BÀI MỘT: NGHĨ ĐẾN NGƯỜI KHÁC
1. LỜI CHÚA: Chúa Giêsu phán: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Môsê và lời các Ngôn sứ là thế đó" (Mt 7,12).
2. CÂU CHUYỆN: CHIẾC GIÀY CỦA GANDHI:
Sau một tiếng còi vang lên báo hiệu tới giờ khời hành. Chiếc Xe lửa từ từ chuyển bánh và Gandhi từ sân ga vội chạy đến và vừa kịp bước lên tàu. Bất ngờ một chiếc giày của ông bị vướng vào bậc thang và rơi xuống dưới đường. Gandhi không thể nhảy xuống để nhặt chiếc giày bị rơi khi con tàu bắt đầu tăng tốc. Bấy giờ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người trong toa tàu, Gandhi đã cúi xuống tháo luôn chiếc giày còn lại ném về phía chiếc giày vừa bị rớt kia. Sau khi an vị, người hành khách ngồi bên thắc mắc hỏi tại sao làm như vậy thì được Gandhi mỉm cười giải thích như sau: "Sở dĩ tôi ném chiếc giày còn lại xuống dưới đường là để nếu có người nghèo nào đó lượm được chiếc giày thứ nhất, họ sẽ tìm thấy chiếc thứ hai và sẽ có thể sử dụng được đôi giày của tôi!".
3. SUY NIỆM:
-Có lẽ mỗi người chúng ta thường chỉ nghĩ đến mình hơn là Nghĩ đến người khác. Đó là thói xấu ích kỷ cố hữu của con người. Có một trắc nghiệm để biết trình độ trưởng thành của một người là: Bao lâu một người nào chỉ biết nghĩ đến ích lợi bản thân mình, là đang trong tình trạng ấu trĩ về tâm lý. Chỉ khi nào người ta biết quên mình để nghĩ đến người khác, thì mới thực sự trưởng thành về nhân cách.
- Nghĩ đến người khác là thực hiện lời Khổng Tử dạy: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Thánh kinh Cựu ước đã ghi lại lời Tô-bi-a cha khuyên Tô-bi-a con như sau: "Điều con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả" (Tb 4,15a). Thánh Phao-lô dạy các tín hữu thành Phi-lip-phê như sau: "Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác" (Pl 2,4).
- Chúng ta phải "nghĩ đến người khác" vì mọi cái chúng ta đang sử dụng đều do người khác mang lại và phải nhờ người khác ta mới có như: cơm ăn, áo mặc, xe cộ, đồ dùng, điện nước, thuốc uống, kiến thức, luật pháp... Nếu không được người khác giúp đỡ thì có lẽ cuộc sống của chúng ta sẽ rất khó khăn và bất hạnh. Do đó, đến lượt chúng ta, thật là công bình và chính đáng khi chúng ta cũng biết nghĩ đến người khác và phục vụ người khác.
-Nghĩ đến người khác là một cách ứng xử tốt đẹp. nhưng để thực hiện được, người ta phải tập thành thói quen tốt, thành một phong cách ứng xử văn hóa. Sở dĩ Gan-dhi lập tức cời chiếc giày thứ hai quăng xuống đường ray là do ông đã quen "nghĩ đến người khác", nên khi có dịp là lập tức phản ứng không cần phải suy nghĩ.
-Trong gia đình, cha mẹ công giáo cần tập "nghĩ đến người khác" để nêu gương sáng cho con cái. Cần giúp con cái ý thức và biết cách ứng xử "nghĩ đến người khác" ngay từ tuổi ấu thơ. Đây là điều kiện giúp hình thành nhân cách cho chúng sau này. Nhờ đó khi lớn lên, chúng sẽ biết quên mình vị tha và sẵn sàng hy sinh phục vụ tha nhân vô vụ lợi theo gương sáng và lời dạy của Đức Giê-su.
4. THẢO LUẬN: 1- Để tạo thành thói quen ứng xử vị tha như Gandhi, chúng ta cần thực tập những gì? 2- Bạn sẽ làm gì để nghĩ đến người khác ngay tại nơi đang sống và sinh họat?
5. LỜI CẦU: Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin giúp mỗi người chúng con biết thực hành giới răn bác ái của Chúa Giêsu bằng việc năng Nghĩ Đến Người Khác và đáp ứng nhu cầu của tha nhân. Nhờ đó chúng con sẽ trở thành những người trưởng thành về nhân cách và hy vọng sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp trong cuộc sống đời thường. - AMEN.
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: "Vậy những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho ngưuời ta, vì Luật Môsê và lời các Ngôn sứ là thế đó" (Mt 7,12).
2. SUY NIỆM:
Gây thiện cảm của người khác là một điều kiện quan trọng để thành công trong cuộc đời, trong công tác thăm viếng bác ái cũng như trong việc xây dựng tình huynh đệ Gia Đình Sống Đời Kitô. Sau đây là một số nguyên tắc giúp các Thành Viên gây được thiện cảm trong Gia Đình và với mọi người chung quanh:
1.- Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất để gây được thiện cảm của người khác là cần có thiện cảm với người khác trước, thể hiện qua thái độ mỉm cười thân thiện với họ, chủ động bắt chuyện làm quen với người mới gặp và quan tâm hỏi thăm để hiểu biết sơ lược về họ như: tên, tuổi, nghề nghiệp, gia cảnh, nhà ở...
2.- Cần theo nguyên tắc của Đức Khổng Tử: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Trong Cưu Ước, Tôbia cha đã khuyên Tôbia con như sau: "Điều con không thích thì đừng làm cho người khác" (Tb 4,15a). Cần lưu ý về trang phục như người xưa dạy: "Y phục xứng kỳ đức": Một người ăn mặc đơn giản lịch sự sẽ dễ gây được thiện cảm của người khác hơn kẻ ăn mặc cẩu thả lôi thôi.
3.- Cần lọai bỏ tính khép kín cục bộ nhưng biết mở rộng lòng để đón nhận tha nhân. Luôn giữ nét mặt vui tươi khi tiếp xúc vì sự vui vẻ dễ chinh phục tình cảm hơn sự ủ rũ chán nản.
4.- Hãy nhớ ngày sinh nhật của người khác và chủ động gọi điện, gửi thiệp hay quà mừng tùy theo tình trạng quen sơ hay thân. Bạn có thể tìm ngày sinh trên giấy Chứng Minh Nhân Dân, hộ khẩu, bằng lái xe hoặc sơ yếu lý lịch... để biết ngày sinh của họ và ghi vào sổ tay để gọi điện chúc mừng hầu gây thiện cảm với họ. Cần gọi đúng tên của người khác: Vì ai cũng nhạy cảm với tên của mình. Xưng hô đúng tên là một cách gây thiện cảm hiệu quả.
5.- Về lời nói: Người xưa dạy: "Chim khôn hót tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe". Khi trả lời điện thọai bạn cần nói giọng vui vẻ chứ không miễn cưỡng ngay từ tiếng "Alô" đầu tiên. Thánh Giacôbê cũng dạy: "Mau nghe, chậm nói và khoan giận" (x Gc 1,19): Khi nói chuyện cần biết lắng nghe hơn là nói nhiều. Cần cho người nói cơ hội bộc lộ về tâm tư tình cảm và những ưu tư rồi lắng nghe và khích lệ họ. Chỉ nên nói khi họ có thiện chí muốn nghe.
