Bài Ðọc I: Cv 18, 1-8
"Ngài cư trú và làm việc tại nhà họ, và giảng trong hội đường".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô rời Athêna đi Côrintô; ngài gặp một người Do-thái tên là Aquila, quê ở Pontô, vừa từ đất Ý-đại-lợi đến làm một với vợ là Priscilla (bởi vì vua Clauđiô đã ra lệnh trục xuất mọi người Do-thái khỏi Roma); Phaolô đến gặp họ. Và vì chung một nghề, nên ngài cư trú và làm việc tại nhà họ: họ làm nghề dệt bố để làm nhà lều. Mỗi ngày Sabbat, ngài đến tranh luận tại hội đường, nêu danh Chúa Giêsu, thuyết phục người Do-thái và Hy-lạp.
Khi Sila và Timôthêu từ Macêđônia đến, Phaolô chỉ chuyên lo việc giảng dạy, minh chứng cho người Do-thái biết Chúa Giêsu là Ðức Kitô. Nhưng họ công kích và lăng mạ Ngài, nên ngài dũ áo nói với họ: "Máu các ngươi đổ trên đầu các ngươi. Phần tôi, tôi vô can, từ đây, tôi sẽ đến với dân ngoại".
Ngài ra khỏi chỗ đó, vào nhà một người kia tên là Titô Giustô có lòng kính sợ Chúa, nhà ông ở bên cạnh hội đường. Bấy giờ Crispô trưởng hội đường, và cả nhà ông tin theo Chúa; nhiều người Corintô nghe giảng, cũng tin theo và chịu phép rửa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.
Alleluia: Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 16, 16-20
"Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha".
Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: "Ðiều Người nói với chúng ta: "Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy", và "Vì Thầy về cùng Cha", như thế có ý nghĩa gì?" Họ nói: "Lời Người nói 'Một ít nữa' có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?"
Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: "Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu nói: "Anh em sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng". Ðức Giêsu báo trước viễn cảnh cuộc khổ nạn của Ngài. Trước bản án thập giá của Ðức Giêsu, thủ lãnh thế gian tưởng rằng mình đã chiến thắng, còn các môn đệ thì buồn sầu vì sự thất bại của Thầy mình. Nhưng chiến thắng của thế gian không phải là chiến thắng cuối cùng, và thất bại của Ðức Giêsu cũng không phải là thất bại sau hết. Nơi tận cùng của cái chết là bắt đầu đi vào cuộc sống và chiến thắng vĩnh cửu: Ngài toàn thắng tội lỗi, sự chết và phục sinh vinh quang.
Niềm vui của các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta đó là nhờ đức tin, chúng ta sẽ cảm nghiệm sâu xa sự hiện diện của Ðức Giêsu Phục Sinh và được hưởng sự sống đời đời do Ngài mang lại.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã đạt tới toàn thắng vinh quang nhờ trải qua một cái chết khủng khiếp, mà nhân loại tưởng là sự thất bại nhục nhã.
Trong những lúc gặp thử thách, xin cho chúng con biết kiên tâm tin tưởng nơi Chúa với tất cả niềm hy vọng. Chúa sẽ ra tay giúp chúng con trong giờ phút cuối cùng mà chúng con không ngờ trước được. Amen.
Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày
Thầy Trò Ly Biệt
Kinh điển Phật Giáo có ghi lại câu chuyện: một người đàn bà nọ có đứa con độc nhất qua đời, trong niềm đau tột cùng, người đàn bà đến hàng xóm và khẩn cầu: "Xin vui lòng chỉ cho tôi bất cứ thuốc nào để làm cho nó sống lại". Nhưng ai cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi. Cuối cùng có người mách cho người đàn bà biết có một người lương y có thể cải tử hoàn sinh đứa bé đó chính là Ðức Phật Thích Ca (Sakya: Thuỷ tổ Phật Giáo, ông sinh ở miền Bắc Ấn Ðộ, đã có vợ con, sau đi tu hành tại Tuyết Sơn).
Người đàn bà mang đứa bé đến cầu khẩn với ngài và xin ban cho đứa bé một liều thuốc. Ðức Phật Thích Ca liền nói: Ta cần một ít hạt cải. Người đàn bà liền tìm ít hạt cải mang lại cho Ðức Phật. Nhưng vừa thấy, Ðức Phật nói với người đàn bà: "Hãy đi mời nhà nào không có tang chế và hãy mời họ uống lấy những hạt cải này".
Tin lời Ðức Phật, người đàn bà đi gõ cửa từng nhà mời uống lấy những hạt cải này, nhưng tất cả đều từ chối vì thật ra không có nhà nào lại không có một người đã ra đi. Khi người đàn bà trở về nhà trời đêm đã buông xuống, bà đến ngồi bên xác con và nhìn ra phố phường đang lên đèn, càng về khuya màn đêm càng tối và đêm đen bao trùm vạn vật. Lúc ấy, người đàn bà mới bắt đầu nghĩ: đời là thế, sinh ra đau khổ rồi chết, vì thế bà đứng dậy mang xác con vào rừng chôn cất.
Như vậy, con người sinh ra rồi đến chịu đau khổ và tận cùng là cái chết. Ðó là phận số của kiếp người mà khi Nhập Thể Con Thiên Chúa cũng không thoát khỏi. Chúa Giêsu đã ba lần chính thức loan báo về cuộc khổ nạn mà Ngài đã trải qua, nhưng xem ra các môn đệ của Ngài không hiểu được và cũng không chấp nhận được, vì tại sao số phận nghiệt ngã như thế lại có thể xảy ra cho Thầy mình, một người có quyền phép trên tất cả sự chết và đang trên đường tiến tới một tương lai sáng lạn. Trong những giờ phút cuối cùng ngồi bên các ông, Chúa Giêsu nói đến cái chết một lần nữa, nhưng lần này Ngài nói đến cuộc tử nạn ấy như là cuộc ra đi mà không vĩnh biệt. Do đó, Chúa Giêsu đã nói: "Thầy ra đi, anh em sẽ buồn rầu, nhưng niềm vui của họ gấp bội khi Ngài sống lại" (Ga 16,20).
Cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu gắn liền với sự đau khổ và niềm vui của các môn đệ, đúng hơn cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng vào mọi khổ đau của con người. Kitô giáo không chối bỏ cái chết và sự đau khổ, nhưng qua cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Kitô, Kitô giáo không còn nhìn cái chết và khổ đau như một ngõ cụt của cuộc sống. Trái lại, trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa Kitô, cuộc sống con người mang một ý nghĩa thật tuyệt vời, mặc cho bao đau khổ mà con người vẫn phải trải qua "một ít nữa các con sẽ không xem thấy Thầy, rồi một ít nữa các con sẽ xem thấy Thầy" (Ga 16,16).
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Ngài, có nghĩa là cả những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, họ vẫn nhận thấy được Ngài, bám chặt lấy Ngài để tiến bước, cho dẫu khổ đau như thế nào đi chăng nữa, con người vẫn tìm được ý nghĩa đích thực cho cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy người anh em đang đau khổ ở xung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và niềm vui Phục Sinh tràn ngập tâm hồn chúng ta.