"Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều". (Gc 1, 2)
Những Khó Khăn trong đời tự bản chất như một định luật tự nhiên để phát triển và thăng tiến cuộc sống. Khó khăn nào cũng đòi hỏi phải vượt qua để thể hiện chức năng, sứ mạng, vai trò, trách nhiệm và bổn phận một cách tốt nhất có thể. Dù nhận thức rằng, khó khăn như một điều kiện cần thiết để tiến bộ và sống trưởng thành hơn, nhưng đứng trước khó khăn ai cũng ngại ngùng, lo âu, than vãn, và nhiều khi chán nản, chùn bước, buông xuôi.
Những ai đã từng quen chiến đấu và chiến thắng, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi đứng trước những khó khăn. Còn những ai đã quen sống nhàn nhã, dễ dãi, thì gặp một trở ngại nhỏ cũng đã thấy nặng nề. Đứng trước một vấn đề, ta thấy khó khăn hay không, ít hay nhiều, cũng tuỳ thuộc tâm trạng và cái nhìn của mình.
Ai cũng đã quen với câu châm ngôn của Nguyễn Thái Học : "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông".
Thực vậy, khó khăn trở nên gay go và phức tạp hơn do chính lòng mình. Với ý chí chủ bại thì khó khăn nào cũng làm ta chùn bước. Với quyết tâm chiến thắng thì khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua.
1. Khó Khăn : yếu tố hình thành chính mình.
Bài học từ con Bướm sau đây cho ta hiểu được ý nghĩa lớn lao trên :
Ngày kia trên một kén nọ, xuất hiện lỗ nhỏ xíu. Có một người tình cờ đi qua, người đó dừng lại và theo dõi rất lâu một con bướm đang cố gắng chui ra từ lỗ nhỏ xíu đó.
Sau một thời gian khá dài, bướm dường như muốn bỏ cuộc, và cái lỗ cũng chẳng lớn hơn được tí nào. Bướm ta dường như đã cố gắng hết mình và không thể làm gì hơn được nữa. Thấy vậy, người kia nẩy ra ý định giúp Bướm, bằng cách dùng con dao để xẻ kén ra. Bướm liền chui ra khỏi kén, nhưng thân hình teo tóp và cứng đơ. Đôi cánh của Bướm không phát triển được để bay, chỉ cựa quậy được đôi chút.
Người kia tiếp tục theo dõi, nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa đôi cánh Bướm sẽ mở ra và chịu đựng được sức nặng của thân để nó có thể bay lên. Nhưng chuyện đó không hề xảy ra. Suốt cuộc đời còn lại, Bướm kia chỉ có thể lê lết trên mặt đất với thân hình teo tóp và còi cọc. Nó không thể hình thành đầy đủ về chính mình, chẳng bao giờ có thể bay lên được để sống trọn vẹn cuộc đời mình.
Qua câu chuyện ta thấy rằng, tai họa cuộc đời Bướm là do người qua đường không hiểu gì khi xẻ tổ kén ra. Cử chỉ đầy nhân ái đó muốn giúp Bướm sớm thoát ra khỏi kén và bay lên, nhưng ngờ đâu lại là một hành động tàn hại cuộc đời Bướm. Có những điều tuyệt đối người ta không thể xen nội bộ cấu trúc của một hữu thể đang chuyển biến ; không thể xía vào tiến trình tự nhiên của một tha thể đang hình thành. Nếu thiếu hiểu biết sâu xa, hành động cứu giúp sẽ biến thành hành động hủy hoại.
Ở đây ta không nhấn mạnh về việc thiếu hiểu biết của người qua đường, nhưng nhấn mạnh vào những cố gắng tự mình mà con Bướm phải thực hiện. Đó là cố gắng kiên trì chui ra từ lỗ kén rất nhỏ hẹp, mà cần phải có đủ thời gian để chất nước được truyền qua đôi cánh, làm cho nó vững mạnh thì mới có thể chui ra và bay lên được. Đó là định luật tự nhiên đòi nó phải trải qua để có thể hình thành trọn vẹn chính nó.
Cuộc sống của ta cũng vậy, có những điều mà người khác không thể làm thay cho ta, nếu không ta sẽ ở mãi trong tình trạng ấu trĩ, và cuộc sống sẽ là một thất bại. Cứ phải tự mình khám phá, xoay trở, kiên trì vượt qua, để cải thiện và hoàn chỉnh không ngừng. Thật ra, cuộc sống đôi khi có những điều ngặt nghèo khiến ta rất cần đến sự giúp đỡ của người khác để vượt qua. Điều đó có lẽ không thiếu, không nhiều thì ít, nhưng điều quan trọng vẫn luôn là nỗ lực tự cường và vượt khó của ta.
Nếu ta được phép sống mà không bao giờ gặp trở ngại gian nan, ta sẽ bị giới hạn, sẽ không mạnh mẽ như bây giờ, sẽ không hình thành đầy đủ về chính mình, và nhất là sẽ không bay lên được để đạt tới những ước mơ cao đẹp cho đời.
2. Khó Khăn : cơ hội làm lớn mạnh chính mình
Gặp khó khăn ta đừng đối kháng, nhưng hãy đối mặt để thể hiện bản lãnh của mình : đừng coi đó như một cản trở, nhưng như một cơ hội để lớn mạnh chính mình ; đừng cầu mong sự an toàn, nhưng chấp nhận bất toàn để kiện toàn chính mình. Đứa trẻ sẽ không thể bước đi nếu chưa một lần va vấp và té ngả. Nếu nó lớn lên trong môi trường bao bọc quá đầy đủ, muốn gì được nấy, nó sẽ dễ hư thân mất nết. Nếu nó chưa từng phấn đấu với khó khăn, chưa có kinh nghiệm trải qua nghịch cảnh, thì khi vào đời chỉ cần một chút chê bai, hù dọa, nó sẽ bị chao đảo và bỏ cuộc.
Cũng như những loại cây mọc trên đất tơi xốp, trông xanh tươi mơn mởn, nhưng chỉ cần cơn gió mạnh thổi qua là tróc gốc. Đang khi những cây mọc trên núi đá, tuy dáng dấp khẳng khiu, nhưng rễ cứng và độ bám rất vững, không gió bão nào có thể xô ngã được. Vì vậy, ta không thể cầu mong cho cuộc đời đừng xô đẩy mình vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, nhưng làm cho mình không bị ngã trước những sóng gió cuộc đời bằng một tâm thế vững vàng.
Cả những lời nguyện xin của ta cũng vậy, không xin cho mình khỏi mọi khó khăn, nhưng xin cho mình sức mạnh để vượt qua khó khăn. Kinh nghiệm thiêng liêng cho thấy những lời cầu xin của ta cũng thường được đáp lại một cách khác, để qua đó ta biết sáng tạo và làm triển nở mọi khả năng, chứ không phải là những điều được làm sẵn để rồi ta bị chận đứng và ngưng đọng nơi chính mình. Những lời cầu xin và ân ban sau đây cho ta thấy như một cơ hội để làm lớn mạnh chính mình trên mọi phương diện :
- Tôi xin sức mạnh và Chúa đã cho tôi gặp khó khăn để được mạnh mẽ.
- Tôi xin khôn ngoan và Chúa đã cho tôi những vấn đề để giải quyết.
- Tôi xin tiền của và Chúa đã cho tôi khối óc và bắp thịt để làm việc.
- Tôi xin được bay xa và Chúa đã cho tôi những trở ngại để vượt qua.
- Tôi xin tình yêu và Chúa đã gởi đến những người gặp khó khăn để tôi biết giúp đỡ.
- Tôi xin ân huệ và Chúa đã cho tôi tiềm năng để khai phá và sáng tạo.
Tôi đã không nhận được những gì tôi xin, nhưng tôi đã nhận được tất cả những thứ tôi cần.
Hãy sống không sợ hãi. Hãy đương đầu với mọi khó khăn, và hãy chứng tỏ mình có thể vượt qua tất cả. Bởi vì tất cả mọi khó khăn đều là cơ hội, là ân ban, là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đang kết dệt nên cuộc đời ta cho Ngài.
2. Khó Khăn : thách đố vượt lên chính mình
Khó khăn như một thách đố, một sự gạn lọc và thanh tẩy để phong phú hoá đời sống tinh thần, bằng cách quân bình lại những khát vọng, cân bằng và chỉnh đốn lại đời sống nội tâm, để biết làm chủ bản thân và kiến tạo một khả năng sâu rộng hơn. Vì thế, quá trình vượt qua khó khăn trước tiên đòi hỏi vượt qua chính mình. Đó là ý nghĩa và giá trị nền tảng trong mọi chiều kích của cuộc sống. Đó chính là quyền "làm chủ" vũ trụ mà Thiên Chúa ban cho con người ngay từ khi tạo dựng (x. St 1, 28).
Quyền "làm chủ" này bắt nguồn từ khả năng làm chủ chính mình. Ngay từ nguyên thủy, con người sống hài hoà với Thiên Chúa (x. St 3, 5. 9-10), với chính mình (x. St 3, 7), với tha nhân (x. St 3, 11-13) và vạn vật (x. St 3, 17.19). Tất cả vẻ hoà điệu của sự công chính nguyên thủy này là kế hoạch của Thiên Chúa nơi con người, mặc dù đã bị suy yếu do tội nguyên tổ, nhưng vẫn đạt đến một đỉnh cao của đời sống tâm linh nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô. Mạc khải này cũng đã được tiềm ẩn nơi Khổng Nho như một sự hoà hợp THIÊN - ĐỊA - NHÂN của một hữu thể nhân sinh lý tưởng.
Khó khăn trước tiên nội tại trong chính con người và hoàn toàn tuỳ thuộc vào tâm thế của con người. Tự bản chất, khó khăn có đó như một sự mời gọi vượt lên chính mình. Nó như một sự mời gọi triển nở nhân cách trong mọi chiều kích tương quan của cuộc sống. Chấp nhận cuộc sống và nhiệm vụ là chấp nhận khó khăn. Mỗi khó khăn khi vượt qua sẽ biến thành niềm vui và ân phúc. Có khó khăn là có dấu hiệu chuyển biến. Chuyển biến sẽ tích cực với cái nhìn tích cực.
Khó khăn đôi khi làm ta chột dạ, cảm thấy mệt mỏi, nặng nề...nhưng không bao giờ là một cản trở đối với những tâm hồn đoan chính. Sự đoan chính được thể hiện ở chỗ càng ngày càng làm chủ được chính mình.
Càng làm chủ được chính mình thì càng mở rộng được khả năng thống nhất đời sống mình trong mọi tương quan.
Đồng thời từ đó ta cũng nhận ra phương cách điều hợp mọi diễn biến phức tạp để đưa tới sự hài hoà, ăn khớp và mạch lạc với nhau, như một công trình nghệ thuật được tác tạo từ chính tâm hồn mình. Một khi đã khuất phục được những khó khăn nội tại thì khó khăn ngoại tại chỉ là phụ thuộc. Bởi vậy, Napoléon đã từng nói : "Khuất phục cả thế giới thì dễ hơn là khuất phục chính mình".
Trong công cuộc tiến hoá QUI THẦN không ngừng của vũ trụ, vạn vật và con người, thì khó khăn như một tiến trình biện chứng để phát sinh một hệ quả hoà hợp và trở thành. Tiến trình này được xác lập như sau: sự việc hay sự kiện như một chủ đề ; khó khăn như một phản đề ; vượt qua như một hợp đề tương tác và tương ứng do Chủ Thể. Sự kiện và Khó Khăn càng lớn thì mức độ Vượt Qua càng rộng. Tiền Đề và Phản Đề càng cao thì Hợp Đề càng sâu.
Tuy nhiên Vượt Qua sẽ là một thất bại nếu Chủ Thể không có khả năng Điều Hợp một cách tương ứng và tương tác, nghĩa là không có khả năng làm chủ và vượt qua chính mình.
Cái nhìn Vũ trụ học và Hữu thể học này càng đúng hơn nữa với phân tích chiều sâu của Tâm lý học. Trong đó, con người là một hữu thể TRỞ THÀNH trong tiến trình hoàn thành. Tiến trình này cho thấy quá trình biện chứng tâm lý của những giằng co, trăn trở, thao thức và nỗ lực vươn lên không ngừng để vượt qua những khó khăn từ trong chính mình.
Thật ra, đôi khi có những khó khăn rất lớn mà sức con người tưởng chừng như không thể vượt qua. Cần có một cái nhìn siêu nhiên, và trong sự kết hợp mật thiết với Chúa ta mới có "tài tháo gỡ và vượt qua những khó khăn". Cũng giống như Đanien ngày xưa (x. 5, 16), chỉ với tình yêu say mê dấn thân và phục vụ, đặt ý Chúa lên trên hết mọi sự, ta mới có can đảm và sức mạnh để đương đầu với mọi khó khăn. Lúc đó, khó khăn như một lời mời gọi khám phá để tìm thấy vùng trời tươi sáng cho đời sống tinh thần của mình và tha nhân.
Cho dù có những khó khăn như một tai ương do sức mạnh của bạo lực và sự dữ gây nên, nhưng tất cả đều không nằm ngoài chương trình quan phòng của Thiên Chúa, Đấng đã thấy trước mọi điều và tiên liệu mọi sự. Ngài luôn sát cánh với những ai cậy trông tin tưởng vào Ngài trước mọi diễn biến khó khăn của cuộc đời. Chính từ đó, Thiên Chúa làm nên những công trình mới cho một cuộc tiến hoá nhân sinh hoàn hảo hơn, đã được trù liệu trong Kế Hoạch Tình Yêu của Ngài trên mọi loài thụ tạo, và cách riêng nơi mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, Chúa là Niềm Vui trong mọi nỗi Khó Khăn của cuộc đời con. Chính trong những khó khăn mà con càng biết trông cậy và nương tựa vào Chúa hơn.
Chúa ban cho con những khó khăn như một người bạn đồng hành rất khó tính, nhưng cũng rất dễ thương. Bước đi trong những đoạn đường khó khăn, chân con có thể bị hụt hẫng và vấp váp, nhưng nhờ vậy mà con trở nên cứng cáp và vững vàng hơn.
Khó khăn rèn con nên kiên trì; luyện con sống khôn ngoan; dạy con biết sáng tạo; giúp con thêm thành thạo; tạo cho con cơ may; trao cho con kinh nghiệm sống; đem lại cho con những điều mới lạ và thú vị trong cuộc đời...
Điều quan trọng là con gặp được Chúa qua mọi khó khăn. Khó khăn như một cách thức hiện diện của Chúa để đời con được lớn lên trong Ngài.
Khó Khăn như Thập Giá hằng ngày để gột rửa bản thân con, để nơi con hình ảnh Chúa được sáng lên trên mọi nẻo đường đời.
Xin tôn vinh và chúc tụng Chúa trong mọi nỗi Khó Khăn của cuộc đời con. Amen .
Lm. Thái Nguyên. (Nguồn simonhoadalat.com)