TIẾNG GỌI

Vào những ngày mùa hạ trời cao nguyên lồng lộng. Nắng đổ xuống ngàn. Lá me lên xanh. Phượng nở đỏ ối. Người ta thấy lá rừng xôn xao. Gió đổ về rì rào.
 Cao nguyên vào những ngày tháng tám, mây trời bát ngát. Từ đồi cao trông xuống thung lũng, người thanh niên đứng dựa tháp chuông, nhìn những cánh chim đang thả mình trong nắng ấm. Giáo xứ của chàng cách xa thành phố. Ở đây chỉ có âm vang của núi rừng và mùi thơm của cỏ cây.
Từ miệt Sài Gòn, hôm nay mẹ chàng theo những chuyến xe đò cao nguyên lên thăm con. Thả hồn nhìn xuống thung lũng ngát xanh trước mặt, chàng nhớ lại bóng dáng của mẹ. Mẹ già rồi, không còn như ngày chàng ở cái tuổi lên chín, lên mười, chiều chiều ra đồng bắt cào cào nuôi chim. Mẹ chàng ngày đó còn là một phụ nữ duyên sắc, thế mà đã hơn hai mươi năm. Vẫn người đàn bà ấy lặn lội lên tận đây thăm chàng. Chân dung mẹ là một mẹ quê chất phác, lam lũ vất vả vì con. Chuỗi tràng hạt là niềm tin bà đặt tất cả đời bà vào đó.
Hình bóng mẹ hiện ra rõ. Bà vất vả leo lên đồi. Tay xách giỏ tre, trong đó có chiếc áo len màu cánh dán của đứa em gái gởi cho chàng. Một gói thuốc bổ, viên lớn bằng những viên bi. Mẹ bảo mẹ đem cho chàng thuốc bổ vì ngày còn bé chàng vẫn thường hay chóng mặt. Mẹ bảo có lẽ chàng yếu tim và thiếu máu. Mẹ lúc nào cũng lo cho chàng từng tí một. Cũng trong chiếc giỏ ấy, một gói tôm khô, một bịch khô mực bọc trong bao ni lông. Một gói bánh đa mật mà mẹ bảo rằng có thể để dành cả năm cũng chẳng hư. Người thanh niên tiếp tục nhớ lại từng món đồ mà mẹ vất vả xách cả hàng trăm cây số để đem lên tận miền núi này cho đứa con trai đầu lòng. Ðứa con mà bà bảo rằng bà đã dâng hiến nó cho Chúa từ ngày nó còn nhỏ.
Rừng cao nguyên về trưa nắng đổ thênh thang. Gió mênh mông. Tóc chàng hứng từng đợt gió lộng. Bóng tháp chuông theo nắng đổ dài trên những chùm cây đang giao động. Chàng khoanh tay nhìn xuống những mái nhà lá nằm rải rác theo ven đồi. Giáo dân đó, con chiên của chàng đó. Những con chiên mà chàng đã đoan hứa với Chúa là trung thành gìn giữ trong ơn sủng, là chia sẻ mưa nắng, buồn vui. Mấy cánh nhạn tung tăng bay lượn. Bây giờ là mùa của hoa đơn. Những chùm hoa đỏ, nở đây đó, rải rác khắp khu rừng. Chàng thấy yêu xứ đạo quá đỗi. Chàng đã nhiều lần ước mơ được ở mãi mãi nơi đây. Chiều chiều giật chuông. Lắng nghe tiếng chuông buông từng giọt, chảy dài theo sườn đồi rồi đi mãi về nhân gian. Chàng yêu những tối trăng tỏa ngập từng vũng sáng, thấm xuống ngàn cây. Rồi nhìn thập giá trên lầu chuông gỗ in đậm trên nền trời. Bóng thập giá ấy đã cho chàng biết bao cảm hứng dạt dào. Thập Giá là biểu tượng của nhẫn nại và trung thành, của âm thầm và yêu thương. Giáo xứ của chàng nhỏ, rời xa phố chợ.
Chàng ra ngồi trên bờ đá, nhớ về từng khuôn mặt của đám học trò. Hôm qua, thằng Khoa khóc mãi, cứ bị trêu là đầu quả dừa, vì bố nó tập hớt tóc nên đầu nó gần trọc lóc. Thằng Dũng có tài bắt chước tiếng gà rừng. Nó là đứa bẫy được nhiều gà nhất. Chẳng ai có thể phân biệt được tiếng gà thật và tiếng gà mà nó kêu. Con Trang thì nhõng nhẽo, hơi một tí là chạy đến với chàng, nũng nịu: Cha ơi, con Thảo làm ướt áo con nè. Con Ngọc vây mực dơ hết sách của con. Còn thằng Bảo thì ít nói, chỉ tủm tỉm cười. Thằng Khâm không bao giờ chịu ngồi yên. Nếu không lấy tóc ngoáy tai đứa đằng trước, thì cũng lấy chân khều đứa đằng sau. Con Thúy thì lúc nào cũng nhảy chân sáo. Hai cột tóc như đuôi chú ngựa con lúc lắc sau chiếc gáy nhỏ dễ thương. Ðó, tuổi thơ và những đứa con của chàng.
