Ăn Ở Ra Làm Sao
Một cô ả kén chồng, cùng lúc có hai nơi đến hỏi, một anh ở xóm trên, nhà giàu nhưng lại lùn tịt, mặt mày xấu xí, một anh ở xóm dưới nhà nghèo nhưng lại được cái đẹp mã. Thấy cô còn lưỡng lự, bà mẹ mới nói:
- Lớn tuổi rồi phải lấy chồng đi thôi, mày cứ chần chừ vậy e lỡ hội hết đấy. Căn bản ở con, con ưng đám nào, mẹ gả đám đó.
Cô ả đáp:
- Con ưng cả hai!
Bà mẹ trố mắt ngạc nhiên, nhìn cô không hiểu và hỏi:
- Như vậy con ăn ở ra sao?
Cô ta trả lời tỉnh rụi:
- Con đã tính rồi mẹ à! Ban ngày con ở xóm trên, ban đêm con ở xóm dưới.
|
|
Tôi Không Có Nói
Có anh chàng mở mồm, mở miệng là cứ phát ra những điều gở. Một hôm đi ăn tân gia, vừa đến nơi, anh ta đã đấm cửa thùng thùng hỏi:
- Trong nhà chết cả hay sao mà không ai ra mở cửa đón khách?
Chủ nhà vội vàng ra mở cửa, trách:
- Tôi xây nhà gần năm sáu chục cây vàng, chưa kịp ăn mừng, sao anh nói năng bậy bạ vậy?
Anh ta đáp:
- Bác nói sao? Nhà này mà những ngần ấy vàng cơ à? Bán cho tôi mười cây chắc gì tôi mua!
Chủ nhà mắng:
- Đồ bất hảo! Nhà làm để cho con cho cháu chứ có bán đâu mà anh cho mắc, chê rẻ.
Anh ta lại nói:
- Bác bán quách đi cho xong, để lâu nó mà sập xuống thì con cháu bác chết hết.
Chủ nhà giận quá nên vừa chửi vừa đóng cửa đuổi đi. Trên đường về nhà, anh ta gặp lại bạn cũ đang đi tới nhà quan huyện để ăn mừng ngài mới sanh được cậu ấm. Anh ta năn nỉ bạn cho đi theo nhà quan ăn tiệc:
- Anh hay nói gở lắm, tôi không dám để anh đi theo đâu, nhỡ có chuyện gì, rắc rối cho tôi lắm.
Anh thề sống thề chết là chỉ ngồi uống rượu thôi không mở mồm mở miệng cho đến lúc tan cuộc. Bạn cầm lòng không nổi nên đành để anh ta đi theo. Quả đúng như vậy, suốt buổi tiệc mặc cho mọi người cười đùa, chúc tụng ầm ĩ anh ta vẫn cứ ngồi tì tì đánh chén, không hé răng một lời. Tiệc tan mọi người vui vẻ ra về, anh ta đứng dậy đến gần quan mà nói:
- Từ nãy giờ tôi không nói một lời nào đấy nhé, nếu mai đây cậu ấm trúng gió mà chết thì đừng có đổ thừa cho tôi.
|
|
Mắc Quá
Cha con anh hà tiện cùng nhau đi chợ. Họ dạo khắp hàng này sang hàng khác từ sáng đến trưa mà chẳng mua được gì. Hai cha con quay trở về nhà, đi qua một chuyến đò ngang, họ sợ tốn tiền nên cởi quần áo lội qua sông, chứ không chịu lên đò. Người con khỏe đeo túi tiền lội trước, người cha lội sau. Khi người con lên tới bờ ngoái nhìn lại thì thấy cha lóp ngóp giữa sông. Vì tuổi già sức yếu nên người cha không thể tới bờ được, cứ trồi lên hụp xuống giữa dòng. Người con kêu la ầm ĩ:
- Cứu cha tôi với! Cứu cha tôi với! Ai cứu cha tôi, tôi thưởng bốn quan tiền!
Người cha lặn hụp uống nước đầy bụng khi ngoi lên nghe nói thưởng bốn quan, mới ráng sức bình sinh thốt lên:
- Hai quan thôi...bốn..b..ốn quan mắc lắm, thà chết còn hơn...
