Những vị Giáo Hoàng Giả

Những vị Giáo Hoàng Giả
(hay Ngụy Giáo Hoàng, antipope)
trong Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Trong lịch sử Giáo hội Công giáo, đã từng có một số người tự nhận hay hành xử quyền Giáo Hoàng một cách không hợp pháp. Người Công giáo gọi họ là Giáo Hoàng giả (antipope, hay ngụy Giáo Hoàng). Tờ Annuario Pontificio của Tòa Thánh ghi lại có 37 Giáo Hoàng giả:
Giáo Hoàng giả đầu tiên: Giáo Hoàng giả đầu tiên là linh mục Hippolitô, Ngài quá nhiệt thành với phụng vụ. Khi đó phụng vụ đều đọc các bài sách thánh trong ngôn ngữ Hy lạp, nên giáo dân Roma không hiểu gì mấy. Ðức Giáo Hoàng Callistô muốn dân chúng hiểu Phụng vụ, nên ủng hộ việc đọc bằng tiếng Latinh ít là cho dân Roma. Hippolitô phản đối việc đó và tách khỏi Giáo hội khoảng năm 223. Năm 235, cả Giáo hoàng thật (thánh Pontianô) và giả cùng bị vua Roma bắt lưu đày ở Sardina và đã làm hòa, cùng chịu tử đạo và làm thánh.
Trong số các vị còn lại, rải rắc từ thế kỷ III cho đến đầu thế kỷ XV, có vị rút lui trong một ngày, có vị một tháng, có vị lâu dài. Ða số vì hiểu lầm, nhưng ảnh hưởng chính trị và hoàn cảnh của thời xưa (đế quốc và phong kiến) cũng đóng một vai trò quan trọng.
Tòa Thánh di về Avignon: Xảy ra biến cố nhiều các vị Giáo Hoàng giả là vào thời "Ðại ly giáo Tây phương 1378-1417" (Great Western Schism). Cuộc ly giáo xảy ra sau những xáo trộn trong việc dời giáo đô về Avignon. Tòa Thánh di về Avignon từ năm 1309 đến 1376. Khởi đầu là việc các vị Hồng Y bầu chọn Ðức Tổng Giám Mục thành Bordeaux là Bertrand Got làm Giáo Hoàng, hiệu Clementê V (1305-1314). Tại Ý và tại Roma đã có nhiều cuộc chiến tranh muốn kiểm soát quyền lực Giáo Hoàng, và đã có một vài vị Giáo Hoàng phải rời khỏi giáo đô. Ðức Giáo Hoàng Clementê V vì là người Pháp, nên thấy gần gũi với Pháp quốc hơn, đã quyết định dời hẳn giáo đô về Avignon vào năm 1309. Các vị Giáo Hoàng trong thời này là người Pháp. Nhưng khởi đầu cho các biến cố đau thương của Giáo hội, là khi Ðức Giáo Hoàng Clementê V qua đời năm 1314, thì Tòa Thánh trống ngôi 2 năm vì các Hồng Y đã không đồng ý với nhau trong việc bầu cử vị tân Giáo Hoàng. Ðến năm 1316 tại một tu viện dòng Ða Minh ở Lyon, Ðức Hồng Y Jean d'Eusee Cadurco đắc cử và lên ngôi Giáo Hoàng, hiệu là Gioan XXII (1316-1334). Sau Ðức Giáo Hoàng Gioan XXII là Ðức Benedictô XII (1335-1342); sau Ðức Benedictô XII là Ðức Clementê VI (1342-1352); sau Ðức Clementê VI là Ðức Innocentê VI (1352-1362). Sau Ðức Innocentê VI là chân phước Urbanô V (1362-1370). Chân phước Urbanô V có lần đã về lại Roma, nhưng khi dân chúng thấy ngài chỉ định nhiều tân Hồng Y người Pháp hơn là Ý nên nổi loạn chống đối, ngài lại về Avignon. Sau chân phước Urbanô V là Ðức Gregori XI (1370-1378) và cũng là vị cuối cùng ở Avignon. Ngài muốn trở về Roma dù cho các Hồng Y ngăn cản. Tuy nhiên thánh nữ Catarina de Siena đã đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục ngài trở về giáo đô năm 1376. Ðến năm 1378 thì ngài qua đời và sau đó khởi sự cho thời tang tóc.
Thời "Ðại ly giáo Tây phương 1378-1417" (Great Western Schism):
Ở Roma: Sau khi Ðức Gregori XI (là vị Giáo Hoàng người Pháp) qua đời, dân ở Roma muốn bầu một vị người Roma hoặc ít nhất là người Ý. Chúng ta không nên lầm tưởng rằng người Ý và người Roma là một. Ðó là hai nước khác nhau, có những quyền lợi và bổn phận khác nhau. Dân chúng Roma mang khí giới tụ họp ở quảng trường biểu tình gây áp lực với các Hồng Y đang có mặt. Họ hô hoán suốt ngày đêm đòi một Giáo Hoàng người Roma hay ít là người Ý. Hồng Y đoàn gồm 23 vị họp trong đồn Thiên Thần có binh lính người Anh giữ an ninh để bầu Giáo Hoàng mới, nhưng 7 vị vằng mặt. Số còn lại thì 11 vị là người Phap. Sau nhiều bế tắc, các vị Hồng Y đã chọn Ðức Tổng Giám Mục Bari, ở ngoài Hồng Y đoàn, là Bartolomêô Prignano, người Ý lên ngôi Giáo Hoàng. Lịch sử kể lại rằng, bầu cử xong, các vị Hồng Y bỏ trốn hết vì sợ dân chúng không hài lòng sẽ làm loạn. Ngài lên ngôi lấy tước hiệu là Urban VI (1378-1389). Kế vị Urban VI là Bonifacio IX (1389-1404). Kế vị Bonifacio IX là Innocentê VII (1404-1406). Kế vị Innocentê VII là Gregory XII (1406-1415).