Chàng ngồi im nhìn thung lũng soãi nắng mà nghe kỉ niệm giăng đầy. Chàng yêu vùng trời này quá. Nó thuộc về chàng mất rồi. Chàng không thể mất nó mà không để vết thương cho cõi lòng, cho kỉ niệm ngập hồn. Chỗ nào cũng là thương mến. Chỗ nào cũng là gắn bó. Chàng không ngờ mới có hơn một năm mà ngỡ như chàng đã sinh ra và được nuôi lớn bằng suối ngọt, bằng hạt gạo nơi đây. Chàng đã là con của núi đồi này. Chết mất, nếu chàng phải xa nó. Những đóa mẫu đơn. Những cánh chuồn chuồn. Tiếng gáy cúc cu của bày gà rừng vào buổi sáng. Những ngày phủ sương mù như mây kéo xuống thăm thung lũng ở dưới đồi. Nhóm người thượng quẩy gùi bên bờ suối. Ruộng bí ngô vàng óng. Những giàn mướp xanh ngát màu quê hương. Tất cả đã ăn rễ sâu trong tâm hồn chàng. Nhất là tiếng chuông khi trời đang tắt nắng, thong thả, tha thiết như lời của Phúc Âm, như lời giảng của chàng gởi cho đồi núi. Càng nghĩ tới, tâm hồn chàng càng xúc cảm bồi hồi. Chàng nhớ đến một đêm mưa, buổi tối đó, trong căn phòng của chàng, trước cây thập tự, chàng đã viết trong tập cầu nguyện:
- Lạy Cha, hành trang con đem về đây chỉ có trái tim nhỏ hồng màu máu yêu thương. Ðôi tay con bé bỏng nhưng con phó thác vào Cha. Xin cho con được mãi mãi yêu màu xanh của núi đồi này như màu xanh hi vọng con đang trồng trong tim con. Xin cho con được bước theo Cha ra cánh đồng gieo lúa mùa. Xin cho con biết thiết tha với mùa gặt. Ðừng để con tìm sưởi ấm một mình trong khi bày chiên bơ vơ ngóng đợi tìm chủ. Có những con rắn độc đang rình dưới vùng cỏ non, chờ bước chân đơn sơ của những con chiên nhỏ. Xin cho con đừng mê ngủ để bày chiên sa lưới. Hành trang con đem theo về đây chỉ có bàn tay nhỏ ôm ấp một lời thề nguyền là theo Cha, để được cùng Cha đổ mồ hôi trên đồng lúa. Con chỉ có một tình yêu duy nhất là xin được ngàn đời trung thành mà thôi.
Hồi tưởng lại lời kinh xưa. Dường như mắt người thanh niên có nỗi cay. Nghĩ đến giây phút phải đi xa xứ đạo, chàng thấy chính chàng đang chết, đang đau đớn nói lời vĩnh biệt. Nếu chàng ra đi. Ai sẽ giật chuông ban chiều. Ai sẽ cất lời kinh ban mai cầu xin cho mây cứ xanh, cho nắng cứ an hòa giãi xuống thung lũng. Ai sẽ nghe con Trang nũng nịu: Con Thảo làm ướt áo con nè. Ai sẽ lặng nhìn cây thập giá gỗ trên lầu chuông vào những tối trăng tỏa xuống ngàn. Xót xa đi về. Hoang mang mở ngõ. Chàng như một người đang âm thầm viết bản án cho mình.
Mẹ sắp về quê. Chàng nghĩ đến mẹ mà thương quá đỗi. Có nên nói cho mẹ biết những gì sắp xẩy đến cho chàng, cho núi đồi? Bên ngoài, hoa mẫu đơn vẫn thẫm đỏ mà trong hồn chàng là những bất trắc không ngờ. Có nên cho mẹ biết tương lai sắp tới? Tương lai bỏ xứ đạo ra đi với một người thiếu nữ. Chàng đau đớn cắn môi chịu đựng. Chàng biết mẹ sẽ chết lịm nếu biết chàng sắp bỏ đời tu. Làm sao một bà mẹ quê chất phác nhìn con như kẻ thay mặt Chúa. Kính trọng bàn tay con như bàn tay đã được đóng dấu người trời, bây giờ bỏ giáo xứ, bỏ áo dòng, bỏ Chúa. Nếu cho mẹ biết, chắc hẳn mẹ sẽ bảo: Con ơi, giết mẹ đi rồi con muốn làm gì thì làm! Nếu cho mẹ biết, đấy là đem ngày tận thế cho mẹ. Ðó là ngày mẹ chàng tin rằng con bà sẽ mất linh hồn! Ngày thắng trận của hỏa ngục! Cuốn sách nguyện trên tay rơi xuống đất từ lúc nào. Chàng không còn tâm trí gì nữa. Làm sao để nói cho mẹ biết? Chàng không tìm được câu trả lời. Bóng tối. Nghẽn đường. Có tiếng thổn thức khóc bi thương trong vùng sâu thẳm con tim. Chàng tưởng tượng tới những lời mỉa mai của làng xóm phủ lên đầu mẹ. Làm sao mẹ còn dám gặp mặt dân làng. Làm sao mẹ sống nổi với những lời xét đoán cay nghiệt.

* * *
Mặt trời đang xuống dưới thung lũng. Vùng núi, gió lạnh về thật lẹ khi trời khuất bóng. Từ thung lũng dưới kia, mây đỏ ửng. Giải nắng của chiều tà hắt lên như một tấm quạt nan. Hai hôm nay, chiều nào chàng cũng ra ghềnh đá. Ngồi chỗ hôm qua chàng nghĩ ngợi mông lung. Lo âu cho quãng đời sắp tới. Bên cạnh chàng, bà mẹ quê như muốn gởi lại con tất cả những tình thương thầm kín mà bà cảm thấy như chưa cho đi cạn nguồn, như không biết làm sao cho con hiểu được tình thương của bà vô hạn. Cái tình thương càng quyến luyến, dâng lên khi sắp phải chia tay. Ngày mai bà từ giã nơi đây rồi. Bà muốn nói nhưng ngôn ngữ bất lực. Chàng hiểu điều đó. Ðấy cũng là cái nhiệm mầu của tình yêu mà chàng thường gọi là nỗi đau dịu dàng. Nó lẳng lặng ở trong tim, âm thầm mà mãnh liệt. Câm nín mà sâu thẳm. Bà hỏi chàng về chuyện mưa, nắng. Về chuyện những người dân thượng trong buôn. Thật sự, nào bà có cần biết chi những truyện ấy. Bà chỉ muốn hỏi để được nghe tiếng con nói. Ðược nghe âm thanh mà bà coi như một phần đời của bà, của chính bà. Bà muốn nghe con nói, muốn nhìn thấy mắt con để tin thật rằng con bà khỏe mạnh, bình an khi bà sắp phải từ giã vùng cao nguyên này. Chàng phân vân quá. Phải khởi đầu làm sao? Phải chuẩn bị thế nào? Lúc chàng miên man nghĩ thì từ tiềm thức, một sức mạnh vô hình đẩy chàng bật lên tiếng nói mà chàng không kịp chặn lại. Chàng gọi:
- Mẹ ơi.
Nghe tiếng con gọi, bà quay lại. Chàng im. Chàng không muốn nói, đấy chỉ là lời đến từ vùng tiềm thức mà chàng không kiểm soát được. Bà nhìn con hỏi:
- Mai mẹ về. Con có khỏe mạnh không.
Câu nói chẳng ăn nhập gì cả. Bà đã biết con bà khỏe hay đau từ mấy hôm nay rồi cơ mà. Người đàn bà nào mà không thấy tiếng con gọi là yêu thương. Mẹ chàng cũng không thoát khỏi xúc động đó. Trong mắt nhìn của mẹ, chàng thấy mình nhỏ bé, yếu đuối như một đứa bé. Con người linh mục của chàng đã bay mất. Trước mặt mẹ, chàng chỉ là đứa con bé bỏng vẫn cần tình thương để lớn. Mẹ vẫn là biển cả bao la, là bầu trời mênh mông mà đứa con nào, dù có địa vị đến đâu đi nữa thì cũng vẫn bé nhỏ, tầm thường. Chàng cũng thế, trước mặt mẹ, chàng chỉ là một cánh chim non, một con cá chưa đầy tuổi khôn. Ngồi đấy, bên cạnh mẹ, chàng thấy như chàng của hơn hai mươi năm về trước, ngày mà chàng lẽo đẽo theo mẹ năn nỉ mấy đồng mua kem mút. Thấy chàng khóc, mẹ đặt tay lên vai con. Bình thản. Ðấy là năng lực phi thường của những người mẹ. Không gì có thể làm mẹ sợ hãi trước nỗi khổ đau của con. Vẫn giọng nói êm đềm ấy, giọng nói có sức che chở cho chàng của hai mươi năm về trước mỗi lần bị cha đánh đòn. Giọng nói của mẹ có sức xóa đi bóng tối. Cái chân thành của mọi người mẹ có sức đẩy ra ánh sáng những gì khó khăn nhất mà một đứa con muốn âm thầm giấu diếm. Chàng đã chịu thua. Người thanh niên thú tội với mẹ:
- Mẹ ơi, con sắp bỏ xứ đạo này rồi!
