MÈO




Chuyện phiếm của Gã Siêu.

Thiên hạ thường bảo :
- Nhà báo nói láo ăn tiền.
Thế nhưng, ăn được tiền bằng nghề nói láo không phải là chuyện dễ. Có anh nhà báo khi bài của mình vừa mới được trình làng liền bị bà xã chất vấn :
- Tôi nói cho anh hay : văn là người. Anh đã vắt óc, moi ruột gan phèo phổi để viết nên bài ấy và bài ấy đã phản ảnh đúng tim đen của anh và của bọn đàn ông. Vậy cái con nhỏ trong bài ấy là đứa nào ? Liệu cái thần hồn, anh mà léng phéng với ai là…chít  mí em đấy.
Không thiếu gì những anh nhà báo đã được ăn đòn hội chợ hay được xơi kẹo đồng vì đã trót dại chõ mõm vào các xếp lớn, hay lạng quạng đụng vô phạm vi chính chị chính em.
Và rốt cuộc chẳng anh nhà báo nào làm giàu hay phất lên nhờ cái nghề ngỗng này, bởi vì ở Việt Nam nhà giáo và nhà báo thì chỉ có nước…húp cháo mà thôi.
Lắm lúc tiền nhuận bút đã tiêu béng đi từ hồi nào, mà bài thì lại chưa viết, thế là đúng hẹn, bèn phải ngồi vào bàn hì hục viết lách gọi là kéo cày trả nợ, một cách văn hoa hơn là “tằm nhả tơ”, nhưng thực chất chỉ là viết nhăng viết cuội.
Như gã lúc này, công việc cuối năm thật bề bộn khiến đầu óc trống rỗng, mà hạn nộp bài cho số tết đã tới gần, chẳng biết sẽ phải tán hươu tán vượn về sự gì. Thôi đành phải theo truyền thống vốn đã có từ lâu đời, năm mão thì phải nói láo về…mèo đứt đuôi chứ còn gì.
Mão, miêu hay mèo đó là một loại thú nhỏ thuộc giống ăn thịt, lông mềm, râu trắng, cứng và cử đông được, vấu bén, mình nhẹ, leo giỏi và có tài bắt chuột. Có lẽ chính nhờ tài bắt chuột mà mèo được nhiều người, nhất là người nông dân ưu ái muôi ở trong nhà.
 Đối với lũ chuột thì mèo chính là đại vương sư tử. Người tàu thì bảo :
-  Sát nhất miêu, cứu vạn thử. Nghĩa là giết được một con mèo thì cứu được vạn con chuột.
Còn người tây thì nói :
- Absent le chat, les souris dansent. Nghĩa là vắng mèo, chuột nhảy choi choi.
Hay :
- Mèo đi ra thì chuột vươn vai theo kiểu vắng chủ nhà gà vộc niêu tôm.
Đã có lần gã quan sát khi chuột thấy mèo thì hình như tứ chi bị tê liệt, co rúm và bất nhóc nhách. Mặc dù mèo có làm ngơ, ngoảnh mặt đi, thì chuột cũng không thể chạy thoát khỏi móng vuốt của mèo.
Hồi còn bé, gã được học về một câu chuyện ngụ ngôn mang tựa đề là “Hội đồng chuột”. Câu chuyện ấy đại khái như thế này :
Họ hàng nhà chuột, sau một cuộc kiểm tra hộ khẩu, thấy dân số bị sút giảm trầm trọng, khả dĩ đi tới chỗ tuyệt chủng. Thế là họ hàng nhà chuột bèn vội vã tổ chức đại hội bất thường, sớm hơn định kỳ để tìm phương thế cứu vãn tình hình.
Trong cuộc đại hội này, vì sự sống còn của dòng tộc, tất cả từ chuột già đến chuột trẻ, từ chuột đực đến chuột cái, đều tích cực và hăng hái góp ý kiến. Những ý kiến này được ghi nhận, bàn bạc và thảo luận.
Cuối cùng, ý kiến được coi là tuyệt vời nhất và được toàn thể hội nghị vỗ tay tán đồng, đó là tìm cách cột một chiếc chuông nhỏ vào cổ con mèo. Hễ mèo đi tới đâu, chiếc chuông sẽ phát ra những tiếng leng keng báo động để họ hàng nhà chuột có đủ thời gian di tản chiến thuật, rút vào những nơi bảo đảm và an toàn nhất. Mọi chuột đều nhất trí và đồng ý với kế sách này.
Thế nhưng khi hỏi xem có ai sẵn sàng đăng ký thực hiện, thì chẳng một chuột nào dám ghi tên. Và thế là từ chuột già đến chuột trẻ, từ chuột đực đến chuột cái, tất cả đều yên lặng rút lui có trật tự. Thậm chí cho tới ngày hôm nay, mèo vẫn còn là một tai họa to lớn cho dòng họ nhà chuột.
