Đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng



Hằng năm, ngày 6 tháng 5 là ngày kỷ niệm biến cố „Sacco di Roma“, biến cố quân đội Đức đánh chiếm và cướp phá thành Roma và Vatican, và cũng là ngày các tân binh thuộc đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng, hay cũng được gọi là đội Vệ Binh Thụy Sĩ, tuyên thệ trước lá cờ của binh đoàn. Bởi vậy, ngày Chúa Nhật 6.5.2012 vừa qua 26 tân binh của đội Vệ Binh người Thụy Sĩ đã long trọng tuyên thệ tuyệt đối trung thành phục vụ Đức Giáo Hoàng và các Đấng kế vị hợp hiến của ngài một cách chân thành và kính cẩn.

Từ hơn 500 năm qua đội Vệ Binh người Thụy Sĩ đã được tin tưởng giao phó cho trách nhiệm phục vụ Đức Giáo Hoàng và bảo vệ Tòa Thánh Vatican. Khởi đầu là vào năm 1506, để đáp lại lời kêu gọi xin bảo vệ Tòa Thánh Vatican của Đức Giáo Hoàng Julius II lúc bấy giờ trước sự bao vây và đe dọa trầm trọng của các lực lượng thù địch, thì trong lúc các nước Âu châu khác từ chối, các Vệ Binh người Thụy Sĩ đầu tiên đã lên đường tập họp tại miền Nam nước Ý. Ngày 22.01.1506, đội Vệ Binh gồm 150 người Thụy Sĩ dưới quyền chỉ huy của đại úy Kaspar von Silenen đã chính thức long trọng được thành lập. Sau đó, đội Vệ Binh đã can đảm và khôn khéo vượt qua được cổng thành Porta del Populo và lần đầu tiên lọt được vào trong nội thành Vatian và đã được Đức Giáo Hoàng Julius II vui mừng đón tiếp và ban phép lành cho.

Đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng được tuyển chọn rất kỹ càng và nghiệm nhặt trong số các thanh niên Công Giáo người Thụy Sĩ. Các thanh niên Công Giáo người Thụy Sĩ này nhất thiết phải là những người có hạnh kiểm tốt, có đời sống đạo đức gương mẫu, dũng cảm, nhân hậu, độ lượng và trung thành bảo vệ Đức Giáo Hoàng và Toà Thánh Vatican đến sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng mình.

Vào ngày 6.5.1527 một biến cố thảm khốc đã xảy ra cho đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng người Thụy Sĩ, đó là khi sư đoàn bộ binh của hoàng đế Đức Karl V đã đánh chiếm Roma để cướp giật của cải, giết hại dân lành và đốt phá các nhà thờ. Trước quân số đông đảo và được trang bị khí giới đầy đủ của quân Đức, đội Vệ Binh người Thụy Sĩ đã khó lòng cầm cự được. Tuy lực lượng quá yếu so với quân Đức và phải chống trả kẻ thù trong sự tuyệt vọng, nhưng đội Vệ Binh Thụy Sĩ đã can trường chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ Đức Giáo Hoàng. Vì thế, dù sau cùng chỉ còn 42 người sống sót trong số 189 vệ binh, nhưng vào giây phút cuối cùng họ cũng đã thành công trong việc đưa Đức Giáo Hoàng Clemens VII trốn qua một lối thoát bí mật vào ẩn náu trong lầu đài Engelsburg một cách an toàn.

Do đó, hằng năm biến cố đầy thảm khốc nhưng cũng đầy can trường và anh dũng này của đội Vệ Binh Thụy Sĩ vẫn được tưởng nhớ mãi cho đến ngày hôm nay, và đồng thời được chọn làm ngày tuyên thệ phục vụ Đức Giáo Hoàng của các tân binh vừa được tuyển từ Thụy Sĩ sang. Trong số họ, có người phục vụ có thời hạn và có người lại phục vụ suốt đời trong đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng. Nhưng một điều chắc chắn là đối với các vệ binh này, dù một khi họ đã chấm dứt nhiệm kỳ phục vụ Đức Giáo Hoàng tại Vatican thì trong lòng trí và trong tâm tình kính yêu đối với Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh Vatican họ vẫn là người vệ binh, vâng, một lần đã là vệ binh thì họ sẽ là vệ binh suốt đời! Đây là một điều vô cùng đáng cảm kích, đáng trân trọng và đáng kính phục nơi các Vệ Binh Thụy Sĩ.

Ngày nay, đội Vệ Binh Thụy Sĩ gồm 110 người. Trách nhiệm chính của họ là ngày đêm bảo vệ Đức Giáo Hoàng và canh giữ an ninh tại dinh thự của ngài. Ngoài ra, các vệ binh còn phải canh giữ tại các cổng thành Vatican, cùng đồng hành với Đức Giáo Hoàng trong các chuyến công du mục vụ của ngài tại các nước với tính cách là cận vệ danh dự và giữ an ninh cho ngài. Trong trường hợp Tòa Thánh trống ngôi, thì các vệ binh Thụy Sĩ tuân phục Hội đồng các Đức Hồng Y.