Mẹ chàng chưa hiểu ý. Tưởng con sắp đi nhận xứ mới, bà nhỏ nhẹ hỏi:
- Con mới về được có một năm mà Ðức cha đã đổi rồi à?
Chàng im lặng. Mẹ nói tiếp mà như muốn hỏi thêm:
- Con xin đi nơi khác hay là tự ý Ðức cha? Con biết Ðức cha sai con về đâu chưa? Về thành phố hả?
Câu chuyện nào nói với con, bà cũng thường hay nhắc đến thành phố. Bà chỉ sợ ở nơi hẻo lánh bà không thể lên thăm con thường xuyên được. Bà ngại ngùng gió lạnh mù sương sẽ làm con bà dễ đau ốm.
- Không, mẹ ạ. Ðức cha không đổi con. Con dự tính sẽ đi xa, nhưng chưa rõ đi về đâu. Con không muốn giấu mẹ. Con phải cho mẹ hay.
Chàng ngưng lời. Bà mẹ quê không hiểu những lời xa xôi, kín đáo, nhưng vẫn tin ở con mình. Niềm tin đơn sơ như Maria tin vào sứ thần vì Maria có bao giờ nghĩ rằng sứ thần hóa thành Satan. Bà có bao giờ nghĩ được con bà sẽ "bỏ Chúa". Chàng đã lỡ lời. Bây giờ chàng phải nói hết, không thể rút lui được nữa. Ánh đèn đã bật. Viên đá đã tung lên, nó phải rơi xuống. Nếu chàng không thể che kín được thì còn gì là ái ngại để cản ngăn. Ý nghĩ ấy làm chàng thêm can đảm, cố gắng bình thản nói cho mẹ:
- Không, mẹ à. Ðức cha không đổi con. Con tự ý đi. Con sẽ bỏ lại nhà thờ, tháp chuông. Con sẽ trả lại áo dòng cho Chúa. Con sẽ không là linh mục nữa mẹ ạ. Con thôi từ đây. Con sẽ từ giã đời tu. Con sẽ đi xa ..với... một... người mà con sẽ lập gia đình với.
Chàng cố nói một hơi rồi ngừng lại ở đó. Hết rồi. Tất cả là tan tác. Ngắn gọn. Rõ ràng. Nếu có đau lòng mẹ thì đành cho đau lòng. Nếu có tan tác thì đành cho tan tác. Kết thúc rồi. Chàng thấy nhẹ vơi được một chút vì đã nói nên lời. Nhưng cùng một lúc những gánh nặng khác lại trĩu nặng đưa về. Ngộp thở hơn, hiu hắt hơn. Mẹ chàng không biết con mình nói gì. Bà nghe, nhưng bà không thể tin. Vì không thể tin nên bà không hiểu. Bà có đang mơ? Ðây có phải là người con linh mục của bà? Người mới sáng nay giơ cao tay chúc lành cho đoàn chiên? Bà không tin, nhưng rõ ràng đây là giọng nói con bà mà. Chính giọng nói này còn vang lên trong bài giảng ban sáng: "Yêu là chấp nhận thập giá". Bà không thể tin được những lời con bà vừa nói.
Nắng đã tắt bên kia, dưới thung lũng sâu. Từng chùm hoa lau dập dìu theo gió, đổ ngả nghiêng. Ðêm về sớm. Trăng sẽ lên. Và có lẽ đêm nay là đêm trăng rất tròn. Trăng có vẻ đẹp, nhưng trăng cũng tàn phá. Trăng êm đềm nhưng trăng cũng lạnh lùng. Người ta bảo những người bị bệnh cùi thường đau đớn nhất trong những lúc trăng tròn. Trăng càng sáng bao nhiêu thì bệnh nhân càng khổ sở. Cái đau của thân xác hay nỗi đau của tâm hồn? Hàn Mặc Tử đã rét mướt vì trăng. Có phải trăng cũng là hiu hắt? Chàng quen Phượng cũng như quen một mùa trăng.
Ngày gặp gỡ Phượng ở sân trường Văn Khoa, năm thứ hai, Phượng học chung với chàng trong lớp văn chương Quốc Âm. Ngày ấy, trên hành lang lớp học, chàng còn nhớ rõ giọng nói của Phượng:
- Cho Phượng mượn notes đi.
- Không được mà, cô ơi! Tôi vừa ghi notes vừa làm thơ. Có khi thơ nhiều hơn notes!
- Vậy thì càng hay, Phượng mượn một mà được cả hai!
- Mắc cở chết, ai mà đem "tâm tình" của mình cho người khác đọc!
- Vậy thì Phượng mượn notes vậy. Khi đọc đến "tâm tình" thì Phượng nhắm mắt lại, rồi đọc notes tiếp.
