Hãy nhìn nhận dấu lạ Chúa thực hiện

SUY NIỆM VỀ CHÚA GIÊSU
Theo Phúc Âm Thánh Marcô

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines




 

Sau khi đã nhắc lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu, tác giả Phúc Âm theo thánh Mc 1, 21-28, kể lại cho chúng ta một biến cố xảy ra trong Hội Ðường Do Thái tại thành Capharnaum vào ngày Sabát. Những người trong Hội Ðường lúc đó cảm nghiệm được quyền năng của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng giảng dạy với một uy quyền đặc biệt; và qua phép lạ chửa người bị quỷ ám, Chúa đã chứng tỏ quyền năng thần thiêng của Ngài. Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô được từ từ mạc khải cho con người, bằng Lời Chúa giảng dạy và bằng những việc lạ Chúa thực hiện. Dân chúng cảm nghiệm được sự mới mẽ và kinh ngạc trước dấu lạ. Ðây mới là khởi đầu. Tác giả phúc âm Marcô sẽ còn ghi lại những Lời giảng dạy và những dấu lạ khác nữa của Chúa Giêsu, và chuẩn bị từ từ cho lời tuyên xưng Ðức Tin vào Chúa Giêsu Ðấng Thiên Sai, nơi chương 8, câu 29: "Thầy là Ðức Kitô". Con đường Ðức Tin đi qua nhiều giai đoạn. Chúng ta đã lưu ý đến giai đoạn căn bản đầu tiên là: sám hối, trở về với Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta được mời gọi lưu ý đến một bước khác nữa là: biết kinh ngạc lắng nghe Lời Chúa và ghi nhận dấu lạ Chúa thực hiện, để mạc khải về Thực Thể Mầu Nhiệm của Ngài. Chúng ta hãy đọc lại đoạn phúc âm như sau:

    Chúa Giêsu và các môn đệ đi vào thành Capharnaum. Ngay ngày Sabát, Chúa vào Hội Ðường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Ðấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
    Lập tức trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập la lên rằng: Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến Ông mà Ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết Ông là ai rồi: Ông là Ðấng Thánh của Thiên Chúa!" Nhưng Chúa Giêsu quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người nầy!" Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nổi họ bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thấn ô uế và chúng phải tuân lệnh!" Lập tức danh tiếng Nguời đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê (Mc 1,21-28).
Biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành người bị thần ô uế ám, là dấu chỉ cũng cố thêm uy quyền thần linh của Chúa Giêsu. Những vị Thượng Tế dân Do Thái thời Chúa Giêsu cũng xử dụng nghi thức trừ quỷ. Họ không ra lệnh trực tiếp cho thần dữ xuất ra khỏi người bĩ ám, nhưng nhờ vào quyền năng của Thiên Chúa. Ðối với Chúa Giêsu thì khác, Ngài trực tiếp ra lệnh: Hãy im đi và ra khỏi người nầy. Và thần dữ vâng phục.
Thần Ô uế không nhằm nói đến sự ô uế thể lý, hay sự thiếu vệ sinh. Cũng không phải là sự ô uế theo nghĩa là nghịch lại luật Môi sen. Nhưng đây là chính sự ô uế nội tâm, làm hư hại con người; đó là sự xấu, sự tội. Thần Ô Uế đây chính là Satan, kiềm hãm con người trong vòng nô lệ cho tội lỗi. Nó chiếm đoạt con người, bắt con người vâng theo mệnh lệnh của nó. Chúa Giêsu đến với quyền năng thần linh, rao giảng đạo lý của Thiên Chúa, rao giảng Nước Trời, giải thoát con người khỏi vòng nô lệ cho tội lỗi. Trước khi ra khỏi con người, thần ô uế "dằn dật" con người; nó trả thù, hành hạ con người. Giữa Chúa Giêsu và Thần Dữ Satan, không thể nào có sự "hợp tác" chung với nhau được. Con người bị thần dữ chiếm đoạt là con người đáng thương. Con người được Chúa Giêsu giải thoát, hay nói cách khác, người nào sẵn sàng cộng tác với ơn Chúa, là con người có phúc.
Ngay từ lúc khởi đầu sứ mạng cứu rỗi, Chúa Giêsu cho thấy có sự căng thẳng, chiến đấu, giữa Chúa và Thần Dữ. Và chiến thắng cuối cùng thuộc về Chúa. Người Kitô sống theo Chúa, từ bỏ những việc làm của Ma quỷ, cũng bị hành hạ, dằn dật, như người bị quỷ ám, được kể lại trong đoạn tin mừng ở đầu bài nầy. Nhưng chúng ta đừng sợ. Hãy mạnh mẽ đứng về phe của Chúa, nhất quyết làm môn đệ Chúa cho đến cùng.
Tiếp theo đoạn phúc âm trên, chúng ta hãy đọc và suy niện câu 29 đến 39, chương 1, kể tiếp những việc làm của Chúa trong ngày như sau:

    Vừa ra khỏi Hội Ðường Capharnaum, Chúa Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Nguời biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay Bà và đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
    Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, tức khi không còn bị buộc phải giữ luật nghỉ ngày Sabbát nữa, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Nguời. Cả thành xúm lại trước cửa. Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Nguời là ai.
    Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã dậy, đi ra một nơi thanh vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: Mọi người đang đi tìm thầy đấy. Chúa bảo các ông: Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì thầy ra đi là cốt để làm việc đó. Rồi Chúa Giêsu đi khắp miền Galilê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
Chúa chữa lành bệnh tật và khử trừ ma quỷ, và tiếp tục sứ mạng rao giảng khắp nơi, không để cho sự nồng nhiệt của dân chúng ảnh hưởng. Và giữa những hoạt dộng như vậy, Chúa Giêsu còn có dành thời giờ riêng biệt để cầu nguyện, tiếp xúc với Cha, Ðấng đã sai ngài xuống trần gian. Ðể trung thành với sự dấn thân ban đầu, rao giảng Tin Mừng khắp nơi cho mọi người, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta, và chỉ cho chúng ta một bí quyết: đó là giữ liên lạc với Cha, Ðấng đã sai ngài, qua việc cầu nguyện. Người đồ đệ của Chúa Giêsu không không thể nào sống cách khác, không thể nào bỏ qua những giây phút dành riêng cho việc cầu nguyện, cho việc tiếp xúc với Thiên Chúa, để lắêng nghe Lời Chúa dạy, và sống thực hành trọn vẹn Lời dạy đó. Không có những giây phút cầu nguyện như Chúa nêu gương, người đồ đệ khó mà trung thành cho đến cùng trong sự dấn thân của mình.

    Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa vì đã nêu gương sống cho chúng con, vừa dấn thân hết sức mình như Chúa, để phục vụ những nhu cầu của anh chị em, nhưng vừa đồng thời giữ trọn mối liên lạc thân tình với Chúa. Xin ban ơn giúp con biết quý trọng và sống thực hành những giây phút cầu nguyện, dành riêng cho cuộc trao đổi giữa con và Chúa, để có đủ sức mạnh phục vụ mỗi ngày một hữu hiệu hơn. Amen

    III. Tấm Lòng yêu thương
    của Chúa Giêsu

    Ðọc tiếp phúc âm theo thánh Marcô, chương 1 câu 40-45:

      Có người bị phong hủi đến gặp Chúa Giêsu; anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Chúa Giêsu động lòng thương (phẩn nộ), giơ tay chạm vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi! Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Chúa nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: Coi chừng, đừng nói gì với ai cả. Nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môisen truyền, để làm chứng cho người ta biết". Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nổi Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Nguời.
    Chúng ta có thể lưu ý thêm chi tiết nầy là phép lạ Chúa Giêsu chữa lành cho người bị phong hủi đến xin Chúa giúp, được kể lại trong hai phúc âm nhất lãm, Mt 8,2-4 và Luca 5,12-16. Nhưng có một khác biệt nầy, là tường thuật của Mc mà chúng ta suy niệm hôm nay có một chi tiết khác không có trong hai bài tường thuật Mt và Luca. Ðó là tác giả bài tường thuật Mc có ghi thêm về thái độ của Chúa Giêsu, trước khi chữa lành người bị phong hủi. Ðó là: Chúa Giêsu động lòng thương. Nhưng cũng có bản cổ ghi là Chúa Giêsu phẩn nộ. Các nhà chú giải của bản Kinh Thánh Giêrusalem, ấn bản mới nhất năm 1998 vừa qua, đã chọn chi tiết: Chúa Giêsu phẩn nộ. Chi tiết khó hiểu nầy xem ra gần với chủ ý của tác giả Phúc Âm Marcô, hơn là chi tiết nói rằng Chúa động lòng thương. Thật vậy, việc Chúa để cho người phong hủi đến với Chúa, và việc Chúa nghe lời anh xin mà chữa lành anh, là những chi tiết nói lên tình thương của Chúa Giêsu rồi, nên xem ra không cần phải nói nữa. Tác giả phúc âm Marcô hẳn có một chủ ý đặc biệt hơn, khi ghi lại chi tiết nói rằng Chúa Giêsu phẩn nộ. Tại sao phẩn nộ? Chắc chắn rằng Chúa không phẩn nộ với người bị phung hủi đến xin Chúa giúp. Nhưng phẩn nộ, vì thái độ của những người Do Thái thời Chúa sống theo luật cựu ước kỳ thị loại trừ những người bất hạnh bị bệng phung hủi nầy. Thật vậy, Sách Lêvi, chương 13, câu 45tt, của Cựu Ước, lên án những người bị bệnh phung hủi, như là kẻ bị Chúa phạt và như thế họ bị loại ra khỏi cộng đoàn. Họ phải sống nơi riêng, cô lập. Không ai được chạm đến họ, và họ cũng không được gần gủi ai, để khỏi bị nhơ bẩn không những trên bình diện thể xác, mà còn trên bình diện tinh thần nữa. Chúa Giêsu phẩn nộ, vì con người sống theo lý luận tự nhiên của mình mà loại trừ xua đuổi những con người bất hạnh nầy. và Chúa đã hành động vì yêu thương, để đưa con người phung hủi trở về lại với cộng đoàn, có lại phẩm giá đáng được tôn trọng như bao anh chị em khác. Chúa Giêsu làm phép lạ, chữa lành anh phung hủi và lập tức sai anh đi thực hiện điều theo luật định để được xác nhận trở về lại với cộng đoàn, và nhất là để trở nên dấu chỉ, làm chứng cho các tư tế biết: Nước Thiên Chúa đã đến nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã chữa lành người phung hủi, như đã được loan báo trước trong KinhThánh mà họ biết rõ. Chúng ta hãy chiêm ngắm thái độ tràn đầy yêu thương của Chúa Giêsu và đừng làm cho Chúa phẩn nộ với chúng ta vì những lối hành xử kỷ thị loại trừ anh chị em, nhất là những kẻ bất hạnh, như trường hợp của anh bị bênh phung hủi trong phúc âm hôm nay. Tình thương của người Kitô phải là tình thương của Chúa, để chữa lành những căn bệnh kỳ thị khinh dễ phẫm giá của anh chị em trong xã hội chúng ta đang sống. Tình thương chân thật có sức chữa lành, quy tụ, phục hồi và nâng cao phẩm giá làm người. Lạy Chúa xin giúp con canh tân tâm hồn được tràn đầy tình thương như Chúa, để có thể diển tả ra bằng những hành động làm tốt cho đời, và làm sáng danh Chúa. Amen.

    IV. Chúa Giêsu là Thiên Chúa
    là Ðấng có quyền tha tội

    Chúng ta đã quan sát thấy Chúa Giêsu mạc khải chính mình cho dân chúng, như là Ðấng vừa giảng dạy có uy quyền, vừa thực hiện những dấu lạ khử trừ ma quỷ, chửa lành bệnh tật, cho người bị phung hủi được lành sạch. Và dân chúng thì có thái độ vừa kinh ngạc vừa tôn vinh Thiên Chúa. Họ từ khắp nơi đến với Chúa Giêsu. Tác giả Phúc âm theo thánh Marcô đã kết thúc chương I với nhận định như vậy.
    Giờ đây chúng ta đọc và suy niệm chương 2, câu 1-12, kể lại biến cố Giêsu làm phép lạ cho người bất toại được đi đứng khỏe mạnh, để chứng tỏ một điều hết sức quan trọng, là chính Ngài là Ðấng có quyền tha tội.
    Như thế mạc khải về Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô được tiến thêm một bước quan trọng: Chúa Giêsu không phải chỉ là Ðấng đầy quyền năng trong lời nói và trong việc làm xua đuổi ma quỷ và chữa lành bệnh tật, nhưng Ngài còn là Ðấng có quyền tha tội như Thiên Chúa. Từ phía những kẻ đón nhận mạc khải của Chúa Giêsu, tác giả Phúc âm Marcô cũng bắt đầu lưu ý thêm chi tiết quan trọng sau đây: có những người có lòng tin vào Chúa và cũng có những người bắt đầu chống đối ngài. Cao điểm của sự chống đối nầy là âm mưu giết Chúa.
    Nơi đoạn trích từ câu 1-12 chương 2, Phúc Âm Marcô, chúng ta ghi nhận được những chi tiết vừa nói trên. Lần đầu tiên, tác giả nhắc đến Ðức Tin của những người đến với Chúa, và cũng là lần đầu tiên tác giả nhắc đến thái độ bắt đầu chống đối Chúa Giêsu nơi những vị kinh sư, những luật sĩ. Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại đoạn tin mừng như sau:

