Sức phát triển mạnh mẽ của Giáo Hội công giáo Nam Hàn


Linh Tiến Khải 4/17/2012
Pdf Email cho bạn bè In Ra Tăng Cỡ Chữ Giảm Cỡ Chữ Cỡ Chữ Ban Đầu

Trong suốt 50 năm qua có lẽ đã không có quốc gia nào trên thế giới có được sự phát triển liên tục trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo như Nam Hàn. Sự phát triển mạnh mẽ này cũng xảy ra đối với Kitô giáo nữa. Thật thế, từ năm 1960 đến năm 2010 dân số Nam Hàn từ 23 triệu đã tăng lên 48 triệu người. Lợi tức bình quân tính trên đầu người gia tăng từ 1.300 mỹ kim lên 19.500 mỹ kim hằng năm. Số kitô hữu từ 2% tăng lên 30%, trong đó có khoảng 11% là tín hữu công giáo, tức được khoảng 5,4 triệu. Số linh mục từ 250 lên đến 5.000.

Trong bài viết đăng trên nhật báo Avvenire Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Đồng Giám Mục Italia số ra ngày 8-4-2012 vừa qua, Linh Mục Piero Gheddo, thuộc Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano cho biết kinh nghiệm cha đã có trong các chuyến viếng thăm Nam Hàn. Hồi năm 1986 cha đã thăm Nam Hàn cùng với cha Pino Cazzanga, cùng Hiệp hội, làm việc bên Nhật Bản, nhưng nói tiếng Đại Hàn rất thành thạo. Hồi đó cũng như hiện nay, hằng năm có rất đông người xin gia nhập Giáo Hội công giáo. Mỗi giáo xứ có từ 200 đến 400 Phật tử theo Công Giáo. Số tân linh mục hằng năm vào khoảng 130 đến 150 vị. Với 5.000 linh mục hiện nay, tính bình quân, mỗi vị coi sóc 1.100 tín hữu. Hồi năm 2008 số tín hữu công giáo đã vượt 10% tổng số dân Nam Hàn và gia tăng 3% mỗi năm.

Theo thống kê của Giáo Hội năm 2009 số người lãnh nhận bí tích Rửa Tội đã là 159.000, và đã có 149 Phó tế được thụ phong Linh Mục, tức gia tăng 21 vị so với năm 2008. Trong năm 2009 có 69% người Nam Hàn thuộc lứa tuổi 23 tới 40. Điều này cho thấy người dân Nam Hàn rất trẻ trung và tràn đầy sức sống.

Đức Hồng Y Nicholas Cheong Jin Suk, Tổng Giám Mục thủ đô Seoul, cho biết trong mười năm qua số tín hữu công giáo Nam Hàn đã gia tăng từ 3 lên đến hơn 5 triệu, khiến cho Giáo Hội Nam Hàn là Giáo Hội tiến triển mạnh nhất Á châu. Tại Nam Hàn quyền tự do tôn giáo được hoàn toàn tôn trọng.

Đức Cha Simon Chen, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn cho biết từ năm 1986 đến nay người ta ghi nhận một khuynh hướng mạnh mẽ hướng tới Kitô giáo. Lý do là vì Kitô giáo truyền bá tư tưởng bình đẳng giữa tất cả mọi người, được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Người. Ngoài ra cũng vì sự kiện các tín hữu công giáo cũng như tin lành đều đã tham gia vào phong trào nhân dân chống chế độ quân đội độc tài cai trị Nam Hàn trong các năm 1961-1987, trong khi Khổng giáo và Phật giáo thăng tiến thái độ sống vâng phục chính quyền. Thế rồi Kitô giáo là tôn giáo của một vì Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu chuộc nhân loại, trong khi đạo phù thủy, Khổng giáo và Phật giáo không phải là các tôn giáo, mà chỉ là các hệ thống khôn ngoan nhân loại và triết lý sống. Sau cùng là sự phát triển kinh tế, xã hội và dân sự rất nhanh chóng nhờ sự trợ giúp của Hoa Kỳ sau cuộc nội chiến giữa Bắc và Nam Hàn kéo dài trong các năm 1950-1953. Sự phát triển nhanh chóng đó đã khiến cho Nam Hàn trở thành một nước tiến bộ và thịnh vượng, trong đó các tôn giáo cổ không có các câu trả lời cho các vần đề của cuộc sống tân tiến.