Câu chuyện này làm cho gã băn khoăn, bởi vì trong đời thường, rất nhiều kẻ và ngay chính bản thân gã cũng giống như loài chuột bởi vì mình nói thì nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Nói thì đao to búa lớn, còn làm thì chỉ như cây tăm. Thậm chí trăm voi chưa chắc đã được một bát nước xáo.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tại Việt Nam dòng họ nhà chuột khấp khởi mừng thầm, bởi vì dân bợm nhậu Việt Nam và Trung Quốc rất khoái món thịt mèo, được gọi theo thực đơn nhà hàng là món “tiểu hổ”.
Những tay lái buôn lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm mua mèo. Mèo mua về được bán cho các nhà hàng, khách sạn và nhất là được xuất khẩu sang Trung quốc. Thế là dòng họ nhà chuột phát triển theo cấp số nhân.
Vì không còn mèo giám sát và canh chừng, nên dòng họ nhà chuột tha hồ, mặc sức đục khoét mọi kho lẫm. Và chuột bỗng trở thành một quốc nạn làm cho chính phủ phải lo lắng và ra tay can thiệp bằng cách trừng trị đích đáng những tay lái…mèo.
Không hiểu thiên hạ chế biến món thịt mèo ra sao. Chứ người dân quê, chỉ cần một mớ rau má đem nấu hay xào với thịt mèo quả là tuyệt vời. Nhất là ruột mèo vừa trắng lại vừa dòn quả là hết xảy.
Từ cái tài bắt chuột, mà mèo bỗng được nhảy tót vào lãnh vực chính chị chính em.
Bởi vì nếu gã không lầm, thì một vị chính khách cỡ bự, thuộc hàng đầu của Trung quốc, đó là ông Đăng tiểu Bình, đã lấy mèo làm biểu tượng cho đường lối và chính sách của mình khi tuyên bố :
- Mèo trắng, mèo đen không hệ gì, miễn là bắt chuột.
Phải chăng lời phán dạy này đã khai đường dẫn lối cho chính sách mở cửa, tự do kinh doanh, ngoại quốc đầu tư… miễn sao làm cho dân được giàu và nước được mạnh ?
Được ưu ái nuôi ở trong nhà,  nên mèo rất gần gũi và thân thương với người bình dân, đồng thời cũng đã đi vào nếp sống và kinh nghiệm đời thường.
Thực vậy, mèo vốn là dấu chỉ của sự xui xẻo và xúi quẩy :
- Mèo đến nhà thì khó,
  Chó đến nhà thì sang.
Bởi đó mấy anh lơ thường không cho hành khách mang mèo lên xe đò, kẻo gặp sự chẳng lành trong suốt cuộc hành trình của mình.
Rồi mỗi khi khen và tự khen về những thành công và ưu điểm của mình, thì liền bị những kẻ thối mồm kê ngay tủ đứng vào miệng, khi họ chu mỏ nói với chúng ta :
- Rõ thật, mèo khen mèo dài đuôi.
Câu kê tủ đứng này còn nặng hơn cả câu :
- Mẹ hát con khen hay.
Hoặc câu :
- Lươn ngắn lại chê trạch dài,
  Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.
Với tuổi đời chồng chất, chúng ta thu tích được một mớ kinh nghiệm, thế nhưng nếu chúng ta lỡ biến chúng thành những kinh nghiệm…sống sượng bởi những ý đồ đen tối, thì  chúng ta lập tức trở nên giống mèo, bởi vì :
- Mèo già hóa cáo,
  Cáo già hóa chằng tinh.
Liệu chúng ta đã trở nên “cáo già” hay “chằng tinh” chưa ?
Thỉnh thoảng một đôi khi trong cuộc sống, chúng  ta được vận may thăm viếng hay thần tài gõ cửa vào giữa lúc nghiệt ngã nhất. Thiên hạ không ngại liệt chúng ta vào hàng mèo, bởi vì lúc bấy giờ mắt chúng ta sáng rực như  “mèo thấy mỡ” và thiên hạ sẽ không ngần ngại gọi chúng ta là “mèo mù vớ cá rán” hay “ngủ gật gặp chiếu manh”.
Và sau cùng, mèo hiền, mèo ngoan thường được yêu thương, chẳng ai nỡ đánh tập nó, như tục ngữ đã bảo :
- Mèo lành ai nỡ xách tai,
  Gái hư chồng để khoe tài nỗi chi.
Trong đời thường, hình như mối liên hệ giữa mèo và những người bạn sống quanh nó không được tốt đẹp cho lắm.
