo Chúa và làm môn đệ Chúa tất cả đâu. Giống như học sinh là học trò của thầy cô giáo : mục đích chỉ để học kiến thức, chữ nghĩa cho xong chứ không học bắt chước cách sống của thầy cô mình.
Con người hôm nay, cách riêng các bạn trẻ vẫn luôn luôn ngại ngùng hy sinh, gian khổ, khó chấp nhận từ bỏ cho nên nói đến thập là điều có vẻ khó đón nhận, vì thập giá tượng trưng cho sự vất vả, hy sinh gian khổ, gánh nặng đau thương, sự hiểu lầm, bất công, sức nặng tội lỗi, giới hạn thân phận con người. Sức tự nhiên ai cũng tìm cách tránh né. Nhưng nếu không đón nhận nó thì không phải là đang yêu mến Chúa, không phải là môn đệ Chúa.
Thiên Chúa là đấng ghen tương trong tình yêu. Ai chối từ hy sinh gian khổ là chi từ yêu mến. Ai chối từ thập giá là coi như bỏ đạo. Thời cấm đạo ngày xưa bắt bước qua thánh giá là bỏ đạo. Quan án hỏi một cậu thanh niên 18 tuổi là thánh Tôma Trần Văn Thiện với lời dụ dỗ ngọt ngào : "nếu con bỏ đạo, ta sẽ gả con gái cho và sẽ lo liệu cho con làm quan". Thánh nhân trả lời : "tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng chi danh vọng trần thế".
Người kitô hữu hôm nay đang bị cám dỗ về nhiều thứ để bỏ đạo, bỏ Chúa qua những sự lôi cuốn rất hấp dẫn hơn cả tình cảm với cha mẹ, vợ con, anh chị em, cái tôi của mình. Con người ưa dễ dãi, thích tự do. Thích chọn cái mình thích chứ không phải điều Chúa muốn.
Tinh thần từ bỏ kitô giáo không hệ tại ở chỗ huỷ diệt tất cả mọi sự, mọi người vì làm như thế là gây chết chóc, đổ vỡ. Nhưng đó là can đảm chống lại những ràng buộc bắt ta phải làm nô lệ và đánh mất tình yêu Chúa trên hết mọi người và mọi sự. Tinh thần từ bỏ kitô giáo dẫn đưa đến sự giải phóng đích thực, làm cho chúng ta và anh chị em xung quanh được sống trong tự do và yêu thương. Đó cũng là con đường chọn lựa nền tảng nhất để nên thánh và được cứu độ.
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
www. trongkhan.net