THƯ ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
GỬI CÁC LINH MỤC, TU SĨ NAM NỮ, CHỦNG SINH
VÀ ANH CHỊ EM GIÁO DÂN
TRONG GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN
NHÂN NGÀY LỄ TRO KHAI MẠC MÙA CHAY 2015
Anh chị em thân mến,
1. Ngày thứ tư Lễ Tro, chúng ta cùng với Giáo Hội khắp hoàn cầu bước vào Mùa Chay thánh, để hoán cải trở về với Thiên Chúa như những người con lưu lạc trở về nhà Cha. Đặc biệt hơn nữa, ngày mở đầu Mùa Chay năm nay lại trùng vào ngày cuối năm âm lịch (30 tháng chạp năm Giáp Ngọ) là dịp để con cháu trở về với ông bà cha mẹ, đồng thời cũng để mỗi người kiểm điểm lại cuộc sống trong năm qua và bước vào năm mới với một quyết tâm mới. Sự quay trở về với Thiên Chúa trong Mùa Chay và sự quay trở về với gia đình trong ngày cuối năm đã cộng hưởng với nhau và làm cho ý nghĩa càng trở nên sâu sắc.
Hơn nữa, nếu ngày cuối năm âm lịch là ngày để con cháu bày tỏ tâm tình tri ân đối với ông bà cha mẹ, thì ngày đầu Mùa Chay cũng mời gọi chúng ta ý thức về những ân huệ của Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô: "Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ" (2Cr 6,2); hay như lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Mùa Chay năm nay: "Mùa Chay là một mùa ân thánh. Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta điều gì mà trước đó Người không ban cho chúng ta".
2. Thiên Chúa là cội nguồn của mỗi người chúng ta và là Đấng ban phát mọi ơn lành, nhưng vì tội lỗi, chúng ta đã vô ơn và đi lạc xa Chúa. Vì thế Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta hoán cải, từ bỏ con đường tội lỗi để trở về với Người, như lời mời gọi của Chúa trong sách ngôn sứ Giôen: "Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta" (Ge 2,12). Lời mời gọi này được ngỏ với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, cá nhân cũng như tập thể (x. Ge 2, 16). Để việc hoán cải đạt được kết quả thực sự, Lời Chúa trong Tin Mừng mời gọi mọi người chúng ta hãy thực hành chay tịnh, cầu nguyện và sống bác ái theo cách Chúa Giêsu đã dạy (x. Mt 6.1-6.16-18), tức là không phải cách máy móc hay để khoe khoang công đức, nhưng với tinh thần sám hối, tâm tình đạo đức và lòng yêu mến chân thành. Đây cũng không phải chỉ là những việc đạo đức cá nhân, nhưng còn mang ý nghĩa truyền giáo theo định hướng "chiếu tỏa niềm tin" của giáo phận Qui Nhơn chúng ta trong năm 2015 này.
3. Trước hết, chúng ta "chiếu tỏa niềm tin khi hoán cải trở về với Chúa" (Giáo huấn số 13). Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta làm cho mọi người nhìn thấy niềm tin của chúng ta, khi chúng ta trở về gặp gỡ Đức Kitô để Người dẫn đưa chúng ta về với Chúa Cha, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 3: "Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: 'Chúa ôi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa. Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa". Đó là ý nghĩa của việc ăn chay và cầu nguyện, vì qua việc ăn chay, chúng ta ý thức thân phận tội lỗi của mình để từ bỏ và nhờ cầu nguyện chúng ta gắn bó với Thiên Chúa để không còn xa lìa Người nữa.
4. Nhưng việc trở về với Thiên Chúa và gắn bó với Người phải dẫn đến hay đi đôi với việc hòa giải, yêu thương và phục vụ anh chị em là hình ảnh của Người. Do đó, cùng với việc thực hành chay tịnh và cầu nguyện, chúng ta cũng phải chiếu tỏa niềm tin qua việc thực hành đức ái đối với mọi người, vì đức ái là hoa trái của đức tin. Qua việc thực hành đức ái, chúng ta làm cho mọi người biết rằng Thiên Chúa đang hiện diện trong anh chị em, nhất là những người nghèo hèn, đau khổ. Thế giới ngày nay đang có biết bao người đau khổ vì thái độ vô cảm của nhiều người. Chúng ta hãy "chiếu tỏa niềm tin khi nói 'không' với thái độ vô cảm" (Giáo huấn số 12).
Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 54, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: "Hầu như vô tình, rốt cuộc chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta. Văn hóa của sự thịnh vượng làm chúng ta mất đi sự mẫn cảm; chúng ta phấn khích nếu thị trường cung cấp cho chúng ta một món hàng mới; trong khi tất cả những mảnh đời cằn cỗi vì thiếu cơ hội có vẻ chỉ là một cảnh tượng bình thường, không hề làm chúng ta mủi lòng". Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay Đức Thánh Cha đã cho thấy rằng ngày nay thái độ dửng dưng trước những đau khổ của tha nhân đã mặc lấy chiều kích toàn cầu và một trong những thách đố khẩn cấp nhất mà người muốn dừng lại trong sứ điệp này chính là thách đố toàn cầu hóa sự dửng dưng.
5. Sứ điệp cũng cho thấy Mùa Chay là mùa thuận tiện để chứng tỏ sự quan tâm đến tha nhân, bởi lẽ nếu hoán cải là yêu cầu chính yếu của mùa này thì sự đau khổ của tha nhân phải là một lời mời gọi hoán cải, vì nhu cầu của người anh chị em nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của cuộc đời mình, cũng như sự lệ thuộc của chúng ta đối với Thiên Chúa và anh chị em. Ước gì các nơi mà Giáo Hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, trở thành những hải đảo từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng! Chúng ta hãy cầu xin Chúa làm cho trái tim chúng ta được nên giống Trái Tim Chúa. Như thế chúng ta sẽ có một con tim mạnh mẽ và từ bi, tỉnh thức và quảng đại, không để nó khép kín vào mình, không rơi vào vực thẳm của nạn toàn cầu hóa sự dửng dưng, nhưng luôn mẫn cảm trước những đau khổ của tha nhân (x. Sứ điệp Mùa Chay năm 2015, số 2-3).
Nguyện xin Thiên Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ, để mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận Qui Nhơn chúng ta sống trọn vẹn Mùa Chay như một nỗ lực chiếu tỏa niềm tin qua việc cầu nguyện, chay tịnh và những hành vi đức ái đối với tha nhân.
Tòa Giám Mục Qui Nhơn, ngày 12 tháng 02 năm 2015
+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn