Dưới đây là bản dịch bài Huấn Từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Lễ Vọng Phục Sinh tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 7 tháng Tư năm 2012.
Anh chị em thân mến,
Phục Sinh là lễ về cuộc tạo dựng mới. Chúa Giêsu đã sống lại và không còn chết nữa. Người đã mở cửa cho một cuộc sống mới, một cuộc sống không còn biết bệnh tật và sự chết nữa. Người đã đưa nhân loại lên để vào Chính Thiên Chúa. Như Thánh Phaolô nói trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô “xác thịt và máu huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (15:50). Về đề tài phục sinh của Đức Kitô và sự sống lại của chúng ta, văn nhân của Hội Thánh trong thế kỷ thứ ba là Tertullian đã táo bạo đủ để viết: “Hãy yên tâm, xác thịt và máu huyết, nhờ Đức Kitô các người đã đạt được chỗ của các người ở trên trời và trong Nước Thiên Chúa” (CCL II, 994). Một chiều hướng mới đã mở ra cho nhân loại. Việc tạo dựng đã trở nên lớn hơn và rộng hơn. Ngày Lễ Phục Sinh mở ra một cuộc tạo dựng mới, nhưng đó chính là lý do tại sao Hội Thánh bắt đầu phụng vụ ngày này với việc tạo dựng cũ, để chúng ta có thể học và hiểu đúng về việc tạo dựng mới. Như thế, ở đầu Phụng Vụ Lời Chúa đêm Phục Sinh là tường thuật về việc tạo dựng thế giới. Hai điều đặc biệt quan trọng ở đây liên quan đến phụng vụ này. Một đàng, việc tạo dựng được trình bày như một tổng thể bao gồm các hiện tượng thời gian. Bảy ngày là một hình ảnh của sự đầy đủ, xảy ra trong thời gian. Chúng được sắp xếp theo thứ tự hướng về ngày thứ bảy, ngày tự do của tất cả các tạo vật để dành cho Thiên Chúa và cho nhau. Cho nên việc tạo dựng hướng đến sự tụ họp của Thiên Chúa và các tạo vật của Ngài; nó hiện hữu để mở ra một không gian cho việc đáp trả vinh quang của Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ giữa tình yêu và tự do. Đằng khác, những gì Hội Thánh nghe vào đêm Phục Sinh thì vượt trên tất cả yếu tố thứ nhất của tường thuật tạo dựng: “Thiên Chúa phán, 'hãy có ánh sáng!’” (St 1:3). Tường thuật tạo dựng mở đầu cách biểu tượng với việc tạo ra ánh sáng. Mặt trời và mặt trăng chỉ được tạo ra vào ngày thứ tư. Câu chuyện tạo dựng gọi chúng là ánh sáng, được Thiên Chúa đặt trong bầu trời. Bằng cách này, Ngài cố tình lấy đi những nhân vật thần linh mà các tôn giáo lớn đã gán cho chúng. Không, chúng không phải là các thần linh. Chúng là những thiên thể chiếu sang đã được Thiên Chúa Duy Nhất tạo ra. Nhưng chúng có sau ánh sáng mà qua đó vinh quang Thiên Chúa được phản ảnh trong bản chất của các vật được tạo ra.
Câu chuyện tạo dựng đang nói gì ở đây? Ánh sáng làm cho sự sống có thể có được. Nó làm cho cuộc gặp gỡ thành có thể; làm cho việc truyền thông có thể được; làm cho sự hiểu biết và việc tiếp cận thực tế và chân lý có thể xảy ra. Và vì thế nó làm cho kiến thức thành khả thể và làm cho sự tự do và tiến bộ thành khả dĩ. Sự dữ ẩn nấp. Như thế, ánh sáng cũng là một diễn tả của sự tốt lành là điều vừa là và vừa tạo ra sự sáng. Nó là ánh sáng ban ngày, làm cho chúng ta có thể hành động. Nói rằng Thiên Chúa tạo ra ánh sáng có nghĩa là Thiên Chúa tạo ra thế giới như một không gian cho kiến thức và chân lý, như một không gian cho cuộc gặp gỡ và tự do, như một không gian cho sự tốt lành và tình yêu. Vật chất theo cơ bản là tốt, tự nó là tốt. Và điều ác không đến từ những gì Thiên Chúa làm ra, nhưng đúng hơn, nó hiện hữu qua sự từ chối. Nó là một cái “không”.