Trước hết là mối liên hệ với chuột. Như chúng ta đã thấy, hình như sự thù ghét chuột đã in sâu vào bản tính của mèo. Vì thế, hễ gặp chuột là mèo liền xơi tái, chẳng chút xót thương.
Còn họ hàng nhà chuột, vốn ý thức thân phận nhược tiểu và yếu kém của mình, nên theo sự diễn tả của người bình dân, luôn tỏ ra biết điều và lễ độ :
- Bốn con chuột đưa xác con mèo.
    te tò tò te te tò
  Bốn con chuột đưa xác con mèo,
  Tò te tò tò tí tí te.
Tiếp đến là mối liên hệ với chó. Mèo ghét chuột thế nào, thì có lẽ chó cũng ghét mèo như thế, nhất là mèo con. Nhà gã nhiều chuột, định nuôi vài con mèo cho bớt sự phá phách. Thế nhưng hễ xin được mèo con nào, nếu không canh giữ cẩn thận, thì liền bị chó cắn chết.
Đang đêm mà nghe thấy mèo tru lên hai ba tiếng, thì thế nào sáng hôm sau cũng thấy mèo con phơi xác trên trận địa. Vì thế người Pháp đã bảo :
- Vivre comme le chien et le chat. Nghĩa là yêu nhau cũng thể như chó với mèo.
Tương tự như mối liên hệ mẹ chồng nàng dâu vậy :
- Thật thà như thể lái trâu,
   Yêu nhau như thể nàng dâu mẹ chồng.
Tuy nhiên một đôi lúc chúng ta cũng thấy mèo và chó sống chung hòa bình với nhau. Có những tay săn ảnh tình cờ chộp được những bức hình mèo ngủ yên trong vòng tay yêu thương của chó.
Xét về những đặc tính của mèo, gã ghi nhận mấy điều sau đây.
Trước hết mèo có nhân đức “sạch sẽ”, bởi vì mỗi khi phóng uế, mèo đều vùi dấu thật kỹ, chứ không phóng uế một cách bừa bãi, thiếu văn hóa như nhiều người.
Thực vậy, Saigòn, thành phố Hồ chí Minh, vốn được gọi là hòn ngọc Viễn đông từ lâu, thế mà đi trên đường, đôi khi thiên hạ vẫn dẫm phải những “bãi mìn”, cụ thể là những đống…phân. Hình như chỗ nào có bảng chữ : cấm đổ rác, cấm tiêu, cấm tiểu, cấp đái… thì chỗ đó lại được chiếu cố đặc biệt. Người ta càng đổ rác nhiều và càng…cho ra  hăng. Mỗi lần phải đi qua đó, thì liền được thưởng thức một thứ xú khí nồng nặc đến nôn mửa.
Vì sạch sẽ mà vùi dấu, thế nhưng chính vì sự vùi dấu này mà mèo lại trở thành biểu tượng cho sự thiếu ngay thẳng, bởi vì thiên hạ thường bảo :
- Lấm la lấm lét như mèo dấu cứt.
Có lẽ vì phải thức đêm bắt chuột, mà suốt ngày mèo nằm ngủ li bì. Với sự nằm ngủ li bì như thế, mèo bị mang tiếng là lười biếng, lười đến độ chảy thây chảy xác, đồng thời tượng trưng cho những kẻ chểnh mảng, bôi bác, qua loa, đại khái, bởi vì họ làm như mèo mửa hay mèo rửa mặt..
Thực vậy, mèo tuy có nhân đức “sạch sẽ” nhưng lại rất sợ nước. Vì thế, để rửa mặt, mèo thường liếm vào bàn chân rồi đưa lên và quẹt quẹt vào mặt, giống như gã hồi còn nhỏ.
Phải, hồi còn nhỏ, mỗi khi trời trở lạnh, gã rất thích nằm ngủ nướng, cuộn mình trong chăn sướng rên mé đìu hiu. Mẹ đánh thức như gọi đò sang sông, thế mà gã chỉ ú ớ :
- Từ từ cái đã.
Khi mở được cặp mi nặng trĩu, thì đã sáng bạch, thiếu điều ông mặt trời chiếu xỏ vào lỗ mũi. Và thế là phải ù té gấp gáp làm một số những công việc cần thiết, như : đi đái, lấy nước, súc miệng, đánh   răng, rửa mặt
Thấy vậy, bao giờ mẹ gã cũng mỉm cười và bảo :
-Con làm cứ như mèo rửa mặt vậy.
Một đặc tính khác của mèo là thích được vuốt ve, mơn trớn và chiều chuộng.
Gã nuôi một con mèo, ban sáng ngủ dậy,  vừa ngồi vào ghế, thể nào nó cũng đến và cạ vào chân gã. Cạ một vài lần mà không thấy gã nhúc nhích hay động tĩnh gì, thì thế nào nó cũng cắn nhẹ vào chân gã, khiến gã đau điếng.
Vì thế, nhiều hôm vừa mới bắn xong điếu thuốc lào, mà theo giới ghiền thuốc lào thì điếu quan trọng nhất trong ngày, chính là điếu đầu tiên ban sáng, chắc chắn thế nào cũng…phê, đang thở phì phò hay đang thả hồn theo khói thuốc, cũng phải cố gắng đá nhẹ cho nó một phát thì nó mới chịu để cho gã được yên.
Ngoài ra mèo còn mắc phải một thói xấu khác là thích ăn vụng.
Gã nhớ hồi còn bé, mỗi lần bố gã dọn tiệc hay chị gã dọn cơm, thế nào gã cũng được phân công canh chừng, để đuổi ruồi và trông mèo. Có những hôm bóng dáng mèo chẳng thấy đâu, mà thủ phạm ăn vụng lại là chính gã.
Thực vậy, nhìn trước nhìn sau không thấy một ai và thế là gã liền rón rén, nhón vội một miếng, rồi đút vào miệng mà nhai ngấu nhai nghiến. Miếng thịt được ăn vụng sao mà nó ngon đáo để, đến giờ nghĩ  lại vẫn còn thinh thích, mặc dù có…xí  hổ tí chút cho tuổi thơ đơn sơ và ngây thơ.
Có lẽ vì thích ăn vụng và thích được vuốt ve mà mèo được dùng để chỉ…bồ nhí.
Tiếng Việt Nam thật là phong phú. Có tình nhân, có người yêu hay có bồ thì hoàn toàn khác với có bồ nhí hay có…mèo. Bởi vì có tình nhân, có người yêu hay có bồ, thường phải là công khai và hợp pháp. Trong khi đó có bồ nhí hay có mèo bao giờ cũng bất hợp pháp và thầm lén vụng trộm.
Gã thành thật “khẩu phục tâm phục” những đấng đờn ông, vợ con đề huề, thế mà còn can đảm đèo bồng thêm tí bồ nhí. Vừa hao tiền tốn bạc, vừa mất thời giờ và chỉ tội đau lưng. Còn địa vị và sự nghiệp thì dễ dàng đi đoong, đồng thời một sớm một chiều thân bại danh liệt chóng như trở bàn tay.
Chiều được một cô bồ nhí quả là một nghệ thuật. Bởi vì cũng giống như mèo, cô bồ nhí nào mà chẳng thích được vuốt ve, mơn trớn và cưng chiều. Cô bồ nhí nào mà chẳng hay hờn, hay dỗi, hay nhõng nhẽo và hay đỏng đảnh…..Biết vậy thế mà khối anh đờn ông vẫn cứ nhào vô như con thiêu thân lao đầu vào lửa.
Thiên hạ thích dùng hình ảnh mèo để so sánh với đờn bà con gái, bởi vì giữa mèo và đờn bà con gái có nhiều điể giống nhau.
Điểm thứ nhất giống nhau đó là cái khoản ăn.
Mèo ăn ít mà đờn bà con gái cũng ăn ít, vì vậy người đời mới bảo :
- Nam thực như hổ, nữ thực như miu. Nghĩa là  đờn ông con giai thì ăn nhiều như hổ, còn đờn bà con gái thì ăn ít như mèo.
Ấy là thiên hạ tự giới hạn vào việc ăn chính thức trong bữa cơm, chứ còn ăn lai rai trong ngày hay ăn hàng với đủ thứ quà vặt thì khác. Đem cộng và cân tất cả mọi thứ quà vặt này vào thì chưa chắc mèo nào thắng mèo nào, vì đờn bà và nhất là con gái vốn là chúa ăn vạt cơ mà :
- Đi chợ mất tám tiền quà,
  Chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Điểm thứ hai giống nhau, đó là chuyện không và có.
Con mèo ngoáy đuôi bên trái thì sẽ nhảy qua bên phải, cũng vậy con gái bảo có thì chắc chắn là không, bảo không thì chắc chắn lại là có, như một bài hát của Ngọc Lễ :
- Con gái nói có là không, con gái nói không là có.
  Con gái nói một là hai, con gái nói hai là một.
  Con gái nói ghét là thương, con gái nói thương là ghét,
  Đừng nghe những gì con gái nói. Đừng nghe những gì con gái nói…
Gã sẽ mổ xẻ chi tiết về chuyện này trong một bài khác.
Điểm thứ ba giống nhau. Đó là  về thái độ hiền và dữ.
Thực vậy, mèo thật hiền lành khi nó nằm dài ngủ yên, khi nó cạ nhẹ vào chân mình…thế nhưng mèo cũng thật dữ dằn khi nó nhe răng gầm gừ và giơ móng nhọn chiến đấu với chó, hay vồ chuột nhanh như chớp.
Đờn bà con gái cũng vậy, bình thường thì nhỏ nhẹ dễ thương và dễ mến, nhất là khi cô nường nhõng nhẽo hay…mần duyên. Thế nhưng một khi đã nổi cơn tam bành vì bị chạm tự ái hay bị phỗng tay trên mất mối lợi, thì phải biết.
Đang là một cô em bắc kỳ nho nhỏ bỗng hóa kiếp thành một bà chằng lửa, chửi đến nơi đến chốn, chửi có bài có bổn, chửi có cung có điệu, tay chân thì múa may quay cuồng thiếu điều lăn xả vào người ta như muốn ăn tươi nuốt sống vậy.
Về vấn đề này thì gã xin “ no table” nghĩa là xin miễn bàn, kẻo lại bi ăn cà chua, trứng thối và bị chụp cho cái mũ thiên vị là luôn bốc thơm đờn ông con giai, mà lại hay bốc thối và bôi bác đờn bà con gái.
Tuy nhiên, có một điều hoàn toàn khác biệt giữa mèo và đờn bà con gái, đó là mèo thì luôn có râu, bất kể là mèo đực hay mèo cái. Còn đờn bà con gái thì lại chẳng có râu. Họa lắm mới có. Và nếu có, thì quả là hết chỗ nói.
Đêm bắt đầu về khuya, tiếng con nít xa dần, chìm vào xóm vắng :
- Con mèo mà trèo cây cau,
  Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
  Chú chuột đi chợ đàng xa,
  Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.



ĐẸP VÀ XẤU
Chuyện phiếm của Gã Siêu.

Có những đêm không ngủ, nằm vắt chân lên trán mà suy gẫm chuyện đời, gã nhận thấy :
- Cục diện thế giới đôi khi chỉ là trò chơi của trẻ nít, cũng kéo bè kéo cánh mà… uỵch nhau. Còn thói đời nhiều lúc chỉ là một cái vòng lẩn quẩn, đi từ thái cực này đến thái cực khác.
Thực vậy, hồi mới giải phóng, nhà nước đã cấp tiệt đua ngựa và xổ số vì cho đó là một thứ cờ bạc trá hình, cấm tiệt khiêu vũ hay nhảy đầm vì cho đó là đồi trụy, cấm tiệt thi hoa hậu vì cho đó là lạm dụng thân xác phụ nữ
Thế nhưng, cùng với thời gian và nhất là cùng với chính sách cởi mở, những cái bị “cấm tiệt” trên kia lại được phục hồi, và bành trướng một cách mạnh mẽ như nấm mọc sau cơn mưa, đồng thới được khoác vào một danh nghĩa mới để “chiềng làng”.
Xổ số là để kiến thiết là để  xây dựng quốc gia, nên tỉnh nào cũng tranh thủ để mở, rồi xuất hiện thêm loại vé số “cào” như một thứ mì ăn liền, chỉ cần cào ra là liền biết có trúng hay không. Ấy là chưa kể đến nạn số đề, số đuôi ăn theo và tràn nan khắp nơi khắp chốn.
 Khiêu vũ được gọi là múa đôi, dù có cọ quẹt thì cũng là một hình thức nghệ thuật.
Sau cùng, thi hoa hậu được mệnh danh là một hoạt động văn hóa, nhằm nâng cao cái “gu” thẩm mỹ của quảng đại quần chúng. Vì thế, từ hoa hậu của báo Tiền Phong, gã ghi nhận rất nhiều thứ hoa hậu khác nữa, chẳng hạn như hoa hậu các tỉnh, hoa hậu áo tắm, hoa hậu áo dài, rồi nữ sinh duyên dáng, bà mẹ thanh lịch
Vậy thế nào là hoa hậu và người ta đi tìm sự gì qua những cuộc thi hoa hậu ?
Trong một cuộc trình diễn văn nghệ tại viện Đại học Công giáo ở Đàlạt hồi trước năm 1975, có màn chọn hoa hậu.
Một số nữ sinh viên bước lên sân khấu. Người dẫn chương trình bèn hỏi ý kiến cha viện trưởng :
- Theo ý kiến riêng thì cha bàu ai làm hoa hậu ?
Bị chộp bất ngờ, cha viện trưởng đỏ mặt tía tai, thế nhưng sau cơn  bối rối trong giây lát, cha viện trưởng đã ung dung tuyên bố :
- Tôi chọn cô này.
- Tại sao ?
- Theo tôi nghĩ thì hoa là bông, hậu là sau. Cô này đúng là hoa hậu, vì có một bông hồng được thêu vào vạt sau áo dài của mình.
Cả hội trưởng đều nhiệt liệt vỗ tay không phải để tán thương câu định nghĩa “chày cối” của cha viện trưởng, nhưng để khen ngợi sự nhanh trí của cha trong một tình huống tế nhị và rất… khó nói.
Theo sách vở, hoa hậu là người con gái được về nhất trong cuộc thi sắc đẹp, chẳng hạn : hoa hậu thế giới, hoa hậu Châu Á, hoa hậu Việt Nam
Trong những cuộc thi này, người ta đi tìm một cái đẹp khách quan. Vì thế, người ta phải công bố số đo vòng một , vòng hai, vòng ba, chiều cao và trọng lượng. Còn thí sinh thì  ít ra cũng phải một lần lên sân khấu trong bộ áo tắm để cho thiên hạ… chiêm ngưỡng.
Người ta còn treo những giải thưởng khuyết khích cho những “miss” nào có nụ cười duyên, có mái tóc đẹp, có cặp giò thon và có tấm ảnh bắt mắt.
 Để sửa sang và chỉnh đốn cho cái hình dong bên ngoài này, người ta đã tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc. Đây quả là một nghệ thuật xứng đáng với đồng tiền bát gạo.
Trước hết, giới thày thuốc đã nhảy vào vòng chiến. Với lưỡi dao giải phẫu, các vị đã cắt chỗ này xẻ chỗ kia và bơm chỗ nọ theo nhu cầu thẩm mỹ và theo sự đòi hỏi của khách hàng.
Thế nhưng, chuyện đời nhiều lúc oái ăm, những người muốn làm đẹp chẳng may gặp phải những ông lang băm, những vị thày thuốc dổm, thì chẳng những tiền mất tật mang, mà hơn thế nữa cái sắc đẹp ít ỏi của mình lại sớm tàn phai, ấy là chưa kể tới những bệnh tật và đau đớn như hậu quả tất nhiên của sự trục trặc này.
Chẳng hạn như bị rò rỉ chất silicom, được dùng để độn cho bộ ngực thêm phần gồ ghề và nhức nhối hay vì tác dụng của kem mà làm cho khuôn mặt bị nám đen
Người ta thường bảo :
- Nhân sao vật vậy.
Thế nhưng, trong lãnh vực làm đẹp thì lại không phải vậy.
Nơi loài vật, con đực thường hay làm đẹp và làm dỏm để lấy le và lấy điểm với con cái. Vì thế trong tiếng Pháp, danh từ ‘’Coquetterie’’ có nghĩa là sự làm dáng, bắt nguồn từ chữ ‘’coq’’ có nghĩa là anh gà trống!
Nơi loài người thì khác, đờn bà con gái vốn được coi là phái đẹp, và nghệ thuật làm đẹp vốn là nghề của quí nường. Thậm chí có kẻ đã tuyên bố một cách hung hăng con bọ xít như sau :
- Là đờn bà con gái, mà nêu không biết làm đỏm mí lại ăn quà vặt thì hỏng còn là đờn bà con gái nữa.
Xét về những nơi những chốn được làm đẹp, gã nhận thấy rằng :
- Hễ hở ra chỗ nào thì quí nường liền vội trang điểm chỗ ấy liền tù tì.
Từ cái răng cái tóc là góc con người, đến cái môi cái miệng để mà mần duyên thậm chí đến cả cái móng chân móng tay đều được quí nường trau chuốt một cách tỉ mỉ và kỹ lưỡng.
Chỉ có các nhà chế tạo mỹ phẩm là hốt bạc. Nguyên dầu gội đầu mà thôi thi cũng đã có biết bao nhiêu thứ, đến quỉ thần cũng không nhớ nổi. Nếu có dịp, gã sẽ phệu ra một bài về nghệ thuật làm đẹp của quí nường.
Chỉ tội nghiệp cho cánh đờn ông con giai như gã có khi phải ngồi chờ cả giờ cho cô em gái bé bỏng trang điểm, hay anh chàng gà tồ bị người yêu nhõng nhẽo cho trễ hẹn vài tiếng đồng hồ chỉ vì những việc lỉnh kỉnh ấy, thì cũng chỉ là…chuyện thường ngày ở huyện.
Chớ có dại mồm dại miệng mà thở dài thở vắn, mặt xệ xuống như bánh bao chiều, hay đùng đùng tức tối như ‘’tặc dăng’’ nổi giận. Hãy tự an ủi lấy mình :
- Đây là một dịp thuận tiện để ta tập đức kiên nhẫn, luyện nội công cho mạnh. Ai bền đỗ tới cùng thì sẽ được cứu thoát.
Thế nhưng, cái đẹp khách quan, cái đẹp có cân đo đong điếm này thì lại rất hiếm và kéo dài chẳng được bao lâu, vì có tuổi trẻ nào mà lại không già, có sắc đẹp nào mà không bị tàn phai.