Một trong các đặc thái của Giáo Hội Nam Hàn đó là sự cộng tác tuyệt vời của giáo dân vào việc rao giảng Tin Mừng. Thật ra, trái với lịch sử của các Giáo Hội khác trên thế giới, Giáo Hội Đại Hàn đã do chính các giáo dân thành lập. Vào thế kỷ XVIII một vài triết gia và nhà ngoại giao Đại Hàn đã theo đạo bên Bắc Kinh, rồi về nước rao giảng Tin Mừng và thành lập Giáo Hội công giáo. Trong các năm 1779-1836, tức khi các thừa sai đầu tiên người Pháp tới Đại Hàn, thì Kitô giáo đã được phổ biến trong nước, nhưng sau đó bị bách hại khốc liệt. Nhưng sự cộng tác của giáo dân thì vẫn tồn tại mạnh mẽ. Ngày nay tại Nam Hàn, những ai muốn gia nhập Kitô giáo đều biết rằng mình phải có bổn phận dấn thân trong một hiệp hội hay phong trào nào đó hiện hữu trong các giáo xứ. Thái độ sống đạo thụ động không được tín hữu chấp nhận. Trong tổng giáo phận Seoul có hơn 200 giáo xứ. Cha Piero Gheddo đã thăm giáo xứ Kuro 3 Dong, là giáo xứ thuộc vùng ngoại ô, có đa số dân là công nhân thợ thuyền, do các cha dòng Salesien trông coi. Số tín hữu công giáo được khoảng hơn 9.500 trên tổng số 150.000 dân cư. Mỗi năm có 600 người xin gia nhập Giáo Hội.

Linh Mục Paul Kim Bo Rok, cha sở giáo xứ, cho biết nhân lực của giáo xứ gồm hai linh mục và bốn nữ tu. Nhưng công việc truyền giáo và dậy dỗ tôn giáo do các giáo dân đảm trách, qua tám lớp học giáo lý, chia thành nhiều giờ khác nhau, có các giáo lý viên khác nhau dậy. Các anh chị em giáo dân này là thành viên các hiệp hội và phong trào khác nhau, hoạt động rất mạnh mẽ, đặc biệt là phong trào Đạo Binh Đức Mẹ. Hằng năm giáo xứ cử hành hai ba lễ thánh tẩy, mỗi lần như thế có 200-300 người hay hơn nữa lãnh bí tích Rửa Tội sau một năm học đạo. Thời gian tuy ngắn chưa đủ, nhưng giáo xứ không thể làm hơn vì số người xin gia nhập Giáo Hội qúa đông. Việc đào sâu đức tin đến sau đó, và do thành viên các phong trào giáo dân đảm trách.

Tại Nam Hàn trở thành kitô hữu cũng có nghĩa là gia nhập một hiệp hội hay phong trào và dấn thân sống đức tin kitô hết mình, theo các điều lệ xác định cung cách sống, đóng góp niên liễm tham dự hằng năm, và hàng ngày phải đọc một số kinh nguyện nào đó. Khi gia nhập Giáo Hội, thì tín hữu chấp nhận tất cả. Và đó là tinh thần sống đạo của người Đại Hàn: hoặc là chấp nhận và dấn thân hay là không chấp nhận và bỏ đạo.

Cha Paul Kim Bo Rok cũng còn cho biết tại Nam Hàn tôn giáo là một chuyện nghiêm chỉnh bắt buộc tín hữu phải dấn thân. Đương nhiên là luôn luôn có nguy cơ của kiểu giữ đạo hình thức, hời hợt bề ngoài, thiếu hiểu biết và không xác tín, nhưng cũng có tất cả một nền văn hóa dấn thân nghiêm chỉnh. Còn hơn thế nữa, Kitô giáo là một sức mạnh chính yếu tạo ra ý thức cá nhân và sự tự do của con người. Tuy nhiên cũng có các nguy cơ đi ngược lại của khuynh hướng vụ hình thức, sự tục hóa và chủ thuyết duy vật thực tiễn, khiến cho tín hữu xa rời tinh thần tôn giáo.

Nam Hàn là quốc gia đã có một nền kinh tế tiến triển mạnh mẽ. Cảnh nghèo túng cách đây ba mươi năm đã biến mất rồi. Ngày nay nó đang bước vào sự phồn thịnh và giầu có. Nhưng cũng chính vì thế cần phải củng cố việc đào tạo cung cấp cho các tín hữu sự hiểu biết đạo sâu xa, mổt cách cá nhân, ý thức và xác tín hơn. Cha Kim Bo Rok nói: chúng tôi bị tràn ngập bởi làm sóng các cuộc hoán cải và xin theo đạo. Chúng tôi xin các anh chị em kitô hữu trên thế giới giúp lời cầu nguyện cho chúng tôi.

Số người xin theo đạo nhiều tới độ hằng năm phải tổ chức các lễ nghi ban bí tích Rửa Tội ba lần vào các dịp lễ Phục Sinh, Chúa Thánh Thần hiện xuống và Giáng Sinh. Cha Piero Gheddo kể rằng hồi năm 1986 tại giáo xứ Bang Kim Dong tỉnh Kwangiù, cha đã tham dự lễ nghi ban bí tích Rửa Tội cho 114 người lớn và con cái của họ. Đó đã là một dịp lễ vui cho toàn cộng đoàn, với một cuộc rước dài gồm người lớn nam nữ và trẻ em mặc y phục mầu trắng giữa tiếng thánh ca, âm nhạc và biết bao nhiêu tươi vui phấn khởi.

Hiện nay Giáo Hội Nam Hàn đang sống chương trình gọi là ”Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi”, có nghĩa là mọi tín hữu trong Giáo Hội phải dấn thân truyền giáo làm sao để vào năm 2020, số tín hữu công giáo đạt tỷ lệ 20% tổng số dân Nam Hàn, nghĩa là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay lên 10 triệu.

Có thể Giáo Hội công giáo Nam Hàn sẽ không đạt tới con số này, nhưng nội sự kiện Giáo Hội phát động phong trào rao giảng Tin Mừng từ năm 2008 chứng minh cho thấy tinh thần truyền giáo hăng say của tín hữu Nam Hàn, và mọi người đều biết rằng anh chị em giáo dân là các tác nhân chính của công cuộc truyền giáo này. Ngày lễ Phục Sinh mùng 8-4-2012 Giáo Hội Nam Hàn đã có thêm hàng chục ngàn người khác gia nhập Giáo Hội công giáo. Sự kiện này là một lời thôi thúc chúng ta đừng bao giờ bi quan đối với tương lai của Giáo Hội.

Tại Tây Âu các Giáo Hội đang trải qua cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng với sự kiện chối bỏ căn cội kitô của mình, khai trừ các biểu tượng tôn giáo, tháo gỡ Thánh Giá và tượng ảnh của Chúa khỏi các nơi công cộng, khích bác, chỉ trích, phỉ báng Giáo Hội và hàng giáo phẩm, cổ võ cho các hình thái sống đạo lệch lạc xa rời giáo lý công giáo, tranh đấu cho tự do ngừa thai, phá thai, chung sống không kết hôn, hôn nhân đồng phái vv...

Nhưng trong các Giáo Hội trẻ như Giáo Hội Nam Hàn, hoạt động của Chúa Thánh Thần trao ban cho chúng ta một tia hy vọng và niềm vui phục sinh. Hồi thập niên 1980 trong mười năm chuẩn bị lễ phong thánh cho các vị tử đạo Đại Hàn, Giáo Hội công giáo Nam Hàn đã phát động phong trào mỗi một tín hữu phải làm sao để cho một người khác theo đạo, khiến cho số tín hữu đã gia tăng gấp đôi. Với phong trào ”truyền giáo hai mươi hai mươi” lần này, số tín hữu công giáo Nam Hàn có triển vọng sẽ đạt 20% tổng số dân, từ 5 triệu tăng lên 10 triệu.

Và như thế về số tín hữu, Giáo Hội công giáo Nam Hàn sẽ qua mặt cả Giáo Hội công giáo Việt Nam, là Giáo Hội kỳ cựu hơn vì có lịch sử gần 400 năm truyền giáo; nhưng cho tới nay đã chỉ có cung cách sống đạo chiến lũy nội bộ, ít hiểu biết và chú ý tới nhiệm vụ rao truyền Tin Mừng, hầu như không có tinh thần truyền giáo, đa số các vụ theo đạo chỉ vì lý do hôn phối, có ý thức dấn thân sống đạo xác tín yếu kém, vụ hình thức bề ngoài, mà không có ảnh hưởng sâu đậm trên một môi trường xã hội băng hoại như xã hội Việt Nam hiện nay. Một trong những lý do khiến cho Giáo Hội công giáo Việt Nam không có ảnh hưởng nhiều có thể là vì đã không dám công khai can đảm mạnh mẽ lên tiếng về vận mệnh đất nước và bênh vực các quyền con người. (Avvenire 8-4-2012)