Quãng thời gian trọ học là những ngày đẹp thơm mùa cây trái. Con đường Cường Ðể nhặt nhặn được bao nhiêu chữ nghĩa, thì con đường Gia Long cặp sách lỏng tay cho rơi chữ nghĩa xuống vệ đường. Nối dài những hàng me, mong ngắn những bước chân, họ quen nhau như một tình thơ mà có nhiều lá vàng của mùa thu ươm nắng hơn là mùa xuân rực hoa. Nhìn những cánh lá me rơi. Phượng hỏi:
- Anh có thích mùa thu không?
- Thích mùa thu của đất trời nhưng không thích mùa thu trong hồn.
- Chứ bộ có hai mùa thu sao?
- Mùa thu của đất trời khi lá hết rơi là hết thu, còn mùa thu trong hồn có khi chẳng có lá rơi mà ngày cứ mong manh.
- Thế bây giờ anh có mùa thu trong hồn không?
- Có mùa thu trong hồn cũng đẹp lắm chứ, mong manh, nhưng là mong manh của mùa thu, Phượng nghĩ sao?
- Làm sao mà Phượng biết được, làm sao mong manh mà vẫn đẹp hả anh?
- Vì người ta sẽ tiếc, người ta sẽ nhớ.
- Anh ạ, những gì có tiếc nhớ là có biệt li rồi đấy.
- Nhưng biệt li của tiếc nhớ là biệt ly có yêu thương!
Con trăng đầu mùa dạo ấy không bị mây che. Màu trăng sáng. Giấc mơ trăng mọng tròn. Không sương phủ, không mưa bay cho tình trăng rủ tình đất gieo kỉ niệm bên dòng suối chảy vào dòng đời. Thời gian là vườn hoa bắt đầu có hương. Những lớp học sao mà ngắn. Có những cánh bướm đưa tin qua mảnh giấy học trò. Có những giận giỗi êm đềm. Có những nhớ và bâng khuâng. Chàng tiếp tục con đường lí tưởng. Ðồi thập giá vẫn là lời gọi quyến rũ. Yêsu đối với chàng, luôn luôn là một nghệ sĩ có nhiều sáng tạo. Còn Phượng, chàng vẫn nhận được những cánh thư thơm mùi nước hoa. Mùa trăng mộng hơn là lúc chàng sắp sửa thề hứa lời thề trung thành ngàn năm. Ðây là năm thứ tư chàng mặc áo dòng. Năm chàng sửa soạn lãnh chức Phó Tế. Năm vĩnh viễn bước lên đồi cao. Một buổi chiều nọ, Phượng đến thăm:
- Phượng sẽ chờ. Phượng không lấy chồng cho tới khi anh làm linh mục!
- Có nghĩa là sau khi tôi làm linh mục thì Phượng lấy chồng?
Chàng cứ hay giỡn như thế. Nhưng Phượng thì khác, giọng Phượng như dỗi hờn mà vẫn dửng dưng:
- Tùy anh nghĩ!
Phượng nhìn chàng. Những ánh mắt gặp nhau. Những con sông xanh đang mênh mông dòng nước. Bờ tóc phủ hững hờ đôi vai yếu. Những sợi tóc mai đen lánh ép sát vào bờ má như đang mùa táo chín. Ðằng sau làn vải soa mỏng là bát ngát mây trời, da nàng mịn màng, tươi mát như cánh đồng lúa non. Yêu thương dâng đầy.
Rồi con trăng theo dòng nước lớn dần, đổ xuôi về những dòng sông đang căng đầy sự sống, đang ươm mộng kết hoa. Con trăng theo bóng chàng về ngủ bên bờ trúc. Ðể cho ánh trăng nhẹ nhàng thấm qua giàn thiên lí, êm đềm bước qua vuông cửa sổ, ngả dài trên bàn viết của chàng. Ðể cho lời nguyện của chàng có dáng dấp màu nắng trong vườn táo địa đàng thủa xưa. Ngày ấy, vào tháng hạ hanh nắng vàng, có màu áo lục dấp dáng bay bên ngõ giáo đường. Ðó là đầu năm linh mục thứ hai của chàng. Bây giờ Phượng "phải" gọi chàng là cha:
- Cha ơi, cắt nghĩa cho Phượng hiểu đi, tình yêu là gì?
- Yêu là lớn lên trong đau khổ!
- Như vậy đau khổ cần lắm phải không cha?
Chẳng để chàng trả lời, Phượng nhìn chàng trong ánh mắt long lanh:
- Chúa yêu người nên mới khổ. Mà cha có yêu "người" bao giờ đâu mà cha khổ. Nếu không đau khổ thì làm sao cha lớn lên!
