1. Bộ giáo luật năm 1983 đã dự trù trường hợp Đức Giáo Hoàng từ chức (Ðiều 332 # 2): “Nếu xảy ra trường hợp Ðức Thánh Cha từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được tự do và được bày tỏ cách hợp thức nhưng không cần được ai chấp nhận.”
2. Trong cuộc phỏng vấn của Peter Seewald năm 2010, khi trả lời câu hỏi về nạn lạm dụng tình dục đang làm rung động Giáo Hội hồi ấy, Đức Bênêđíctô XVI cho hay đấy không phải lúc để “bỏ chạy”, “không phải là lúc để từ chức”. Và ngài hêm: “người ta có thể từ chức trong thời điểm yên hàn hoặc khi thấy mình không còn kham nổi”. Seewald đã nhân dịp đó, hỏi thẳng ngài: “Nghĩa là ngài cho rằng có thể từ chức trong một hoàn cảnh nào đó?”. Ngài thẳng thắn trả lời: “Đúng. Khi một giáo hoàng hiểu rõ, mình không còn khả năng về thể lý, tâm lý và tinh thần để cáng đáng nhiệm vụ được giao phó nữa, thì vị đó có quyền từ chức, và trong một số hoàn cảnh vị đó có nhiệm vụ phải từ chức”.
3. Và ngày 11 tháng 2 vừa qua, Đức Thánh Cha đã dựa vào lý do “Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình” để từ nhiệm.
4. Năng lực ở đây là năng lực nào? Thể lý, tâm lý hay tinh thần? Đức Thánh Cha không nhấn mạnh điểm nào, nhưng ngài cho hay: muốn lèo lái được con thuyền của Thánh Phêrô trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, “cả năng lực của thân xác lẫn trí óc đều cần thiết”. Và trước đó, ngài qui sự xuống dốc về năng lực “trong mấy tháng qua” là “do tuổi cao”. Tuổi cao có thể khiến cả hai năng lực thể lý và tinh thần giảm thiểu đi. Nhưng theo Đài BBC, bác sĩ riêng của Đức GH cho hay: sức khỏe của ngài không còn thích hợp để du hành liên lục địa, một việc chính ngài cho là cần thiết đối với thừa tác vụ Phêrô trong một thế giới “với quá nhiều những thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu sắc đến đời sống đức tin”. Về sức khỏe thể lý của Đức Giáo Hoàng, nhiều dấu chỉ xuống dốc đã được nhận diện trong mấy năm qua: tới lui đền thánh Phêrô trên một bục di động, từng bị đột quị năm 1991, năm 2009, bị té và gẫy xương cổ tay, bị trục trặc tiền liệt tuyến, và thường phải chống gậy.
5. Quyết định trên được đưa ra “hoàn toàn với tự do” , “sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước mặt Chúa” và được công bố long trọng trước một công nghị của hồng y đoàn, và không cần được chấp nhận hay không đúng như giáo luật qui định. Tự do ở đây còn có nghĩa là không bị thúc bách bởi bất cứ hoàn cảnh nào. Theo Cha Lombardi, Đức Thánh Cha không mắc bất cứ bệnh tật gì và hoàn toàn tỉnh trí khi đưa ra quyết định trên. Vả lại, đây là một quyết định được đưa ra sau nhiều tháng suy niệm đắn đo. Tự do cũng có nghĩa là hoàn toàn do quyết định của chính Đức Thánh Cha. Chính người anh ruột duy nhất của ngài cũng chỉ được thông báo chứ không được hỏi ý kiến. Theo Cha Lombardi, nhiều vị hồng y có mặt không hiểu lời Đức Thánh Cha. Nhiều vị giáo phẩm trong giáo triều hoàn toàn ngỡ ngàng khi nghe tin trên. Tự do cũng đi đôi với thanh thản. Phong thái của Đức Bênêđíctô XVI khi đọc diễn văn công bố việc từ nhiệm đã toát ra sự thanh thản ấy.
6. Đức Bênêđíctô XVI không phải là vị giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm. Vị giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm là Đức GH Celestine V vào tháng 12 năm 1294. Và gần đây nhất là Đức Gregory XII từ chức năm 1415, tức cách nay gần 600 năm. Nhưng trong khi Đức Celestine V từ chức “khi nhận ra mình chỉ là dụng cụ trong tay các lãnh Chúa” và Đức Gregory XII từ chức vì lợi ích Giáo Hội trong thời đại ly giáo Tây Phương, thì Đức Bênêđíctô XVI là vị giáo hoàng đầu tiên từ chức vì lý do sức khỏe.
7. Chỉ khi việc từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng có hiệu lực vào lúc 20 giờ ngày 28 tháng 2 năm 2013, Tòa Phêrô mới trống ngôi và do đó, cơ mật viện bầu tân giáo hoàng mới được triệu tập. Lúc đó, Đức Bênêđíctô XVI đã lui về Castel Gandolfo và theo lời ngài, sẽ tiếp tục phục vụ Giáo Hội bằng một đời cầu nguyện. Vị giáo hoàng từ nhiệm sẽ không trực tiếp can dự vào việc bầu người thay thế mình. Và với nhân cách của ngài, Đức Bênêđíctô XVI sẽ không bao giờ đóng vai “thái thượng hoàng”, gây ảnh hưởng tới vị kế nhiệm mình. Hơn mọi người khác, ngài là người thâm tín vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc dìu dắt Giáo Hội. Việc ly giáo vì thế chắc chắn sẽ không xẩy ra do việc từ nhiệm này, như một số người lo ngại.