CÁI MẶC


Chuyện phiếm của Gã Siêu.

Bài trước đã nói về cái ăn, nên bài này xin bàn về cái mặc, để đáng được gọi là đủ trò, đủ kiểu, đủ thứ ăn chơi.
Rảo qua một vòng báo chí, gã  thấy người ta đã dành nhiều giấy bút, nhiều chữ nghĩa, nhiều hình ảnh cho vấn đề thời trang. Đúng là thời trang đang ở vào thời điểm cực thịnh, trăm hoa đua nở.
Nào là thời trang xuân, hạ, thu, đông, cho dù ở miền Nam đất nước này chỉ có hai mùa là nắng và mưa.
Nào là thời trang áo dài. Nào là thời trang dạ hội, cho dù nhiều người từ lúc mở mắt chào đời cho đến khi ‘’rình sinh thì’’ cũng chẳng hề biết dạ hội là cái đí gì.
 Nào là thời trang tuổi ba bi lắc, tuổi học trò, tuổi sồn sồn của các bà mẹ và ông bố, tuổi các vị bô lão gần đất xa trời.
Người ta khoác vào những bộ áo quần lạ mắt, nhiều lúc đến kinh dị và quái đản mà lôi lên sân khấu từ anh liền ông đến chị liền bà, từ thằng cu tí đến bà cụ già khú đế. Thôi thì tất tật nam phụ lão ấu, già trẻ lớn bé đều có mặt.
Người ta tổ chức biểu diễn thời trang ở mọi nơi và trong mọi lúc. Từ những thành phố lớn cho chí đến những quận huyện xa xôi hẻo lánh, khỉ ho cò gáy. Chỉ cần dăm bảy cô nường lượn ra lượn vào, đi tới đi lui cũng đủ để mà câu khách.
Ở Việt Nam, nghề làm người mẫu thời trang mới bắt đầu nảy mầm trong những năm tháng gần đây, nên chưa có được một đội ngũ chuyên nghiệp.
Phần đông những người tham gia biểu diễn thời trang là những người mẫu ngẫu hứng qua cầu, những người mẫu thậm chí có khi còn phải ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Lúc lên sân khấu thì hào nhoáng bóng lộn, nhưng khi về nhà thì cũng vẫn chịu khó chui vô bếp vét tí cơm nguội dằn lòng.
Còn ở nước ngoài, có những  cô người mẫu, mà một buổi trình diễn luợn ra lượn vào, đi tới đi lui dăm bảy lần là đã kiếm được một khoản tiền khổng lồ mà anh chàng nông dân chất phác khố rách áo ôm, quần quật đổ mồ hôi sôi nước mắt trên ruộng đồng suốt một đời cũng chả dám tơ tưởng đến.
Vậy thời trang, mốt miếc là đí gì ?
Nếu định nghĩa một cách nghiêm chỉnh, nói có sách mách có chứng, thì theo ‘’Việt Nam tự điển’’ của Lê văn Đức :
- Thời trang là cách ăn mặc, trang điểm theo thời.
Còn mốt miếc, xuất phát từ tiếng tây, có nghĩa là :
- Kiểu cọ này kia.
Và như trên đã nói :
- Có những kiểu cọ thật kinh dị và quái đản, người ta khoác vào để lên sân khấu biểu diễn, chứ đố chị nào đủ can đảm mặc vô trong đời thường của mình.
Suy gẫm về hiện tượng thời trang, gã thấy nó chỉ là một cái vòng lẩn quẩn, đi từ thái cực này đến thái cực kia. Gã xin đưa ra một vài thí dụ.
Trước hết là thái cực từ cao đến thấp rồi từ thấp đến cao, mà tiêu biểu là chiếc áo dài Việt Nam.
Thời gã còn để chỏm, thì các bậc đàn chị mặc áo dài có cái cổ cao cả tấc, cái vạt thì dài chấm đất, còn cái eo thì phải thắt như eo con ong.
Cùng với thời gian, cái cổ cứ ngắn dần để rồi không còn nữa, thậm chí đã được khoát sâu đến tận ngực, đi tiền phong cho chiếc áo dài hở cổ này hình như là bà Trần thị Lệ Xuân, vợ của ông cố vấn Ngô đình Nhu.
 Còn tà áo thì cứ  vén lên, vén lên mãi, thậm chí trên cả đầu gối và người ta gọi đó là mốt áo dài mini.
Thế nhưng bây giờ, trải qua một cuộc bể dâu với mấy chục năm biến hóa theo kiểu thanh hải biến vi tang điền rồi tang điền biến vi thanh hải, có nghĩa là biển xanh biến thành ruộng dâu rồi ruộng dâu biến thành biển xanh, chiếc áo dài dường như lại muốn trở về điểm khởi hành của nó.
Tiếp đến là thái cực dài và ngắn mà tiêu biểu là cái váy.
Đừng tưởng rằng cái váy là y phục đặc thù của Phương Tây dành cho liền bà, và đôi khi cũng dành cho cả liền ông nữa. Cụ thể là các chàng trai Tô cách lan vẫn khoái mặc váy cho thêm phần mát mẻ.
