THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (1)

“CON HƯ TẠI MẸ, CHÁU HƯ TẠI BÀ”. 
Câu tục ngữ bình dân của chúng ta đủ cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của người mẹ trong việc giáo dục con cái. Với ảnh hưởng của nền văn hóa Khổng Mạnh, hầu hết những người Việt Nam đều cho rằng người cha là người có bổn phận gánh vác trọng trách lo cho nền kinh tế gia đình, và người mẹ thường đảm trách những công việc nội trợ cũng như vấn đề chăm lo giáo dục con cái. Nhưng trong xã hội kỷ nghệ hóa ngày hôm nay, cuộc sống gia đình cũng như xã hội của con người có phần thay đổi. Trước khi bàn thảo về vấn đề giáo dục và những vấn đề khác, chúng ta cần làm sáng tỏ vai trò đặc biệt của người cha cũng như người mẹ trong gia đình.

CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI CHA 
Người cha đóng vai trò rất ư quan trọng trong đời sống gia đình. Ông là mẫu mực của một người đàn ông cần nên có trong đời sống. Vị thế của người đàn ông trong gia đình tùy thuộc vào mẫu mực văn hóa hiện hành của xã hội. Trong những nước mà ở đó người đàn ông được xem là gia chủ, người cha có nhiều quyền hành và quyền lợi. Đối với những đứa trẻ của một người cha như thế, người đàn ông được ban tặng cho nhiều sức mạnh, uy quyền, và dũng lực. Hình ảnh của người đàn ông như thế dầu đã bị bỏ đi trong nhiều gia đình Âu Mỹ nhưng vẫn còn phổ quát trong hầu hết mọi phần của thế giới hôm nay. Hình ảnh người nam thống trị được nhấn mạnh bỡi sự kiện văn hóa nầy là: người nam có vóc dáng to hơn, khỏe hơn, dũng lực hơn, cũng như có tiếng nói mạnh hơn, và người đàn bà cũng thường thích chọn một người đàn ông cao to và khỏe hơn họ. Cứ sự thường, người đàn ông cũng là người kiếm ra tiền để nuôi sống gia đình. Chính sự kiện đó mang lại cho họ có nhiều quyền lợi và làm cho họ trở thành biểu tượng của sự hữu dụng. Trong khi người cha dấn thân vào công việc ở sở hoặc thương mại, lời nói và sự phán đoán của ông là một sự khích lệ hoặc làm chán nản đối với con cái ông trong việc kính trọng công việc làm hoặc công việc thương mại của ông. Thời giờ giới hạn mà người cha dùng cho con cái mình không làm giảm bớt nhưng làm tăng sự quan trọng của mình. Con cái mong chờ đến những giờ phút đó để chúng được quay quần bên bố. Chúng sẽ đón nhận ý kiến của bố, lời chỉ dạy của bố, những gợi ý của bố một cách nghiêm chỉnh bao lâu chúng không được xếp đặt để chống lại bố bỡi người mẹ. 
Dầu những ảnh hưởng của người cha thì rõ ràng, đàn ông thường cảm thấy rằng họ không nên can thiệp vào việc giáo dục con cái. Họ coi đó là bổn phận đặc biệt của người mẹ. Sự rút lui nầy có nhiều lý do tâm lý: trước nhất, chúng ta có thể nói rằng đó là sự trọng kính chân thành đối với khả năng thực hiện bổn phận một cách thích hợp của người mẹ. Dầu những người cha thường có cảm giác không thích hợp đối với việc nuôi nấng con trẻ, họ cũng thường nghi ngờ khả năng của các bà mẹ. Sự rút lui của họ là phương cách qua đó họ để bà làm sự sai lỗi và dành cho họ có quyền đổ lỗi cho bất cứ sự trục trặc nào lên trên người mẹ. Lý do thứ hai là sợ bị khiển trách và sợ bị cho rằng không biết giáo dục. Không nhất thiết là các bà biết nhiều hơn về vấn dề giáo dục. Nhưng không thể phủ nhận rằng các bà thường có nhiều thời giờ cho con cái để chăm lo cho chúng. Đó là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đời chúng và điều đó cũng cắt nghĩa hơn là minh định sự xa cách của nhiều ông bố. Bất cứ một người cha nào biết quan tâm đến lợi ích của những đứa con mình hơn là tiếng tăm của chính mình sẽ tìm cách giúp người mẹ trong công việc khó khăn nuôi dưỡng con cái.

CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI MẸ 
Chức năng của người mẹ hầu hết vẫn còn giữ nguyên như cũ dưới những mẫu văn hóa khác nhau. Nếu sự gần gũi tự nhiên giữa mẹ và con bị trục trặc, cá nhân người mẹ có trách nhiệm. Bình thường người mẹ là người đầu tiên quan tâm và bận rộn với đứa trẻ mới sinh. Bà nuôi nó một cách cẩn thận và dành những tuần lễ đầu tiên gần gũi với đứa trẻ, thõa mãn những nhu cầu thiết yếu của nó. Bất cứ cái gì đứa trẻ làm đều quan trọng đối với bà. 
Sự huấn luyện ngay từ lúc đầu của họ, bằng trò chơi và chỉ dạy, cung cấp cho họ thái độ, cử chỉ được gọi là bản năng mẫu tử, khiến các bà gánh lấy vai trò của người mẹ. Nếu bà biết dùng những cơ hội tự nhiên và không nghịch với vai trò phụ nữ của bà, người mẹ luôn cảm thấy dễ dàng thiết lập một quan hệ thân thiết với đứa trẻ. Mọi đứa trẻ có khuynh hướng dựa vào mẹ bao lâu bà mẹ không làm trắc trở sự phát triển tự nhiên nầy. Ngay cả khi bà mẹ chỉ có thời giờ giới hạn cho đứa trẻ, bà cũng có thể giữ được sự liên hệ nầy. Thật ra, thời giờ cũng đáng kể nhưng không giá trị bằng cách thế chúng ta dùng nó. Không gì có thể can thiệp ảnh hưởng của bà nếu bà có khả năng là một người bạn tốt đối với con bà, nếu bà muốn hiểu nó, nếu bà đứng về phía bên nó như một người bạn trung thành. Đứa trẻ có cái nhìn kính trọng đối với bà mẹ nếu bà tỏ khả năng biết yêu mến nó trong mọi hoàn cảnh cho dầu trong lúc thất vọng.

