TỪ HÀNG GIẢ ĐẾN NGƯỜI GIẢ


Chuyện phiếm của Gã Siêu.

Mấy hôm nay rảnh rỗi, gã đọc lại chồng báo xuân Mậu dần 1998  và gã tóm được một mẩu tin làm đề tài tán hươu tán vượn, không biết nên buồn hay vui. Và nếu có cười thì nụ cười cũng méo mó, rất có thể sẽ rơi cả nước mắt.
Mẩu tin ấy ở trong báo Công an, mang tựa đề là “chồng thật- chồng giả “, đại khái như thế này :
Với mong muốn được vi vút ở ngoại quốc, nên khi được người quen gợi ý, cô BT, ngụ tại phường 12 quận 6, đồng ý liền tù tì.
Để hợp thức hóa việc xuất ngoại, BT ưng thuận làm thủ tục kết hôn giả với một với công dân Pháp, tên là Simon, 35 tuổi, hơn BT vừa đúng một con giáp.
 Theo hợp đồng, hai người là vợ chồng nhưng không sống chung. Khi đã định cư ở nước ngoài, thì ly dị và BT phải trả công cho ông chồng hờ 3.000 mỹ kim.
Ngày 06-5-1997, BT và Simon được Ủy ban nhân dân thành phố cấp giấy chứng nhận kết hôn. Từ đây, cô gái những tưởng mọi chuyện đã xuôi chèo mát mái, bắt đầu thêu dệt mộng…việt  kiều.
Nào ngờ chàng rể vi phạm hợp đồng, đòi làm chồng thật, chứ nhật định không chịu đóng vai làm chồng hờ nữa. Đường cùng, BT phải đâm đơn cho ba tòa quan lớn xin ly hôn. Vì thà “ vỡ mộng “còn hơn    là …tàn một kiếp hoa.
Từ sự việc trên đây, đêm nằm vắt chân lên trán, gã nghiệm   rằng :
- Sự giả là một cơn bệnh trầm trọng của xã hội hiện nay, là một hiện tượng được liên tục phát triển qua một lãnh vực, từ hàng hóa đến con người.
Vậy giả là gì ?
Dĩ nhiên, giả có nhiều nghĩa, nhưng trong phạm vi bài này, gã chỉ xin được tự hạn chế :
- Giả là nhái cho giống để gạt người ta.
Thí dụ như giả điếc, giả câm, giả bộ…Riêng dân có tinh thần ăn uống cao, ghiền món “cờ tây’’ mà nếu không sẵn, thì bèn phệu ra món ‘’giả cầy’’ để xài cho đỡ nhớ. Vật liệu được làm bằng thịt heo, tẩm liệm với riềng mẻ và mắm tôm, xào lên thơm phưng phức, làm điếc cả mũi hàng xóm, xơi vào cũng êm trời gió bụi, chẳng khác chi thịt cầy thứ thiệc.
Bây giờ xin trở lại với phạm trù hàng giả.
Hàng giả hơi khác với hàng dổm một tí, bởi vì hàng dổm là hàng có phẩm chất kém. Còn hàng giả, ngoài phẩm chất tồi, còn mắc thêm cái tội ‘’cóp pi’’ mẫu mã y chang thứ hàng thật, rồi tung ra thị trường, nhằm dối gạt người mua, gây thiệt hại đôi ba bề.
Hàng giả lúc này thật ê hề, tràn lan từ cái tăm đến hộp xà phòng, từ chiếc đồng hồ đeo tay đến những máy móc đắt tiền.
Chẳng thế mà có thời người ta để mỉa mai :
- Hồng kông ư ?
- Hỏng dám đâu, có mà bên hông Chợ lớn ấy.
Nghệ thuật làm hàng giả ngày càng tinh vi, khiến cho người tiêu dùng khó mà nhận ra, chỉ khi mua về đem xài thì mới vỡ nhẽ ra đó là hàng giả.