Có thể nói  về cái khoản này, người Việt Nam chúng ta đã đi trước một bước. Bởi vì các cụ bà ngày xưa cũng đã từng mặc váy, thế nên mới có câu đố :
- Cái thúng mà thủng hai đầu,
  Bên ta thì có, bên Tàu thì không.
Thế nhưng cái váy đã bị đào thải nơi những cụ bà từ lâu, để rồi bây nó lại được tái xuất giang hồ nơi những cô gái trẻ với một phong cánh mới, phong cách của Âu Mỹ !
Ngày xưa ở bên Tây, các cô gái nhà lành, đoan trang và đứng đắn, chiếc váy phải dài quét đất, thậm chí người ta còn đặt vào phía trong cả một cái khung cho nó được phồng to.
Rồi chiếc váy cứ được cắt ngắn dần, tới bắp chân, tới đầu gối, rồi trên cả đầu gối cho đến chỗ không thể cắt được nữa, và người ta gọi đó là cái “mini jupe”.
Khi mini không còn hợp thời, người ta lại bắt đầu thả xuống, thả xuống cho tới quét đất và người ta gọi đó là cái váy maxi.
Từ maxi tới mini, rồi từ mini tới maxi, chỉ là vấn đề thời gian và sáng kiến của các tạo mốt để hốt tiền liền bà con gái !
Sau cùng là thái cực dày và mỏng.
Ngày xưa các cụ ta thường bảo :
- Ăn chắc mặc bền.
Mà muốn bền thì phải dày. Thế nhưng dưới ảnh hưởng của thời trang, vải cứ mỏng dần mỏng dần, thậm chí còn siêu mỏng và trong suốt, khiến cho người mặc và kẻ nhìn người mặc đều chia sẻ chung cùng một cảm giác là có cũng như không !
Rồi từ siêu mỏng người ta tìm về với những thứ dày. Chẳng hạn áo lông thú. Đây là một kiểu cọ đắt tiền và đang bị lên án. Bởi vì để có một cái áo lông chồn, người ta phải giết chết bao nhiêu con chồn thì mới đủ.
Nữ tài tử Brigitte Bardot, trong tuổi xế chiều, với lòng yêu thương và bảo vệ súc vật đã từng lên tiếng chỉ trích. Và cách đây mấy năm, người ta đã xuống đường ở bên Nhật để phản đối những kẻ mặc áo lông thú.
Chả hiểu ông Thánh Gioan tiền hô, nếu sống vào thời buổi hôm nay, thì sẽ nghĩ thế nào, bởi vì Phúc Âm đã nghi lại :
- Trong hoang địa, ông mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng giây da thú, ăn châu chấu với mật ong rừng !
Tiếp tục suy gẫm, gã thấy hiện tượng thời trang xuất hiện rất sớm trên mặt đất này.
Sách Sáng Thế Ký kể lại rằng :
- Sau khi phạm tội, tức khắc Adong và Evà nhận thấy mình trần truồng, nên lấy lá vả kết lại mà che thân.
Phải chăng đó là cái mốt đầu tiên của con người.
Tiếp đến, sau khi tuyên phạt Adong Evà, Thiên Chúa đã làm cho mỗi người một chiếc áo bằng da.
Phải chăng đó là cái mốt thứ hai do chính Thiên Chúa đã thiết kế.
Cùng với khí hậu khắc nghiệt, con người đã phải chế tạo ra những thứ quần áo khác để giữ lại sự ấm áp cho cơ thể.
Thế là chúng ta thấy rõ được mục đích của áo quần ngay từ thuở ban đầu. Đó là che để khỏi hở và mặc để khỏi lạnh… Đúng như các cụ ta ngày xưa đã bảo :
- Ăn no mặc ấm.
Tuy nhiên, cuộc sống vẫn cứ liên tục phát triển. Từ kiếp du mục nay đây mai đó, con người bắt đầu định cạnh định cư, xây dựng và phát triển nông nghiệp, rồi công nghiệp và kỹ nghệ.
Vật chất và tiền bạc càng được thu nhập nhiều, thì cuộc sống được càng nâng cao. Và từ một cuộc sống được nâng cao, người ta không còn cần phải ăn no mặc ấm nữa, mà bèn nghĩ ngay đến chuyện ăn ngon mặc đẹp.
Và thế là như nấm mọc ào ào sau cơn mưa, thời trang đua nhau ra lò, các thứ mẫu mã cứ thay nhau xuất hiện, liên tu bất tận đến  cả quỉ thần cũng không lường nổi.
Đồng thời, các mục đích thuở ban đầu cũng dần bị chìm vào quên lãng.
Thực vậy, ngày xưa vì hở nên mới phải che, còn bây giờ nghệ thuật của thời trang dường như là che để mà hở.
Thực vậy, đã có những bộ quần áo cực kỳ khiêu khích. Khiêu khích ví quá mỏng và quá xẻ. Khiêu khích vì quá ngắn và quá nghèo, để rồi che đấy mà vẫn hở đấy và hở một cách cố ý.