6.- Ăn nói trung thực: Tránh khoe khoang thành tích của mình. Không phê bình chỉ trích người vắng mặt. Tránh ăn nói thô lỗ cộc cằn, cử chỉ thô bạo khiến người khác sợ hãi né tránh và đánh giá thấp về tư cách của bạn. Thánh Giacôbê cũng có lời khuyên dạy các tín hữu phải biết kềm chế miệng lưỡi của mình (x Gc 3,1-12). Nên thảo luận để tìm chân lý chứ không tranh luận hơn thua vì sẽ dẫn đến sự chia rẽ thù ghét nhau.
7.- Tập làm trạng sư bào chữa lỗi lầm của anh em hơn là phê phán nói xấu vì sẽ dễ đưa tới giận hờn ly tán.
8.- Cần khen cách thành thật và đúng lúc đúng chỗ. Tránh thói xu nịnh bợ đỡ như người xưa dạy: "Ai khen ta mà khen phải thì là bạn ta. Ai chê ta mà chê phải thì là thầy ta. Ai nịnh hót ta đó mới chính là kẻ thù của ta vậy".
9.- Hãy đi bước trước làm hòa với những ai đang hiểu lần và thù ghét mình noi theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giêsu (x Mt 5,43-48). Hãy bao dung độ lượng và dễ dàng tha thứ cho những xúc phạm của người khác như Chúa đã dạy (x Mt 18,21-22).
10.- Cần sửa lỗi cho nhau cách tế nhị và khôn ngoan theo từng bước (Mt 18,15-17).
11.- Khi ứng xử cần đặt mình vào hòan cảnh người khác để cảm thông và giúp đỡ họ chân tình như lời Chúa: "Vậy những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12).
12.- Đừng vạch lá tìm sâu, nhưng tập nhìn mặt tốt của người khác. Tránh mang định kiến về người khác, cần tôn trọng ý kiến đa số, cư xử trung thực chứ không giả dối che đậy. Tránh tò mò tọc mạch muốn tìm hiểu những điều bí mật người kia không muốn nói. Phải tế nhị khi giúp đỡ bạn bè để tránh cho họ sự mặc cảm thua kém.
3. THẢO LUẬN: 1- Ngòai những điều trên, bạn hãy bổ sung thêm các phương thế khác để gây thiện cảm với người khác? 2. Hãy cho biết những nguyên nhân gây tranh cãi giận dữ giữa các Thành Viên trong Gia Đình Nhóm Nhỏ?
4. LỜI CẦU: Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi Thành Viên trong Gia Đình Sống Đời Kitô chúng con biết yêu thương nhau là dấu hiệu chúng con là môn đệ thực sự của Chúa. Xin cho chúng con biết năng tham dự sinh họat họp mặt hàng tuần để cùng nhau học sống Lời Chúa, năng nghĩ đến nhau và cầu nguyện cho nhau, tạo bầu khí cảm thông và phục vụ trong Gia Đình. Xin cho chúng con ngày một nên giống Chúa hơn, và chu tòan sứ mệnh cùng Mẹ Maria đi loan báo Tin Mừng Tình Thương của Chúa đến cho mọi người.- AMEN.
1. LỜI CHÚA: Thánh Phê-rô khuyên các tín hữu như sau:"Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau. Hãy yêu thương nhau như anh em. Hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đứng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa. Nhưng trái lại, hãy chúc phúc. Vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc" ( 1 Pr 3,8-9).
2. CÂU CHUYỆN:
Có lẽ ai trong chúng ta là người Việt Nam cũng cảm thấy tự hào khi thỉnh thoảng được nghe lời nhận xét của một số người nước ngoài đến làm việc hay du lịch tại Việt Nam: "Con người Việt Nam rất thân thiện". Tuy nhiên, có thể đó chỉ là những lời động viên mang tính ngoại giao của người nước ngoài khi phải phát biểu công khai. Chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận thực trạng về thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận không nhỏ người Viêt Nam còn nhiều hạn chế. Gần đây trên mạng có đăng một bài báo của một nữ tác giả đã nêu nhận xét về thái độ và con người của đảo quốc Sinh-ga-po (Singapore) nhân chuyến đi mang con sang đây chữa bệnh trong 2 tuần lễ. Chị đã nêu các điều nhận xét khá trung thực khi so sánh giữa thái độ thân thiện của người Sinh-ga-po với thái độ không mấy tốt đẹp của người Việt chúng ta như sau:
-TẠI PHI TRƯỜNG:
Chị kể: "Ấn tượng đầu tiên của tôi là hộp kẹo nhỏ để trên bàn nhân viên Hải quan tại sân bay Sinh-ga-po. Nó cho tôi cảm giác tôi được chào đón ở đất nước xinh đẹp này. Sau chừng hai phút làm thủ tục nhập cảnh, viên chức hải quan Sinh-ga-po tuổi trạc tứ tuần đã ân cần dặn dò tôi: "Bạn nhớ đến cơ quan di trú để gia hạn, nếu thời gian chữa bệnh cho em bé kéo dài hơn 30 ngày nhé". Khi ấy, trong đầu tôi lại liên tưởng đến hình ảnh cặp mắt quắc lên đầy giận dữ của một nhân viên Hải quan Việt Nam khoảng 20 tuổi dành cho người mẹ 70 tuổi đi cùng tôi. Anh ta nói to: "Ai cho lên đây một lúc cả đống như thế này?". Bà cụ lần đầu đi nước ngoài đã không biết phải xếp hàng khi làm thủ tục Hải quan".
-TRÊN XE TAXI:
Chị kể: "Đi taxi, thấy đồng hồ tính tiền chỉ số tiền phải trả là 5,5 đô Sinh, tương đương 55 ngàn tiền VN, tôi đưa tờ 5 đô Sinh và lục túi để tính đưa thêm 50 xu nữa. Nhưng thật bất ngờ khi anh tài xế Taxi lại đưa trả lại cho tôi 50 xu. Anh giải thích vì đi nhầm đường bị lố mất 1 đô, nên anh chỉ lấy tôi đúng 4,5 đô thôi. Tôi thật ngạc nhiên, vì tôi có than phiền gì đâu! Thực ra tôi cũng đâu biết đường đi như thế nào để than phiền. Hôm khác, khi gọi điện thoại kêu taxi, tôi vẫy gọi một chiếc khác đang vắng khách. Lên xe rồi, tôi gọi lại cho hãng taxi ban nãy để báo mình không cần gọi xe nữa. Anh tài xế chờ tôi cúp máy xong, liền nhẹ nhàng nói: "Lần sau, nếu không quá khẩn cấp, chị hãy ráng ngồi đợi xe đến nhé. Vì khi chị báo hoãn không đi nữa, thì có thể người tài xế do hãng điều tới cũng sắp chạy đến chỗ hẹn rồi. Đây không phải là vấn đề tiền bạc đâu, nhưng có lẽ anh tài xế bị đón hụt sẽ rất buồn vì thấy mình không được khách hàng tôn trọng".