Ở Avignon: Tuy nhiên vì quá thẳng tính, Ðức Urban VI (1378-1406) ở Roma làm mất lòng rất nhiều các Hồng Y, nhất là các Hồng Y người Âu Châu. Khi các Hồng Y cảm thấy bất mãn với thái độ cứng cỏi của Ðức Urban VI, các Hồng Y nước Pháp nhớ lại biến cố bầu Giáo Hoàng và nghi ngờ bối rối, rồi cho là bất hợp pháp vì bầu cử thiếu tự do dưới võ lực. Các Hồng Y nước Ý cũng đồng ý như thế. Do đó, nhân tiện Vua Pháp đề nghị bầu vị Giáo Hoàng khác, các vị Hồng Y đã họp tại Avignon và các ngài chọn một người Pháp làm Giáo Hoàng mới hiệu là Clementê VII (1378-1394). Cuộc ly giáo bắt đầu. Từ đó, ở Pháp, Kế vị Clementê VII là Benedictô XIII (1394-1423).
Ðại Công Ðồng Truất Phế Hai Giáo Hoàng: Ðau đớn vì Giáo Hội bị chia rẽ. Năm 1407, Vua nước Pháp là Charles VI đề nghị cả hai vị Giáo Hoàng trên đến họp tại Savona để tìm giải pháp. Benedicto XIII đến, còn Gregory XII thì không đến. Các vua Âu Châu (Pháp, Anh, Bồ Ðào Nha, Bohemia, Ðức, Ý) và các Hồng Y bèn họp Ðại Công Ðồng truất phế cả hai. Chủ thuyết "Ðại Công Ðồng trên Giáo Hoàng" phát sinh từ đây. Các Hồng Y bầu tu sĩ Pietro Philarghi dòng Phanxicô làm Giáo Hoàng mới hiệu là Alexandrô V (1409-1410). Kế vị Alexandrô V là Balthasar Cossa hiệu là Gioan XXIII (1410-1415). Tình trạng càng tệ hơn (vì cùng lúc đã có ba Giáo Hoàng). Khi Ðức Gregory XII phải bỏ Roma vì chiến tranh thì Roma thuộc về quyền lãnh đạo của Ðức Alexandrô V. Khi Ðức Alexandrô V từ trần thì Ðức Gioan XXIII lên kế vị. Năm 1413 ngài cũng phải bỏ Roma cho vua Ladislas người thành Angers chiếm đóng. Vua Ladislas bị vua Louis II của Pháp đánh bại. Còn Ðức Gioan XXIII phải nhờ vả đến hoàng đế xứ La Ðức là Sigismund bảo vệ.
Công Ðồng Constancia Kỳ Lạ Truất Phế Ba Giáo Hoàng: Cuộc ly giáo kết thúc nhờ Công Ðồng Constancia kỳ lạ (1413). Hoàng đế Sigismund đề nghị Ðức Gioan XXIII (1410-1415) triệu tập Công Ðồng Constancia (1413), rồi mời luôn hai vị Gregory XII (1406-1415) và Beneditô XIII (1394-1423) đến, nhưng hai vị này không tới. Riêng Ðức Gregory XII thì cho biết sẽ từ chức nếu hai vị kia cũng làm như vậy. Tuy Ðức Gioan XXIII hy vọng là mình sẽ được chọn làm Giáo Hoàng nhưng khi thấy cả ba vị đều được yêu cầu từ chức thì bỏ trốn. Tuy nhiên Công Ðồng vẫn tiếp tục. Công Ðồng thấy vậy truất chức Ðức Gioan XXIII. Chủ thuyết "quyền tối thượng thuộc về Công Ðồng" xuất hiện từ đó. Sau đó Ðức Gregory XII cử Ðức Hồng Y Giovanni Domenici đại diện, tuyên bố thoái vị. Ðức Benedictô XIII vẫn không chịu từ chức, nhưng không được vua nào kể cả vua Tây Ban Nha. Ngài bị Công Ðồng cách chức. Như vậy 1 vị từ chức, và 2 vị bị cách chức. Ngày 11 tháng 11 năm 1417 cử tri đoàn gồm cả Hồng Y và 30 Giám Mục thuộc các nước Pháp, Anh, Ðức, Ý và Tây Ban Nha, mỗi nước 5 vị, bầu Ðức Hồng Y Otto Colonna, người Roma lên ngôi Giáo Hoàng mới, tước hiệu Martin V (1417-1431).

Lm. Ðào Quang Chính, OP