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THÍCH HỢP CỦA NHỮNG BÀ MẸ 
Quan niệm và hình ảnh về người mẹ được ca tụng bỡi các thi sĩ và các nhà nghệ thuật xem ra ngược với kinh nghiệm mà các bác sĩ tâm thần và các nhà giáo dục có đối với các bà mẹ hôm nay. Trong những con số đáng sợ, chúng ta tìm thấy có rất nhiều bà mẹ là nguyên nhân của sự khốn cùng và không biết thích nghi của biết bao nhiêu đứa con trẻ. Sự thực hiện tình yêu của người mẹ dưới nền văn hóa hiện tại xem ra là một công việc đòi hỏi những đặc tính siêu việt. Tình mẹ, xa với điều được chúc phúc, được vẽ vời tô điểm trong thơ văn cổ, lại trở thành một vũ khí của sự dữ. Dưới danh nghĩa và đội lốp tình mẹ, một người đàn bà chán nản và nổi loạn, thất vọng và thù địch, có thể đòi hỏi một sự ca tụng cho cái thực ra chỉ là một sự ích kỷ, sợ hãi, và thống trị khắc khe của bà.  
Tuy nhiên, cũng thật là vô nghĩa nếu chúng ta cáo buộc các bà mẹ chúng ta vì các bà thật ra cũng chỉ là nạn nhân. Các bà ngày hôm nay đang đối diện với cuộc chiến đấu cho quyền lợi họ. Họ sợ bị xem là giới thấp kém. Họ thất vọng trong tương quan với các ông cũng như trong những kinh nghiệm hôn nhân. Họ chiến đấu để có chỗ trong văn hóa chúng ta tương xứng với tài năng và khả năng của họ. Không phải toàn thể các bà đều không trưởng thành, không vững trong vấn đề tình cảm, chưa chín chắn trong vấn đề luân lý và tinh thần, và chưa phát triển về mọi mặt nếu đem so sánh với các ông. Các bà cũng thường được miêu tả như là không có khả năng suy nghĩ trong những từ trừu tượng thật ra cũng là một sự chọn lựa trước cho chức vụ. Các bà rất nhạy cảm đối với sự hữu dụng, điều nầy có được nhờ những thế hệ trước đã phải trải qua dưới những điều kiện khắc khe giới hạn những hoạt động của họ như là một giới thấp hèn và được đòi hỏi để phục vụ cho giới đàn ông có ưu thế hơn. Như một kết quả, các bà thường có thói quen cảm được những giá trị thật và ít rơi vào những tưởng tượng nguy hiểm mà những đầu óc các ông thường hay mắc phải. Vậy thì tại sao có nhiều bà ngày hôm nay lại thất bại trong việc làm mẹ hơn là một ít thế hệ trước đây? 
Trong tương quan trục trặc giữa mẹ và con, sự sụp đổ của những tương quan con người trở thành dễ thấy. Con người ngày hôm nay ít chuẩn bị cho sự cộng tác hài hòa. Chúng ta không cần ngạc nhiên khi thấy rằng càng ngày càng ít bà được chuẩn bị cho vai trò làm mẹ là cái đòi hỏi những sở thích về xã hội phải được phát triển cách hoàn toàn. 
Một người mẹ thích thú với chính mình hơn là thích đứa trẻ không bao giờ có thể là một bà mẹ tốt. Tình yêu sâu xa và tình cảm mà một người mẹ như thế dành cho đứa trẻ, thật ra không phải là quan tâm đến lợi ích và sự phát triển của đứa trẻ mà chính là chú ý đến sự thỏa mãn riêng mình mà bà mong đợi và đòi hỏi. Một đứa trẻ có thể mang lại ý nghĩa cho một cuộc hôn nhân có liên hệ đến nhiều người, nhưng không bao giờ bị đòi hỏi phải cung cấp ý nghĩa cho đời sống một người. Nhưng điều mà một số bà thất vọng với đời sống và là cái gì xa lạ với các ông chồng thì các bà lại mong đợi vào các con. Họ muốn con họ thuộc về họ và là mục đích và ý nghĩa của đời sống trống vắng của họ. Thái độ nầy là tình yêu sao? Không phải chút nào. Đó là sự đền bù cho sự vô dụng. Đó là một sự đòi hỏi phục vụ. 
Một đàn bà như thế chưa tìm được chỗ đứng trong cộng đồng. Bà có thể tin rằng bà chỉ sống cho đứa con, nhưng thật ra đứa trẻ phải thay thế tất cả những bổn phận khác mà bà lẽ ra phải thỏa đáp. Giao tế xã hội, công việc, và giới khác phái trở thành vô nghĩa ngang qua loại tình yêu nầy. Có biết bao nhiêu bà nhìn con mình như là một sự gia tăng niềm vinh dự của họ, một tiếng chuông vang trong nấc thang tiếng tăm của họ. Một vài người cố gắng dùng con mình để lôi kéo sự chú ý và sự ngưỡng mộ mà những bà khác nhận được. Trong một vài trường hợp nghiêm trọng, đứa trẻ phải cung cấp một đối tượng cho sự thống trị. Nó phải thích hợp và thường được nuôi dưỡng để thích hợp với lối sống cá nhân của người mẹ. Nó bị gây ấn tượng với nguy hiểm của cuộc đời mà chỉ tình yêu của mẹ nó mới có thể bảo vệ được. Bằng cách thiết lập sự sợ hãi và thể hiện quyền hành dưới lý do tình cảm mà bà mẹ gọi là tình yêu, bà bắt đầu một tiến trình cưng chìu và làm hư hỏng để đưa đứa trẻ đi vào sự điều khiển hoàn toàn và làm cho nó hoàn toàn lệ thuộc vào bà. Trong sự bất an và bất tín của bà, bà muốn trở thành người duy nhất được tín nhiệm. Trong một thời gian, đứa trẻ có thể nhận thấy sự bảo vệ quá đáng nhưng vẫn có thể chấp nhận, nhưng rồi sớm muộn gì sự xung đột cũng xảy ra. Chẳng hạn, điều đó có thể khởi sự khi đứa con thứ hai được sinh ra và bà mẹ trở thành quá bận rộn với đứa bé. Đứa trẻ đầu cảm thấy không còn được sự chú ý mà trước đây bà dành cho nó. Nếu bấy giờ thảm kịch đó chưa bắt đầu, sự xung đột không thể tránh khỏi khi đứa trẻ đi học vì ở đó nó sẽ gặp những đứa trẻ cùng lứa tuổi. May mắn, hệ thống học đường hiện tại của chúng ta giúp đỡ nhiều cho những đứa trẻ được cưng chìu bằng cách làm cho chúng thích nghi vào môi trường xã hội và phát triển sự can đảm, độc lập, và cảm giác xã hội, nhưng tất cả không giải quyết sự xung khắc với bà mẹ. Bà hoặc thành công trong việc giữ nó gần gũi vời bà, bấy giờ nó không bao giờ trở thành thích hợp với nhóm, hoặc đứa trẻ có được sự tự lập, bấy giờ sự sợ hãi và thống trị của bà mẹ được biểu lộ cho thấy trong những hận thù công khai. 

Lm. Lê văn Quảng 

Tác giả:  Lm Lê Văn Quảng Psy.D.