SỰ CHẾT – MỘT QUY LUẬT
Sự chết chi phối mọi loài mọi vật. Đó là quy luật tất yếu. Không ai nằm ngoài vòng thống trị của sự chết. Sức mạnh vô địch của sự chết nằm ngay trong bản chất của mọi thụ tạo vật chất để định hướng cho nó. Không ai dám nghi ngờ điều này. Một sự thật rất hiển nhiên.
Sự vận hành của vũ trụ này tuân theo một quy luật nhất định. Nhờ có yếu tố thời gian mà người ta xác định được điều ấy. Đấng Tạo Hóa đã an bài và điều khiển sự vận hành trong trời đất. Đây là một điểm giáo lý quan trọng.
Cũng nhờ có yếu tố thời gian mà người ta biết mình phải chết. Người ta sẵn sàng chấp nhận nó trong trật tự theo định mệnh. Xem ra lối suy nghĩ hàm hồ mà thực tế người ta khó chấp nhận nó, nhất là trong thời đại khoa học tiến bộ ngày nay người ta muốn kéo dài sự sống, thậm chí muốn phục hồi nó nữa! Cái khát vọng ham sống tiềm tàng trong con người từ ngàn xưa rồi. Nhưng chưa có thứ thuốc trường sinh nào được bày bán trên các hiệu thuốc trần gian này cả!
Cái khát vọng chính đáng này chẳng qua chỉ là một tham vọng ích kỷ mà thôi. Nếu chúng ta có địa vị, có của cải mà xem, mấy ai muốn chết đâu? Chả là tham vọng ích kỷ đấy sao? Một sự giành giật lấy ưu thế cho mình khiến người ta không muốn chết. Ngược lại, nhiều khi đói khổ quá người ta xin trời cho chết quách cho xong. Phải chăng cái chết muốn nói lên quy luật vận chuyển luân hồi của kiếp người mà không ai được quyền hưởng thụ trần gian này mãi. Phải bỏ lại tất cả để ra đi cho kẻ đến sau được hưởng tiếp. Qủa là phải có một sự an bài xếp bặt chứ.
Có một người đã rất đau khổ khi biết căn bệnh của mình sẽ dẫn đến sự chết nay mai, nhưng khi có một đứa con chào đời trong giai đoạn này, họ rất phấn khởi và sẵn sàng chờ chết! Bởi vì tương lai còn lại thì đã có đứa con tiếp tục. Sự lo âu xem chừng chẳng đi đến đâu nhưng có vẻ hợp lý. Nó muốn diễn tả những cái thuộc về sở hữu là những cái có mang bộ mặt ích kỷ, là những cái khó dứt bỏ. Đối với thân xác con người cũng thế thôi. Chính vì vậy nếu không có một quy luật rõ rệt cho nó thì nào ai muốn chết, nào ai muốn bỏ mọi sự mình có cho ai khác. Đây mới là điểm son của vấn đề. Nhưng là thực tại cũ rích.
Vượt lên trên nỗi khắc khoải lo âu về thân phận mình, con người dường như muốn thoát ra khỏi vòng kiềm chế của quy luật đào thải. Thế nhưng họ lại bị đụng chạm phải một sức mạnh quá lớn chụp xuống thân phận mình, một sức mạnh vô hình làm đảo lộn tất cả. Bên cạnh đó, nếu không kể hậu quả của tội lỗi, thì bản thân một thụ tạo vật chất có một tuổi thọ nhất định và trên phương diện khoa học người ta xác định được khi nào thì nó bị thay đổi hoặc tan rã. Phải chăng là một quy luật thông thường tồn tại trong thời gian, nhưng không phải là quy luật ngẫu nhiên. Giới hạn của thân phận người do một quy luật chi phối nói lên tính hữu hạn và là hữu hạn rất ngắn nữa của con người chúng ta. Còn cái vô hạn và vĩnh cửu ở đâu? Chính là cái đang chi phối tất cả và làm nên tất cả.
Thường chúng ta dễ cảm nghiệm được cái hữu hạn vì mình thấy được sự chấm dứt của nó. Còn cảm nghiệm được cái vô hạn và vĩnh cửu quả là khó khăn hơn nhiều . Nhưng cómột điều giúp ta có được sự liên tưởng và suy tư là : tất cả mọi sự trên đời này đều có biên giới.
(Chúng ta không có điều kiện để nói chi tiết về vấn đề này). Riêng sự chết vạch ra một ranh giới rõ rệt. Ranh giới giữa sự sống và sự chết, ranh giới giữa hữu hạn và vô hạn, giữa hữu hình và vô hình, giữa di dịch và bất di dịch …. Tất cả vẫn hàm chứa một bí ẩn đằng sau sự chết. Tất cả nằm trong một quy luật tổng thể do Thiên Chúa xếp đặt. Đó đây trong vũ trụ này chỉ bàng bạc chứ không hiển thị minh nhiên điều chúng ta so sánh. Vì vậy khi nói sự chết phải xảy ra theo quy luật nghĩa là trong nội dung của cái chết muốn diễn tả một điều bí ẩn, điều thắc mắc của con người về những ranh giới trên. Trong khuôn khổ của một thụ tạo chúng ta vẫn được quyền liên tưởng, mơ ước những điều cao siêu vượt sức mình nhưng thực tế đã không bao giờ thực hiện được, đấy cũng là ý nghĩa của sự chết muốn dạy người ta một quy luật muôn thuở về thân phận mình là kẻ bị chi phối.
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn