Đức Phanxicô: nói về gia đình, không có chuyện bảo thủ hay cấp tiến, gia đình là gia đình
Vũ Văn An11/17/2014
Hôm nay 17 tháng Mười Một, tại Vatican, Đức Phanxicô đã khai mạc hội luận liên tôn về tính bổ túc nam nữ do Thánh Bộ Giáo Lý Đức tin và một số cơ quan đầu não của Tòa Thánh đứng ra tổ chức và phối hợp, với sự tham dự của nhiều đại diện các Giáo Hội anh em và đại diện các tôn giáo lớn trên thế giới.
Trong diễn văn khai mạc, Đức GH nói rằng gia đình là một sự kiện nhân học, chứ không phải là một điều gì đó có tính ý thức hệ, nên không thể là bảo thủ hay cấp tiến được.
Nói tới tính bổ túc nam nữ, ngài cho rằng nó không phải là một hạn từ buột miệng ra mà nói chơi được. Trái lại suy tư về nó là suy tư về chính các hòa điệu năng động hiện diện trong chính tâm điểm của mọi tạo vật. Hạn từ hòa điệu chắc chắn là một hạn từ quan yếu. Mọi tính bổ túc đều do chính Tạo Hóa tạo nên, do đó, Tác Giả hoà điệu đã thực hiện sự hòa điệu này.
Ngài cho rằng tính bổ túc nam nữ là “gốc rễ của hôn nhân và gia đình. Vì gia đình đặt cơ sở trên hôn nhân là trường học đầu tiên nơi ta học cách đánh giá cao
các hồng phúc của ta và của người khác, và là nơi, ta thủ đắc được nghệ thuật sống hợp tác”.
Theo ngài, nói chung, gia đình cung cấp nơi chính yếu để ta vươn tới sự cao cả khi ta biết cố gắng thể hiện khả năng trọn vẹn của ta trong việc sống nhân đức và đức ái. Gia đình tạo ra căng thẳng, nhưng nó cũng cung cấp cho ta khuôn khổ để giải quyết các căng thẳng này.
Trong ngữ cảnh trên, tính bổ túc nam nữ không phải là một ý niệm đơn giản hóa trong đó, các vai trò và mối tương quan giữa hai giới tính được ấn định dứt khoát trong một khuôn mẫu đơn nhất và tĩnh tụ. Nó mang nhiều hình thức khi mỗi người đàn ông và người đàn bà đóng góp phần khác biệt của mình, sự phong phú bản thân, đặc sủng bản thân của mình, vào cuộc hôn nhân của họ và vào việc dưỡng dục con cái. Tính bổ túc lúc đó trở thành sự phong phú lớn lao. Nó không những là điều tốt mà còn là điều đẹp nữa.
Ngài cho biết tiếp: hôn nhân và gia đình ngày nay đang gặp khủng hoảng. Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa tạm bợ, trong đó, càng ngày càng có nhiều người không muốn bước vào hôn nhân như một cam kết công khai nữa. Sự biến đổi về phong thái và luân lý này đôi khi tự đắc cho mình đại diện cho tự do, nhưng thực ra đem lại biết bao tàn phá tâm linh và vật chất cho vô số con người, nhất là những người nghèo khổ nhất, yếu thế nhất.
Điều trên đòi ta phải tạo ra một “sinh thái nhân bản mới”. Người ngày nay nói nhiều tới việc bảo vệ sinh thái tự nhiên và tỏ ra rất chậm chạp trong việc nhìn nhận rằng môi trường xã hội của ta cũng đang bị đe dọa một cách trầm trọng.
Bởi thế điều cần thiết đầu tiên là phải cổ vũ các rường cột nền tảng vốn nâng đỡ một quốc gia, đó là các sự thiện không có tính vật chất. Gia đình là nền tảng của việc sống chung và là phương thuốc chống lại việc phân mảnh xã hội. Con cái có quyền được lớn lên trong một gia đình có cha có mẹ với khả năng tạo ra một môi trường thích hợp cho đứa trẻ phát triển và trưởng thành về xúc cảm. Đó chính là lý do khiến Đức GH nhấn mạnh trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng rằng việc đóng góp của gia đình cho xã hội là điều không thể thiếu; nó vượt lên trên cảm xúc và các nhu cầu tạm bợ của vợ chồng.
Ngài kêu gọi các vị tham dự hội luận nhấn mạnh tới một chân lý nữa về hôn nhân. Đó là: chỉ có cam kết liên đới, trung thành và yêu thương vĩnh viễn mới đáp ứng được các khát vọng sâu xa nhất của trái tim con người.