Dịp tết, gã bóp bụng mua một chai rượu tây cho đời lên hương. Từ vỏ chai đến nhãn hiệu trình tòa đều là thứ xịn, nhưng khi khui ra để uống, thì hỡi ơi, chỉ toàn là một thứ nước màu vàng, sặc mùi cồn mà thôi.
Bởi đó, trong những năm gần đây, người ta chịu khó tổ chức nhiều cuộc triểm lãm hàng giả, để người mua kẻ sắm nhận diện.  Hay trong những mục quảng cáo trên truyền hình, người ta luôn dặn dò :
- Xin nhìn kỹ mẫu mã để khỏi mua nhầm hàng giả.
Tới đây, gã xin kể lại hai mẩu chuyện nho nhỏ.
Mẩu chuyện thứ nhất về tiền giả ở bên Đức.
Hôm ấy, hai đội bóng tranh giải vô địch. Sân vận động chặt cứng như nêm. Người hèn có, kẻ sang có và những bậc tai mắt lại càng nhiều.
Khi tan cuộc, mọi người hối hả ra về, thì thấy giữa đường đi, rải rắc nhiều tờ giấy bạc 500 đồng, của một hay nhiều khán giả vô ý nào đó đánh rơi.
Ai cũng lấm la lấm lét. Thế rồi kẻ trước người sau, tất cả đều lần lượt cúi xuống…sửa giày. Có kẻ sửa tới năm bảy lần. Kẻ sang cũng như người hèn, thượng lưu cũng như bình dân. Không ai trao đổi với ai một tiếng, nhưng ai cũng thấy vui như mở trong bụng :
- Đi xem đá bóng hôm nay đúng là được thần tài phò trợ.
Về đến nhà, xoa tay cho sạch, thò vào túi, rút xấp bạc ra, sung sướng và hí hủng.
Thế nhưng dưới ánh đèn sáng, nhìn kỹ lại, thì ôi thôi, khóc vì hổ ngươi. Vừa tức lại vừa nhục. Tức cho ai mà cũng nhục cho ai. Các ngài đã bị sập bẫy trong một cuộc chơi trắc nghiệm của một tổ chức nào đó. Bời vì giấy bạc toàn là thứ giả mà thôi.
Xem thế, thì phàm đã là người, ai cũng có một chút máu tham trong mình.
Mẩu chuyện thứ hai về vàng giả ở Việt Nam.
Trưa Sài Gòn, trời nắng như đổ lửa. Đường phố ngái ngủ. Xe cộ thưa thớt. Một cô nàng ăn mặc thật đúng mốt. Cổ thì giây chuyền. Tay thì vòng vàng óng ánh. Còn thân hình yểu điệu thì đang cưỡi trên một chiếc xe gắn máy, dường như cô nàng vừa mới đi dự tiệc và đang trên đường về nhà.
Bỗng một chiếc xe gắn máy khác trờ tới và ép sát cô nàng. Người ngồi sau lanh tay lẹ con mắt chộp vội sợi giây chuyền nơi chiếc cổ nõn nường, khiến cho chiếc xe lảo đảo và cô nàng xuýt bị đo đường.
Thế nhưng, chỉ một lúc sau hai tên kẻ cướp vòng xe lại, ném sợi giây chuyền vào mặt cô nàng và chửi :
- Tiên sư em nhé, đẹp như tiên mà xài toàn đồ giả, thối không chịu nổi.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý điều này :
- Hàng giả đang lũng đoạt thị trường, nhưng không nguy hiểm cho bằng người giả.
Thực vậy, nhìn vào con người, chúng ta thấy từ vóc dáng và hành động bên ngoài đến tình cảm và ý nghĩ bên trong, người ta đều có thể giả được tuốt luốt.
Nếu các cụ ta ngày xưa thường bảo :
- Cái răng cái tóc là góc con người.
Thì ngày nay, với kỹ thuật giải phẫu thẩm mỹ và trang điểm tuyệt vời, người ta có thể cải lão hoàn đồng, từ một bà già trầu móm mém gần đất xa trời trở nên một cô thiếu nữ liễu yếu đào tơ trong thoáng chốc bằng cách trang bị cho bà cụ những thứ đồ giả : nào là mái tóc giả, nào là hàng mi giả, nào là hàm răng giả, nào là bộ ngực giả, nào là cặp mông giả
Người ta cũng có thể tạo nên những nụn ruồi giả, những má lún đồng tiền giả, những chiếc cằm xẻ giả. Thậm chí có những anh chàng đực rựa “chăm phần chăm” được cải trang thành những cô gái y như thật với những ý đồ đen tối và hắc ám, khiến cho những đấng mày râu háo sắc và ngây thơ cụ cũng phải bé cái lầm.
Thế nhưng cái “hình dong bên ngoài” không quan trọng cho bằng những cái làm nên phẩm chất bên trong của con người. Và những thứ này lại cũng toàn là đồ giả.
Chẳng hạn để khoe khoang với bè bạn, để dễ dàng trong công ăn việc làm, cũng như để luồn lách vào chức vụ nọ chức vụ kia, người ta có thể bỏ tiền ra mua một cái bằng…phó tiến sĩ giả, để hù dọa bà con lối xóm.
Người ta cũng có thể mượn danh làm công an giả, cán bộ giả, thậm chí cả linh mục giả để dối gạt thiên hạ, ẵm về cho mình những món tiền lớn và những lợi nhuận kếch xù.
Thế nhưng bẽ bàng và cay đắng hơn cả, đó là người ta đã mượn tạm danh nghĩa, lợi dụng những chức vụ giả ấy để ăn cướp cơm chim, phỗng tay trên chén cơm manh áo của các em nhỏ trong viện mồ côi, của các cụ già trong nhà dưỡng lão…bằng cách lừa đảo các tổ chức từ thiện cũng như các nhà hảo tâm.
Mánh mung của bọn này thì thiên biển vạn hóa, đến quỉ thần cũng không lường nổi mà chúng ta thấy nhan nhản trên báo chí.
Từ phẩm chất giả, quạ mượn lông công, cáo mượn oai hùm, chúng ta bàn tới những hành động giả. Và một trong những hành động giả mà gã xin đề cập đến, đó là hôn nhân giả.
Thực chất của cuộc hôn nhân giả chính là tình yêu giả. Người ta giả bộ yêu nhau để toan tính những công việc khác chẳng hạn như để xuất ngoại, để làm ông nọ bà kia.
Họ nhìn vào người ấy không phải để thấy người ấy dễ thương và dễ mến, nhưng để thấy túi tiền người ấy đang có, cái ghế người ấy đang ngồi, tòa nhà người ấy đang ở, chiếc xe người ấy đang đi…Tóm lại, họ không yêu gì người ấy, mà yêu cái tài sản, cái chức vụ của người ấy mà thôi.
Nổi cộm trong hàng loạt hành động giả này, đó là cái thói giả hình, hay nói một cách cụ thể hơn, cái thói giả nhân giả nghĩa, hay đạo đức giả.
Họ là những kẻ khẩu phận tâm xà, miệng nam mô bụng bồ dao găm,  đúng như tục ngữ đã diễn tả :
- Ngoài thì thơn thớt nói cười,
  Mà trong nham hiểm giết người không gươm.
 Hay :
- Nam mô.
  Một bồ dao găm,
  Một trăm dao mác,
  Một vác dao bầu,
  Một xâu thịt chó.
Họ là những kẻ nghĩ thế này, nói thế kia, nói một đàng làm quàng một nẻo. Tư tưởng không đi đôi với lời nói, còn lời nói thì không đi đôi với việc làm. Tư tưởng, lời nói và việc làm của họ không còn trong suốt như pha lê. Không còn hợp nhất với nhau.
Họ nói thì nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Thậm chí họ còn làm ngược lại với điều họ nói.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã diễn tả một cách rất chính xác về hạng người này :
- Họ kinh kệ dài dòng nhưng lại nuốt hết tài sản của các bà góa. Họ rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ. Họ giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài thì có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.