Nói chưa dứt câu thì dòng nước đã cuốn ông đi mất.
|
|
Bản Chất
Một người hà tiện khi xuống âm phủ, Diêm Vương mắng:
- Mày ở trên trần chỉ bo bo giữ của không biết đỡ đần thương yêu người nghèo khó. Tôi mày phải luộc qua vạc dầu.
Lúc quỷ sứ đưa hắn đến vạc dầu để thi hành án, hắn hớt hải nói:
- Ôi! Sao nhiều dầu quá xá vậy, lãng phí quá chừng. Các ngươi hãy bán dầu ấy cho tôi, rồi ném tôi vào vạc nước sôi cũng được.
Vắt Cổ Chày Ra Nước
Chủ nhà sai đầy tớ về quê ngoại lo công chuyện, người đầy tớ xin chủ mấy đồng tiền để uống nước dọc đường. Ngẫm nghĩ một lúc chủ nói:
- Thằng này đến là ngớ ngẩn, hai bên đường đi thiếu gì là ruộng ao, có khát thì xuống ruộng mà uống tha hồ, vào quán xá làm quái gì cho phiền phức tiền nong.
Đầy tớ thành thực bẩm:
- Độ rày hạn quá ruộng đâu có nước nữa.
Suy nghĩ một lúc, chủ nhà nói :
- Để tao cho mượn cái khố vải vận vào người mặc thấm mồ hôi khi khát vắt ra uống.
Người đầy tớ hóm hỉnh nói:
- Trời nóng vận khố tải nóng lắm, hay ông cho tôi mượn cái chày giã cua vậy.
- Để làm gì?
Chủ nhà ngạc nhiên hỏi.
Đầy tớ thủng thẳng trả lời:
- Ông chưa biết đấy thôi chứ vắt cổ chày cũng ra nước đấy ạ!
|
|
Dốt Hay Nói Chữ
Thầy đồ hay chữ, rủi phải bà vợ hư quá nên buộc phải dùng roi để dạy. Lúc đánh vợ ông nói:
- Sự bất đắc dĩ mới đánh mình, chứ tôi cũng hiểu rằng: "Giáo đa thành oán".
Có anh dốt nghe được cũng về bắt chước đánh vợ, vừa đánh vừa nói:
- Sự mất bát đĩa tao mới đánh mày, chứ mày cũng biết, gáo tra dài cán.
Bị Xỏ
Hai anh chàng rủ nhau vào quán đánh chén, một anh nhìn đĩa thịt hỏi:
- Thịt này là thịt giống gì?
Một anh hay chữ liền nói:
- Rõ thật "thực bất tri kỷ vị".
Anh thứ ba nghe vậy ghé vào tai anh thứ nhất bảo:
- Nó nói xỏ anh đấy!
Anh thứ nhất tưởng thật chỉ tay vào mặt anh hay chữ bảo:
- À, à, anh khinh tôi hả? Anh "Thực bất tri kỳ vị" tôi, xem thường tôi không biết gì hả? tôi nói cho anh hay tôi cóc sợ anh đâu! Tôi nói cho anh biết là ... là...tôi cũng "thực bất tri kỳvị" cao tằng cố tổ của anh!
Anh hay chữ:
- ??!!
|
|
Tướng Công Tốt Bụng
Anh học trò nọ vì nghèo quá phải đi theo cánh thợ mộc làm nhà cho tướng công phụ việc kiếm tiền. Chủ thợ sai anh đến nhà tướng công nhận gạo về nấu cơm. Thấy anh chàng mặt khôi ngô tuấn tú, ăn mặc lại rách rưới, tướng công hỏi:
- Cũng đi làm thợ như người ta, sao áo quần rách quá vậy?
Anh học trò thưa:
- Dạ bẩm tướng công, con là học trò, bữa nay hết gạo không kiếm đâu ra nên đánh liều xin bác thợ theo làm việc vặt ở đây.
Nghe nói học trò, tướng công chỉ vào con ngựa trắng cột ở trước bảo:
- Nếu là học trò, anh hãy làm một bài thơ về con ngựa đó, được ta sẽ thưởng.
Suy nghĩ trong giây lát, anh học trò đọc:
Bạch mã mao như tuyết, Tứ túc cương như thiết. Tướng công kỵ bạch mã, Bạch mã tẩu như phi.
