Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày
(Những bài suy niệm hằng ngày
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Ta Và Cha Là Một
"Ta ban cho chúng được sự sống đời đời, Ta ban cho những ai tin Ta có sự sống đời đời, không ai cướp được chúng khỏi tay Ta. Ta và Cha là một" (Ga 10,28-30).
Ðây là một thực tại cao cả nơi cuộc sống của những người tin vào Chúa, và Chúa Giêsu muốn mạc khải cho những người Do Thái đến hỏi Chúa: "Ông để chúng tôi phân vân đến bao giờ nữa, nếu ông là Ðức Kitô thì hãy nói trắng ra cho chúng tôi biết" (Ga 10,24). Thánh Gioan đã đặt những lời mạc khải trên của Chúa Giêsu về thực tại đời sống Ðức Tin của người Kitô hữu vào dịp lễ cung hiến Ðền Thờ Giêrusalem, và như ta đã biết, cổng đền thờ là nơi các thầy thông luật Do Thái đến để giải thích lề luật cho dân chúng, do đó Chúa Giêsu đến đây để giảng dạy cho dân chúng. Nhưng hơn ai hết, Chúa Giêsu là một vị thầy hơn mọi vị thầy thông luật của Israel thời đó, vì Con Thiên Chúa Lam Người đã hiện diện nơi đó không những để giảng dạy lề luật, mà còn là Ðấng thay thế cho các bậc thầy vĩnh viễn. Như lời Chúa đã phán: "Chúng con không có vị thầy nào khác vì Thầy là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6).
Hơn nữa, dịp tụ họp dân chúng nơi cổng Salomon ở đền thờ là dịp lễ cung hiến đền thờ Giêrusalem. Lễ cung hiến đền thờ có ý nghĩa gì đối với người Do Thái? Thưa, đây là một trong những lễ trọng của người Do Thái vì để ghi dấu đền thờ Giêrusalem trước đó đã bị ô uế, bị xúc phạm, nay thánh hiến lại để bắt đầu trở lại sinh hoạt tôn giáo. Lễ cung hiến đền thờ nhắc cho người dân nhớ lại sự phục hưng tôn giáo được những sứ giả của Chúa là anh em Macabê thực hiện vào năm 146 trước Chúa Giáng Sinh. Vào năm 170 đền thờ đã bị vua Syria làm ô uế, làm nơi dâng lễ vật cho thần ngoại bang Hy Lạp vì thế mà đã xúc phạm đến Thiên Chúa chân thật. Giờ đây đền thờ cung hiến được lại là để nhắc nhớ lại khung cảnh tôn giáo và địa điểm cung thánh giảng dạy là cổng Salomon.
Như vậy, thánh Gioan muốn nhắc lại một cách kín đáo cho các độc giả của ngài về chương trình hay những ý định sâu xa của Chúa Giêsu, đó là lúc Chúa Giêsu muốn mạc khải sự thật về ơn cứu rỗi, hầu khai mạc một thời đại mới, thời đại phục hưng tôn giáo dựa trên đức tin vào Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Khi ấy ở Giêrusalem dịp cung hiến đền thờ bấy giờ là vào mùa đông, và Chúa Giêsu đã đi đi lại lại ở cổng đền thờ Salomon. Sau những câu nhập đề mô tả khung cảnh tôn giáo như vậy, thánh Gioan kể tiếp thắc mắc của người Do Thái, bấy giờ người Do Thái vây quanh Chúa Giêsu và hỏi: "Ông để chúng tôi phân vân đến bao giờ nữa, nếu ông là Ðức Kitô thì hãy nói trắng ra cho chúng tôi biết".
Thánh Gioan thường dùng từ ngữ những người Do Thái để chỉ những kẻ không tin Chúa, không những không tin mà còn có ý đồ xấu bắt bẻ lời Chúa và âm mưu làm hại Người. Xem ra họ muốn tìm hiểu về Chúa nhưng thực sự là họ có ý đồ xấu, muốn nghe chính Chúa nói mình là Con Thiên Chúa, là Ðấng Kitô để tố cáo Ngài. Nói phạm thượng và tội phạm thượng là tội đáng bị xử tử theo luật Do Thái, họ muốn có bằng cớ thêm để tố cáo "Ông này là người mà dám xưng mình là Con Thiên Chúa" (Ga 5,18). Ðó là lời tố cáo sau này được nói lên khi luận xử Chúa Giêsu trước khi đóng đinh Ngài vào Thập Giá như chúng ta đã biết.
Chúa Giêsu đã phơi trần âm mưu của họ: "Ta đã nói với anh em rồi mà anh em không tin, vì các anh không phải là chiên Ta" (Ga 10,25-27). Lời nói và việc làm của Chúa mà người Do Thái thấy tận mắt tai nghe từ khi Chúa Giêsu rao giảng cho đến lúc này đã quá đủ mạc khải Ngài là ai rồi. Nếu những kẻ nghe và nhận thấy Chúa Giêsu có một tâm hồn sẵn sàng, đó là tâm hồn yêu thương gắn bó với người chủ chăn. Không có thái độ nội tâm sẵn sàng thì không có thái độ đón nhận Lời Chúa mạc khải và cũng không tin nhận Ngài. Mà nếu không tin nhận Chúa làm sao có được sự sống đời đời, làm sao gắn bó kết hợp mật thiết với Chúa được. Còn đối với những kẻ tin nhận Chúa thì được một lời bảo đảm vô cùng quan trọng: "Không ai có thể cướp khỏi Cha được" (Ga 10,29-30).
Sống tin tưởng vào Chúa là một bảo đảm chắc chắn cho những ai yêu mến Ngài. Lạy Chúa, xin cho con luôn kết hợp với Chúa trong mọi nơi, mọi lúc của cuộc đời. Amen.
Lời Chúa Trong Giờ Kinh Gia Ðình
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Thứ Ba sau Chúa Nhật IV Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 11, 19-26
"Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa (Tv 116, 1a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Chúa yêu cơ sở Ngài thiết lập trên núi thánh; Ngài yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi. - Ðáp.
2) Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Philitinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: "Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành này". - Ðáp.
3) Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: "Những người này đã sinh ra tại đó". Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: "Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi ngươi". - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Chúa Kitô, Ðấng tác tạo mọi loài, đã sống lại và đã xót thương nhân loại. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 10, 22-30
"Tôi và Cha Tôi là một".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: "Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết". Chúa Giêsu đáp: "Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Bài Tin Mừng cho thấy Ðức Giêsu yêu thương và dùng hết quyền năng mà Cha thông ban để bảo vệ đoàn chiên, đó là những người nghe và đi theo Chúa. Họ thuộc về Chúa và không có sức lực nào kéo họ đi mất được, vì Ðức Giêsu luôn ở bên cạnh, che chở và họ được sống đời đời với Chúa.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hy sinh chịu chết để cứu chúng con khỏi chết đời đời và ban lại cho chúng con ơn làm con Chúa. Chúa là Mục Tử nhân lành luôn dẫn dắt, quan phòng và sẵn sàng tha thứ khi chúng con lỗi lầm. Xin cho chúng con thấy được Chúa yêu thương chúng con vô cùng để chúng con luôn trung thành tin yêu Chúa. Amen.