Hay như dân Đức vốn thường bảo :
- Phàm trên cõi đời này có ba thứ phù du hơn hết : đó là tiếng dội, mống trời và nữ sắc.
Vì thế, khi nói đến cái đẹp, chúng ta thường hiểu là cái đẹp chủ quan, cái đẹp ‘’hợp nhãn’’ với mình.
Đúng vậy, Voltaire đã tự hỏi :
- Thế nào là đẹp ?
Và ông đã mày mò đưa ra một câu trả lời bất hủ và hóm hỉnh. Ông nói :
- Đẹp chính là con cóc cái dưới mắt con cóc đực.
Thực vậy, một khi tình yêu đã thâm vào hai bên đã ‘’chịu đèn’’ mí nhau, thì cái nhìn chủ quan sẽ tô hồng mọi sự :
- Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
             Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Thậm chí ngay cả đến những chỗ khuyết điểm, người ta vưỡn cứ thấy tuyệt vời :
- Yêu nhau củ ấu cũng tròn,
   Trái bồ hòn cũng ngọt.
Ngay cả đến những chỗ xấu, người ta vưỡn cứ thấy đẹp tuốt   luốt :
 - Mũi nàng những tám gánh lông
   Chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho.
- Đêm nằm thì ngáy o o
  Chồng thương chồng bảo gáy cho vui nhà.
- Đi chợ mất tám tiền quà
  Chồng thương chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Vì thế, có những cô nường xét về ngoại hình, với cái nhìn khách quan, thì sẽ bị xếp vào hàng thị Nở trong Chí phèo của Nam Cao, hay Chung vô Diện trong kiếm hiệp của Kim Dung, nghĩa là dưới điểm trung bình xa lắc xa lơ, thế mà vẫn đắt giá, vớ được những ông chồng ngon lành cả về thể xác xác lẫn tinh thần, cả về tiền bạc lẫn địa vị, khiến cho thiên hạ phát thèm, nằm mơ cũng chẳng được, chỉ vì những cô nường này có được những nét duyên… thầm.
Còn khi tình yêu đã chắp cánh bay đi, thì cô nường xinh đẹp thưở ban đầu liền trở thành ‘’cái con mụ nọ”, “cái con mẹ kia”, để rồi anh chồng đi lang thang tìm kiếm của lạ, theo kiểu :
- Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.
Hoặc :
- Vợ là địch,
   Bồ bịch mới thật là ta.
   Khi chiến sự xảy ra,
   Ta buộc về với địch,
   Nằm trong lòng địch,
   Ta vẫn nhớ đến ta.
Khi không còn say men tình yêu nữa, thì cái ngày xưa người ta bảo là “cho vui nhà”, thì bây giờ lại trở thành nguyên nhân gây nên đổ vỡ. Người ta lôi nhau ra ba tòa quan lớn để ly dị chỉ vì ông chồng hay bà vợ có tật…”kéo gỗ” mỗi khi nằm ngủ.
Hay như tục ngữ đã diễn tả :
- Còn duyên anh cưới ba heo,
  Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi.
Xem như vậy, cái đẹp khách quan cũng như chủ quan đều khó lòng đứng vững với thời gian. Vì thế, đờn ông con giai và nhất là đờn bà con gái cần phải tìm kiếm cho mình một cái đẹp vượt thời gian, một cái đẹp tự bên trong, xuất phát bởi những nhân đức, chứ không phải là cái đẹp hời hợt bên ngoài, dù có mặn mòi đến đâu chăng nữa cũng không thể đi xa hơn…làn da!
Chính những nhân đức mới tạo nên cho chúng ta một cái đẹp vượt thời gian, một nét duyên thầm làm cho người khác phải cảm phục và say đắm.
Các cụ ta ngày xưa đã sớm nhận ra nét duyên ngầm vượt thời gian này, nên đã bảo :
- Cái nết đánh cái đẹp.
Hay như một câu tục ngữ khác đã nói :
- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,
  Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người.
Sách  “Cổ học tinh hoa” có kể lại một mẩu chuyện như thế này.
Dương Chu sang nước Tống, đến trọ ở một nhà kia. Chủ nhà trọ có hai người thiếp. Một người đẹp và một người xấu. Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quí mến người thiếp xấu mà khinh chê người thiếp đẹp.
Lấy làm lạ, Dương Chu bèn dò hỏi một đứa nhỏ trong nhà trọ. Nó trả lời :
- Người thiếp đẹp tự tôn là đẹp nên mất đẹp, tôi chẳng biết cái đẹp của nàng nữa. Còn người thiếp xấu tự biết là xấu, nên quên xấu, tôi chẳng biết cái xấu của nàng nữa.
Bấy giờ Dương Chu gọi đám học trò lại và bảo :
- Các con hãy nhớ lấy câu ấy. Kẻ giỏi mà bỏ được cái thói tự cho mình là giỏi, thì đi đến đâu cũng được mọi người tôn trọng và yêu mến.
