Dầu nào có thể được sử dụng lúc xức dầu khẩn cấp?



Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Hỏi: Liệu một linh mục có thể dùng dầu parafin tại bệnh viện để rửa tội khẩn cấp, làm phép Thêm sức khẩn cấp và Xức dầu khẩn cấp cho bệnh nhân không? Đây là loại dầu không động vật thường được tìm thấy trong các bệnh viện một cách dễ dàng. Tôi tin rằng nó được chưng cất từ dầu mỏ. Liệu ba bí tích trên có thành sự khi được ban bởi dầu này không, bởi vì dầu đúng cách là không có sẵn trong trường hợp khẩn cấp? Câu hỏi thứ hai là, nếu việc làm phép dầu là đơn giản với kinh “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, vì các công thức làm phép dầu không có sẵn khi khẩn cấp, thì việc ban bí tích cho người bệnh nặng có thành sự không? - J.T., Đài Loan

Đáp: Có nhiều vấn đề liên quan ở đây.

Trước tiên, những loại dầu nào cần được nói tới? Dành cho các bí tích, Giáo Hội Công Giáo làm phép ba loại dầu riêng biệt trong Thánh Lễ Truyền Dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Dầu dự tòng (OS) được sử dụng cho nghi thức bổ sung không cần thiết của bí tích rửa tội. Dầu bệnh nhân (OI) tạo nên chất thể của bí tích xức dầu bệnh nhân. Và Dầu thánh hiến (SC), vốn là chất thể thiết yếu của bí tích Thêm sức và cũng được sử dụng trong các nghi thức bổ sung của bí tích rửa tội, Bí tích Truyền chức và một số nghi thức khác, chẳng hạn cung hiến nhà thờ hay bàn thờ.

Thành phần cơ bản của hai loại dầu đầu tiên là dầu ô liu; chỉ có công thức làm phép mới phân biệt hai dầu này. Dầu thánh hiến là một hỗn hợp của dầu ô liu và nhựa.

Trong ba dầu này, chỉ trong trường hợp của dầu bệnh nhân, có thể sử dụng dầu khác, với việc linh mục làm phép dầu trong trường hợp khẩn cấp. ĐTC Phaolô VI nói về khả năng này trong Tông hiến Sacram Unctione Infirmorum năm 1972. Đề cập đến chất thể của bí tích, ĐTC nói:

"Hơn nữa, bởi vì dầu ôliu, vốn cho đến nay đã được quy định cho việc ban bí tích thành sự, là không thể kiếm được hoặc khó kiếm được ở một số nơi trên thế giới, chúng tôi tuyên lệnh, theo yêu cầu của nhiều Giám mục, rằng trong tương lai, tùy theo trường hợp, dầu của bất cứ loại nào khác cũng có thể được sử dụng, miễn là nó được chiết từ thực vật, bởi vì nó gần giống như chất liệu được chỉ định trong Kinh Thánh”.

Ngài cũng cho phép các linh mục làm phép dầu này trong trường hợp khẩn cấp. Qui định này sau đó được đưa vào Điều 999 của Bộ Giáo Luật (Bản dịch Việt ngữ của Bộ Giáo Luật do các Linh Mục sau đây thực hiện: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh), vốn xác định những người có thể làm phép dầu:

“Ngoài Giám Mục ra, những người có thể làm phép dầu để dùng vào việc xức dầu là:

1. những người được Giáo Luật đồng hóa với Giám Mục giáo phận;

2. khi khẩn thiết, thì bất cứ Linh Mục nào cũng được, tuy chỉ giới hạn trong chính lần cử hành bí tích này.

Ðiều 1000: (1) Sự xức dầu phải cử hành nghiêm chỉnh cùng với những lời đọc, theo thứ tự và cách thức đã quy định trong sách phụng vụ. Tuy nhiên, khi khẩn thiết, chỉ xức dầu trên trán hay trên một phần khác của thân thể cũng đủ; nhưng phải đọc trọn vẹn mô thức của Bí Tích.

(2) Thừa tác viên phải xức dầu bằng chính tay của mình, trừ khi có lý do quan trọng khuyên nên dùng một dụng cụ.”

Trong các trường hợp mà linh mục đã làm phép dầu cho một tình huống cụ thể, số 22 của Luật Chăm Sóc Mục Vụ Bệnh Nhân quy định: "Nếu có bất kỳ lượng dầu còn lại sau khi cử hành bí tích, nó phải được thấm vào vải bông (bông xơ) và đốt cháy."

Không giống như trường hợp của bí tích xức dầu bệnh nhân, Điều 880 § 2 nói; “Dầu dùng trong Bí Tích Thêm Sức phải được thánh hiến bởi Giám Mục, cả khi Bí Tích được một Linh Mục ban."

Có các qui định ít đặc biệt hơn liên quan đến dầu dự tòng, bởi vì dầu này là không thiết yếu cho bí tích, và trong trường hợp khẩn cấp, chỉ cần Rửa tội với nước và công thức Chúa Ba Ngôi. Đồng thời, nghi thức dự liệu khả năng thực hiện tất cả các nghi lễ trong một hình thức vắn gọn.

Nếu một người lãnh bí tích rửa tội khẩn cấp và sau đó còn sống, các nghi thức rửa tội bổ sung (xức dầu thánh, mang áo trắng, và cầm nến rửa tội) thường được thực hiện vào một ngày thuận tiện trong một nhà thờ hay nhà nguyện.

Vì vậy, xin trả lời các câu hỏi cụ thể của người đọc:

- Dầu parafin là không thích hợp như là chất thể hợp lệ cho bất cứ bí tích nào. Nếu dầu ô liu là không có sẵn để xức dầu bệnh nhân, dầu thực vật khác có thể được sử dụng. Dầu thánh hiến và dầu dự tòng phải được làm phép bởi Giám mục. Vì thế, bổn phận của linh mục chánh xứ và tuyên úy bệnh viện là luôn sẵn sàng có ba loại dầu phù hợp, để sử dụng khi cần.

- Chỉ có dầu bệnh nhân có thể được làm phép bởi một linh mục trong trường hợp khẩn cấp. Một trong ba công thức để làm phép dầu phải được sử dụng thích hợp, để đảm bảo tính hiệu lực. Công thức thứ ba, trong trường hợp đặc biệt, là ngắn gọn nhất: "Xin Chúa + chúc phúc cho dầu này và anh/chị N., để dầu có thề mang lại cho anh/chị sự phù trợ." Sẽ là không đủ để làm phép dầu một cách chung chung, mà không đề cập đến nội dung của bí tích xức dầu bệnh nhân. (Zenit.org 22-5-2012)

Nguyễn Trọng Đa