Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines
IV. Phát Triển
Ơn Chúa Thánh Thần
Nhân đức mà Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II mong ước các tín hữu luyện tập trong năm thứ hai, năm dành cho Chúa Thánh Thần, trong giai đoạn chuẩn bị năm Thánh 2000, là nhân đức Cậy Trông, là niềm hy vọng Kitô giữa những gian nan thử thách. Nơi chương 5 câu 5 của thơ Roma, Thánh Phaolô tông đồ nói ra bí quyết của nhân đức Cậy Trông, của Niềm Hy Vọng không bao giờ bỏ cuộc trong cuộc đời làm con cái Thiên Chúa Cha, là "sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn ta". Thánh Phaolô đã viết như sau:"Chúng ta sẽ không phải thất vọng (khi gặp gian truân), vì Thiên Chúa đã đổ Tình Yêu của Nguời vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Nguời ban cho chúng ta." (Roma 5,5).
Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta. Ngài ngự trong tâm hồn chúng ta. Ngài là Tình Yêu, là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài làm cho chúng ta được luôn kiên trì trong Tình Yêu, được luôn bền vững trong nhân đức Cậy Trông, trong niềm hy vọng không bao giờ lay chuyển. Nhưng sự diện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta không nên được hiểu như là một sự hiện diện ù lì nằm sẵn đó, trước sau như vậy, không thay đổi, nhưng như là một sự hiện diện sinh động, làm cho chúng ta được biến dổi mỗi ngày một trở nên tốt đẹp hơn, trưởng thành hơn.
Cũng chính Thánh Phaolô tông đồ, trong nhiều đoạn thơ của ngài, đã nhắc chúng ta về điểm nầy. Nơi thơ Roma chương 8, câu 23, Ngài nhắc đến Ơn Chúa Thánh Thần trong chúng ta như là "những hoa trái đầu tiên" của ơn cứu rỗi được trao ban cho chúng ta. Từ Hy Lạp được dùng ở đây là Ten Aparken Tou Pneumatos, được các dịch giả Kinh Thánh chuyển dịch ra bằng nhiều cách khác nhau. Nguời thì gọi là "khai ân của Thánh Thần", kẻ thì gọi là "ân huệ mở đầu", Kẻ khác nữa thì gọi là "những hoa trái đầu mùa" của Chúa Thánh Thần. Nhưng dù có dịch thế nào đi nữa, thì ý tưởng căn bản được Thánh Phaolô trình bày nơi đây là: Chúa Thánh Thần được trao ban cho chúng ta, ngài không "ngồi yên" trong tâm hồn chúng ta, nhưng tác động, làm cho chúng ta thay đổi, cho chúng ta được lớn lên trong Tình Yêu, trong sự Kiên Vững, trong niềm Cậy Trông không bao giờ lung lay. Ơn Chúa Thánh Thần được trao ban cho chúng ta khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội và sau đó Bí Tích Thêm Sức, là Ơn Ðầu Mùa, Là Khai Ân, là Hoa Trái Ðầu tiên của Sự Cứu Rỗi đã được Chúa Giêsu thực hiện cho chúng ta. Và sau khi đã lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta còn cần phải cộng tác với Ơn Chúa để phát triển đời sống Kitô của mình.
Cùng một điểm giáo lý nầy được Thánh Phaolơ tông đồ lặp lại nơi thơ 2 Corintô, chương 1 câu 22, và nơi thơ Eâphêsô chương 1, câu 13-14. Nơi hai đoạn thơ nầy, thánh Phaolô dùng một từ ngữ khác, một ý tưởng khác, những cũng diễn tả cùng một giáo lý như được trình bày nơi đoạn thơ Roma 8,23. Ðó là từ ton arrabôna, được dịch sang tiếng việt là "bảo chứng". Chúng ta đọc đoạn thơ 2 Corintô, chương 1 câu 21-22 như sau:
Thiên Chúa cũng cố chúng tôi cùng với anh em trong Chúa Kitô và đã xức dầu cho chúng ta. Chính Ngài đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thánh Thần vào lòng chúng ta làm bảo chứng.
Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên tạo vật mới, trờ nên con cái ngài. Ngài đóng ấn tín trên chúng ta, để xác nhận chúng ta thuộc về Ngài, ngài có chủ quyền trên chúng ta. Ngài ban Thánh Thần xuống trên chúng ta làm bảo chứng, bảo đảm và chứng thật rằng ơn cứu rỗi đã được trao ban cho chúng ta và rằng ơn cứu rỗi đó còn luôn tác động trong con người chúng ta, hướng chứng ta đến sự thành toàn viên mãn hơn vào lúc cuối cùng, rằng chúng ta đang được linh động bởi sức mạnh Chúa Thánh Thần, tiến đến mức độ thành toàn viên mãn, khi toàn thể con người chúng ta xác hồn đều được hưởng ơn cứu rỗi hoàn toàn.
Chúng ta sẽ làm sáng danh Thiên Chúa, nếu chúng ta sống cuộc đòi mình trên trần gian nầy luôn trong sự cộng tác với Ơn Chúa Thánh Thần, luôn gìn giữ "bảo chứng Chúa Thánh Thần", để tiến lên mãi, cho đến cùng đích cuối cùng của đời Kitô.
Chúa Thánh Thần là Hồng Ân của Thiên Chúa cho con người. Nhưng chúng ta cũng không thể sống thụ động chờ đợi Chúa Thánh Thần. Trái lại, mỗi người chúng ta cần biết đáp trả, cần chuẩn bị, cần lên tiếng cầu xin Chúa Thánh Thần. Phương tiện chính yếu để con người lãnh nhận Chúa Thánh Thần là cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ cầu nguyện. Thánh Sử Mathêu (7,11) và Thánh Sử Luca (11,13) đã ghi lại lời dạy của Chúa Giêsu với một chi tiết khác nhau, nhưng không nghịch nhau, hay mâu thuẩn với nhau, mà lại bổ túc cho nhau, giải thích cho nhau, chi tiết nầy giải thích cho chi tiết kia. Chúng ta hãy đọc lai hai đoạn văn của Mathêu và Luca.
Phúc âm theo thánh Mathêu nơi chương 7 câu 11 đã ghi như sau:
Vậy nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những điều tốt lành, phương chi Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, Người sẽ ban những điều tốt lành cho những kẻ xin Người.
Còn Phúc âm theo thánh Luca, nơi đoạn song song, chương 11, 13 có ghi lại như sau:
"Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những điều tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người."
So sánh hai câu song song trên, chúng ta KHÁM PHÁ RA MỘT CHI TIẾT ÐẦY Ý NGHĨA như sau: Nơi câu của Mathêu, thì nói là Thiên Chúa Cha ban những điều tốt lành cho những kẻ xin Người. Còn nơi câu của Luca, thì những lời "Những điều tốt lành" đã được thay thế bằng những lời: Thánh Thần. Thiên Chúa sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ tin Người.
Những điều tốt lành nơi Mathêu được hiểu bao gồm mọi điều tốt cho thể xác (cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, sức khỏe thể xác, vân vân). Những điều tốt lành nầy đến từ Thiên Chúa, được Thiên Chúa ban cho những ai cầu xin. Luca không nhắc đến những điều tốt lành Thiên Chúa ban cho nữa, mà nhắc đến "Chúa Thánh Thần" được Thiên Chúa ban cho. Tại sao như vậy? Hai câu nầy không đối nghịch nhau, nhưng giài thích cho nhau. "Những điều tốt lành" đó là Chúa Thánh Thần. Ngài là nguồn mạch mọi ơn lành. Ngài là Ơn Nguyên Thủy, chính yếu, để rồi tù Ngài mà phát xuất mọi ơn lành hồn xác khác nhau.
Chúa Giêsu Kitô đã ra lệnh cho các tông đồ ngày xưa, và cho mọi người chúng ta ngày nay, là hãy cầu nguyện luôn, để lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Các tông đồ đã thực hiện mệnh lệnh nầy, khi các ngài tụ họp chung với nhau, để cầu nguyện, cùng với Mẹ Maria, để chuẩn bị lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần ngự xuống. Có thể nói, lời cầu nguyện của các tông đồ nơi nhà tiệc ly sau khi Chúa đã lên trời, đều hướng về Chúa Thánh Thần.
Nơi chương 1, tù câu 12-14, Sách Tông Ðồ Công Vụ đã ghi lại như sau:
"Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ôliu, trở về Giêrusalem. Núi nầy ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày Sabát. Vào tới trong thành, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Các ông ấy là: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philiphê, Tôma Batolomêô, Mathêu, Giacôbê con ông Anphê, Simon thuộc nhóm quá khích, và Giuđa con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, với Mẹ Maria thân mẫu Chúa Giêsu, và các anh em Người".
Các tông đồ đã chuyên cần cầu nguyện để lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Noi gương các ngài, mỗi lần chúng ta làm việc gì, thì chúng ta cũng cầu xin Chúa Thánh Thần. Ước gì đây không phải là một việc làm của thói quen, máy móc. Chúng ta hãy ý thức và xác tín cầu nguyện Lời Kinh Chúa Thánh Thần mỗi lần chúng ta làm một việc gì đó. Chúng ta hãy ý thức về ý nghĩa hay ho của lời kinh nầy:
- Chúng tôi lạy ơn Ðức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng tôi xin Ðức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng tôi, là kẻ tin cậy Ðức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Ðức Chúa Trời trong làng chúng tôi; chúng tôi xin Ðức Chúa Trời cho Ðức Chúa Thánh Thần xuống. -- Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi.
Chúng tôi cầu cùng Ðức Chúa Trời, xưa đã cho Ðức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các thánh tông đồ, thì rày chúng tôi cũng xin Ðức Chúa Trời cho Ðức Chúa Thánh Thần xuống, an ủi dạy dỗ chúng tôi làm những việc lành. Vì công nghiệp vô cùng Ðức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng tôi. Amen.