Tướng công nghe xong lấy làm đắc ý bèn thưởng cho anh học trò thúng gạo và vài quan tiền. Anh ta từ tạ ra về và thuật lại đầu đuôi cho đám thợ nghe. Trong đám có người tham mới nài nỉ anh đọc lại cho học thuộc bài thơ ấy. Sáng ngày mai đến nhận gạo anh ta xin đi thay anh học trò và cũng không không quên mượn bộ đồ rách rưới của anh. Cũng như lần trước, tướng công lại hỏi và cuộc hỏi đáp diễn ra giống y như vậy. Nhìn thấy bà lão tóc bạc đang quét sân , tướng công nói:
- Anh ta liền đọc:
Bà lão mao như tuyết, Tứ túc cương như thiết.
Nghe hai câu trên, tướng công biết ngay hắn là một thằng xạo nhưng cũng cứ hỏi thâm:
- Tại sao bà lão lại có tứ túc?
Anh ta vội thưa:
- Vì bà lão quét sân, mình cúi xuống, cũng không khác gì tứ túc vậy.
Tướng công phì cười và nói:
- Được, anh đọc tiếp đi.
Anh ta đọc tiếp:
Tướng công kỵ bà lão, Bà lão tẩu như phi.
Anh chàng vừa dứt lời, tướng công nổi giận, sai lính bắt nọc đánh cho một trận thừa sống thiếu chết để chừa cái thói dối trá tham lam.
|
|
Biết Chữ Thì Mua Làm Gì?
Một chàng mù chữ thường thấy ông bà già mang kính coi sách. Nghĩ thầm trong bụng chắc nhờ cái của quý ấy mà người ta đọc được chữ. Nhân buổi chợ anh ta đến hiệu kính để mua. Anh ta đeo kính vào cầm sách coi lui coi tới một hồi rồi lắc đầu bảo: "Kính không tốt". Chủ tiệm tìm một cái kính tốt nhất đưa cho anh ta. Chàng mù chữ lại đeo kính vào cầm ngược cuốn sách coi lui coi tới một hồi lâu, lắc đầu nói:
- Hay là ông không biết chữ nên đọc không được?
Anh ta mới nổi khùng:
- Khéo thật cái quán này! Phải tôi biết chữ thì tôi còn mua kính làm cái quái gì.
|
|
Đặt Lờ Trên Cây
Có một anh chàng khờ nghèo khổ, không biết tính toán làm ăn. Một hôm than thở nhỏ to với vợ:
- Tui vụng về quá, làm khổ mình nhiều, là đàn ông sức vóc có thừa, ngặt một nỗi không có nghề ngỗng gì để làm thêm.
Nghe chồng nói vậy chị vợ cũng mát lòng nói:
- Thôi để tôi chỉ cách cho mình, mình mua mấy cái lờ về đặt, đặng kiếm thêm tôm cá mà ăn. Anh chồng khờ nói:
- Vậy đặt lờ ở đâu mới kiếm được tôm cá?
Chị vợ:
- Có khó gì đâu, mình coi chỗ nào nhiều cứt cò thì đem lờ tới đó mà đặt, ắt sẽ có thôi.
Sáng hôm sau, anh ta lăng xăng xách tiền đi chợ mua lờ, vác rựa đi tìm chỗ. Thấy trên cây bần đầy những cứt cò trắng, anh chàng mừng quá về vác lờ đem đến leo lên đặt trên ngọn cây.
|
|
Giấu Cày
Một lão nông dân đang cày ruộng, tới buổi vợ kêu vào ăn cơm, lão la lớn rằng:
- Khoan đã, từ từ để tôi giấu cái cày vào bụi này cái đã.
Vợ lão nhắc:
- Giấu cày ông phải làm thinh, cứ nói oang oang như vậy kẻ xấu bụng nghe được nó ăn cắp chứ còn gì. Từ rày về sau nhớ đừng nói lớn như vậy nữa nhé!
Về ăn cơm trở ra, tìm không thấy chiếc cày đâu nữa. Lão lật đật chạy về, ghé miệng vô lỗ tai vợ nói thầm:
- Mình ơi! Chúng nó ăn cắp cái cày rồi!
