Cha Riccardo Palazzi, người Ý, qua đời ngày 15-12-1999, hưởng dương 51 tuổi sau 4 năm bị tê liệt toàn thân. Cha sống linh đạo cuộc Khổ Nạn trong thân thể mình. Dịp Đại Hội Quốc Tế lần thứ hai về ”Gương Mặt Thánh mọi khuôn mặt của Đức Chúa GIÊSU KITÔ” diễn ra vào tháng 10 năm 1998 - một năm trước khi từ trần - Cha Riccardo Palazzi trình bày chứng tá cuộc đời trong tương quan với Khuôn Mặt Khổ Đau Thần Linh và Dịu Hiền của Đấng Cứu Độ nhân loại. Xin nhường lời cho Cha.
Tôi là Cha Riccardo Palazzi 50 tuổi. Tôi vào dòng Cát-Minh từ năm lên 12 tuổi và chịu chức Linh Mục cách đây 24 năm. Từ năm 1995 tôi bị tê liệt toàn thân, chỉ có thể cử động cái đầu, phần còn lại thì bất động và bất cảm. Tôi hoàn toàn lệ thuộc người khác để được giúp đỡ trong mọi sự.
Tôi là Cha Riccardo Palazzi 50 tuổi. Tôi vào dòng Cát-Minh từ năm lên 12 tuổi và chịu chức Linh Mục cách đây 24 năm. Từ năm 1995 tôi bị tê liệt toàn thân, chỉ có thể cử động cái đầu, phần còn lại thì bất động và bất cảm. Tôi hoàn toàn lệ thuộc người khác để được giúp đỡ trong mọi sự.
Tôi xin trình bày cùng quý vị kinh nghiệm bản thân tôi khởi đầu từ suy tư Khuôn Mặt Thánh Đức Chúa GIÊSU trong cuộc Khổ Nạn, đi từ vườn Ghếtsêmani đến Cây Thánh Giá trên đồi Golgotha. Đây là khoảng thời gian mà Đức Chúa GIÊSU KITÔ sống tình huống ”hoàn toàn lệ thuộc người khác” .. Tôi xin dừng lại nơi hai cử chỉ mở ra và đóng lại của Gương Mặt Thánh hướng về THIÊN CHÚA CHA. Trước tiên là lời van xin ”Lạy CHA, nếu có thể được, xin cho Con khỏi phải uống chén này. Tuy nhiên, xin đừng theo ý Con, mà xin vâng theo ý CHA” (Mt 26,39). Và Lời sau cùng: ”Lạy CHA, Con xin phó thác Hồn Con trong Tay CHA” (Luca 23,46).
Khi đối diện với đau khổ con người thường sợ hãi và muốn trốn tránh. Chỉ có Đức Tin Công Giáo và Tình Yêu mới có sức mạnh giúp con người can đảm chấp nhận những tình huống thật cay đắng và đen tối.
Thời gian Đức Chúa GIÊSU trải qua nơi Vườn Cây Dầu là giờ phút cô đơn nhất trong Cuộc Khổ Nạn. Không ai hiểu thấu cũng không ai cảm thông. Ngay cả khi Ngài tìm kiếm tình yêu nơi các môn đệ thân thương nhất cũng không có vì họ không hiểu và chỉ ngủ say. Trong giờ phút cô đơn ấy, chỉ duy nhất THIÊN CHÚA CHA can thiệp bằng cách gởi sứ thần đến an ủi Ngài. Trong giờ phút bị mọi người bỏ rơi, chỉ duy nhất Trời Cao cúi xuống và chiêm ngắm Gương Mặt Thánh của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tuy nhiên, Khuôn Mặt Thánh chạm đến một kinh nghiệm tột cùng. Thánh sử Matthêu cho biết Đức Chúa GIÊSU ”sấp mặt xuống” cầu nguyện (26,39). Mặt đất lúc ấy tiếp nhận những giọt mồ hôi đẫm máu của Đấng Tạo Thành. Trong đau khổ tột cùng Khuôn Mặt Thánh Đức Chúa GIÊSU vẫn giữ nguyên vẻ đẹp trang trọng thần linh.