Kể lại câu chuyện này, tác giả sách “Cổ học tinh hoa” đã góp thêm lời bàn của mình như sau :
- Đờn bà đẹp mà tự cao tự đắc, người ngoài chỉ thấy cái bộ khoe khoang đáng ghét, chứ không còn thấy vẻ đẹp đáng yêu nữa. Trái lại, đờn bà xấu, tự thẹn mình là xấu, thì người ngoài chỉ thấy cái nét dịu dàng đáng thương, chứ không còn thấy cái xấu xí đáng ghét của nàng nữa. Người đẹp mà bị khinh, còn kẻ xấu mà được quí là như thế đó.
Cũng từ câu chuyện trên, gã nhớ lại một câu tục ngữ :
- Người xấu duyên lặn vào trong,
  Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài.
Phàm cái gì đã bong ra ngoài thì khó mà bền. Còn cái gì đã thấm vào trong thì càng lâu lại càng thắm.
Viết tới đây, thì hình ảnh mẹ Têrêxa thành Calcutta bỗng tỏa sáng trước mặt gã. Mẹ Têrêxa đứng bên vương phi Diana, quả là hai thái cực trái ngược nhau.
Vương phi Diana là một cô gái cao ráo, đẹp đẽ. Gã chỉ nói đến cái “hình dong bên ngoài”, chứ chả dám đá động tới những khía cạnh khác, chẳng hạn như : địa vị xã hội, tình cảm cá nhân
Trong khi đó, mẹ Têrêxa chỉ là một bà lão không hơn không kém. Thân hình thì thấp bé, họa chăng có cao hơn ông Giakêu được một tí xíu. Còn mặt mũi thì nhăn nheo, mang nặng dấu ấn của thời gian. Áo quần thì thùng tha thùng thình…
Thế mà lúc còn sống, mẹ đã được biết bao nhiêu người quí mến và khi nằm xuống, mẹ đã được biết bao nhiêu người thương tiếc. Sở dĩ như vậy cũng chỉ vì cái đức của mẹ.
Phải, cái đức của mẹ chính là nét duyên thầm thu hút mọi người và làm cho cả và thế giới phải khẩu phục tâm phục mẹ hôm qua, hôm nay và mãi mãi.
Hình như có một câu danh ngôn, đại khái khuyên chúng ta như thế này :
- Con ơi, ngày con mở mắt chào đời, mọi người đều vui mừng hớn hở, còn con lại cất tiếng khóc. Con hãy sống thế nào, để khi con nhắm mắt buông tay, mọi người sẽ khóc thương, còn con sẽ vui mừng hớn hở.
Nét duyên thầm vượt thời gian này ai cũng có thể thực hiện được mà chẳng tốn đồng xu cắc bạc để chạy ra cửa tiệm, lôi về đủ thứ mỹ phẩm lỉnh kỉnh. Đúng thế, ai cũng có thể và phải làm được miễn là biết kiên nhẫn và cố gắng.
Để kết luận, tôi xin kể lại mẩu chuyện về một người vợ xấu.
Nguyễn Thị là vợ của Hứa doãn, nhan sắc thuộc loại ma chê quỉ hờn.
Khi cưới về, thấy nàng xấu quá, Hứa doãn muốn bỏ đi bèn nói :
- Đờn bà có tứ đức : công, dung, ngôn, hạnh. Nàng được mấy ?
Nguyễn Thị liền thưa :
- Thiếp chỉ kém có dung mà thôi.
Rồi nàng hỏi lại :
- Kẻ sĩ có bách hạnh, chàng được mấy ?
Hứa doãn đáp :
- Ta có đủ cả.
Nguyễn Thị nói :
- Trong bách hạnh thì đức là đầu. Chàng là kẻ hiếu sắc chứ không hiếu đức, sao lại bảo là có đủ cả bách hạnh được ?
Nghe vậy, Hứa Doãn lấy làm xấu hổ và từ đó luôn yêu thương kính trọng vợ mình.
Thái độ của Hứa Doãn có lẽ chưa đủ để đánh thức những kẻ háo sắc hôm nay. Bởi vì rất nhiều người vẫn cắm đầu cắm cổ chạy theo cái đẹp bên ngoài mà quên cái đẹp bên trong.
Và mỗi lần đọc trên báo thấy những mẫu quảng cáo tìm người :
- Cần tuyển nữ nhân viên có ngoại hình đẹp.
Gã lại ngậm ngùi cho thói đời và xót xa cho những  cô “em-gái-trời-bắt-xấu”.
Thế rồi, gã bèn thở dài thườn thượt và mặt lại cứ dài thoòng ra như…mặt ngựa.