Để kết luận, tôi xin ghi lại nơi đây ý kiến của chị Nguyễn thị Oanh, tác gỉa bài ‘’tính trung thực’’, đăng trên báo tuổi trẻ Chủ Nhật, như sau :
“Tôi thấy cán bộ công đoàn ngồi lại đánh giá công nhân trên những phát triển của họ ở các buổi học tập chính trị. Còn công nhân thì thổ lộ : Người ta không cần biết chúng tôi sản xuất như thế nào ? Đối xử với anh em ra sao ? Gìn giữ tài sản chung đến mức nào ? Mà chỉ coi trọng lời nói. Tôi thì rất ngượng ngùng phải nói những điều không xuất phát từ đáy lòng. Đó là vào giữa thập kỷ 80.
‘’Còn ngày nay, trở lại sự trung thực thì ta thấy trong cuộc sống : mắt mũi môi giả, hàng giả, bằng lái giả, bằng cấp giả, hôn nhân giả ! Người ta giả vờ với nhau một cách tỉnh bơ. Đáng sợ hãi cho tương lai là chuyện gian dối ở chỗ mà lẽ ra sự trung thực là nguyên tắc hàng đầu. Đó là ở phòng thi : thày làm ngơ để trò quay cóp.
‘’Con người lấy gì làm cơ sở để quan hệ với nhau khi cái trục chính của chiếc cầu đã gẫy ? Cái túi nước silicon rò rỉ, đã biến những con người muốn làm đẹp thành xấu xí đến tai hại. Thực phẩm giả, bằng lái giả gây chết người. Còn bằng cấp giả ?
Xin trích thêm đoạn dưới đây từ báo phụ nữ ngày 27-9-1997.
‘’NM sinh viên khoa ngữ văn, một cô gái tài hoa, có lối sống khá bạt mạng, mệt mỏi tâm sự :
- Ở gia đình, bố mẹ luôn dạy tôi cách sống tốt, chân thật, nhưng tôi biết rõ ràng đó chỉ là lời nói. Thực tế còn cả một khoảng cách.
“Cái khoảng cách ấy đã được NM nhận rõ  khi người ta phát hiện hai cái học vị phó tiến sĩ của bố và mẹ NM đều là của giả. NM bộc lộ :
- Tôi không quan lắm đến danh dự gia đình, nhưng bố mẹ, những thần tượng của tôi, đã hoàn toàn sụp đổ.
“Để trốn chạy thực tế, NM thường đóng kín cửa phòng, đắm mình trong âm thanh của Spice Girls, hoặc phóng xe hết tốc lực ngoài đường.
‘’ Thế đấy, cái giả tưởng chừng như vô thưởng vô phạt đang giết chết một thế hệ về mặt tinh thần. Và ngày nay không cần thiết phải chứng minh tính chính trị của đạo đức nữa. Cái khó là tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa và những cơ chế vận hành nào đã đưa tới tình trạng báo động này.
‘’Ta đánh giá cao những báo cáo tô hồng, những trường có tỉ lệ ‘’lên lớp’’, ‘’thi đậu’’ cao, những người nói đúng bài bổn nên cấp dưới tập phản xạ nói dối, phản xạ này ăn sâu trong tâm tư họ đến nỗi có người không còn biết nhận ra và phân biệt thật và giả, đúng và sai.
‘’Phải tập lại từ đầu, không phải bằng hô hào mà bằng hành động. Khó có thể kêu gọi tuổi trẻ bằng những khẩu hiệu chung chung, nhưng họ sẽ hưởng ứng ngay với cách làm mới.’’
‘’Khen thưởng những ai lật tẩy sự dối trá. Phạt nặng sự dối trá trong sản xuất. Chỉnh đốn triệt để ngành giáo dục vì bao giờ còn gian lận trong ngành này thì không thể gọi nó là giáo dục. Văn học nghệ thuật phải đem sự dối trá ra làm trò cười cho đến nơi đến chốn.
Và rồi cuối cùng :
- Sự thật sẽ giải thoát chúng ta.