Năm thứ hai linh mục của chàng cũng là lúc trăng sắp lên tới đỉnh đồi, là dòng sông đang dâng cao, là lúc con trăng chín mọng ước mơ. Thời gian vô tư thong thả. Chàng vui với bổn phận một linh mục trẻ. Nhiệt tâm dâng đầy, với sốt mến cho trầm hương nhà Chúa chàng sẵn lòng nhận xứ mới nơi cao nguyên xa vắng này. Rồi từ Long Khánh, Phượng lên thăm chàng. Lần đó cũng là lúc con trăng mười sáu, trăng rằm sáng nhất và cũng là mùa trăng tâm tư khó hiểu nhất. Chẳng có vầng trăng nào chịu xế bóng khi chưa lên cao vằng vặc sáng. Cũng lần Phượng đến đó. Núi đồi cao nguyên chuyển gió mùa. Không giông bão trên ngàn mà trong hồn chàng. Vẫn là Phượng của năm xưa với tóc mây bay bốn mùa. Nhẹ nhàng mùi hương từ rừng tóc thu ấy cho chàng đam mê. Trước tình yêu, người con gái nào cũng biết biến hình để bờ vai mình thành yếu đuối, cho mời mọc vòng tay ôm. Phượng của chàng cũng thế. Ðằng sau làn soa mỏng là hương trời bát ngát. Trăng cao nguyên xôn xao. Chàng vào đam mê cho tình yêu dâng đầy. Mùa trăng huyền ảo ấy cũng là mùa trăng "giáo đường buồn lê thê."
Chàng không ngờ tháng ngày còn ngắn trong đời linh mục mà chàng đã phôi phai lời thề. Chàng bàng hoàng với lời nói năm xưa của Phượng: "Cha ơi, cắt nghĩa cho Phượng hiểu đi. Tình yêu là gì?" "Ðau khổ cần lắm phải không cha."
Chàng đang hỏi lại chính mình câu hỏi đó. Tình yêu là gì. Ðau khổ có cần không. Chàng đã bồi hồi sung sướng sáng chủ nhật quỳ gối nhận thánh chức. Ngày đó chuông rung đổ từng hồi. Lời chuông tưng bừng của thiên thần hân hoan báo tin vui của kẻ ra đi cho cánh đồng đang mùa gặt. Bàn thờ rực rỡ nến hoa. Chàng chắp tay cung kính như Isaac vâng lời cha làm của lễ hiến tế đầu mùa. Quỳ trước Ðức giám mục, đưa tay nhận Sách Thánh. Hôm nay chàng còn nghe rõ lời kẻ thay mặt Chúa nói với chàng:
- Con hãy nhận lấy Sách Thánh này. Con hãy tin những gì con đọc. Con hãy giảng dạy những gì con tin. Con hãy thực hành những gì con giảng.
Khi chàng trang nghiêm bước tới bàn thờ. Lời người dẫn lễ mời gọi cả nhà thờ cầu nguyện cho chàng:
- Hỡi anh chị em hãy khẩn cầu, xin Thiên Chúa, Cha chúng ta chúc lành cho tôi tớ Người đây. Kẻ mà Người đã chọn, được trung thành với công việc mà Người đã tin tưởng giao phó, là loan báo Tin Mừng cho thế gian, ngõ hầu làm vinh quang Ðấng ngự trên trời.
Hôm nay chàng ngồi đây với tâm hồn của mùa thu vàng úa. Hồn chàng lênh đênh trên dòng sông lặng lời nỗi buồn. Nuối tiếc dĩ vãng. Kỉ niệm năm nào như vừa mới xẩy ra. Giật mình nghe tiếng mẹ gọi:
- Con nghĩ gì đấy?
Trở lại thực tại với linh hồn hôm nay. Chàng rơi vào những mạng nhện trói buộc ray rứt.
- Con thật không ngờ mẹ ạ. Con biết mẹ không bao giờ tưởng tượng nổi người con linh mục của mẹ có ngày bỏ Chúa. Làm sao mẹ nghĩ tới giữa Giáo Hội và tình yêu, con dám bỏ tất cả đi theo tiếng gọi của con tim. Con đã phá hủy lời thề xưa. Con biết mẹ sẽ chết vì nỗi đau khổ này.
Bà ôm mặt khóc:
- Con ơi!
Chàng nói với mẹ trong nỗi dầy vò:
- Mẹ ơi, mẹ có oán trách con không.
Ngày xưa còn bé trốn học. Sợ mẹ đánh, cậu bé thường náu ở cổng không dám về. Nhưng bao giờ cũng vậy, khi thấy con run sợ là mẹ quên mọi sự ngay. Mẹ dắt về, lo cơm cho con ăn. Linh hồn người mẹ nào cũng là một biển rộng yêu thương. Trong đau đớn, chàng nói với mẹ:
- Con phản bội ơn của Chúa, ơn của mẹ. Mẹ có tha thứ được cho con không?
Nước mắt rơi trên bờ đá. Ðau khổ của hai tâm hồn theo bóng đêm dâng về dầy đặc hơn. Gió tối lan trên khu rừng.