-Ở BỆNH VIỆN NHI:
Chị kể: "Ở những cơ sở y tế cho trẻ em, dù là bệnh viện công to lớn hay phòng khám tư nhân nhỏ bé, đâu đâu cũng thấy có nhiều đồ chơi con nít. Trong phòng khám, trẻ con được tự do chạy nhảy đang khi phụ huynh nói chuyện với bác sĩ. Lỡ các em có đụng làm đổ đồ chơi thì cũng chỉ nhận được nụ cười cảm thông, như vị giáo sư già ở bệnh viện Phụ Nữ và Trẻ Em KK. Ông nói: "Không sao đâu. Trẻ con í mà. Đó là do lỗi của chúng tôi đã để đồ chơi trong tầm tay trẻ em". Tôi thấy ông đã ghi dày đặc cả một trang giấy về hồ sơ bệnh án của con tôi. Về những phương pháp đã chữa trị ở Việt Nam, ông hỏi tôi phương pháp nào thành công, phương pháp nào không... Ông khiến tôi không thể không so sánh với những lần đi khám bệnh ở Việt Nam. Tôi chỉ dám trả lời đúng những câu hỏi rất ngắn của bác sĩ, vì đã có lần tôi lỡ nói về những kinh nghiệm chữa trị cho bé mà tôi đã áp dụng trong thời gian trước đó, tôi đã nhận được "lời bình": "Hóa ra chị là bác sĩ chứ đâu phải tôi!"
-Ở PHÒNG TẬP VẬT LÝ TRỊ LIỆU:
Chị kể: "Lần khác, tôi được giới thiệu đưa con đi tập vật lý trị liệu ở phòng tập tên là "Pa-xi-phíc Pên Ke-ơ Xen-tơ" (Pacific Pain Care Center). Sau khi quan sát khoảng 5 phút, anh kỹ thuật viên đã hỏi tôi: "Sao lại mang cháu đến trung tâm này?" Tôi muốn lấy lòng anh nên nói: "Tôi được bạn bè giới thiệu đây là chỗ tốt nhất để tập vật lý trị liệu cho bé". Anh ta làm tôi thật bất ngờ khi nói: "Tôi biết ở đây còn có những nơi khác thích hợp hơn cho bé. Ở đây chúng tôi không có đủ phương tiện chuyên dùng cho trẻ em". Nói rồi anh ta gọi điện thoại đến một phòng tập trẻ em, cố gắng sắp xếp một cái hẹn vào ngày hôm sau cho con tôi, vì biết tôi là người nước ngoài, không thể chờ đợi lâu. Rồi anh ngồi vào máy tính, lên mạng chỉ dẫn tôi lộ trình đi đến đó thật cặn kẽ. Tính ra anh đã mất 40 phút với hai mẹ con tôi. Nhưng sau đó anh ta cương quyết không nhận số tiền tôi trả cho anh. Chẳng cần phải tính toán nhiều, tôi cũng biết anh đã chịu thiệt. Vì sau đó tôi đã phải trả gần 200 đôla Sinh (tương đương 2 triệu đồng VN) cho 1 giờ tập ở phòng tập trẻ em. Tôi thấy anh nhân viên phụ trách tập cho con tôi thật tận tụy. Anh đã không quản ngại quì một gôi xuống đất khi nói chuyện với bé, trong khi tôi ngồi giữ bé ở yên trên ghế. Quả là quá tương phản với thái độ thiếu thân thiện của không ít nhân viên y tế, thậm chí cả các hộ lý tại các bệnh viện Việt Nam, khi tự cho mình có quyền nạt nộ bệnh nhân.
-TRÊN ĐƯỜNG PHỐ:
Chị kể: "Đi trên đường phố Sinh-ga-po, bạn sẽ có cảm giác chẳng khác gì ở Pa-ri hay Nữu Ước. Vì Sinh-ga-po cũng quy tụ đủ thứ sắc dân Tây Ta lẫn lộn. Người dân đảo quốc Sư Tử đã học được rất nhiều "chất Tây". Chẳng hạn: Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và làm đến nơi đến chốn. Nhưng đồng thời họ vẫn tỏ ra có tình cảm thân thiện theo kiểu Á Đông. Khi hỏi đường và nhờ chỉ dẫn ở Sinh-ga-po, đa số người được hỏi đều tạm ngưng việc để chỉ dẫn, thậm chí có người còn bỏ cả công để dẫn bạn đến nơi cần tìm nữa.
Xin cảm ơn đất nước Sinh-ga-po đã để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc và bài học thực tế về thái độ cư xử thân thiện với tha nhân".
3. CÂU HỎI: 1- Trong thời gian qua, bạn có khi nào gặp phải hoàn cảnh tương tự như câu chuyện trên tại công sở hay bệnh viện không? 2- Hãy cho biết tại sao các nhân viên công sở hay bệnh viện VN lại có thái độ thiếu thân thiện như vậy? 3-Bạn đề ra giải pháp nào khả thi để giúp người Việt Nam chúng ta học tập cách cư xử thân thiện của người Âu Châu, đặc biệt của người dân đảo quốc Sư Tử như trong câu chuyện trên?
4. LỜI CẦU: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn học nơi người khác bài học về văn hóa giao tiếp. Xin cho chúng con biết nở nụ cười mỗi khi tiếp xúc với tha nhân, cho chúng con biết đi bước trước để chào hỏi và nói chuyện thân thiện với người bên cạnh, cho chúng con biết luôn nghĩ đến người khác và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của tha nhân, hầu chúng con nên môn đệ thực sự của Chúa và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng cho mọi người.- AMEN.
1. LỜI CHÚA: Lời Chúa Giê-su: "Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngọai cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hòan thiện, nhu Cha anh em trên trời là Đấng hòan thiện" (Mt 5,47-48).
2. CÂU CHUYỆN:
SAINT- EXUPERY từng là phi công tham gia chống Phát xít trong Thế chiến thứ hai. Chính từ những năm tháng này ông đã viết ra tác phẩm "Nụ cười". Không biết đây là một tự truyện hay một truyện hư cấu, nhưng tôi tin rằng nó có thật. Trong truyện, Saint- Exupery là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt và ông biết nay mai có thể bị xử bắn như nhiều người khác. Ông viết như sau:
"Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một người cai tù. Tôi gọi: "Xin lỗi, anh có lửa không?". Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu tại vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là viên cai ngục phát xít mà chỉ là một con người. Anh ta hỏi tôi: "Anh có con rồi chứ?". Tôi đáp: "Có" và lôi từ trong ví ra tấm nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhoà lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại được người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khoá và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về. Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười!".
3. SUY NGHĨ:
- Giá của một nụ cười rẻ hơn giá tiền điện, thế nhưng nụ cười lại tỏa sáng nhiều hơn hàng trăm bóng đèn điện. Không ai nghèo đến nỗi không thể mỉm một nụ cười, cũng không ai đủ giàu để sống mà không cần đến nụ cười của người khác. Một nụ cười - vốn liếng tuy nhỏ bé - nhưng lại làm giàu cho kẻ đón nhận nó mà không hề làm kẻ trao tặng nó nghèo đi. Ngược lại, có khi người ta sẽ còn mãi mãi ghi nhớ. Nụ cười tạo được hạnh phúc trong gia đình. Nụ cười là dấu hiệu của trái tim nhân ái. Nụ cười làm cho kẻ nhọc nhằn tìm được sự thoải mái dễ chịu. Nụ cười đem lại sự can đảm cho người nản chí, hoang mang. Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được nhận, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với người đó trước. Bởi vì không ai cần đến nụ cười cho bằng người không biết cười. Các bạn hãy trang bị cho mình luôn có một nụ cười tươi trên môi mỗi khi có dịp tiếp xúc với người khác. Bên dưới mọi thứ vỏ bọc chúng ta dùng để thủ thế, để bảo vệ phẩm giá và địa vị, vẫn còn có một điều thật quí giá gọi là tâm hồn. Nếu tâm hồn hai người nhận ra nhau thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ hãi hay căm thù oán ghét nhau nữa. Nụ cười chính là một phép lạ nho nhỏ, một món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban để chúng ta có thể dành trao tặng cho người khác".
- Bạn sẽ làm gì khi muốn bày tỏ sự đồng ý? Dễ lắm. Hãy cười thật tươi. Nụ cười cấn phải vận dụng tới 13 cơ bắp và 112 nếp nhăn trên khuôn mặt. Một nụ cười chân thật nói lên điều này: "Bạn là người thế nào thì tôi chấp nhận bạn như thế, chấp nhận vô điều kiện!". Khi bạn cười với một ai đó, người ấy sẽ cảm thấy hạnh phúc và sẽ đánh giá tốt đẹp hơn về bản thân họ. Nói cách khác, nụ cười sẽ làm cho người tiếp xúc với ta "nở từng khúc ruột". Còn bạn, bạn sẽ thu phục được nhân tâm của nhiều người, là điều kiện để bạn thành công trong mọi việc. Bạn nhận được nhiều như vậy mà chỉ phải trả giá với đúng một nụ cười. Do đó, đừng tiết kiệm cười bạn nhé! (Viết theo Chicken soup).
- Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: "Ai không có nụ cười thì không nên buôn bán bất cứ thứ gì". Nụ cười có thể được ví như một ly nước mát đối với ngươi sắp chết khát trong sa mạc nóng bỏng, như ngọn lửa hồng trong đêm đông, nó sẽ làm tan đi băng giá lạnh lẽo và sưởi ấm lòng tất cả những ai có dịp tiếp xúc với nó. WILLY LOMAN đã từng nói:"Điều quan trọng nhất để thành công là được nhiều người ưa thích". Khi nào mọi người đều ưa thích bạn, họ sẽ cảm thấy dễ chịu khi được cộng tác làm việc với bạn. Nếu bạn muốn được người khác thích cộng tác thì bạn cần phải tỏ ra thích họ trước. Cách tốt nhất để bày tỏ tình cảm chân thành đối với kẻ khác và gây được thiện cảm với họ là nở một nụ cười thật tươi với họ mỗi lần gặp gỡ tiếp xúc (viết theo Chicken soup).
4. THỰC HÀNH:
Đương nhiên thật khó cười với ai khi bạn thực sự không thích họ. Dù vậy, nếu bạn luôn giữ nét mặt tươi vui thay vì cau có và nếu bạn hơi mỉm cười gật đầu chào họ trước thì hy vọng bạn sẽ sớm có thêm được một người bạn thân sau này.
Ngòai ra, để trở thành người lạc quan vui vẻ, mỗi buổi sáng trong lúc tập thể dục, bạn đừng quên tập cả động tác cười nữa. Khi cười một mình cách sảng khóai trong vài ba phút, thì lập tức bạn sẽ như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới trong cơ thể, đồng thời bạn sẽ được có thêm nhiều nghị lực và niềm tin để dễ dàng vượt qua các khó khăn trở ngại gặp phải trong ngày. Đồng thời nhờ nụ cười buổi sáng mà bạn sẽ duy trì được thái độ thân thiện, mở lòng ra đón nhận mọi người trở thành anh em như Lời Chúa Giê-su: "Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngọai cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hòan thiện, nhu Cha anh em trên trời là Đấng hòan thiện" (Mt 5,47-48).
5. THẢO LUẬN: 1-Bạn có đồng ý với những suy nghĩ liên quan đến nụ cười trong bài trên không? Tại sao? 2-Bạn sẽ làm gì để mỗi ngày thêm lạc quan yêu đời hơn?
6. LỜI CẦU: Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con biết trao cho nhau nụ cười và niềm vui mỗi lần gặp gỡ tiếp xúc. Xin cho chúng con biết tập cười vào mỗi buổi sáng khi vừa thức dây, để cả ngày chúng con luôn sống trong niềm vui với tha nhân khi giao tiếp với mọi người, để cuộc sống của chúng con chứa chan niềm vui của Chúa là dấu chỉ sau này chúng con sẽ được vui luôn trong Chúa trên Nước Trời vĩnh cửu. AMEN.
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: "Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy" (Mt 7,1-2).
2. CÂU CHUYỆN: YÊU NÊN TỐT GHÉT NÊN XẤU
Sách "Cổ Học Tinh Hoa" có ghi lại câu chuyện về thói xét đoán chủ quan như sau:
Vua nước Vệ rất yêu thương một cô gái tên là Di Tử Hà. Theo luật nước Vệ: Ai phạm tội đi trộm xe của vua sẽ bị phạt chặt chân. Một hôm nghe tin báo mẹ bị ốm nặng ngay lúc nửa đêm, Di Tử Hà đã vội lấy xe của nhà vua mà đi. Sau khi biết chuyện vua liền khen rằng: "Di Tử Hà có hiếu thật! Vì hết lòng hiếu thảo với mẹ nên đã dám đi xe của vua là tội có thể bị chặt chân! " Lại một hôm khác, khi theo vua đi chơi ngoài vườn cây ăn trái, Di Tử Hà ăn quả đào thấy ngọt, liền đưa cho vua ăn nửa trái còn lại. Vua nói với các cận thần rằng: "Nàng ấy yêu trẫm thật! Của đang ăn ngon miệng mà sẵn sàng nhường phần cho trẫm".
Về sau khi vua không còn yêu Di Tử Hà nữa, một hôm Di Tử Hà phạm lỗi, vua liền nổi giận kể ra các tội cũ của nàng: "Di Tử Hà có lần đã dám tự tiện lấy xe của trẫm mà đi. Lại lần khác đã dám đưa cho trẫm ăn quả đào thừa. Nàng ta đã nhiều lần phạm tội đối với trẫm". Nói xong vua liền truyền quân lính trị tội Di Tử Hà.
3. SUY NIỆM:
Chúa ban cho lòai người chúng ta có trí khôn biết suy luận điều hay lẽ thiệt, biết phân biệt điều nào đúng sai phải trái, biết nhận xét người tốt kẻ xấu... để ứng xử cho xứng hợp. Như vậy sự xét đoán là một tài năng cao quý Chúa ban cho lòai người, làm cho con người trổi vượt trên mọi lòai vật khác.