Trong mỗi trạng huống đau thương lại tỏ lộ nét đẹp cao cả khác thường. Chẳng hạn như trong yếu ớt lại biểu lộ sức mạnh, đến độ, khi Đức Chúa GIÊSU kêu lên một tiếng lớn rồi trút linh hồn, thì đất động, mồ mả bật tung, khiến viên đại đội trưởng La-Mã phải tuyên xưng: ”Quả thật Người này là Con THIÊN CHÚA” (Mt 27, 50-54).
Tôi xin nhấn mạnh một điểm đặc thù. Ngay trong những hoàn cảnh xem ra trái ngược ngỡ ngàng nhất khi đối diện với thái độ hèn nhát của các môn đệ, Gương Mặt Thánh Đức Chúa GIÊSU lại diễn tả nét hiền dịu vô bờ của người mẹ, chỉ muốn ôm hôn từng đứa con và thầm thì vào tai nó: ”Con của mẹ đẹp biết bao!” Khuôn Mặt Thánh không diễn tả nét nghiêm khắc kết án và trừng trị mà chỉ tỏ lộ niềm yêu thương tha thứ vô bờ.
Tiếng kêu đau đớn cuối cùng hướng về THIÊN CHÚA CHA: ”Lạy THIÊN CHÚA, lạy THIÊN CHÚA của Con, sao Ngài bỏ rơi Con?” (Mt 27,46). Kể từ giây phút linh thiêng ấy, lời than thở này không phải chỉ thuộc riêng về Đức Chúa GIÊSU KITÔ mà là của không biết bao nhiêu thọ sinh rên rỉ than khóc trong kiếp sống làm người. Và hết mọi tín hữu Công Giáo có thể tin tưởng vững chắc rằng THIÊN CHÚA đồng hành với con người, tuy rằng đôi khi xem ra có vẻ THIÊN CHÚA vắng mặt. Đối với THIÊN CHÚA không gì là không thể làm được. Vì thế bổn phận chúng ta là van xin Ngài trợ giúp. Trong giờ phút đau thương, đừng bận tâm phải thân thưa như thế nào: lời cầu nguyện hay là tiếng kêu thất vọng? Không sao hết! THIÊN CHÚA hiểu rõ TẤT CẢ. Và chúng ta phải tin tưởng vững chắc như thế. Nếu không thì cuộc sống nơi trần gian có thể trở thành hỏa ngục, không thể nào chịu đựng nổi.
Đức Chúa GIÊSU KITÔ kết thúc cuộc đời dương thế với lời Kinh Tình Yêu trong tâm tình con thảo toàn vẹn: ”Lạy CHA, Con xin phó thác Hồn Con trong Tay CHA” (Luca 23,46). Cuối cùng rồi thì tất cả chỉ còn lại Tình Yêu. Chính Tình Yêu chữa lành mọi vết thương ngay cả những vết thương trầm trọng nhất.
... Khi đến nơi gọi là ”Đồi Sọ”, họ đóng đinh Đức Chúa GIÊSU vào thập giá. Bấy giờ Đức Chúa GIÊSU cầu nguyện rằng: ”Lạy CHA, xin tha tội cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.. Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Chúa GIÊSU kêu lớn tiếng: ”Lạy CHA, Con xin phó thác Hồn Con trong Tay CHA”. Nói xong, Người tắt thở. Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh THIÊN CHÚA rằng: ”Người này đích thực là Người Công Chính!” (Luca 23,33/44-46/47).
(”La Madonna Del Carmine”, Mensile dei Carmelitani, Anno 63, n 11-12, Novembre-Dicembre 2009, trang 26-31)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
(Nguồn: vietvatican.net)