* * *
Chàng tìm lửa đốt cây nến bên tượng chịu nạn. Ánh sáng tỏa một vùng nhỏ đủ soi rõ mặt thập tự. Căn phòng vắng lặng. Mình chàng với Ðức Kitô. Cầm cuốn Sách Nguyện chàng nhìn lên tượng Chúa. Vóc dáng của Chúa vẫn bình thản như mọi ngày. Nhưng chàng thấy Chúa gầy hơn, mặt ngài đau đớn hơn vì vết thương ở cạnh sườn. Dường như máu đang chảy từ vòng gai. Bên tay trái, bàn tay nắm chặt đang co thêm để nén cơn đau. Mặt Ngài gồng lại để chịu một đau đớn khốc liệt mà Satan không phải là kẻ dễ thắng nổi. Chân Chúa phủ bụi mốc. Móng chân cáu ghét vì đất đường khi Ngài vác thập giá lên núi Sọ.
Từ ngày thụ phong linh mục, chàng luôn nghĩ tới Ðức Kitô như kẻ thắng trận vinh quang, rực rỡ lời ca Phục Sinh. Tối nay chàng thấy khuôn mặt Ðức Kitô tang thương quá. Tối đầu tiên chàng nhìn kĩ vào từng vết thương của thập tự. Trên thập tự như có tiếng kêu than: Ta khát.
Ðầu Ðức Kitô ngả gục xuống, không còn dấp dáng của kẻ cầm cự. Ngài đã chết trên đồi máu. Vết tương tím bầm khô. Máu đen đặc sậm. Ðôi mắt nhắm nghiền của lời gọi đau thương sau cùng: "Phêrô, con cũng chối Ta sao?" Khuôn mặt Ngài nhăn nhó, chất chứa u sầu của một tình thân đã mất. "Nếu tôi hôn người nào đó thì cứ người đó mà bắt." Lời của Giuđa đọng trong mắt Ngài. Tất cả là phản bội. Và, hôm nay tới phiên chàng.
Úp mặt trên cuốn Sách Nguyện bìa đen nổi hàng chữ mạ vàng. Có thể nào chàng nhẫn tâm đến thế? Kẻ đi trước đã phản bội. Kẻ đi sau cũng chối từ. Cuộc đời Ðức Kitô sao quá nhiều tan tác chia phôi. Ngước mặt nhìn tượng chịu nạn. Chàng hỏi Ngài:
- Cha ơi, Cha có hiểu nỗi đắng cay rối bời của lòng con?
Có tiếng nói xác quyết không chần chừ.
- Ta biết con trong từng hơi thở. "Mẹ nào lại quên con đẻ của mình? Lại cạn lòng thương đứa con mình đã cưu mang? Cho dù nó quên đi nữa, phần Ta, Ta sẽ không quên con" (Is. 49:15).
Chỉ có yêu thương thôi. Cánh tay hao mòn chờ mong. Thập Giá trước mặt. Chàng thưa:
- Nhưng con khổ vì đời phức tạp quá. Tình yêu của Cha đâu?
Thánh giá di động. Hai bàn tay Chúa chìa trước mặt. Chàng nhìn rõ hai dấu lớn của vết đinh đầm đìa máu. Có tiếng nói: "Tình yêu của Cha đây." Chàng chết lịm trước hai dấu đinh. Một tình yêu bằng tương tích. Chàng không biết nói gì ngoài bàn tay ôm mặt. Trên thập giá có tiếng Người nói:
- Cha đã khắc tên con trong bàn tay Cha (Is. 49:16).
Không dám nhìn thập giá. Úp mặt trên cuốn Sách Nguyện, chàng thưa:
- Lạy Cha, sáng nào con cũng nguyện xin cho con được bình an. Mong được lên cao với Cha trên đồi thập tự. Sao Cha vẫn để tim con đi tìm tình đất.
- Hàng ngày Cha vẫn nhắc con: Ngày nào con ăn trái cây đó con phải chết (Gn. 2:16).
- Cha ơi, con không muốn đi về miền tăm tối ấy. Sao Cha không đem con ra khỏi mọi yếu đuối nhỏ nhen?
- Cha chọn con từ những kẻ yếu đuối để con hiểu sự yếu đuối của người anh em con (1 Cor. 9:22).
- Nhưng một lần yếu đuối là lỡ giở ngàn năm đau thương. Làm sao con có thể chỗi dậy đi lên được nữa?
- "Nơi nào có yếu đuối thì có ơn sủng của Cha. Nơi nào lầm lỗi gia tăng thì ơn sủng của Cha cũng theo đó mà gia tăng gấp bội" (Rom. 5:20). Con không đủ xác tín rằng vì yếu đuối của con mà Cha đến trong thế gian sao?
Thập Giá còn nói nhiều. Chàng ngậm ngùi vì thập giá nhẫn nại quá. "Người chậm bất bình và hết sức khoan dung" (Tv. 103:8). Lời nói làm chàng xót xa. Nhưng chàng không muốn chấp nhận một sự yếu đuối nào.