Tuy nhiên chúng ta thường hay nghĩ sai, xét đoán ý trái cho kẻ khác nên Chúa Giêsu đã dạy: "Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Và anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy". Vậy tại sao chúng ta thường xét đoán ý trái cho kẻ khác? Việc xét đoán ý tốt cho tha nhân mang lại những ích lợi gì? Để trở nên môn đệ thực sự của Chúa Giêsu, chúng ta cần làm gì để tránh xét đoán ý trái cho người khác?
1.- TẠI SAO CHÚNG TA THƯỜNG XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO NGƯỜI KHÁC?
a) Do bản tính của chúng ta không tốt: Các thánh nhân là những người tốt, lòng trí đầy sự thiện hảo, nên thường hay nghĩ tốt về người khác, luôn cắt nghĩa ý lành cho tha nhân. Còn những người tội lỗi thường hay "suy bụng ta ra bụng người", nên hay nghĩ xấu về người khác. Chính thói xấu nhỏ nhen, ưa ganh tị với ai hơn mình làm cho chúng ta dễ xét đoán và đánh giá không đúng về người khác: "Cao chê ngỏng, thấp chê lùn, Béo chê béo trục béo tròn, Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra!"
b) Do tình cảm yêu ghét chi phối: "Yêu nên tốt, ghét nên xấu!". Thực vậy, khi đã đeo cặp kính màu hồng rồi thì chúng ta sẽ nhìn thấy mọi người mọi vật chung quanh đều mang màu hồng cả. Ngay cả những sai lỗi, khuyết điểm của "người yêu" cũng trở thành duyên dáng dễ thương như ca dao Việt Nam: "Mũi em mười tám gánh lông, Chồng yêu, chồng bảo: Râu rồng trời cho! - Đêm nằm thì ngáy o o... Chồng yêu, chồng bảo: Ngáy cho vui nhà! - Đi chợ thì hay ăn quà, Chồng yêu, chồng bảo: Về nhà đỡ cơm! - Trên đầu những rác cùng rơm, Chồng yêu, chồng bảo: Hoa thơm rắc đầu!"...
2.- XÉT ĐOÁN Ý TỐT CHO THA NHÂN ĐEM LẠI ÍCH LỢI THẾ NÀO?
Việc xét đoán ý ngay lành cho người khác mang lại nhiều ích lợi như sau:
a) Tâm hồn ta sẽ có sự bình an và gặp được nhiều may lành trong cuộc sống: Người hạnh phúc là người có tâm hồn lạc quan vui vẻ, luôn nhìn vào mặt tích cực của sự việc và nghĩ tốt cho kẻ khác, nên dễ gây được thiện cảm và sự giúp đỡ của nhiều người. Trái lại, kẻ bất hạnh thường có thái độ "vạch lá tìm sâu", ưa tìm những điều tồi tệ trong mọi việc để chỉ trích kết án người khác. Từ đó họ sẽ có nhiều kẻ thù nên lúc nào cũng phải lo đối phó, công việc của họ sẽ khó đạt được thành quả như ý muốn.
b) Những ai sống ích kỷ và ưa xét đoán ý trái, thường chỉ trích và có thái độ thù ghét tha nhân sẽ chết trong bóng tối gian ác của chính mình.
3.- PHẢI LÀM GÌ ĐỂ TRÁNH XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO NGƯỜI KHÁC?
a) Phải biết mình trước: Mỗi người chúng ta đều có đeo hai cái túi: Túi trước ngực đựng những ưu điểm và túi sau lưng chứa những khuyết điểm của mình, nên thường chỉ nhìn thấy ưu điểm của mình và thấy khuyết điểm của tha nhân, ngược lại không nhận ra khuyết điểm của mình và ưu điểm của kẻ khác như người đời thường nói: "Việc người thì sáng, việc mình thì quáng!". Do đó, thái độ nhìn lại chính mình để tự kiểm thảo luôn là một điều cần thiết mà mỗi tín hữu, nhất là những vị mục tử hướng dẫn các tâm hồn cần thực hiện:
- Biết mình hay hèn yếu lỗi lầm để không lên án anh em.
- Biết mình hay che đậy giả hình để dễ cảm thông và đối xử khoan dung với kẻ khác.
- Biết mình ưa phô trương háo thắng để tránh phê phán khinh thường anh em.
Binh pháp xưa có câu: "Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng!". Thánh Au-gút-ti-nô cũng thường cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con".
b) Phải tự sửa lỗi trước: Người xưa rất có lý khi xếp việc tu thân đứng đầu các việc phải làm để thu phục thiên hạ như sau: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Phải tự sửa lỗi mình trước khi sửa lỗi cho người khác để tránh tình trạng: "Chân mình những lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người". Chúa Giêsu dạy môn đệ: "Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới" (Lc 6,41). Vậy để có đôi mắt trong sáng, chúng ta không nên nhìn vào "cái rác" nơi kẻ khác để xét đoán chỉ trích họ, nhưng hãy nhìn vào tâm hồn của mình, để thấy "cái đà" kiêu căng tự mãn, phô trương giả hình mà tu sửa cho tâm mình nên trong sáng, trước khi đủ sáng suốt và uy tín mà giúp anh em sửa đổi các thói hư tật xấu của họ.
c) Phải khiêm tốn và năng khen ngợi cái hay của người khác: Do thói kiêu căng tự ái cao, chúng ta thường không muốn bạn bè trổi vượt hơn mình Chúng ta thường hà tiện lời khen kẻ khác, nhưng lại hào phóng khi phê bình nói xấu họ. Có thể nói: một trong những tội mà người ta dễ sai phạm nhất là tội xét đoán ý trái, cố tình nghĩ sai và nghĩ quấy cho kẻ khác, nhất là những người mình không ưa.
d) Phải năng suy niệm Lời Chúa và nhờ ơn Chúa trợ giúp: Lời nói việc làm của chúng ta chỉ có thể sinh hoa trái nếu biết năng đọc, suy niệm và thực hành Lời Chúa. Chúng ta cũng chỉ có thể phát sinh hoa trái là các việc lành nếu năng đón nhận Thánh Thể là Bí tích tình yêu.
4. LỜI NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu. Do tính ích kỷ, con thường bỏ qua khuyết điểm của mình, để tìm bắt lỗi và khích bác tha nhân, nhất là những kẻ con không ưa thích. Do thói kiêu căng tự mãn con thích được người khác khen ngợi, và dèm pha nói xấu những ai hơn con. Từ nay xin Chúa giúp con biết trung thực để xét đoán ý ngay lành cho tha nhân, biết khiêm tốn khen các ưu điểm và thành tích của những người hơn con để động viên họ. Nhờ đó con sẽ nên hiền lành và khiêm nhường giống như Chúa xưa.- Amen.
1. LỜI CHÚA: Thánh Gia-cô-bê khuyên các tín hữu như sau:"Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói và khoan giận" (Gc 1,19).