Ngài cũng yêu cầu các vị giúp người trẻ để họ đừng đầu hàng thứ môi sinh tạm bợ đầy chất độc hiện nay, trái lại trở thành những nhà cách mạng, biết can đảm lên đường tìm tình yêu chân thực và lâu bền, ngược lại khuôn mẫu thông thường.
Ngài nói rằng: chúng ta đừng để mình sa vào cái thế bị các ý niệm chính trị lung lạc. Vì theo ngài gia đình là một sự kiện nhân học, như trên đã nói, một sự kiện có liên hệ tới xã hội và văn hóa. “Ta không thể lên đặc điểm cho nó dựa trên các ý niệm hay quan niệm ý thức hệ. Ta không thể nghĩ tới các ý niệm bảo thủ hay cấp tiến. Gia đình là gia đình. Nó không thể qui kết bằng các ý niệm ý thức hệ. Gia đình hiện hữu tự nó. Nó là một sức mạnh tự nó".
Ngài kết luân: “tôi cầu xin cho hội luận của qúy vị sẽ là một gợi hứng để mọi người tìm cách hỗ trợ và củng cố sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà trong hôn nhân, hiểu như một thiện ích độc đáo, tự nhiên, nền tảng và tươi đẹp cho con người, cho cộng đồng và toàn bộ xã hội”.
Inés San Martín của tờ Crux, khi loan báo về tin này, nhận định rằng: Đức Phanxicô bênh vực viễn kiến truyền thống của Giáo Hội về đời sống gia đình, một tháng sau cuộc họp thượng đỉnh các giám mục Công Giáo cũng về gia đình.
Trong THĐ vừa nói, các vị giáo phẩm khắp thế giới đã tranh luận về việc Giáo Hội Công Giáo phải cởi mở đến đâu đối với các liên hệ không hợp truyền thống như các vụ kết hợp đồng tính, nhưng cho biết rõ sẽ không có thay đổi gì về tín lý.
Nay Đức Phanxicô tỏ ra không khoan nhượng trong việc bênh vực gia đình, coi nó như dây nối kết suốt đời giữa một người đàn ông và một người đàn bà, sẵn sàng chào đón con cái.
Inés San Martín cũng cho hay đây là bài diễn văn thứ hai trước công chúng của Đức Phanxicô kể từ lúc kết thúc THĐ. Bài diễn văn thứ nhất được ngỏ với Phong Trào Schoenstatt ngày 27 tháng Mười, trong đó, ngài cũng nhấn mạnh rằng gia đình đang gặp khủng hoảng.
Hội luận lần này hội tụ tới 350 chuyên viên thuộc 14 tín ngưỡng khác nhau và nhiều Giáo Hội Kitô Giáo khác. Phát biểu trong hội luận này, Đức HY Gerhard Muller cho rằng “con cái có quyền tự nhiên và cố hữu được có một người cha và một người mẹ sống với chúng”.
Trên bình diện thần học, ngài cho rằng khi các dị biệt giới tính bị quên lãng, thì khó có thể hiểu được sợi dây phu thê giữa Thiên Chúa và dân của Người.
Đề cập tới bản chất liên tôn của hội luận, Đức HY hỏi rằng: tính bổ túc giữa người đàn ông và người đàn bà có ý nghĩa gì đối với mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa? Câu hỏi này chính là câu hỏi mà mỗi truyền thống văn hóa và tôn giáo của ta được mời gọi trả lời.
Ngài Jonathan Sacks, nguyên giáo sĩ trưởng Do Thái của Vương Quốc Thống Nhất (Anh) và Khối Thịnh Vượng Chung, thì trình bày lịch sử việc gắn bó có đôi; ông định nghĩa đa hôn là biểu thức tối hậu của bất bình đẳng. Ông định nghĩa hôn nhân như một giao ước yêu thương và tín thác, thực hiện được điều mà riêng một trong hai người không thực hiện được. Ông bênh vực việc bảo vệ dây nối kết nam nữ, cho rằng hôn nhân tan vỡ tạo ra một hình thức nghèo nàn mới: gia tăng số trẻ em rối loạn về ăn uống, bị bạo hành, tự tử, trầm cảm, lo lắng, và thất vọng.
Nói tới các cặp đồng tính, ông cho hay: “việc cảm thương những ai quyết định sống cách khác không được cản trở ta tiếp tục bênh vực định chế có tính nhân bản hóa hạng nhất của lịch sử này”.
