5 tân Ðại Sứ trình thư ủy nhiệm


5 tân Ðại Sứ trình thư ủy nhiệm lên Ðức Thánh Cha.
Vatican (SD 4-5-2012) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 kêu gọi phát triển con người toàn diện, thăng tiến các sáng kiến giúp dân nghèo tự lập, và quan tâm đến chiều kích tinh thần của con người. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 4 tháng 5 năm 2012, dành cho các vị tân Ðại Sứ của 5 nước cạnh Tòa Thánh, đến trình Ủy nhiệm thư, đó là Ethiopia, Malaysia, Cộng hòa Ai Len, Fiji và Arméni. Các Ðại sứ này không thường trú ở Roma, nên được Ðức Thánh Cha tiếp kiến chung.
Trong diễn văn chào mừng, Ðức Thánh Cha nhắc đến những vấn đề lớn của thế giới ngày nay, nạn nghèo đói lan tràn, trong khi các nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng, khiến nhiều người cảm thấy bất mãn vì thiếu các phương tiện để đáp ứng nhu cầu mình cảm thấy. Ðức Thánh Cha nói: "Khi lầm than sống chung với tình trạng rất giàu có, sẽ nảy sinh ấn tượng bất công, có thể trở thành nguồn mạch của sự nổi loạn. Vì thế, các nước cần quan tâm làm sao để các luật lệ xã hội đừng gia tăng tình trạng chênh lệch và giúp mỗi người sống xứng đáng".
Ðức Thánh Cha kêu gọi đừng coi những người cần được giúp đỡ như những thiếu sót cần phải lấp đầy, nhưng hãy trả cho họ vai trò như tác nhân xã hội, giúp họ nắm giữ tương lai của mình, để họ tìm được chỗ đứng trong xã hội"... Trong bối cảnh đó, sự phát triển mà mỗi nước mong ước phải liên hệ tới mỗi người với mọi chiều kích, chứ không phải chỉ giới hạn vào việc tăng trưởng kinh tế mà thôi".
Ðức Thánh Cha đề cao những kinh nghiệm như tiểu tín dụng, các sáng kiến tạo ra sự đối tác công bằng, để có thể hòa hợp các mục tiêu kinh tế với quan hệ xã hội, quản trị dân chủ và tôn trọng thiên nhiên".
Ðức Thánh Cha cũng kêu gọi để ý tới một tình trạng lầm than khác, đó là sự đánh mất tham chiếu về những giá trị tinh thần, về Thiên Chúa. "Sự trống rỗng như thế làm cho người ta khó phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác, cũng như khó vượt lên trên tư lợi để nhắm tới công ích. Nó cũng làm cho người ta dễ chiều theo các trào lưu tư tưởng thịnh hành, và tránh cố gắng cần thiết để suy tư và phê bình. Bao nhiêu người trẻ tìm kiếm lý tưởng, rốt cục họ lại quay về những thiên đường giả tạo hủy hoại họ: sự nghiện ngập, duy tiêu thụ và duy vật, cuộc sống thoải mái, không thể lấp đầu con tim của con người được dựng nên để hướng về vô tận. Vì sự nghèo nàn lớn nhất chính là thiếu tình thương".
Trong bối cảnh đó, Ðức Thánh Cha nói: "Tôi khích lệ mọi nỗ lực được đề ra, nhất là nơi các gia đình. Ðàng khác, việc giáo dục phải khơi dậy chiều kích tinh thần, vì "con người phát triển khi nó lớn lên trong tinh thần" (Caritas in veritare, 76).
Sau cùng, Ðức Thánh Cha kêu gọi các Nhà Nước tôn trọng hoàn toàn đối với tự do tôn giáo, xây dựng một xã hội trong đó sự điều độ và tình huynh đệ được sống thực, để đẩy lui lầm than, vượt thắng sự lãnh đạm và ích kỷ, lợi lộc và sự phung phí, nhất là sự loại trừ người khác ra khỏi xã hội". (SD 4-5-2012)

G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)