2. CÂU CHUYỆN: BÀI HỌC TỪ MỘT VIÊN ĐÁ
Một doanh nhân trạc tuổi trung niên đang ngồi trong chiếc xe Jagua chạy khá nhanh trên một phố vắng người giữa buổi trưa hè. Từ đàng xa, ông thấy một đứa trẻ đang thập thò giữa mấy chiếc xe hơi đậu bên đường. Ông liền giảm tốc độ vì nghĩ rằng đã xảy ra một điều bất thường chi đó. Khi xe chạy ngang chỗ đứa trẻ thì ông lại không thấy ai cả. Nhưng rồi đột nhiên ông nghe một tiếng "cạch" bên cạnh như có ai đó vừa ném một viên đá trúng vào cửa hông chiếc xe mới tinh của ông. Ông liền đạp thắng gấp, rồi lập tức vòng xe quay trở lại chỗ viên đá vừa được ném ra. Quả nhiên có một đứa trẻ khoảng 6-7 tuổi đang đứng núp bên mấy chiếc xe. Nhảy bổ ra khỏi xe, ông chạy lại nắm chặt lấy cổ đứa trẻ, đè dí đầu nó vào thân chiếc xe bên cạnh và hét to lên: "Mày làm cái trò gì vậy hở thắng khốn?". Cơn giận bốc lên trong đầu, ông gằn giọng nói với chú nhóc: "Mày có biết là mày vừa làm một việc rất nghiêm trọng hay không? Rồi mày sẽ phải trả giá đắt vì viên đá của mày vừa ném ra đó!" Bấy giờ cậu bé kia liền khóc lóc năn nỉ: "Xin lỗi ông. Cháu rất tiếc đã làm việc này, vì cháu không còn có cách nào khác tốt hơn... Thưa ông. Cháu buộc phải ném viên đá vào xe của ông để buộc ông phải dừng lại, vì cháu đã vẫy tay ra hiệu cho rất nhiều xe chạy trên đường suốt cả nửa tiếng đồng hồ rồi mà không xe nào chịu dừng lại để sẵn sàng giúp đỡ cháu....". Rồi với hai dòng nước mắt lăn dài trên má, cậu bé chỉ tay về phía trong nói tiếp:"Thưa ông. Đứa bé gái bị té đang nằm bên chiếc xe lăn kia chính là em gái cháu. Cháu đang lăn chiếc xe chở em về nhà thì xe gặp chỗ dốc bị trượt bánh khiến em cháu bị ngã. Cháu đã cố gắng hết sức mà không sao nâng em cháu lên qua thành xe được". Vửa thổn thức, cậu bé vừa năn nỉ ông: "Thưa ông, xin ông giúp cháu đặt em gái cháu vào trong chiếc xe lăn. Nó đang bị đau và quả thật nó lại quá nặng đối với cháu!".
Tiến lại bên bé gái bị ngã, người đàn ông đã cố nuốt trôi một thứ gì đó đang chẹn ngang cổ họng của mình. Ông ta dựng chiếc xe lăn lên, đặt đứa bé vào trong xe. Rồi rút chiếc khăn trong túi ra phủi sạch các vết dơ trên quần áo. Bấy giờ ông nghe thấy tiếng thằng bé nói: "Cháu rất cám ơn ông đã giúp cháu. Xin Chúa trả công bội hậu cho ông". Ông doanh nhân thoáng nhìn thấy ánh mắt biết ơn trên khuôn mặt thằng bé trước khi nó quay mặt đẩy em gái đi về phía những ngôi nhà gần đó. Người đàn ông cứ nhìn theo hai đứa bé mỗi lúc một xa dần. Sau cùng ông bước chậm chạp về phía chiếc xe của mình. Ông có cảm giác như đó là một đoạn đường khá dài...
Về sau, dù đã nhiều lần mang chiếc xe đi sơn sửa lại, nhưng ông luôn bảo thợ chừa lại vết lõm mà viên đá của cậu bé kia đã để lại trên thành xe. Ông muốn giữ vết lõm ấy như một chứng tích nhắc nhở mình rằng: "Khi bị ai đó ném một viên đá hay một lời đả kích, tức là họ đang bị tuyệt vọng và đang rất cần một sự quan tâm giúp đỡ".(Viết theo Quick inspirations).
3. THẢO LUẬN: 1- Ngày nay chúng ta có thường cư xử giống như người đàn ông trong câu chuyện trên hay không? 2- Khi nghe tiếng ai đó kêu cứu, chúng ta sẽ mau mắn trợ giúp hay chờ một viên đá ném về phía mình?
4. LỜI CẦU: Lạy Chúa Giêsu. Xin giúp chúng con biết lắng nghe những tiếng kêu cứu của những người đang đau khổ thể xác cũng như tâm hồn và sẵn sàng chạy đến giúp đỡ phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, khi xưa đã bị bỏ rơi trên thập giá. Xin đổ ơn Thánh Thần giúp chúng con trở thành những chứng nhân của Tin Mừng cứu độ qua thái độ khiêm tốn và sẵn sàng phục vụ tha nhân, hầu sau này trong giờ phán xét chúng con sẽ được Chúa xếp vào hàng chiên ngoan và được hưởng hạnh phúc với Chúa đời đời.- AMEN
1. LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô dạy các bậc cha mẹ như sau:"Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy" (Ep 6,4).
2. CÂU CHUYỆN:
Có một đôi vợ chồng nọ thường cư xử với con cái cách bình đẳng và thậm chí còn "lễ phép" nữa. Chẳng hạn khi khách đến nhà chơi, con gái lớn mang nước ra mời thay cho cô giúp việc đang bận làm bếp, anh chồng nói với con: "Ừ, con hãy để đó. Cám ơn con". Cháu chẳng những không ngượng ngùng mà còn sung sướng nở nụ cười tươi.
Tuy nhiên đây không phải là kiểu "màu mè" đột xuất mỗi khi có khách đến thăm, mà đã trở thành một thói quen hết sức tự nhiên trong gia đình này. Mỗi khi nhờ cậy người khác làm giúp một việc nào, dù là người nhỏ hay lớn hơn mình, người được giúp không bao giờ quên nói hai tiếng "cám ơn". Dù đã mướn người giúp việc nhà, nhưng chị vợ vẫn vào bếp nấu cơm phục vụ chồng con với sự phụ giúp của cô giúp việc. Khi chị đi làm về trễ, đứa con gái lớn 15 tuổi tình nguyện xuống bếp phụ với cô giúp việc nấu cơm thay mẹ, và chị nói lời cám ơn cả hai cô cháu. Có điều lạ này là khi làm điều gì có lỗi, chị sẵn sàng khiêm tốn xin lỗi trước mọi người trong gia đình.
Lần kia do quá nóng nảy, anh chồng đã vô tình buột miệng gọi con bằng "mày", một điều cấm kỵ trong gia đình này. Thấy con tròn mắt ngỡ ngàng, anh liền dịu giọng nói: " Cho Bố xin lỗi, vì đã gọi con bằng "mày". Lần sau Bố sẽ không nói thế nữa". Vợ anh trong một lần nói chuyện với bạn thân đã vô tình tâm sự không tốt về mẹ chồng mà con gái nghe được. Chờ cho bạn của mẹ ra về rồi, con gái chị liền góp ý với mẹ rằng: "Mẹ nói bà nội như vậy là không được". Dù bị con nhắc nhở, chị vẫn xin lỗi con: "Cám ơn con. Lần sau mẹ sẽ không nói như thế nữa".