- Cha không cất sự yếu đuối khỏi con để con hiểu sự yếu đuối của tha nhân. Nhưng Cha có hay sự yếu đuối làm con phản bội Giáo Hội. Con đã phản bội ơn sủng của Cha. Sự yếu đuối làm con mất tất cả ước mơ. Giáo Hội sẽ bảo con là kẻ phá hoại Hội thánh.
- Con ạ, hãy cẩn thận trong hồn con. Con không chấp nhận yếu đuối có phải vì Cha hay vì chính con? Nhiều khi người ta trốn chạy yếu đuối vì muốn thỏa mãn tính siêu bạo, tìm cái siêu nhân của thánh thiện tự đắc. Yếu đuối dẫn đến xám hối và yếu đuối cũng dẫn đến thất vọng. Yếu đuối có xám hối khi con chấp nhận yếu đuối có trong con. Yếu đuối đưa con đến thất vọng khi con chối từ mình yếu đuối.
Cha không cần Giáo Hội nếu Giáo Hội ấy chối từ sự yếu đuối nơi con cái của mình và chỉ kết án nhau. Con không nhớ rằng Cha đã bỏ Jerusalem với những ngọn đèn vàng bẩy ngọn của các thượng tế mà chọn người ăn trộm chết bên Cha sao?
Vì yếu đuối của con mà bị kết án đay nghiến thì Cha chẳng làm gì được vì đó là tự do Cha đã ban cho con người. Nhưng kết án đó không phải là giáo lí của Cha. Cha yêu con bằng tình yêu muôn thủa (Jer. 31:3).
Chàng đứng dậy. Mắt đẫm lệ. Căn phòng vẫn yên tĩnh. Thập Giá trên cao nhìn chàng. Cánh tay đau khổ vì đọa đầy nhưng không bao giờ khép lại chối từ. Lời Thập Giá gọi chàng bước tới. Thập Giá hiểu chàng. Ðối với Thập Giá, trung thành không có nghĩa là không bao giờ lỗi phạm mà là từ lỗi phạm luôn tìm đường về. Không có thử thách thì khó biết mình tín trung. Có thử thách là có lao đao. Augustino cũng đã vấp ngã nặng nề. Thập Giá không dập đi tàn lửa sắp tắt.
Căn phòng bằn bặt lặng lẽ. Chàng bắc ghế trèo để lấy tượng chịu nạn trên tường xuống nhìn cho kĩ. Ở góc nhà, kẻ lạ mặt lò đầu ra. Hắn cầm cây gậy dài. Chàng chưa kịp giữ thăng bằng thì hắn đánh một nhát kinh hoàng ngang qua chân ghế. Chàng hốt hoảng giơ tay nắm lấy tượng thập giá treo trên tường. Cây thánh giá cũng theo chàng ngã sấp mặt trên nền đá lạnh. Chàng sợ hãi hét lớn. Mồ hôi chảy ướt thái dương. Bàng hoàng vùng dậy. Ngơ ngác nhìn chung quanh phòng. Không biết những gì đã sẩy ra. Có phải chàng vừa qua một cơn mơ rất lạ.

* * *
Nắng đã chiếu qua khung cửa sổ. Ngó quanh phòng. Tâm trí ngập rối với giấc mơ kinh hoàng. Ðấy là sự thật hay chỉ là giấc mơ? Tượng chịu nạn vẫn treo trên tường. Mẹ chàng không có ở đây. Chàng không quen biết người con gái nào tên Phượng. Ừ, mà chàng đã là linh mục đâu, còn hai năm nữa cơ mà. Những lí luận ấy bảo chàng đó chỉ là một giấc chiêm bao.
Hồn chàng có bình an đi về. Chúa sẵn sàng ngã xuống với chàng! Trong giấc mơ, chàng thấy tượng Chúa vỡ ra từng mảnh với chàng. Cho dù có ngã trong vũng sâu yếu đuối Chúa vẫn không chê căn nhà chàng nghèo nàn. Chàng xúc động nhìn tượng chịu nạn. Nắng lên cao. Sương mù tan dần. Lí tưởng của chàng ngời sáng. Chàng yêu cuộc đời linh mục quá đỗi. Ước mơ là linh mục của chàng như một mùa trăng mới. Lâng lâng hạnh phúc. Chàng mỉm cười với hình ảnh kì lạ trong giấc mơ. Biết đâu ngày nào đó chàng có Phượng đến thật sự. Với ý nghĩ ấy, chàng nhìn lên Thập Giá và như Chúa cũng mỉm cười hỏi chàng: "Ừ, nếu ngày nào đó có Phượng đến thật sự thì con trả lời sao?"




Trích Tập Truyện Ngắn "ÐƯỜNG VỀ THƯỠNG TRÍ" của tác giả Nguyễn Tầm Thường.