Ngày xưa vì lạnh nên mới phải mặc, còn bây giờ dù trời có lạnh, người ta vẫn chịu khó mặc phong phanh.
Gã còn nhớ  hồi ở trên Đà Lạt, thời gian lạnh nhất là vào khoảng từ lễ Giáng Sinh cho đến Tết Nguyên đán, trời rét căm căm, thế mà quí “nường” vẫn cứ anh dũng chơi váy ngắn, đóng mini jupe mà thênh thang, dung dăng dung dẻ, dắt nhau qua lại bên bờ hồ bởi vì lúc bấy giờ mốt mini đang ở vào thời hoàng kim của nó.
Trong những năm gần đây, tại Việt Nam các bà các cô rất ưa mốt quần đùi, hay đúng hơn là quần “xẩng lẩng”, một thứ quần-dài quá-ngắn, hay một thứ quần-đùi-quá-dài, bởi vì nó lửng lơ ở khoảng đầu gối.
Từ già đến trẻ, từ bé tới lớn, từ thành thị đến nông thôn, quí cô quí bà, kể cả những bà ở lứa tuổi “chiều tà bóng ngả về tây”, gần đất xa trời, hay gần trời xa đất nếu nói theo kiểu đức tin của con nhà có đạo, cũng  đều thích vận thứ quần này, chỉ tội nghiệp cho những cặp giò vừa to lại vừa đen.
Dù thế nào chăng nữa thì người vẫn là một con vật biết may mặc. Chẳng hiểu phát biểu như thế có phảng phất hơi hướm một thứ triếy lý rẻ tiền và lẩm cẩm quá hay không ?
Để kết luận tôi xin đưa ra hai quan điểm khác biệt nhau về áo quần.
Bên đông phương thì nói :
- Yphục xứng kỳ đức.
Có nghĩa là cách ăn mặc phải xứng hợp với đức hạnh. Người thế nào thì phải ăn mặc thế ấy. Đồng thời, qua cách ăn mặc, thiên hạ sẽ nhận ra và  đánh giá được con người chúng ta.
Còn bên Tây phương thì bảo :
- L’ habit ne fait pas le moine.
Có nghĩa là chiếc áo không làm nên thầy tu. Áo quần chỉ là chuyện nhỏ, không làm nên nhân cách của một con người.
Vì thế, quần áo cũng như xiêm y bên Tây phương có phần thông thoáng, tươi mát và “nghèo nàn” hơn.
Xuất phát từ hai quan niệm trên, mà thời trang mỗi nơi đều có những khác biệt, những đặc tính riêng.
Tuy nhiên, với nền văn minh tin học hiện nay, cái gì bên tây vừa mới có thì lập tức bên ta cũng có, bằng cách cóp pi mà chẳng phải trả một đồng xu cắc bạc nào cho quyền lợi của tác giả.
Và rồi thời trang được pha trộn, nửa đông nửa tây, nửa nạc nửa mỡ, hay nói một cách khác, thì  “đầu anamít, đít phăng xe”.
Thực vậy, gã đã từng nhìn thấy có những chiếc áo, nửa trên là áo dài Việt nam, còn nửa dưới lại là chiếc váy của dân tây phương, hay ngược lại, nửa trên là áo dạ hội của dân tây phương, còn nửa dưới lại xẻ tà theo áo dài Việt Nam.
Có một anh chàng lính Mỹ được gửi đi oánh nhau tại Việt Nam. Anh ta rất thích chiếc áo dài, nhất là khi chiếc áo dài này được những cô gái Việt Nam mặc vào thì thật là tuyệt vời : vừa dịu dàng lại vừa kín đáo.
Vì thế, anh ta bèn tới một cửa tiệm nổi tiếng tại Saigon, đặt may một chiếc áo dài theo đúng kích thước và vóc dáng của chị vợ, rồi gửi về quê nhà làm quà tặng, nhân ngày sinh nhật của chị vợ.
Chị vợ hớn hở mặc thử, nhưng lại chẳng dám thò mặt ra ngoài đường để chiềng làng, khoe khoang với bà con lối xóm.
Ban tối, chị ngồi tâm sự và viết cho anh :
- Chiếc áo anh tặng, em mặc vào đẹp ơi là đẹp, nhưng sao mà nó…khêu gợi quá, ”sexy” quá, còn hơn cả xường xám Hồng kông xẻ ngược lên tới tận… Chẳng hiều những cô gái bên đó có dám mặc để đi bát phố không đấy. Nếu có thì quả là thiên hạ tha hồ mà rửa mắt.
Anh chàng lính Mỹ không hiểu chị vợ muốn nói gì. Sau cả tiếng đồng hồ suy nghĩ, anh ta mới vỗ đùi đánh đét một cái rồi nhủ thầm :
- Chết cha tôi rồi. Đúng là lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.
Té ra anh chàng lính Mỹ này gửi áo dài về cho chị vợ mà quên béng đi mất chiếc….quần dài. Thế mới rách việc.
 Còn bạn, nhất là phe kẹp tóc, bạn nghĩ gì về trời trang cũng như mốt miếc ?
Và nhất là bạn sẽ may sắm cho mình như thế nào