Lời Cha Dặn
Ở một làng nọ, có một người con xưa nay vốn vâng lời cha mẹ. Nhưng mọi người lấy làm lạ, sau khi người cha mất, người con ấy sinh ra nghiện ngập, uống rượu, đánh bạc, thậm chí ăn trộm nữa. Hỏi tại sao lại đổ đốn ra như vậy, anh ta buồn rầu trả lời:
Trước lúc nhắm mắt cha tôi có dặn: "Đừng uống chè. Uống rượu con nhé! Đừng ăn cắp. Ăn trộm con nhé! Đừng đánh cờ. Đánh bạc con nhé!".
Thì ra lúc tắc hơi, lời trăn trối của người cha bị đứt quãng, làm người con hiểu ý nghĩa theo sự ngắt hơi ấy. Vốn lời dặn là "Đừng uống chè, uống rượu con nhé! Đừng ăn cắp, ăn trộm con nhé! Đừng đánh cờ, đánh bạc con nhé!"
Nước Mắm Hâm
Một anh chàng nọ nổi tiếng sợ vợ và ngu đến hết chỗ nói. Bởi thế suốt đời bị vợ bắt nạt mà không làm sao được. Một lần có bạn cũ ở xa đến thăm, anh ta năn nỉ với vợ:
- Hôm nay tôi có khách vậy mẹ mày để tôi làm chồng một bữa. bao giờ có mặt khách đến thì mẹ mày để tôi cự nự la lối gì thì la, chớ không bạn tôi nó bảo bà bắt nạt chồng thì nhục cả họ.
Chị vợ thấy chồng nói như vậy cũng ưng thuận để đẹp mặt cả đôi và được tiếng với anh em. Anh ta được toại nguyện nên tự tung tự tác quát nạt om sòm, chị vợ không hé răng đến một lời. Bạn bè thấy thế thán phục lắm, đến bữa ăn, cơm được dọn lên một cách đàng hoàng, ngon lành và đầy đủ. Tuy thế anh ta vẫn quát:
- Tô canh này hơi mặn đấy mẹ nó ơi! Giời ơi! Món xào gì mà lại thế này? Thịt với chả cá, sao lại nấu cái kiểu gì thế này! Rõ khổ!
Nghe chồng chê bai đủ điều chị vợ vẫn im lặng như hến, vui vẻ lễ phép với chồng. Được nước anh ta như chim sổ lồng quên cả phận mình, không ngừng lên mặt quát tháo. Ngó đi ngó lại, không có gì để chê nữa, thấy vợ bưng chén nước mắm lên, anh ta đón lấy rồi quát:
- Này mẹ nó, làm ăn kiểu gì vậy, chén nước mắm này sao lại không hâm lên?
Nghe nói vậy, mọi người bò lăn ra cười. Chị vợ mắc cỡ không chịu được cái ngốc của chồng mới sấn lại, túm lấy tóc anh ta tẩn cho một trận.
|
|
Không Phải Thịt Lợn Sề
Ông hàng thịt làm thịt lợn sề bán. Nhà có đứa con tính hay bép xép, ông phải dặn nó trước:
- Mày đừng nói là thịt lợn sề đấy nhé!
Một lát có người đến mua thịt. Đứa con mau miệng nói trước:
- Đây không phải là thịt lợn sề đâu!
Người mua sinh nghi, xem kỹ đúng là thịt lợn sề không mua nữa. Ông hàng thịt tức quá mắng con:
- Ai bảo mày nói thế để người ta sinh nghi!
Một lát sau có một người đến mua thịt rồi hỏi:
- Sao bì nó dày thế này! Hay là thịt lợn sề?
Ông hàng thịt chưa kịp trả lời, thằng con đã hấp tấp bảo bố:
- Đấy nhé người ta bảo trước chứ không phải con đâu nhé!
|
|
Trứng Vịt Muối
Hai anh em nhà nọ vào quán ăn cơm, nhà quán dọn cơm trứng vịt muối lên cho ăn, người em hỏi người anh:
- Cũng là trứng vịt sao quả này đắng thế nhỉ?
Người anh bảo:
- Chú nói thế người ta cười cho đấy! Quả trứng vịt muối mà cũng không biết.
Người em hỏi lại:
- Thế trứng vịt muối ở đâu ra?
Ngưới anh làm vẻ thông thạo bảo:
- Chú mày sao ngốc thế! Có thế mà cũng không biết. Con vịt muối nó đẻ trứng vịt muối chứ còn ở đâu ra nữa!
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|