      Vài ngày sau, Chúa Giêsu trở lại thành Capharnaum. Hay tin Nguời ở nhà; người ta tụ tập lại, đông đến nỗi không còn chổ nữa, cả ngoài cửa cũng không còn. Người giảng Lời cho họ. Bấy giờ người ta đem đến cho Chúa Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chổ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: Nầy con, con đã được tha tội lỗi rồi. Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: "Sao Ông nầy lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ngoài một mình Thiên Chúa ra, ai có quyền tha tội?" Tâm trí Chúa Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế. Người mới bảo họ: Sao trong bụng các ông lại nghĩ đến những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: Ðứng vậy vác chõng của con mà đi, điều nào dễ hơn? Vậy để các ông biết: ở dưới đất nầy, Con Người có quyền tha tội--, như Chúa Giêsu bảo người bại liệt: -- Ta truyền cho con: hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà. Người bại liệt đứng dặy, và lập tức vác chõng mà đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sững sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ." (Mc 2, 1-12).
    "Vậy để các ông biết, ở dưới đất nầy, Con Người có quyền tha tội, Chúa Giêsu bảo người bị bại liệt: Ta truyền cho con, hãy đứng dậy vác chỏng của con mà đi về nhà. Người bại liệt đứng dậy và lập tức vác chỏng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nầy đều sững sốt và tôn vinh Thiên Chúa."
    Quý vị và các bạn thân mến, như đã nói trên, mạc khải về Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô, bắt đầu mở ra cho chúng ta nhìn thấy một yếu tố mới: Chúa Giêsu Kitô là Ðấng có quyền tha tội, như một vì Thiên Chúa. Phép lạ cho người bị bại liệt được đi đứng khỏe mạnh là một bằng chứng rõ ràng và mạnh mẽ. Sau nầy, sau khi đã hoàn tất công việc cứu chuộc qua cái chết và sống lại của Ngài, Chúa Giêsu trao ban quyền ấy cho các tông đồ: Hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Chúng con tha tội ai thì nguời đó được tha, chúng con cầm tội ai thì tội người đó bị cầm buộc (Gioan 20,22-23). Các tông đồ không bở ngở khi nghe lại những lời trên của Chúa Phục Sinh, vì các ngài đã nghe những lời đó trước rồi, chẳng hạn như trong biến cố phép lạ chữa lành người bị bại liệt mà chúng ta suy niệm hôm nay: Nầy con, con đã được tha tội rồi. Những kẻ chống đối Chúa thì cho đấy là một sự phạm thượng, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới là Ðấng có quyền tha tội mà thôi. Và hẳn thật như vậy. Chúa Giêsu muốn vén mở cho con người biết Ngài là Thiên Chúa, là Ðấng có quyền tha tội. Nên ngài mới nói với người bị bại liệt: Hãy đứng dậy, và vác chỏng về nhà đi. Chúng ta có thái độ như thế nào trước mạc khải quan trọng nầy của Chúa Giêsu? Quyền tha tội đã được Chúa Giêsu Kitô ban cho các tông đồ và những ai được tham dự vào tác vụ tông đồ của các ngài trong dòng thời gian, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Quyền tha tội luôn luôn tác động trong Giáo Hội Chúa. Chúng ta có xác tín như vậy hay không?

      Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã thiết lập bí tích tha tội, cho chúng con được trở về làm hòa với Thiên Chúa, được tha thứ mọi tội lỗi. Xin cho chúng con biết quý trọng ơn nầy, và biết thành thật sám hối trở về lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, mội lần chúng con phạm tội xa lìa Chúa, xúc phạm đến Chúa và anh chị em. Lạy Chúa, con tin. Xin thương gia tăng đức tin của con vào Chúa và thương tha thứ mọi tội lỗi cho con. Amen.

      V. Chúa luôn tha thứ
      và kêu gọi kẻ tội lỗi

      Trong kinh tin kính được dùng trong thánh lễ, chúng ta tuyên xưng: Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Mục đích của mầu nhiệm nhập thể là để cứu rỗi chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ cho tội lỗi, và giao hòa chúng ta lại với Thiên Chúa và anh chị em. Vì thế thật là an ủi cho chúng ta biết là chừng nào, khi được đọc thấy nơi đầu chương thứ hai của Phúc Âm theo thánh Marcô rằng Chúa Giêsu Kitô là Ðấng có quyền tha tội. Ðó là nội dung của bài suy niệm trước, về việc Chúa chữa lành người bất toại, để làm chứng Chúa thật là Ðấng có quyền tha tội. Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Tiếp tục bài phúc âm trên, đoạn phúc âm từ câu 13 đến 17 của chương 2, mạc khải thêm cho chúng ta biết về Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Không những Chúa Giêsu là Ðấng có quyền tha thứ tội lỗi, mà còn luôn luôn sẵn sàng xử dụng quyền đó với tình thương. Chúng ta có thể nhìn thấy điều nầy qua việc Chúa Giêsu kêu gọi người thu thuế, tức kẻ tội lỗi, là ông Lêvi, theo làm môn đệ Chúa, và chấp nhận đến dùng bửa với những kẻ tội lỗi. Chúng ta hãy đọc lại đoạn phúc âm nầy như sau:

        Chúa Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Ði ngang qua trạm thu thuế, Chúa thấy ông Lêvi là con ông An-phê, đang ngồi ỏ đó. Người bảo ông: Anh hãy theo tôi. Ông Lêvi đứng dậy đi theo Người. Người đến dùng bửa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Chúa Giêsu và các môn đệ, vì họ đông đảo và đã đi theo Nguời. Những kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Nguời ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người như sau: Sao, ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi. Nghe thấy thế, Chúa Giêsu nói với họ: Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.
      "Tôi không đến để kêu gọi nguời công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi".
      Ðây là công bố tóm gọn mục tiêu chính yếu của cuộc đời nhập thể của Chúa Giêsu trên trần gian nầy. Càng đọc thêm sâu vào Phúc Âm theo thánh Marcô, chúng ta được hướng dẫn khám phá những đường nét nổi bật của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Từ đầu chương 1 đến đây, chúng ta được chỉ cho biết dung mạo sau đây của Chúa Giêsu: Chúa rao giảng Lời cứu rỗi với uy tính và có đầy quyền năng của một vì Thiên Chúa để xua trừ ma quỷ và chữa lành các bệnh tật. Chưa hết. Chúa Giêsu còn chứng tỏ ngài có quyền tha tội. Rồi Ngài kêu gọi Ông Lêvi người thu thuế, tức kẻ tội lỗi công khai bị loại trừ khỏi cộng đoàn dân Chúa, hãy theo Ngài, và chấp nhận dùng bửa với những người tội lỗi và những kẻ thu thuế. Chúa hành động hoàn toàn khác lạ với những vị lãnh đạo tôn giáo của dân Israel thời đó, Chúa không loại bỏ ai ra khỏi tình thương cứu rỗi của Chúa. Ngược lại, Chúa đến với họ, kêu gọi họ theo làm đồ đệ của Ngài. Làm như vậy, không có nghĩa là Chúa Giêsu đồng ý nuông chiều theo những tội lội của con người. Không, Chúa Giêsu đến với kẻ tội lội và kêu gọi họ hãy ăn năn quay trở về với Thiên Chúa. "Thời giờ đã nên trọn. Hãy ăn năn hối cải và tin vào Tin Mừng". Chúa đã công bố như vậy ngay từ khởi đầu tác vụ rao giảng của ngài tại miền bắc Galilêa. Chúa không loại trừ hay cô lập người tội lỗi, nhưng đến với họ, để họ cảm nghiệm được tình thương của Chúa và quay trở về. Có cảm nghiệm được tình thương nhân từ và hay tha thứ của Thiên Chúa đối với mình, ta mới có thể hiểu rõ hơn đoạn phúc âm hôm nay, và quý trọng điều Chúa thực hiện cho con người chúng ta, khi Chúa chấp nhận bước vào trần gian, và luôn sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho chúng ta.. Thiên Chúa chấp nhận sự mỏng dòn yếu đuối của con người, và luôn sẵn sàng tha thứ. Chúng ta hãy noi gương sống của Chúa, để đừng bao giờ phán đoán và loại trừ anh chị em vì những tật xấu và những tội lỗi của họ. Là những con người mang lấy thân phận tội lỗi như nhau, chúng ta đừng công kích nhau, nhưng hãy giúp nhau khám phá ra tình thương của Thiên Chúa và khiêm tốn sám hối để lãnh nhận ơn cứu rỗi.


        Lạy Chúa Giêsu, là người bạn của những kẻ tội lỗi, chúng con cảm tạ Chúa vì đã luôn luôn tha thứ và mời gọi chúng con trở về. Xin cho chúng con đừng bao giờ có thái độ khinh dễ, loại trừ anh chị em, như những luật sĩ thuộc nhóm Pharisêu trong Phúc Âm, nhưng biết giúp nhau trở về với tình thương của Chúa. Xin đừng để cho chúng con sống trong tuyệt vọng vì những lầm lỗi, nhưng luôn luôn hy vọng vươn lên và biết cộng tác với ơn Chúa mà canh tân đời sống mình. Amen.