Các Vệ Binh được chia từng nhóm ba người để thi hành các công tác được giao phó và các nhóm luân phiên nhau cứ 24 giờ trong công tác phục vụ của họ. Trong các cuộc yết kiến chung, các Thánh Lễ và các cuộc đón tiếp các vị nguyên thủ các quốc gia của Đức Giáo Hoàng, tất cả các vệ binh luôn phải sẵn sàng phục vụ tùy nhu cầu đòi hỏi. Các vệ binh cũng được nghỉ phép, tùy vào hoàn cảnh cần thiết của mỗi người, như: tham dự tuần cấm phòng, trao đổi thông tin, tham gia các cuộc tập huấn, trau dồi và thực tập ca nhạc. Các tân vệ binh cũng như các vệ binh khác đều đòi buộc phải hiểu và nói thông thạo tiếng Ý; nếu không, họ bó buộc phải tham dự các lớp học tiếng Ý và phải thi cử đàng hoàng.

Trong thời gian phục vụ tại Vatican, các Vệ Binh Thụy Sĩ đều mang quốc tịch Vatican, và do đó các vệ binh phải tuân phục các luật lệ của nhà nước Vatican cũng như nội quy của đội Vệ Binh. Họ phải tuyên thệ trung thành, kính trọng, vâng lời, trung thực và luôn sẵn sàng phục vụ các vị Bề Trên của họ trong bất cứ trường hợp nào và vào bất cứ lúc nào. Trong khi thi hành công tác cũng như lúc rảnh rỗi nghỉ ngơi, các vệ binh luôn phải sống đầy đủ luân lý đạo đức, trau dồi nghề nghiệp và liên đới với hết mọi người.

Điều kiện để được tuyển chọn

Để có thể được tuyển chọn vào đội Vệ Binh Thụy Sĩ, bó buộc phải hội đủ các điều kiện sau:

• có quốc tịch Thụy Sĩ,

• hạnh kiểm tốt,

• trong lớp tuổi từ 19 đến 30 tuổi,

• còn độc thân,

• tín hữu Công Giáo Rôma

• đã lãnh nhận các Bí tích: Rửa Tội, Rước Lễ lần đầu và Thêm Sức,

• cao ít nhất 1m74,

• ít nhất phải có bằng tú tài hay đã tốt nghiệp trường huấn nghệ,

• đã thi hành nhiệm vụ quân dịch trong quân đội Thụy Sĩ.

Khi được nhận vào đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng, các tân vệ binh phải phục vụ ít nhất là 25 tháng tại Vatican. Sau hai năm phục vụ trong đội Vệ Binh phủ Giáo Hoàng, các vệ binh được tự do, hoặc tiếp tục phục vụ trong đội Vệ Binh với sự chấp thuận của vị Tổng chỉ huy đội Vệ Binh, hoặc giải ngũ trở về gia đình. Trong thời gian phục vụ, tất cả các vệ binh phải cư trú tại Vatican. Khi mới tới Vatican, tất cả các tân binh ngủ chung trong một nhà ngủ dành cho họ. Sau đó, họ sẽ được chia ra từng hai hay ba vệ binh ngủ trong một phòng. Các hạ sĩ quan và các vệ binh cao tuổi mỗi người được phép có phòng ngủ riêng. Hằng ngày các vệ binh dùng bữa tại Cantine được dành riêng cho họ trong nội thành Vatican. Tại đây, các thực đơn và các thức uống được thay đổi tùy thuộc vào thời khóa biểu phục vụ của các vệ binh.

Còn việc thăng chức phó hạ sĩ, hạ sĩ, tổ trưởng các nhóm canh phòng và thượng sĩ trong đội Vệ Binh, v.v… tùy thuộc vào nhu cầu, và do các vị chỉ huy trưởng đề cử với sự chấp thuận của ĐHY Quốc Vụ Khanh, dựa trên khả năng và điều kiện cá nhân của mỗi vệ binh. Trong trường hợp cần thiết các hạ sĩ quan có thể được thăng hàm sị quan, nhưng các đương sự đòi hỏi phải có hạnh kiểm hoàn toàn tốt, có các khả năng chuyên môn trổi vượt. Trong thời gian phục vụ các vệ binh cũng được phép lập gia đình, với các điều kiện cần thiết sau, ít nhất:

• phải có cấp bậc hạ sĩ quan,

• phải từ 25 tuổi trở lên,

• đã phục vụ tại Vatican ít nhất là ba năm,

• và hứa sẽ tiếp tục phục vụ tại phủ Giáo Hoàng ít nhất là ba năm nữa.

Đội Vệ Binh Thụy Sĩ không chỉ là niềm tự hào của dân tộc nhỏ bé Thụy Sĩ với dân số xấp xỉ trên dưới 7 triệu người, nhưng còn là một vinh dự to lớn của toàn thể Kitô giáo. Thật vậy, binh đoàn bé nhỏ nhất thế giới của một quốc gia nhỏ bé nhất thế giới này và đặc biệt nhất là họ không hề mang bất cứ vũ khí nào trên mình trong khi thi hành nhiệm vụ giữ an ninh và trật tự tại Vatican, là một biểu tượng cao cả và đầy tính chất nhân bản của nhân loại. Điều đó muốn khẳng định rằng con người không nhất thiết phải giải quyết các bất đồng và tranh chấp trong cuộc sống hằng ngày bằng vũ khí và bạo lực, nhưng trên hết bằng thái độ hợp lý, sự thông cảm, tình yêu thương, sự tha thứ và tình liên đới giúp đỡ.

“Các con hãy yêu thương nhau để qua đó thiên hạ nhận ra các con là môn đệ củaThầy!”