Cuối bài diễn văn khai mạc của ngài, Đức Phanxicô loan báo một tin vui: “Tôi muốn xác nhận, nếu Chúa muốn, tháng Chín năm 2015, tôi sẽ tới Philadelphia nhân Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ 8”.
Sự hiện diện của Đức Phanxicô sẽ thống nhất hóa chúng ta
Tin trên khiến Đức TGM Charles Chaput của Philadelphia hết sức hân hoan. Ngài có lời tuyên bố sau đây:
“Hôm nay là một ngày vui lớn đối với TGP ta, đối với Thành Phố ta, đối với Khối Thịnh Vượng Chung của ta và đối với xứ sở ta! Quả là một đặc ân được hiện diện trước mặt Đức Thánh Cha vào sáng hôm nay tại Rôma khi ngài công bố với thế giới rằng ngài sẽ hiện diện với ta tại Philadelphia vào năm tới nhân Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới.
“Giây phút này quả là giây phút lịch sử và hân hoan để tất cả chúng ta cùng chia sẻ. Nó là lời đáp trả cho biết bao lời cầu nguyện của không biết bao nhiêu người từng cầu xin Chúa dẫn Đức GH Phanxicô tới Philadelphia, nó là đỉnh cao của nhiều tháng trời hy vọng mong chờ, và đã làm nên trọn niềm tin tưởng của tôi rằng Đức Thánh Cha sẽ ban ơn cho chúng ta bằng sự hiện diện của ngài vào năm tới. Nó sẽ đánh dấu cuộc viếng thăm đầu tiên của ngài tới Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu trong tư cách giáo hoàng và ngài sẽ là vị giáo hoàng thứ tư, chỉ mới thứ tư thôi, tới thăm quốc gia chúng ta. Không lời lẽ nào có thể diễn tả đủ nỗi vui mừng quá lớn của tôi trước tin tức hết sức đáng chào đón này và tôi biết rõ rất nhiều anh chị em cũng chia sẻ cảm xúc này. Tất cả các cảm xúc này đều có nguồn gốc chung: tình yêu chân thực của Chúa Giêsu Kitô tràn ngập tâm hồn ta.
“Đặc điểm nổi bật trong thừa tác vụ của Đức GH Phanxicô vốn là một tình yêu chân chính đối với mọi người có thiện chí và ngài luôn duy trì một tập chú sắc bén đối với nhiều thách đố da dạng mà các gia đình hiện đang đối phó khắp hoàn cầu. Tôi vốn yêu và thán phục ngài từ những ngày chúng tôi gặp nhau lần đầu tại THĐ về Mỹ Châu hồi năm 1997. Tôi biết rằng các đặc sủng, sự hiện diện và tiếng nói của Đức Thánh Cha sẽ lên năng lực cho cuộc tụ tập của chúng ta. Bất kể các dị biệt về tuyên tín, hàng tỷ người trên khắp thế giới vốn đã bị lôi cuốn về phía vị giáo hoàng này. Cuộc tụ tập của ta tại Philadelphia được mở ra chào đón mọi người có tâm hồn quảng đại. Nó có sức mạnh biến đổi, một cách tích sực sâu xa, không chỉ tinh thần sống Kitô Giáo trong vùng ta, mà của toàn bộ cộng đồng ta. Nó sẽ là giây phút không giống bất cứ giây phút nào khác.
“Như tôi đã nói nhiều lần trước đây, sự hiện diện của Đức GH Phanxicô sẽ đem tất cả chúng ta, người Công Giáo cũng như người không Công Giáo, lại với nhau một cách thống nhất và chữa lành hết sức lớn lao. Giờ đây, chúng ta hết lòng chờ mong Đức GH tới Philadelphia vào tháng Chín năm tới. Chúng ta sẽ sẵn sàng và chào đón ngài một cách hân hoan với đôi tay giang rộng và những trái tim đầy cầu nguyện! Tất cả chúng ta hãy cất cao lời cảm tạ Thiên Chúa toàn năng vì hồng phúc Đức GH Phanxicô và vì quyết định tới Philadelphia của ngài”.
Việc công bố trên quả có ý nghĩa, vì Toà Thánh thường có thói quen chỉ công bố lịch trình tông du một tháng trước mà thôi. Người ta tin chắc, nhân dịp này ngài sẽ tới đọc diễn văn tại trụ sở LHQ tại New York và tại quốc hội liên bang Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Rất có thể ngài cũng sẽ thăm vùng biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ, nơi thường xuyên xẩy ra thảm trạng nhập cư bất hợp pháp.