Trong lễ Phục Sinh, vào buổi sáng của ngày thứ nhất trong tuần, Thiên Chúa lại phán: “Hãy có ánh sáng”. Đêm trên núi Cây Dầu, nhật thực của Cuộc Khổ Nạn và cái Chết của Chúa Giêsu, đêm của ngôi mộ, tất cả đều đã qua đi. Giờ đây ngày thứ nhất lại bắt đầu – cuộc tạo dựng được bắt đầu lại. Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng”, “và có ánh sáng”: Chúa Giêsu trỗi dậy từ ngôi mộ. Sự sống mạnh hơn sự chết. Sự tốt lành mạnh hơn sự dữ. Tình yêu mạnh hơn thù hận. Sự thật mạnh hơn sự gian dối. Bóng tối của những ngày trước đây đã bị xua tan vào giây phút Chúa Giêsu trỗi dậy từ ngôi mộ, và Chính Người trở thành ánh sáng tinh tuyền của Thiên Chúa. Nhưng điều này không chỉ áp dụng cho Người, không chỉ cho bóng tối của những ngày ấy. Với việc phục sinh của Chúa Giêsu, chính ánh sáng lại được tái tạo. Người kéo tất cả chúng ta theo Người vào ánh sáng mới của sự sống lại và Người chinh phục tất cả mọi bóng tối. Người là ngày mới của Thiên Chúa, ngày mới cho tất cả chúng ta.
Nhưng điều này xảy ra thế nào? Làm sao để tất cả những điều này ảnh hưởng đến chúng ta ngõ hầu thay vì vẫn chỉ là lời, nó trở thành một thực thể thu hút chúng ta? Qua Bí Tích Rửa Tội và lời tuyên xưng đức tin, Chúa đã xây một cây cầu cho chúng ta, mà qua đó một ngày mới đến với chúng ta. Chúa nói với người mới được rửa tội: Fiat lux - hãy có ánh sáng. Ngày mới của Thiên Chúa, ngày của sự sống bất diệt, cũng đến với chúng ta. Đức Kitô sẽ cầm tay anh chị em. Từ giờ trở đi, anh chị em được Người nắm tay và đi với Người vào ánh sáng, vào đời sống thật sự. Vì lý do này, Hội Thánh thời sơ khai gọi Rửa Tội là photismos – sự soi sáng.
Tại sao điều này? Sau cùng, bóng tối là một mối đe dọa thật sự cho nhân loại, sự thể là nhân loại có thể thấy và điều tra những vật hữu hình, nhưng không thể nhìn thấy thế giới đang đi về đâu hoặc từ đâu mà đến, cuộc sống của chính chúng ta đang đi về đâu, điều gì là tốt và điều gì là xấu. Bóng tối đang che lấp Thiên Chúa và làm lu mờ những giá trị là mối đe dọa thật sự đối với cuộc sống chúng ta và thế giới nói chung. Nếu Thiên Chúa và các giá trị đạo đức, sự khác biệt giữa thiện và ác, vẫn còn ở trong bóng tối, thì tất cả các “ánh sáng” khác, là những ánh sáng đặt những kỳ công đáng kinh ngạc về kỹ thuật trong tầm tay của chúng ta, không những chỉ là sự tiến bộ mà cũng là những nguy hiểm tạo ra những nguy cơ cho chúng ta và thế giới. Hôm nay chúng ta có thể soi sáng các thành phố của mình cách thật sáng đến nỗi người ta không còn nhìn thấy được các ngôi sao trên bầu trời. Điều này không phải là một hình ảnh của những vấn đề gây ra bởi quan điểm về giác ngộ của chúng ta sao? Đối với vật chất, kiến thức và các thành quả kỹ thuật của chúng ta thật là vô kể, nhưng với những gì siêu việt, những gì thuộc về Thiên Chúa và câu hỏi về điều tốt lành, chúng ta không còn có thể xác định được nữa. Do đó, Đức tin, là điều tỏ cho chúng ta thấy ánh sáng của Thiên Chúa, là sự giác ngộ thật sự, cho phép ánh sáng của Thiên Chúa chiếu vào thế giới của chúng ta, mở mắt của chúng ta ra với ánh sáng thật.
Các bạn thân mến, để kết luận, tôi muốn thêm một tư tưởng nữa về ánh sáng và sự soi sáng. Trong đêmPhục Sinh, đêm của sự tạo dựng mới, Hội Thánh trình bày mầu nhiệm ánh sáng bằng cách sử dụng một biểu tượng độc đáo và rất khiêm tốn: cây nến Phục Sinh. Đây là một ánh sáng sống từ sự hy sinh. Ngọn nến tỏa sáng bởi vì nó bị đốt cháy. Nó đem lại ánh sáng, bởi vì nó hy sinh chính mình. Vì vậy, Hội Thánh trình bày cách đẹp nhất về Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, Đấng hiến Mình, và do đó, ban cho chúng ta ánh sáng tuyệt vời. Thứ đến, chúng ta nên nhớ rằng ánh sáng của ngọn nến là một ngọn lửa. Ngọn lửa là quyền năng hành thành thế giới, là sức mạnh biến đổi. Và lửa làm cho ấm áp. Ở đây cũng vậy, nó làm cho mầu nhiệm về Đức Kitô được nhìn thấy một cách mới mẻ. Đức Kitô, là ánh sáng, là lửa, là ngọn lửa, đốt cháy sự dữ và do đó tái thành hình cả thế giới lẫn chính chúng ta. “Ai sống gần Tôi là gần lửa”, như Origen tường trình rằng Chúa Giêsu đã nói. Và lửa này vừa là cả sức nóng và ánh sáng: không phải là một ánh sáng lạnh, nhưng một ánh sáng mà qua đó sự ấm áp và sự tốt lành của Thiên Chúa truyền đến chúng ta.
Bài thánh ca tuyệt vời Exsultet, mà thầy phó tế hát ở đầu phụng vụ Phục Sinh, chỉ cho chúng ta một cách khá nhẹ nhàng về một khía cạnh nữa. Nó nhắc nhở chúng ta rằng vật này, cây nến, có nguồn gốc từ công trình của các con ong. Vì vậy, toàn thể tạo vật đều đóng vai trò của mình. Trong cây nến, tạo vật trở thành một người mang ánh sáng. Nhưng trong tâm trí của các Giáo Phụ, cây nến cũng theo một nghĩa nào đó chứa đựng một nhắc nhở âm thầm về Hội Thánh. Sự hợp tác của cộng đồng sống động của các tín hữu trong Hội Thánh một cách nào đó cũng tương tự như hoạt động của những con ong. Nó xây dựng cộng đồng ánh sáng. Vì vậy, cây nến được dùng như một lời mời gọi chúng ta tham gia vào cộng đồng Hội Thánh, là cộng đồng mà lý do của sự hiện hữu của nó là làm cho ánh sáng Đức Kitô chiếu rọi trên thế gian.
Trong lúc này chúng ta hãy cầu xin Chúa để Người có ban cho chúng ta được cảm nghiệm niềm vui ánh sáng của Người; chúng ta hãy cầu nguyện để chính chúng ta có thể trở thành những người mang ánh sáng của Người, và qua Hội Thánh, dung nhan rạng ngời của Đức Kitô có thể đi vào thế giới của chúng ta (xem LG 1). Amen.