Nhiều người phê bình rằng: anh chị làm như thế là coi con cái ngang hàng với mình và sẽ bị chúng coi thường. Nhưng đôi vợ chồng này lại có cách lý giải khác. Điều họ đúc kết được từ kinh nghiệm sống và tiếp xúc với nền giáo dục phương Tây trong nhiều năm đi du học là: Trẻ con dù còn nhỏ, nhưng chúng cũng có lòng tự trọng, và có nhu cầu được ngưới khác tôn trọng. Chúng sẽ rất vui sướng khi nhận đươc những lời cám ơn từ những việc tốt chúng đã làm. Từ đó chúng sẽ hăng hái làm việc và thích giúp đỡ người khác hơn.
Tiếng "cám ơn" được người lớn trong gia đình nói ra sẽ khiến trẻ em nghĩ rằng chúng đã là người lớn, nên sẽ có trách nhiệm hơn với bản thân và với các việc bổn phận trong gia đình. Đàng khác, nếu cha mẹ và những người lớn hơn trong gia đình làm sai mà biết nhận lỗi thì sẽ trở thành gương sáng cho chúng noi theo, để biết dũng cảm nhìn vào sự thật, khiêm tốn nhận ra cái sai của mình mà sẵn sàng sửa lỗi. Cách ứng xử như thế chắc sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện, có sự tự tin và không bị ức chế do bị áp đặt bởi quan điểm của người lớn.
'3. THẢO LUẬN: 1-Nói chung các bậc làm cha mẹ hay người trên có thường nói lời "cám ơn" và "xin lỗi" đối với con cái hay người dưới không? Tại sao? 2-Nói "cám ơn" và "xin lỗi" là điều dễ hay khó, nhất là nói với người dưới như con cái hay học trò của mình? Chúng có khinh thường cha mẹ khi cha mẹ nói lời "cám ơn" và "xin lỗi" với chúng không? Tại sao? 3-Bạn có đồng ý với quan điểm của đôi vợ chồng trong câu chuyện trên về cách ứng xử ngang hàng với con cái khi sằn sàng nói lời "cám ơn" và "xin lỗi" chúng hay không? Tại sao?
4. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con biết ứng xử thân thiện với mọi người bằng lời nói "cám ơn và xin lỗi". Xin cho các bậc cha mẹ trong giao tiếp xã hội biết làm gương sáng cho con cái và dạy chúng tập thành thói quen nói lời "cám ơn" khi nhận được sự giúp đỡ, và mau mắn "xin lỗi" khi lỡ làm phiền ai điều gì. Nhờ đó chúng con sẽ trở thành những người trưởng thành về nhân cách và sẽ gây được thiện cảm với mọi người, và giúp đưa được nhiều người về làm con cái Chúa. Xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Chúa cho chúng con.- AMEN.
1. LỜI CHÚA: Chúa phán:"Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Vì Luật Mô-sê và lời các Ngôn sứ là thế đó" (Mt 7,12).
2. CÂU CHUYỆN:
Muốn làm việc thành công trong cuộc đời, ngoài những kiến thức cần thiết thu thập tại học đường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mỗi chúng ta còn phải trang bị cho mình một số đức tính cần để có thể gây được thiện cảm với những người chung quanh, đặc biệt với bạn bè hay những ai đang làm việc chung với mình. Một trong những yếu tố để dễ gây thiện cảm với ngưới khác là có tinh thần trách nhiệm đối với công việc chung. Câu chuyện sau dây cho thấy điều ấy:
Ngày xưa, có một ông vua kia muốn biết tinh thần trách nhiệm với việc chung của dân chúng trong nước như thế nào, đã sai người khiêng một tảng đá lớn đặt chắn ngang một con đường liên tỉnh và nấp vào một bụi cây gần đó quan sát thái độ của người qua lại. Vua thấy có nhiều người đi bộ đi xe trên con đường này. Những người đi bộ thì vòng qua tảng đá mà đi. Còn nhiều người đi xe đến nơi gặp tảng đá chắn ngang chỉ biết dừng lại càu nhàu kêu trách nhà vua đã không sớm cho người đến khai thông con đường cho dân được nhờ, rồi họ quay đầu xe trở lại để tìm đi con đường khác. Và tảng đá to đùng kia cứ tiếp tục nằm chắn ngang trên mặt đường. Đến gần trưa, nhà vua thấy một bác nông dân đang ngồi trên chiếc xe bò cồng kềnh đi tới. Nhìn thấy tảng đá chắn ngang đường, bác ta liền dừng xe lại nhảy xuống và cố sức đẩy tảng đá sang bên vệ đường. Loay hoay một mình mãi không xong, bác ta lại kêu gọi thêm một số thanh niên trai tráng gần đó cùng hợp tác với mình để đẩy tảng đá. Sau đó, con đường trở nên thông thoáng và xe cộ lại có thể tiếp tục qua lại bình thường. Sau khi dời được tảng đá, bác nông dân trở lại chiếc xe bò để đi tiếp cho kịp phiên chợ. Bỗng bác nhìn thấy một gói tiền vàng ai đó vừa mang đến đặt ngay tại chỗ tảng đá khi nãy. Đó chính là món quà do Đức Vua truyền thưởng cho người có tinh thần trách nhiệm đối với công việc chung (Viết theo Inspiration and Friendship).
3. SUY NIỆM:
Trong cuộc sống hằng ngày tại gia đình hay ngòai xã hội, chúng ta luôn gặp phải những kẻ thiếu tinh thần trách nhiệm đối với việc chung như người đời có câu: "Cha chung không ai khóc!": Chẳng hạn trong mùa mưa, các lỗ ga trên cống nước tại các khu xóm thường bị nghẹt, vì rác bít lỗ chảy xuống cống gây ra tình trạng lụt lội cục bộ, nước dơ bẩn chảy ngược vào những nhà có nền thấp hơn mặt đường. Thế mà nhiều người trong xóm vẫn có thái độ thờ ơ và bình chân như vại. Họ chỉ lo quét nước dơ từ trong nhà ra ngòai sân và kêu trách cơ quan chức năng không sớm khắc phục tình trạng lụt lội này, đang khi lẽ ra họ có thể hợp tác để giải quyết việc khai thông cống rãnh kia. Cũng có nhiều người sống chung trong một chung cư lại thiếu ý thức vê sinh và thiếu tinh thần trách nhiệm, nên đã quẳng nhửng bịch ny-long rác thải từ lầu cao xuống đường vỡ tan làm rác rến bắn tung tóe, gây ô nhiễm môi trường và làm mất vẻ mỹ quan của một thành phố văn minh.
4. THẢO LUẬN: 1-Bạn cho biết câu người ta thường nói:"Thà thắp lên một ngọn đèn, còn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối" có ý nghĩa thế nào? 2-Bạn có kinh nghiệm gì về những kẻ thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cho vệ sinh chung hay làm những việc có hại cho ngân quỹ của đất nước không? 3-Bạn quyết tâm làm gì để tập luyện cho mình tinh thần trách nhiệm cao, là điều kiện để gặt hái thành công trong cuộc sống sau này?
5. LỜI CẦU: Lạy Chúa Giêsu. Xin giúp chúng con luôn có tinh thần trách nhiệm cao đối với mọi việc trong gia đình, khu xóm, đòan thể, nhà thờ và tại cơ quan làm việc. Xin cho chúng con tránh thói ích kỷ vụ lợi, nhưng biết ý thức trách nhiệm đối với các việc chung tập thể. Xin cho chúng con năng cầu nguyện cảm thông, chung tay góp sức và sẵn sàng đóng góp tài chánh cho việc chung. Nhờ đó bất cứ việc nào dù khó đến đâu, nhờ ơn Chúa giúp mọi người cũng có thể làm được. Xin Mẹ Maria cầu cầu cùng Chúa giúp chúng con luôn ý thức trách nhiệm trong mọi việc đối với gia đình và xã hội và cộng đòan.- AMEN
1. LỜI CHÚA: Chúa phán: "Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời" (Mt 5,44-45).
2. CÂU CHUYỆN: KINH NGHIỆM CỦA MỘT THẦY GIÁO
"Làm nghề dạy học đã nhiều năm, tôi nghĩ mình nếu như chưa nói là hiểu hết thì cũng hiểu gần đủ về tâm lý của sinh viên. Một lần tôi nhận được một mảnh giấy. Nhìn nét chữ tôi biết đó là của một nữ sinh. Cách viết của một người bướng bỉnh đầy cá tính. Lối hành văn thì sắc sảo và có phần hơi hỗn: "Thầy có nghĩ rằng có những lúc chúng em nghe mà không hiểu thầy đang nói gì cả? Đôi khi em cho rằng thầy đang nói với chính mình chứ không phải đang giảng bài. Một bài giảng sẽ trở nên ít ý nghĩa biết bao nếu như nó không có sự đồng cảm giữa thầy và trò".
Đọc mảnh giấy tôi bị sốc thật sự. Gần như là cảm giác bị ai đó tát một cái vào mặt. Đêm đó tôi trằn trọc không ngủ nổi. Đầu tiên là cảm giác bị xúc phạm bởi một kẻ hỗn xược và không biết điều. Sau đó là ý định thôi thúc tôi phải tìm cho được "cô ả" lếu láo nào để cho cô ta một bài học. Hôm sau lên lớp, tôi "đọc lệnh" cho cả lớp làm bài kiểm tra 15 phút. Cả lớp ngơ ngác nhưng phải chấp hành. Tôi ra một đề thi thật dễ trong môn lịch sử Trung Hoa. Tôi tin bằng cách đó người viết sẽ viết nhanh và quả quyết. Vì thế tôi sẽ dễ dàng tìm ra tác giả của mảnh giấy "bố láo" kia. Sau buổi học, tôi đem bày cả 60 bài kiểm tra lên bàn để chuẩn bị đảm trách vai trò của một cảnh sát hình sự. Đúng vào lúc ấy, hình như từ tiềm thức của một con người đã mách bảo rằng: tôi đang phạm phải một sai lầm khó chấp nhận. Tôi đang hành động như một kẻ tiểu nhân chứ không phải cao thượng cần có của một người thầy. Tại sao tôi không nghĩ là cô nữ sinh ấy đúng, còn tôi đã sai? Nhất định có không ít bài giảng mà tôi đã không làm chủ giáo án. Cái quan trọng nhất là với một nhân cách như cô gái ấy, tôi không hề bộc lộ một chút trân trọng mà chỉ nghĩ đến cách "trị" - một kiểu nói thật là hay ho của sự trả thù hay "đì". Những trăn trở như thế đã buộc tôi phải dừng lại. Mấy ngày sau đó là những ngày mà tôi thật sự cảm thấy khó khăn nhất trong đời dạy học. Cuộc đấu tranh giữa điều muốn biết và cái lẽ không cần biết; giữa bản năng và lương tâm đã làm tôi nhiều lúc thấy mệt và khó thở. Thế rồi tôi đã chọn cách có lẽ là tốt nhất: tôi đốt cả tập bài kiểm tra, cả mảnh giấy kia. Hôm sau trở lại lớp tôi thản nhiên thông báo rằng vì bài làm quá kém nên tôi không chấm nữa.
Nhiều năm sau, vào ngày 20-11, tôi nhận được một tấm thiệp chúc mừng và một bức thư ngắn với nét chữ rất quen: "Có lẽ cho đến tận lúc này thầy vẫn chưa biết em là ai. Em tin chắc vào điều em nghĩ vì hồi đó khi thi vấn đáp thầy đã không đọc bất kỳ phần chuẩn bị nào của sinh viên nữ. Em hiểu thầy không muốn biết ai là kẻ đã hỗn xược dám viết những dòng chữ ấy. Thầy ơi, lần đó em "vượt" qua môn học của thầy với điểm 9. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. Từ sau khi em viết để bày tỏ ý kiến của mình, những bài giảng của thầy đã hay và dễ hiểu hơn rất nhiều. Vẫn chưa hết thầy ạ: thầy đã dạy cho em một bài học về sự cần thiết của cái đúng mức, về giá trị của lẽ phải, về lương tâm trong sáng của con người...".
3. SUY NIỆM:
Trong cuộc sống hằng ngày, rất nhiều lần chúng ta gặp phải những sự bực bội do người chung quanh gây ra, mà nếu chấp nhất, chắc chắn chúng ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn nữa như lời Chúa Giêsu đã dạy: "Thầy bảo anh em: Đừng chống cự người ác, trái lại: nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngòai." (Mt 5,39-40). Việt Nam chúng ta cũng có câu: "Một sự nhịn bằng chín sự lành" hay "Dĩ hòa vi quý". Nếu có lòng khoan dung tha thứ, chúng ta có thể sẽ gặt hái được những kết quả không ngờ mà câu chuyện của một thầy giáo nói trên đã chứng minh.
4. THẢO LUẬN: 1- Trong câu chuyện trên tại sao ông thầy được coi là có thái độ khoan dung? 2- Khi khiêm tốn tiếp thu lời phê bình của cô sinh viên, ông thầy đã được những ích lợi gì? 3- Bạn sẽ làm gì khi nghe được những lời kẻ khác phê bình nói xấu về mình?
5. LỜI CẦU: Lạy Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót. Xin dạy chúng con biết ứng xử khoan dung nhân hậu để sẵn sàng bỏ qua những xúc phạm của kẻ khác đối với mình, biết lấy ơn báo óan để mỗi ngày nên giống Cha hơn. Xin cho chúng con biết cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ làm khốn mình (x Lc 23,34), nhẫn nhịn chịu đựng trước những lời khích bác nhục mạ của những kẻ thù ghét mình (x Lc 23,35-37), hầu chúng con xứng đáng được Cha xác nhận là "Con yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha" như đã xác nhận Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan xưa. -AMEN.
HIỆP HỘI THÁNH MẪU
Tác giả: LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com
Tác giả: LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com